Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, December 22, 2013

Nhất y nhì dược

Với những người sinh khoảng trong tầm 196x khi đi thi đại học thịnh câu đó: “Nhất y nhì dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua (hay “bét ra” gì đó) sư phạm”. Nhưng với các thế hệ trước đó, thời không phải thi đại học, thì tình hình có khác.

Gia đình mình có vấn đề về lý lịch, nên không ai được đi học đại học cả: mẹ, dì, cậu… thời đó người ta xét lý lịch mà cho đi học, nên như nhà mình chỉ đi cao nhất là cao đẳng, và các ngành “mũi nhọn” như công an, ngoại giao, điện tử… thì đừng có mà hòng. Người ta “tống” vào sư phạm.

Xin đừng cho rằng mình chê “thành phần công nông”, nhưng hồi đó các cán bộ có tuổi, xuất thân “cơ bản” như thế, thì mới có được lý lịch đủ tiêu chuẩn chứ. Đâm ra đi sư phạm, toàn là tiểu tư sản thành phố cả, toàn học sinh “học được” từ phổ thông cả. Lứa những thày cô giáo mà bây giờ tầm từ 60 đến dưới 70 tuổi, chất lượng rất tốt là như thế, ngoài sức học, còn là những người có gốc giáo dục cũ, rất ổn cả về tư cách.

Cái chuyện “Nhất y nhì dược” đó nó lan tiếp đến các thế hệ sau này phải đi thi đại học. Và thế là chẳng ai thi vào sư phạm cả, cứ nhăm nhăm các trường Y trường Dược, rồi Bách Khoa (thế hệ cuối 1960). Đến thế hệ 1970, các trường “hót” là Kinh tế, rồi Luật… vẫn không có sư phạm. Sư phạm là điểm chuẩn thấp nhất thành phố thời đó. Khi đó ra trường, thì sư phạm là kém được ưu đãi nhất: khó xin việc, có việc toàn đi vùng sâu vùng xa…

Xin các cô giáo thày giáo cùng thế hệ đừng chạnh lòng, nhưng hồi đó, nhiều bạn học vừa vừa thôi, chọn sư phạm để “đảm bảo đỗ đại học”.

Chê đi thì cũng phải chê lại… gần đây ưu đãi của Nhà nước với ngành giáo dục nó cũng đã hơn rất nhiều. Và sự quan tâm của xã hội đối với học hành của con cái, cũng đã được nâng lên một tầm cao khác hẳn. Mình viết “sự quan tâm của xã hội đối với học hành của con cái” mà không viết “sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục”, là có ý của nó.

Sự quan tâm của các đấng bố mẹ với học hành của con cái ngày nay mang tính hoang dã nhiều hơn là có tính cộng đồng, tính xã hội. Người ta lợi dụng sự méo mó của nền giáo dục nước nhà để đút lót chạy trường cho con. Người ta dẫm đạp lên nhau, dẩy đổ cổng trường để kiếm hồ sơ nhập học cho con.

Người có thu nhập tốt, người ta không cần, vì người ta cho con đi học trường quốc tế, trường dân lập “4 sao”, “5 sao”. Những người đang trèo cổng kia, là những người có thu nhập trung bình, vẫn muốn cho con được học trường tốt, nhưng chi phí cho cái sự học của con, nó cũng phải phù hợp với cái thu nhập của gia đình. Âu cũng là cái lẽ dễ thông cảm.

Ai cũng biết lỗi do ai dẫn đến tình trạng đó. Ta tạm dừng ở đây đã, nói chuyện “bảo mẫu hành hạ trẻ”.

Con vàng con bạc

Dư luận lên án khiếp quá. “Phải tay mình mình xé xác bảo mẫu luôn!”. Nghe mà khiếp.

Thôi thì xé xác cô “nuôi dạy hổ” cũng được. Xé xong thì chuẩn bị tinh thần mẹ cô ấy đến xé lại. Gớm, cứ thích gào lên là gào được đâu. Vấn đề là chúng ta đang sống trong một môi trường như thế nào ấy chứ.

Một, Tây cũng có đầy chuyện, cô giáo ngủ với học sinh nam ở đâu đó bên xứ Ănglê. Thày giáo lạm dụng tình dục học sinh. Đâu phải chỉ xứ ta có đâu!

Hồi bé, ngày 20 tháng 11 “Hiến cam các nhà giáo”, cả lũ kéo nhau đến nhà cô, mua được một cái cây dừa làm bằng phim cũ, hôm sau cô đến mắng té tát: “Cô từng này tuổi rồi còn chơi cây dừa bằng phim à? Như các bạn Liên, Hương kia có phải thiết thực không, mua cho cô cái nón!” Về nhà kể lại, mẹ mình cũng cô giáo, thở dài: “Chúng nó có yêu quý mình, chúng nó mới đến, quà cáp có gì là ghê gớm đâu…”

Tây cũng đầy chuyện… nhưng ta thì quá nhiều chuyện. Và như thế là hết chuyện nọ đến chuyện kia, hết y tế đến giáo dục, hết công an đến hải quan kiểm lâm… đụng đâu chết đấy. Hôm nọ ngồi nói chuyện với anh em, cũng chợt thốt lên: “Dân mình cũng hiền thật, chứ như dân Hồi Giáo, một xã hội bất ổn, nhiễu nhương đến thế này, thì có mà đánh bom khắp nơi rồi ấy chứ!”.

Nên bà con nhao nhao lên như thế còn là hiền chán, “Đòi xé xác” chứ có mà dám xé thật! Để ý mà xem, đều là những gia đình có tí chữ, có tí tiền… mới đủ điều kiện “lên Phây chém” đòi ăn tươi nuốt sống cô bảo mẫu hành hạ cháu, chứ làm gì có chị hàng rau, anh chở than nào gào lên đâu. Có điều kiện gửi được con là may, chứ nói gì đến trường nọ trường kia, camêra mới cả oépcam! Họ đang bỏ con bỏ cái ở nhà cho ông cho bà… để ngày ngày lên thành phố kiếm miếng ăn. Nói dại, có mà đầy các cháu sáng mò ra ao, chiều mò ra mương… nghe mà sợ.

Nghe chuyện cô bảo mẫu hành hạ cháu, ngay lập tức liên tưởng ngay đến con mình mà bị như thế, máu giận nổi lên, và rầm rầm lên án… cái máu nóng máu giận đó, nó cứ ngùn ngụt cùng với cộng đồng, và chỉ là một liều thuốc độc làm hại chúng ta mà thôi.

Con ai cũng là vàng là bạc cả, con nhà mình hoàn toàn không hơn con nhà người khác. Ai cũng có thể rơi vào hoàn cảnh đó cả. Cháu nhà mình con nhà giàu hẳn hoi, con đầu cháu sớm, cả nhà chiều… nên nó khá hư và bướng. Cách đây đến hai chục năm, cháu được gửi ở nhà một bà về hưu, bà hiền thôi, nhưng về sau phát hiện cháu thường bị chú Th. con của bà trông trẻ đánh. Nói đi thì cũng phải nói lại, cháu nhà mình được quá chiều chuộng, vừa hư, vừa bướng, phải mình lắm lúc cũng lộn hết cả ruột, nói gì đến người dưng nước lã.

Con nhà mình đi học mẫu giáo bé trường công lập gặp một cô mầm non cực tốt, công bằng, sâu sát, mặc dù cô khá sắc sảo. Năm sau, mẫu giáo nhỡ, cháu gặp một cô khác thờ ơ, không yêu trẻ, tính tình… khó tả. Cháu gần như bị “thui chột”, từ một chú bé thông minh, đĩnh ngộ, trở nên nhút nhát, sợ hãi và bất hợp tác. Cô không cho các cháu đi ị ở lớp, sợ phải rửa, và các cháu thì cứ thế nhịn…


“Nói đi thì cũng phải nói lại” phát nữa – con nhà mình dạy kỹ, ngoan ngoãn dễ bảo không nói làm gì, không ngại "đối đầu" với cô giáo "cấm rửa đít" cho lắm. Con nhiều nhà, người ta dạy phải tranh đấu, tranh cạnh, sẵn sàng bắt nạt bạn để giành phần hơn, và lúc nào cũng bướng… nghề “nuôi dạy hổ” đòi hỏi phải có một cái “tâm” thực sự to lớn, vô tiền khoáng hậu.

Trong tất cả những ý kiến trên mạng về sự việc “cô bảo mẫu hành hạ cháu”, có một ý kiến mình rất tâm đắc: “lo lắng vì một xã hội bất ổn”. Cái bất ổn trong giáo dục, nó có nguồn gốc từ thời “Nhất y nhì dược” cơ. Ước gì từng con người chúng ta, trong đó có cả ông bộ trưởng bộ giáo dục, các thủ trưởng của ông ấy nữa, thay đổi cái não trạng đó đi vì…

…chừng nào mà còn phải đi đêm về hôm để chạy trường, còn phải trèo cổng để kiếm hồ sơ, thì sẽ còn nhiều cô bảo mẫu cấm các cháu ị ở trường vào ban ngày, đẩy trách nhiệm rửa đít cho bố mẹ.

Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo cần phải đến lớp mầm non một ngày, chỉ tập trung rửa đít cho các cháu thôi, thì mới hiểu giáo dục Việt Nam hiện nay nó như thế nào!

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment