Hà Nội chẳng có mấy chỗ chơi, nên bà con thường
phải kéo nhau đi những “nước” Vincom, bây giờ có thêm mấy “xứ” như Royal City,
Town City… nhìn chung, chiều trẻ con là chính ấy mà.
Một trong những chỗ chán nhất với người lớn,
nhưng trẻ con thì chúng nó rất thích, là đi ăn Kây Ép Xi. Một lần đưa hai đứa
nhỏ ra siêu thị Hoàng Quốc Việt rồi qua Kây Ép Xi ngay gần đó ăn trưa, một ngày
nghỉ dân tình đi đâu sạch, lác đác cả nhà hàng rộng chỉ vài bàn có khách. Ở
phía đầu cửa hàng nhìn ra vỉa hè, chỉ có nhà mình và một gia đình nữa: ông bố,
như một tay chủ thầu xây dựng mới phất, còn ngượng nghịu trong bộ complê may sẵn
không vừa lắm, vai gáy đang cộm lên vì cái áo len độn bên trong. Bà vợ khoảng tứ
tuần, khá đẹp, cao to và diện nền nã: bộ váy, đôi bốt Tung Của cao tới đầu gối…
son phấn vừa phải. Con trai lớn khoảng lớp 10, con gái nhỏ, khoảng lớp 6, lớp 7
gì đó. Nghe lỏm loáng thoáng, thấy câu chuyện đang xung quanh việc đi học tiếp
của ông con lớn, rõ ràng là anh chàng vừa đi học tiếng Anh ở một trung tâm đắt
tiền và được cả nhà đón thẳng đi ăn trưa… “câu chuyện tiếng Anh” càng ngày càng
trở nên rôm rả, ông bố có vẻ không biết gì mấy, nhưng cũng tham gia về mặt… tài
chính.
Họ ngồi một lúc, bà mẹ đứng dậy đi ra quầy, rồi
quay lại, từ đằng xa bà ta đã cười và nói to lên với cả nhà: “Ten minít mo!” –
một chất giọng khó xác định được vùng miền, như ở một tỉnh đâu đó thuộc biên giới
phía Bắc. Lại gần bàn, bà ta lại nhắc lại lần nữa, vẫn to như thế. Ý là “mười
phút nữa, món sẽ ra!”. Cậu con trai thấy mẹ nhắc lại đến lần thứ hai, cau mặt,
liếc sang bàn mình ngồi, rồi nói khẽ: “Thôi mẹ đừng nói tiếng Anh nữa”.
Mình cứ ngờ ngợ - vốn không phải “dân ngoại ngữ”
nhưng nghe “Ten minít mo!” có cái gì đó cứ không ổn. May quá vẫn còn tham gia một
diễn đàn học và dịch tiếng Anh của mấy anh Tây lập ra, lên ngay để hỏi một ông
thày người Mỹ rất chịu khó trả lời. Và...
… câu trả lời rất sư phạm. Ông ấy bảo nếu nói
“Hơn mười phút nữa” bằng “Ten minít mo!” thì nhìn chung là Tây vẫn hiểu tốt,
nhưng “chúng tôi thường nói “Ten mo minít”, nghe thông dụng và thuận tai hơn”.
Đại khái thế.
Ừ thì cũng như là thay vì nói “mười phút nữa”
có ai đó nói “nữa mười phút”, chúng ta vẫn hiểu tốt.
Chuyện không nằm ở chỗ đó.
Lúc bà mẹ đi lại gần bàn và nói tiếng Anh, mình
để ý thấy ánh mắt của bà ta rạng ngời, rất hạnh phúc. Một gia đình yên ấm, con
cái lớn khôn và giỏi giang, học hành tấn tới, kinh tế gia đình ổn thỏa đủ để
cho con học ở chỗ nọ chỗ kia và còn đang có cả điều kiện để tính tiếp cho tương
lai… nhìn qua cũng hiểu. Nhìn người đàn bà mặt rạng rỡ, mắt sáng ngời, mình
cũng vui lây…
… tuổi thanh niên thường hay xấu hổ những cái vớ
vẩn. Jackie Chan có phim “The Canton Godfather” có một cô bé nhà nghèo, mẹ chắt
bóp cho đi học, và nói dối người yêu là nhà mình giàu có… mình cũng vậy, đã từng
có những lúc xấu hổ vì nhà nghèo, bố mẹ ăn mặc xoàng xĩnh.
Chị Trần Thị Sự ở thôn 5 xã Gio Hải, huyện Gio
Linh, tỉnh Quảng Trị
bán rau nuôi 4 con học đại học.
|
Bây giờ thì kể cả bố mẹ có như thế nào chăng nữa,
thì dù có xoàng xĩnh đến đâu, nào có quan trọng, vì để chúng ta có ngày hôm nay,
bố mẹ đã hy sinh cả một đời cho chúng ta. Chỉ tiếc rất nhiều người trong số
chúng ta, không còn bố, còn mẹ nữa để mà tự hào vì đôi tay nứt nẻ, vì cái áo vá
hay cái lưng còng… và có muốn chúng ta cũng chẳng thể mua cho các cụ cái bánh
ngon, cái khăn mới được nữa.
Thế đấy cháu trai ạ. Dù mẹ cháu có chất giọng
không được thị thành, dù mẹ cháu nói chưa chuẩn tiếng Anh, nhưng vẫn là mẹ của
cháu, và cả ông bố cháu nữa, họ đã hết lòng phấn đấu vì các cháu. Hãy biết tự
hào vì xuất thân khó khăn, vất vả của mình.
No comments:
Post a Comment