Lần đầu chính xác phải là hồi bốn tuổi, mẹ đưa
đến nhà người quen chơi và nhặt được một viên kim loại có khả năng dính vào sắt,
đem về nhà chơi luôn, còn thật thà kể cho mẹ là con nhặt được cái này ở nhà cô
L. Ăn ngay một trận mắng. Chẳng có khái niệm gì về ăn cắp ăn trộm cả đâu… thôi
không tính.
Thời thanh niên nhà nghèo, thiếu thốn, được cái nhà cửa rộng rãi lại nằm trong khu buôn bán. Thế là có nhiều dân buôn vào gửi hàng,
thuê góc nọ góc kia, quây lại thành cái kho, nên gia đình cũng có đồng ra, đồng
vào. Họ đều “làm việc” với mẹ, còn mình thì đi làm đi học suốt ngày, không quan
tâm đến những chuyện đó. Khi mẹ mất, nhiều hợp đồng còn, nhiều hợp đồng chấm dứt…
chỉ nhớ có mấy chị em dân buôn chuyên phụ tùng ô tô Trung Quốc, người làng Ninh
Hiệp, còn thiếu đâu như hai tháng tiền kho; tranh thủ nhà có tang nên cũng trốn
luôn.
Một ngày đi về thấy hàng hóa ngập sân – hàng bao
tải to tướng; chẳng biết những cái gì… nhưng rõ ràng chẳng ai trông, hay chính
xác hơn là người ta đang đi đâu đó, canh chừng công an, quản lý thị trường đang
truy lùng mà vứt vào sân. Loáng thoáng thấy bóng mấy chị em Ninh Hiệp ngoài đầu
ngõ bên kia.
Nhà đang túng thiếu, đã mấy tháng nay chậm tiền
điện, tiền nước… ngẫm nghĩ một lúc rồi tặc lưỡi, thôi vác lấy một bao. Tuổi
thanh niên sức vóc còn đầy, lại chơi thể thao nên bao tải nửa tạ vác phăm phăm.
Vác một mạch lên gác, ra sau nhà tận ban công giấu biến – và cả tối nghe mấy chị
em đứng ngoài đường chửi nhau, rồi chửi cả đội xe ôm bốc vác… thế nào thiếu mất
cả một bao tải pha đèn. Chẳng biết họ có nghi cho mình hay không, nhưng họ
không nhìn thấy mình lúc nào cả.
Dễ thường đến 2, 3 tháng sau, mới đem “tẩu tán”.
Số tiền khá lớn, chắc cũng tầm tầm khoảng bằng số tiền họ thuê kho gửi hàng vài
tháng. Số tiền đó đủ đóng tiền học cho em trai được nửa năm và trang trải khá
nhiều khoản trong gia đình…
Đến bây giờ, cũng chẳng ai biết chuyện, họa
chăng chỉ có người mua hàng ở gần nhà là có thể đoán được, nhưng hai sự kiện cách
nhau khá lâu, không biết ông ấy có xâu chuỗi được vào nhau không – vì việc mất
hàng kia, kiểu gì chẳng đến tai người này, người khác.
Về sau đọc sách thấy có kế sách “Thuận tay dắt
bò” – người ta giải thích nó đó là một cơ hôi làm ăn cần phải nắm lấy thế nọ thế
kia. Nhưng thực ra, con bò không phải của hai vợ chồng nhà may mắn kia. Và bao
tải pha đèn, cũng không phải của mình. Lúc đó, có thể tự an ủi rằng, đó là sự
đòi lại cái tiền người ta “xù” mất của gia đình ta, đó là công bằng.
Chuyện gì đi chuyện ấy. Họ nợ họ “xù”, việc của
họ. Không phải của ta, ta lấy,
đó là ta gây tội tự tạo nghiệp chướng cho ta.
Xong Đại học, ra trường, đi làm rơi vào môi trường
cơ quan Nhà nước. Hoảng hồn vì cơ chế không phải là có quá nhiều bò để dắt, mà
người ta buộc phải tạo ra bò để rủ nhau dắt đi mổ thịt. Còn nếu anh không tham
gia xẻ thịt bò, từ chối không chia phần thịt bò, thì alê, mời anh biến.
Vì thế cần phải chia tay cơ chế Nhà nước, nếu như
không muốn mình trở thành tha hóa. Chỉ có năng lực thực sự mới cho phép mình thực
sự xứng đáng được hưởng những thành quả từ năng lực đó.
Tuần trước, đi đón con ở trường Mầm Non, biết chuyện
một gia đình mái chụp ảnh cho con nhỏ, để túi cạnh cổng trường, và mất. Trường
tư nhân, nhỏ, trong khu dân cư vắng, nên bình thường thì khá dễ kiểm soát.
Nhưng hôm đó ông bảo vệ còn phải để ý xe cho phụ huynh, nên quay ra thì đã mất
rồi. Trong túi nào ai-pát, nào ống têlê, nào aiphôn, nào giấy tờ và khổ chủ bẩu
còn có cả đô-la Mỹ. Ông bảo vệ thì chỉ nhớ có phụ huynh ra vào và cả một nhóm mấy
chị đồng nát lượn qua nữa. Thuận tay dắt luôn cái túi, giá trị hơn con bò. Lỗi
tại mình thôi, chẳng kêu ai được. Hớ hênh sơ ý, lơ đễnh biến ngay người ngay
thành kẻ gian.
Đến bây giờ mình còn cảm thấy cực kỳ áy náy, ân hận với
chuyện bao tải pha đèn, dù có cái số tiền đó, giải quyết được biết bao khó khăn…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment