Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, January 2, 2014

Quy ước cho “phút giao thừa thiêng liêng”


Phút giao thừa thiêng liêng… chúng ta hay nghe như thế. Các gia đình quây quần trong không khí đầm ấm, tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới. Lúc đó, người và người tạm quên đi những phiền muộn, khó khăn đang gặp trong cuộc sống, tạm vui đã, và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất…. nhưng trong bài này, Người lang thang cuối cùng không muốn bàn về conphétti vương vãi trên sàn nhà và những cốc sâmbanh, mà muốn buôn dưa về khía cạnh khác.

Niu Dilân là đất nước được đón giao thừa đầu tiên trên toàn trái đất. Tại sao lại là Niu Dilân mà không phải là nước nào khác? Là vì mấy ông thiên văn thiên viếc gì đó từ tám mươi đời đã chọn cái Đài thiên văn hoàng gia ở Grinuých để mà quy ước đó là múi giờ gốc, và từ đó cộng lên 12 giờ, ra Niu Dilân là địa đầu thế giới, và như vậy Alaska của nước Mỹ sẽ là điểm cuối cùng nhìn thấy mặt trời trong ngày. Nếu không phải mấy ông Ănglê đó mà lại là ông Nhật Bổn hay Trung Hoa, thì tình hình lại khác đi thì sao… chẳng vấn đề gì.

Ngày xưa học địa lý về vụ múi giờ này, từ hồi cấp hai. Thế giới cứ như cái quả cam có 24 múi cho 24 giờ của một ngày. Đó là chuyện múi giờ địa lý. Còn chuyện múi giờ hành chính của mỗi quốc gia lại là chuyện khác. Nước Nga từ những hòn đảo đầu tiên ở biển Bêrinh, thuộc Quận Viễn đông Liên Bang trải dài từ Á sang Âu đến điểm cực tây là Muốcmanxcơ, đúng 12 múi giờ, nhưng giờ hành chính chỉ áp dụng có 6 múi giờ thôi, và ranh giới giữa các múi giờ (đường đổi giờ) cũng không thẳng tưng theo đường kinh tuyến, mà cong queo theo địa giới hành chính giữa các vùng. Cả nước Trung Quốc to oạc thế, về địa lý trải dài từ Đông sang Tây là 6 múi giờ, nhưng áp dụng thống nhất một giờ theo giờ Bắc Kinh – nghĩa là ở Mãn Châu Lý đi làm lúc 8 giờ sáng mặt trời sáng choang, thì bà con Tân Cương cũng đi làm, cũng 8 giờ sáng, nhưng thực tế lúc đó mới 2 giờ, tối mò mò và rét căm căm… vì thế mình chửa có lên Tân Cương, nhưng đoán nếu người ta quy định giờ đi làm sẽ phải là 14 giờ chiều giờ Bắc Kinh thì vào làm việc, và kết thúc công việc vào 23 giờ giờ Bắc Kinh. Tất cả chỉ là quy ước. Nước Mỹ quy ước dùng 8 múi giờ thì phải.

Mấy ai được như ta, cả đất nước trải dài từ Bắc xuống Nam, nằm gọn trong một múi giờ. Hóa ra “rừng vàng biển bạc” cả về lĩnh vực… múi giờ.

Hôm nọ nghe phong thanh ở Nga bây giờ không áp dụng “giờ mùa hè, giờ mùa đông” nữa. Ngày xưa cứ nhăm nhăm “ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Mười” là ta chuyển sang giờ mùa đông…

Quay lại chuyện giao thừa giao thiếu, lúc mà ta đón giao thừa thì ở Nữu Ước bà con bển còn đang đi mua đào quất, cọ rửa nhà cửa, tổng vệ sinh. Ta đốt pháo cười nói chúc tụng, mỗi bác làm mấy chén ầm ĩ nhà cửa, rồi mò ra đường, rồi về lăn ra ngủ mở mắt ra thấy đã trưa, thì bà con Nữu Ước mới lọ mọ kê mâm ra bancông bày con gà xếchxi lên cúng giao thừa.  

Trông thế thôi, mà chuyện giờ giấc quan trọng lắm nhé. Thủ tướng ký một cái Nghị định bẩu là từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, chửi vợ sẽ bị phạt một triệu chẳng hạn, thì phải ngầm hiểu là từ 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 2014, tức là thời điểm 23 giờ 59 phút 59 giây lằng nhằng lằng nhằng phần nghìn giây… của ngày 31 tháng 12 năm 2013 chửi vẫn chưa sao, nhưng mà giây dưa nửa câu sang ngày hôm sau là có khi bị “phệt” cho năm trăm nghẽn… đại khái thế. Hay như tớ với cậu ký một cái hợp đồng ở trên có “Hà Nội ngày… - hợp đồng kinh tế” ở dưới là “hợp đồng được lập thành… bản bằng tiếng Việt mỗi bên giữ hai bản có giá trị pháp lý như nhau, có hiệu lực từ lúc ký kết. Soạn xong vào lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày” thì ôtômatích tớ cậu ký xong một cái, phải alô về nhà ngay, là từ giờ phút này, thým là vợ nó còn vợ nó là vợ tớ… nôm na thế.

Thú vị nhất là chuyện đi qua đường đổi giờ. Từ Việt Nam sang Ấn Độ, chỉnh đồng hồ chậm lại 90 phút. Chẳng thay đổi bao nhiêu. Sang Trung Quốc, chỉnh sớm lên 60 phút, cũng chẳng có gì quan trọng. Nhưng nếu đi qua đường đổi ngày, thì tình hình sẽ khác. Đi từ Niu Dilân sang Haioai, có khi chỉ mấy giờ bay nhưng lợi được hẳn gần một ngày (24 giờ trừ đi số giờ bay). Còn phi từ Alaska sang Viễn Đông của Nga thì thiệt béng nó mất hai mấy tiếng.

Thế mới có chuyện ông Philiát Phốc và anh đệ tử Pátxpatu trong “80 ngày vòng quanh thế giới” của Giun Vécnơ đi theo chiều quay của trái đất từ Tây sang Đông, nên khi các ổng về muộn (theo lịch trình đi mất 81 ngày) nhưng theo quyển lịch trên bàn Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn mới có 80 ngày… đỉnh cao hồi hộp của câu chuyện là ở chỗ đó…

Thôi kệ, chúc mừng năm mới bà con, hiện nay Người lang thang cuối cùng đang ở trên… Sao Hỏa nên chúc muộn mất… 36 tiếng, he he…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment