Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, February 10, 2015

Nhà nước cấp Phường

Nhà văn hóa Phường có cái panô rất to, phải to đến mấy mét vuông. Nó được dựng lên từ Tết năm ngoái: “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ, mừng Thủ Đô đổi mới.” Tháng cuối năm, ngày nào đi qua, ông con cũng thắc mắc: “Sao chuẩn bị năm Ất Mùi đến nơi, mà vẫn cái bảng “Mừng xuân Giáp Ngọ” hả ba?”

Hừm, lớn chuyện rồi đây – bắt đầu quan tâm đến… chếnh t’rệ là phiền rồi đây. “À là Ủy ban Phường chưa có tiền làm bảng khẩu hiệu mới con ạ.” “Ủy ban Phường là gì hả ba?” “Là cơ quan Nhà nước cấp Phường con ạ! Là cấp quản lý xã hội, ba và con, gia đình ta, hàng xóm nhà ta… cấp thấp nhất. Ấy ba thiếu rồi, còn cấp… tổ dân phố nữa con à, nhưng không chính thức. Thấp nhất vẫn là cấp Phường, nhưng phải có tổ dân phố để giúp đỡ Ủy ban Phường các việc quản lý. Tổ mình tổ trưởng là ai nào, con nhớ không?” “Nhớ ạ, ông Thức vẫn vào đưa giấy mời ông bà đi họp.” “Đúng rồi đấy con.” “Ơ thế Nhà nước là gì hả ba?” “Nhà nước là nhóm người, là nhiều nhóm người, làm việc quản lý xã hội như ba đã nói rồi đấy, thấp nhất là Phường, trên Phường là Quận, trên Quận là Thành phố.” “Cao nhất là gì hả ba? Có phải Chính phủ không?” “Có Chính phủ, lại có cả các cơ quan khác nữa, sau này học về những cơ quan đó con sẽ rõ hơn, bây giờ con cứ tạm biết Chính phủ cao nhất đã.”

Tưởng chuyện đến đây thì xong. Chưa xong!

“Thế ba ơi, tai sao Ủy ban Phường lại không có tiền?” “Vì Ủy ban Phường phải xin tiền của Ủy ban Quận, Ủy ban Quận lại xin tiền của Ủy ban Thành phố, Ủy ban Thành phố xin Chính phủ.” “Thế ai cho Chính phủ tiền hả ba, có phải Liên Hiệp quốc không?” “Không con ạ, Chính phủ nước ngoài có thể viện trợ, hoặc cho Chính phủ ta vay tiền, nhưng không nhiều lắm đâu, còn người cho Chính phủ tiền là nhân dân.” “Nhân dân là ai hả ba?” “Nhiều lắm, ba này, con này, mẹ con này, ông bà con này, họ hàng nhà ta này, bà bán rau kia này, chú cắt tóc bên kia đường, công nhân đi học, bà nội trợ đi chợ… tất cả đều đóng góp người nhiều, người ít… để Chính phủ có tiền.” “Ơ thế thì Chính phủ có làm ra tiền không hả ba?” “Về nguyên tắc thì Chính phủ chỉ được nhân dân thuê để làm quản lý, nên không kiếm ra tiền. Nhưng nhiều khi, Chính phủ vẫn phải cố gắng làm ra tiền. Như Ủy ban Phường chẳng hạn, trên Ủy ban Quận cho không đủ tiền thì đem sân Nhà văn hóa cho người ta gửi ô tô kiếm thêm tiền như con thấy đây, chẳng hạn. Còn Nhà nước như ba nói là những nhóm người, vậy người nào cũng là người cả, chính là nhân dân. Nhân dân giao cho Chính phủ quản lý tiền của mình, như mẹ con thỉnh thoảng đưa tiền nhờ con đi mua gói mì, chai tương… ở đầu ngõ ấy, con mua xong thừa tiền mang trả mẹ. Chính phủ cũng vậy, được giao tiêu tiền nhưng không được phép tơ hào tiền nong của nhân dân, phải là những người liêm chính và trong sạch, nghĩa là không gian dối biến tiền của người khác thành của mình. Nếu người nào gian dối, sẽ bị đi tù.” “Ai cũng có thể trở thành người trong Nhà nước được hả ba?” “Đúng thế con ạ, như ba trước khi làm công ty thì làm trong cơ quan Nhà nước, ông bà con cũng vậy. Cả con sau này cũng có thể vào làm trong cơ quan Nhà nước. Ở nhiều nước, khi vào làm trong cơ quan Nhà nước phải tuyên thệ không gian dối, và trung thành với Tổ quốc, với nhân dân – như ông tổng thống Mỹ phải tuyên thệ khi nhậm chức. Ở Việt Nam ta có thể không bắt buộc phải tuyên thệ, nhưng tự mình phải hiểu rằng phải trung thực, không gian dối và trung thành vô hạn với Tổ quốc.”

“Mà ba suýt quên, nhắc đến Tổ quốc mới nhớ. Nhà nước là người tổ chức nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi có giặc xâm lược, như con học lịch sử bao nhiêu lần giặc xâm lược nước ta ấy.”

Câu chuyện không phải rắc rối, mà là quá rắc rối với ông con. Mặt mũi thể hiện một sự nỗ lực phi thường để học bài “Chính trị học” đầu tiên.

Hôm sau đúng mùng 3 tháng Hai, ông con đoán lúc sáng sớm: “Hôm nay chắc Ủy ban thay cái biển mới!” Y như rằng trúng phóc, chiều nó đi học về thấy cái biển đã thay: “Mừng Đảng, mừng xuân Ất Mùi, mừng Thủ Đô đổi mới.” Cậu òa lên, khoái chí: “Sáng nay con đoán rồi mà! Ơ thế “đổi mới” là gì hả ba?” “Đổi mới là bỏ đi những cái cũ không phù hợp, chưa tốt; và thay bằng cái mới tốt hơn.” Cậu ta có vẻ yên tâm…

Ờ nhỉ, năm nào cũng “Đổi mới”, mấy chục năm nay rồi, ngót ba chục năm chứ có ít gì đâu. Đúng điều này cũng thật là triết học, năm nào cũng thấy có cái cũ cần phá bỏ, cái tốt cần giữ lại mà “đổi mới”, không phải động lực của sự phát triển thì là cái gì? Cái gì cũ, không phù hợp tất yếu không thể tồn tại mà tự cuộc sống sẽ đào thải, mà chọn cho mình một cái mới tốt hơn, đó là triết học.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment