Xuất phát từ đài phun nước, quảng
trường Đông Kinh Nghĩa Thục đi xuyên qua cái gọi là “phố đi bộ - chợ đêm” Hàng
Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường để đến phố Hàng Mã… càng gần đến Trung Thu thì càng
đông, người người chen vai thích cánh. Trận mưa từ đầu giờ chiều rồi lại nắng,
làm cho bầu không khí đầy hơi nước nóng ẩm, oi nồng như trong nhà tắm hơi.
Nhà không có con nhỏ thì nằm
khoèo cho khỏe, nhưng đã có thì phải cho chúng nó đi cho “hít tí không khí.”
Đúng là hành xác.
Không thiếu các ông tây bà đầm
cũng đang hành xác như thế. Bế thằng cháu bé đi sau, trước mặt là ba người đàn
ông Hàn Quốc, nghe xì xồ những “Kim Xoăn Xoăn” biết ngay. Tự dưng len vào giữa
mình và họ một người đàn ông khoảng ngoài 50, nhỏ thó, mặt đem nhẻm đầu đội mũ
lưỡi trai, ăn mặc hoàn toàn tử tế, không có gì nhếch nhác. Ông ta loay hoay quờ
quạng vào cái túi của một người đàn ông Hàn Quốc đang đeo dưới nách.
Mình nói bằng tiếng Anh to lên
nhắc anh ta, “Chú ý cái túi…” anh ta quay lại, và người đàn ông nhỏ thó vội lảng
lên hè đường, đứng nhìn quanh quất vờ vịt. Lia mắt xung quanh nhận ra khoảng 2 “bạn”
nữa, chừng như đồng đảng của người đàn ông. Thầm ước lượng nếu không có đòn ngầm
võ bẩn, một mình mình khống chế người đàn ông này thì hai bác kia cũng tê liệt
ý chí thôi. Lại nhìn kỹ một chút, thấy họ lo lắng nhìn mình, một thằng có cái
mã hoàn toàn không hiền lành mà lảng lảng đi chỗ khác thấy thương thương.
Thế là suốt buổi đi chơi tối ở
chợ Trung Thu Hàng Mã, kiêm luôn nhiệm vụ nhắc bà con khách nước ngoài chú ý cẩn
thận túi ví. Người cảm ơn, người có vẻ hơi bất ngờ. Cố làm một việc có ích con con
bé xíu, giúp họ giữ của thì giữ được tí thể diện Thủ đô ngàn năm văn hiến, và
còn giúp được mấy bác “hai ngón” kia bớt được một tí nghiệp ác. Họ cũng như
chúng ta cả thôi – xã hội bần cùng thì đẻ ra những con người bần cùng. Cứ quen
nhìn vào những quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng… mà xun xoe bợ đỡ, nhưng
chính đó mới là những tay cỡ bự, chứ ba ông ăn cắp vặt kia, mùi mẽ gì. Ơ ấy thế
mà nếu chúng ta ngồi lên cái ghế đó, chúng ta cũng ăn cắp ác luôn – không làm
không được.
Chợ Trung Thu ngày nay chủ yếu
đồ chơi nhựa của Trung Quốc, những cái mặt nạ ma quái tóc tai rũ rượi ngày càng
nhiều. Đồ chơi truyền thống ít dần. Nhớ cái mặt nạ giấy bồi hồ bé được mua cho,
úp mặt vào đó thấy mù hồ dán, mùi sơn… người bán hàng mặt nạ ngồi buồn thiu
nhìn chợ nườm nượp người trong khi những cái mặt nạ treo trên giá, vẫn nhăn nhở
một cách vô cảm. Trăm người bán, vạn người mua mà vẫn thấy buồn. Người bán trống
luôn tay gõ thì thùm mà mặt mày vẫn ủ dột… người đàn ông tật nguyền, sứt môi
nói lào phào, tay khoèo thì cắm cúi làm đèn ông sao, cố làm cho nhiều mà liệu
bán có hết trong mùa này không…
Cuộc sống là một dòng sông vô
tận, trong đó có không biết bao các mảnh đời; mà đã bơi trong nó chúng ta nhiều
khi không thể làm khác. Mình đi từ việc trang bị cho bản thân một cái nhìn thường
xuyên phê phán, đến dần dần cố hiểu xem mình đang sống ở đâu, hít thở bầu không
khí như thế nào… và dần dần mình cũng không cảm thấy có nhu cầu phải ngày ngày
chửi ông ổng lên, hết chính quyền lẫn chế độ, đặc biệt là lên mạng xã hội mà chửi.
Điều đó không cần thiết, vì chính chúng ta đang sống trong mối quan hệ tổng hòa
với chính bộ máy, chính trong cái xã hội này. Tưởng chừng như chúng ta nhìn thấy
bộ máy chính quyền ngày càng tệ hại đến mức tha hóa, nhưng nhìn kỹ, họ là từng
con người cụ thể, mai có thể cùng chúng ta uống một cốc bia. Bỏ cái mặt nạ xuống,
ai cũng phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, không ai thoát. Không nên
chửi họ, chửi họ, là chửi chính mình. Hẵng cứ biết làm cho mình tốt đi đã, mồm
gần tai, càng chửi càng nhức óc.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment