Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, September 21, 2015

Vụn vặt 52 – Trung Quốc Trung Quốc

Mình thực sự say mê tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, và thỏa mãn cái sự mê đó mình thích nhất là được đi đến một nước khác, đăng ký một khóa học ngôn ngữ, sống ở nhà một người dân, đi đây đó, chụp dăm kiểu ảnh.

Rất mê văn hóa Trung Quốc, nên đã đến Trung Quốc học tiếng Trung được hai học kỳ. Vác máy ảnh đi khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, chỗ nào người ta không cho đến thì chịu, như Tây Tạng, Tân Cương. Còn thì mò lung tung, về tận quê, vào tận nhà người ta xin được ăn uống cùng… trò chuyện, ghi chép.

Đời đi buôn, chỉ thấy doanh nhân Trung Quốc làm ăn đàng hoàng, họ chẳng lừa mình làm gì, đã chỉ bảo là tận tình. Quan trọng là họ rất giữ chữ tín, trọng cam kết, đã hứa, là làm. Đã hỗ trợ, là làm tới bến, không phải nghĩ. Về độ chu đáo cũng chẳng phải phàn nàn gì. Họ chu đáo đến mức không mua hàng của họ họ cũng không trách, nhưng mình cũng áy náy.

Sang Trung Quốc chỉ thấy người làm ăn, người già… của họ giản dị, không cầu kỳ. Chỉ có thanh niên tầm trẻ con thì ăn diện kiểu kỳ dị, tóc xanh tóc đỏ, ăn mặc hở hang. Người có tuổi ăn mặc đầu tóc thậm chí còn xấu xí, không mấy ai phi-dê uốn tóc, son phấn như ta. Người Trung Quốc ăn nhiều nói to, nhiều khi thoải mái vén áo khoe bụng phệ, quần kéo lên trên đầu gối ngồi ăn chọp choẹp… hay rút từng điếu thuốc lá ném một vòng các góc phòng mời bạn bè chiến hữu… nhưng một khi đã làm ăn, mình tử tế với họ thì họ cũng đàng hoàng hết mức, không phải bàn.

Thực lòng sau chuyện giàn khoan, thấy người Việt Nam ghét Trung Quốc là ghét cả đất nước lẫn nhân dân Trung Quốc, mình rất buồn. Mình nhớ những buổi chiều nhìn người già đánh cờ ngoài công viên, buổi tối bên dòng Châu Giang ở Quảng Châu hay bờ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải. Nhớ cảnh Tây Hồ nhìn từ tháp Lôi Công, nhớ những nhịp bánh xe đập đều đều trên đường sắt Thượng Hải – Vô Tích… nhớ cô lái taxi trên chiếc E-240D chạy dầu ở sân bay Nam Chương và mặt trời lặn trên thành cổ thời Minh ở Nam Kinh.

Những người già ở đâu cũng vậy, ít được người trẻ để tâm. Khi có người trò chuyện, họ lập cập cảm động nói chuyện với chúng ta. Ở Singapore, mình có đến nửa giờ nói chuyện với hai bà cụ như thế - từ Bắc Kinh sang, cuối đời được một chuyến đi dối già. Ở nhà, con cái đi làm xa, chẳng mấy khi trò chuyện với thanh niên. Nhớ giọng bà cụ âu yếm nói chuyện với con gái mình: “Con chào bà đi nào…” cô con gái không hiểu, cười bẽn lẽn…


Hôm nay nhìn thấy một nhà văn trẻ chụp mấy dòng đề tặng: “Kính tặng học giả D.T.Q, ĐBQH, Tổng biên tập…” – cụ này nổi tiếng, chẳng cần để rõ tên cũng đoán được ra là ai. Người ta bẩu tên cụ này không phải là tên cái nước Trung Hoa kia, mà là “Trung với nước.” Lại ngẫm nghĩ, đề tặng như thế có phải là thân không nhỉ, vì mình mà thân mình chẳng cần đề tặng liệt kê các loại thân thế sự nghiệp người ta ra như thế. Vẫn còn quan tâm đến danh xưng lắm.

Nhắc đến chữ tín của người Trung Quốc lại nản cho người xứ ta – đặc biệt trong lớp trẻ bây giờ. Không làm được vẫn hứa, rồi thất hứa; không tôn trọng cam kết, sai hẹn… Ngồi trên máy bay từ Quảng Châu về Hà Nội, nói chuyện với anh bạn người Anh vừa quen, bẩu người Việt Nam chúng tớ lười lắm, toàn thích chơi, không thích làm. Anh ta thông cảm: “Thì nóng quá. Bên Tây Ban Nha cũng vậy, xứ nóng, người ta lười, không thích làm, chỉ thích chơi.”

Ờ thế mà ở xứ Nga La Tư bây giờ xứ không nóng tí nào, nhưng người cũng không còn được chăm như trước nhiều rồi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment