Máy tuốt lúa bà con ở Cao Bằng vẫn dùng Ảnh: kiếm trên internet |
Hồi bé ở Đông Anh, hay mò ra
sân đình - nó kiêm cả sân phơi của Hợp tác xã. Ngày mùa, thấy bà con hay tuốt
lúa, cái máy tuốt lúa đạp chân mà chạy vù vù, oách ra phết. "Điện khí
hóa" nông thôn thời cuối những năm 1970 là như vậy.
Không ai ngờ đến đầu thế kỷ
21, nhiều gia đình chúng ta lại dùng cái máy tuốt lúa chạy bằng cơm ấy. Nó được
biến tướng thành cái “Bộ lau nhà thông minh” sản xuất tại nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa vĩ đại. Tuy nhiên, nó không phải sản phẩm của họ, mà trước đó đã
xuất hiện ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ… ví dụ như bộ “Magic Mop Rotating Spin 360
Degrees Floor Cleaner.”
Thực chất về nguyên lý, nó là
sự kết hợp giữa “máy tuốt lúa” và “máy quay rảy ly tâm,” ngày xưa bà con nông
dân ta còn có “máy quay rảy ly tâm,” cũng có loại đạp chân, có loại quay tay,
nhưng cũng thấy nhiều máy chạy động cơ điện do chạy bằng cơm hiệu suất quá thấp.
Về sau này còn thấy xuất hiện “quay rảy” bằng nhựa bán ra thị trường dưới dạng
máy vảy rau. Bà dì ngày xưa đi Liên Xô còn gửi về bộ hai cái máy, một cái là
máy giặt, còn một cái là máy vắt li tâm, rời nhau ra chứ không liền vào nhau. Bộ
vắt đi kèm cái máy giặt mà chạy bằng cơm là hai cái pu-li gắn sát vào nhau,
nhét quần áo vào giữa và quay thì nó chạy qua, nước chảy ra ngoài như ép nước
mía.
Thực ra cái bộ lau nhà này lau
hay ra phết, nó làm mình nhàn đi nhiều. Chỉ cần chú ý một chút, là đồ Trung Quốc
khá hàng mã, nên cần có một chút kinh nghiệm. Về nguyên lý nó đúng như cái máy
tuốt lúa tức là biến chuyển động tịnh tiến của bàn đạp thành chuyển động quay,
nhưng có cải tiến hơn chút. Máy tuốt lúa, dùng cơ cấu trục khuỷu bánh đà như động
cơ đốt trong, còn cái bộ lau nhà thì dùng bàn đạp xoay một vít vô tận, vít này
có một bánh răng to quay bánh răng nhỏ hơn để tăng tốc, và bánh răng nhỏ hơn
thì gắn vào cái rổ.
Một. Đặt cái cây lau nhà vào rổ
quay, cán càng thẳng đứng vuông góc với đáy rổ càng tốt, tránh cái cán chạm vào
thành rổ cản trở sự quay. Giữ nhẹ, không cần ép xuống tạo lực dọc trục, chóng hỏng.
Hai. Khi bắt đầu vắt, dùng
chân dợm dợm nhẹ lên bàn đạp cho nó từ từ quay rồi hẵng đạp mạnh hơn chút,
không đạp xuống hết, điều đó là không cần thiết. Khi ta đạp xuống, thì tạo động
lực quay rổ, nhấc chân lên thì bàn đạp đi lên, cơ cấu làm cho trục vít vô tận
quay tự do trong lòng trục bàn đạp, cứ nhẹ nhàng mà đạp thì còn lâu mới hỏng, kể
cả là sản phẩm của đồng chí Tập Cận Bình.
Ba. Cái khoang chứa các kết cấu
động lực được tách rời khỏi thùng chứa nước, nhưng không bao nhiều tránh được
nước tuyệt đối. Do đó sau khi dùng xong nên dựng đứng cho phần bàn đạp xuống dưới
để ráo nước.
Bốn. Nếu tháo nó ra, thì thấy
nó cực đơn giản về cơ khí, trừ duy nhất một vòng bi ở đầu trục vít vô tận, còn
lại là các đầu trục kim loại được cắm vào quay trong ổ… nhựa. Nước vào làm rỉ đầu
trục, két dần gây nặng, rồi lại ngoáy cho ổ nhựa xơ ra… cứ thế mà nặng dần rồi
vứt đi. Do đó nên lúc mới mua về nên tháo ngay ra, cho vào các đầu trục đó một
chút mỡ bôi trơn, đặc một chút cũng được cho nó đỡ bị nước rửa trôi. Tháo khá
đơn giản, lật úp cái thùng đó, sẽ thấy phần cơ cấu chuyển động có một đế nhựa,
tháo 4 hoặc 6 con vít (số lượng tùy loại) thì cả bộ sẽ bung ra. Bôi mỡ vào, lắp
lại. Yêu cầu trình độ: học sinh lớp 8 theo chương trình phổ thông 10 năm ngày
xưa. Sở dĩ tại sao mình nói thế, vì cái máy tuốt lúa có trong sách Giáo khoa kỹ
thuật lớp 8 ngày xưa mẹ mình dạy cho học sinh ở nông thôn. Cô giáo nhà ở thành
thị, nhờ học sinh vác cả cái máy tuốt lúa to đến làm giáo cụ trực quan. Cô dạy
lý thuyết trong sách còn thì học sinh họ làm họ sửa cứ nhoay nhoáy. Có lần cô
giáo dạy về cày và bừa, các anh ấy còn vác cả cái cày 51 to tướng đến. Đó là kiểu
cải tiến năm 1951 từ cày chìa vôi của các cụ. Là nghe thế, chứ có biết cày bừa nó
dư thế lào. Bây giờ mình “cày” kiểu khác, dùng bàn phím.
Năm. Vậy nếu có bộ lau nhà cũ
bó cứng lại không đạp được, có nên vứt đi không nhỉ? Không nên, vì nếu mua bộ mới
về cũng chẳng được mấy nả mà lại hỏng, nên tháo ra mà chữa. Chữa vài lần sẽ
không thể khắc phục được nữa, thì mua bộ mới, nhưng nếu nhà không quá chật thì
nên giữ bộ cũ lại phòng nếu cần lấy chi tiết chữa bộ mới kia, vì trước sau gì
thì nó cũng sẽ lại hỏng. Đồ Trung Quốc rẻ tiền ấy mà.
P.S. Bác Hiền vẫn đến lau nhà
hàng tuần – tuần trước không đến, gọi điện hỏi hóa ra bác bị viêm tụy cấp, nằm
viện đến cả tuần rồi. Bác rất chịu khó, gánh than, dọn nhà… mà xây nhà 4 tầng ở
quê Hưng Yên, nuôi ba con đi học đại học. Mỗi tội bác chỉ thích lau bằng tay, bộ
lau nhà này bác không dùng, kỳ thế. Không biết bao giờ bác mới khỏi, nên chữa bộ
lau nhà đã hỏng cả năm nay mà dùng vậy.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment