Thế giới đang nín thở nhìn vào
những chao đảo của thị trường chứng khoán Trung Quốc – chẳng gì thì đất nước
này cũng một tỷ mấy trăm triệu dân và còn được mệnh danh là “công xưởng của thế
giới.” Danh hiệu này đầu tiên thuộc về nước Anh và thế kỷ XX đã cho chúng ta chứng
kiến nhiều công xưởng khác mọc lên: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Mặc dù không phải là dân kinh
doanh hay là nhà kinh tế học, nhưng mình lại có “thâm niên” làm ăn với người
Trung Quốc, đầu tiên là các nhà buôn nhỏ lẻ và sau đó là các doanh nghiệp; bắt
đầu từ năm 1989 – 1990 hai nước chưa thực sự bình thường hóa quan hệ thì các hoạt
động buôn bán “biên mậu” giữa hai nước đã bắt đầu, qua biên giới các tỉnh Quảng
Ninh, Lạng Sơn, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn của ta (phía Trung Quốc là Quảng Tây
và Vân Nam.)
Sau cuộc xung đột biên giới
hai nước 1979, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng là đóng băng, mình còn
nhớ khoảng năm 1983, 1984 lâu lắm mới nhìn thấy một số hàng hóa rất nhỏ của
Trung Quốc như cái kim, cuộn chỉ, vài cái bát đĩa sứ Giang Tây… nhưng được mang
về Việt Nam từ Liên Xô – hồi đó quan hệ giữa hai nước này đã tốt hơn thời xung
đột biên giới những năm 1960 rất nhiều. Hàng hóa Trung Quốc xuất hiện trở lại ở
Việt Nam cũng bắt đầu từ những thứ nhỏ như thế - nhưng đúng vào thời kỳ Việt
Nam khan hiếm hàng hóa, mới đổi mới, mở cửa, sức sản xuất mới bắt đầu bước những
bước đầu tiên trên đà phục hồi. Từ cái bút máy, kim chỉ, bật lửa đá lửa… Trung
Quốc đã chứng minh được rằng, hàng hóa “công nghiệp nhẹ” của họ sản xuất hàng
tiêu dùng khá hơn hẳn hàng hóa của Liên Xô, thời đó vốn tập trung vào công nghiệp
nặng. Hà Nội những năm đầu thập niên 1990 tràn ngập bia Vạn Lực, bia Quả Táo của
Trung Quốc. Những chiếc xe đạp mini thật đẹp, trước đây chỉ có của Nhật Bản
mang “hàng bãi” từ tàu viễn dương về cảng Hải Phòng lên thủ đô, thì nay xuất hiện
những chiếc “Five Rams” (Ngũ Dương – 5 con dê) đẹp không kém. Rồi những chiếc
quạt bàn, quạt cây “MD” “đời đầu” đến nay người Việt Nam còn ca ngợi chất lượng
của nó…
Nhưng dần dần người Việt Nam
cũng bắt đầu ngờ ngợ nhận ra chất lượng thật của hàng hóa Trung Quốc qua những
chiếc vành xe đạp Phượng Hoàng nhanh chóng rỉ sét, đi lúc đầu thì nhẹ nhưng
cũng chẳng bao lâu, đi nặng như tha cái cùm vì phụ tùng chóng mòn quá… Đến cuối
thập niên 1990 đầu thập niên 2000, mình “sa” vào cơn lốc “xe máy Trung Quốc”
thì mới thấu hiểu vấn đề. Doanh nhân Trung Quốc vốn “chiều” khách hàng, đặt mua
hàng chất lượng như thế nào thì đáp ứng đúng như thế, tiền nào của ấy, điều
luôn luôn được đảm bảo là hình thức hàng hóa vẫn cứ đẹp như nhau, để giữ được độ
bắt mắt mà dễ tiêu thụ hàng. “Nhanh, nhiều và rẻ” như thế là đạt được, nhưng đã
rẻ thì không thể đi đôi với tốt. Thời đầu tiên, những chiếc xe máy Trung Quốc với
giá 20 triệu đồng (bằng 2/3 xe máy Honda Wave nhập khẩu về từ Thái Lan) là năm
1999, chỉ 3 năm sau giá của nó chỉ già 5 triệu đồng, nghĩa là còn 25% so với thời
đầu tiên. Hồi đó bọn mình thường hay đùa rằng, các bác nông dân ở quê mua xe
máy Trung Quốc do anh em ta lắp ra, mang về chở bao thóc đi qua đường tàu không
khéo gẫy làm đôi… Bây giờ không rõ những “sản phẩm” làm ra thời đó chúng đã đi
đến tận đâu rồi, nhưng có thể đoán lượng xe máy khổng lồ đó phần lớn đã quay lại
chu trình tái chế thành sắt thép rồi. Công bằng mà nói, thì xe máy Trung Quốc
đã góp phần kéo giá bán xe máy của các hãng Nhật Bản tại Việt Nam xuống mức
bình dân hơn rất nhiều, nhờ đó mà nay rất nhiều người trong số chúng ta có xe
máy mà đi.
Song cũng từ hồi đó, sau tiếp
xúc làm việc, mình hiểu nền sản xuất của Trung Quốc cũng còn lâu mới bắt kịp được
với thế giới. Khi đàm phán mua xe máy của Tập đoàn Z, cũng là tập đoàn sản xuất
hàng đầu Trung Quốc ở thành phố Trùng Khánh, để đáp ứng yêu cầu tăng chất lượng
của động cơ, phía Trung Quốc đề nghị dùng một số phụ tùng quan trọng của Thái
Lan: quả nén (piston), vòng găng (piston ring hay xéc-măng), bộ li hợp… Lô xe
đó bọn mình xuất xưởng, chất lượng hơn hẳn tất cả các xe Trung Quốc khác đến
mức về sau, xe của Tập đoàn Z khi bán ở
thị trường Việt Nam chất lượng kém đi nhiều, người ta vẫn mua vì “danh tiếng”
ban đầu đó có bọn mình xây dựng. Động cơ nếu dùng những chi tiết trên do
Trung Quốc sản xuất, chạy rất kém, tốc độ thấp, khi nóng lên có hiện tượng bó
máy, ngốn nhiên liệu và tụt tốc độ… Sau này khi chuyển sang lắp ráp ô tô Trung
Quốc cũng vậy, vẫn “tiền nào của ấy” nhưng hàng Trung Quốc luôn có một “cái ngưỡng”
về chất lượng, muốn đưa ra thị trường một sản phẩm tốt hơn hẳn chỉ có mua một số
chi tiết của nước ngoài, như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc hay Châu Âu…
Ở Việt Nam thì hay có câu
“hàng Trung Quốc trung ương” hay “hàng địa phương” – nhưng thực ra không hẳn
như thế, như trên đây đã nói “tiền nào của ấy”. Trung Quốc đã làm khá tốt việc
phát triển nền sản xuất từ hàng hóa chủ yếu đến công nghiệp phụ trợ, hình thành
không phải làng nghề, cụm làng nghề… mà cả một khu vực sản xuất to như cả thành
phố ở ta, chỉ sản xuất một số hàng hóa, sản phẩm, chi tiết… nhất định, tính
công nghiệp hóa cao và do đó, năng suất lao động cũng cao. Người công nhân
Trung Quốc chăm chỉ, cần mẫn và hồi đó chúng mình cũng đã từng ngỡ ngàng với mức
lương không hề cao của họ.
Cách đây hơn mười năm, các Nhà
máy Trung Quốc bọn mình làm việc còn phải dùng máy móc CNC của Phương Tây,
thì nay đã có máy CNC của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc đã tiến những bước
tiến cực lớn về công nghiệp hóa và phát triển công nghệ. Chỉ gần đây, khi sang
Trung Quốc làm việc để đàm phán mua máy móc, cũng như chú ý chất lượng của xe ô
tô Trung Quốc dùng trong nội địa, mình nghĩ ra nền kinh tế sản xuất Trung Quốc
vẫn còn cái “ngưỡng” chưa vượt qua được.
Nghĩa là Trung Quốc có thể sản
xuất được máy bay chiến đấu, trực thăng cho đến tàu vũ trụ, nhưng cái ô tô của
nền sản xuất ô tô Trung Quốc có thể đẹp mã không kém của Hàn Quốc, nhưng chất
lượng vẫn kém hơn rất nhiều. Ngay cả khi đàm phán mua động cơ ô tô của Hàn Quốc,
thì hóa ra là động cơ cao cấp của H, của S… vẫn phải mua nhiều chi tiết quan trọng
từ Châu Âu hoặc Hoa Kỳ thì Trung Quốc cũng khó tránh khỏi việc đó. Câu chuyện
Trung Quốc thèm khát một số bí mật công nghệ về vũ khí của Nga cũng cho ta thấy,
mặc dù một nước đã có nhiều tụt hậu như Nga, vẫn còn hơn Trung Quốc, thì Trung
Quốc, sẽ còn xa mới bắt kịp với những nền công nghệ hàng đầu thế giới.
Khi đàm phán mua dây chuyền lắp
ráp tivi từ một Công ty Trung Quốc ở Đông Quản, Quảng Đông, mình nghe một câu cảm
thán từ người bạn Trung Quốc về cái đường trên cao vòng quanh thành phố Quảng
Châu, khoảng 60, 70km gì đó nhưng thi công chỉ mất có mấy tháng – mình đã lo lắng
cho chất lượng công trình của Trung Quốc với tiến độ kỷ lục cỡ vậy (tất nhiên tốc
độ giải phóng mặt bằng của họ khác của ta.) Gần đây hàng loạt sự cố, tai nạn xảy
ra với các công trình cầu đường Trung Quốc đã phần nào chứng minh những lo ngại
của mình là có cơ sở. Nhà cửa cao ốc, cầu đường, công xưởng… mọc lên như nấm với
tốc độ đáng kinh ngạc, cho thấy một nền kinh tế phát triển quá nóng. Nhanh
chóng, giá nhà đất ở các thành phố lớn tăng lên đến mức ghê gớm cùng mức sống ở
các thành phố cũng tăng lên rất cao, đời sống của thị dân nhanh chóng tiệm cận
mức sống của các thành phố phát triển khác của khu vực và thế giới. Nhưng một lần
đi về nông thôn Trung Quốc, thăm nhà một bạn sinh viên học Đại học Dân tộc Quảng
Tây chỉ cách thành phố Nam Ninh 18km, bọn mình đã “không thể tin nổi” cảnh
nghèo nàn của bà con dân tộc Choang, với bữa cơm còn ăn cháo cám. Ở trung tâm
thành phố còn sạch đẹp, phong quang, không kém gì Hongkong, Singapore… nhưng
vùng nông thôn thì nghèo nàn và đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường
nặng nề với hàng núi rác thải.
Nền giáo dục Trung Quốc cũng
có những tiến bộ rất lớn, điều đó không thể phủ nhận khi tiếp xúc làm việc với
các nhân viên thương mại của các công ty, trẻ, năng động, thông thạo tiếng Anh.
Tuy nhiên, công nhân Trung Quốc cần cù và lành nghề là thế, nhưng trình độ ngoại
ngữ thì thật là hạn chế, do đó trong các Nhà máy của nước ngoài thường phải sử
dụng các quản đốc, kỹ sư biết ngoại ngữ làm cầu nối giữa người quản lý nước
ngoài với công nhân. Đây cũng là rào cản rất lớn cho sự phát triển của Trung Quốc
lên tầm siêu cường. Sống trong xã hội Trung Quốc, ta có cảm giác đang bơi trong
một biển, nhưng là biển kín, không phải đại dương – nếu không biết tiếng Trung
Quốc thì hầu như không thể giao tiếp gì được mà luôn luôn phải nhờ một bạn người
Trung Quốc thuộc giới tinh hoa biết tiếng Anh làm cầu nối. Một điểm khó khăn nữa
cho Trung Quốc, chính là chữ viết – lâu nay nước này vẫn tham vọng Latinh hóa
chữ viết mà không thể, vì quá nhiều từ đồng âm khác nghĩa. Lượng người Trung Quốc
mù chữ còn rất cao, nên phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí và văn hóa đâu có phải
là việc dễ dàng. Ngay cả các bạn trẻ sinh viên khi cần viết một chữ nào đó còn
phải tra trong điện thoại xem chữ đó viết như thế nào…
“Phi thương bất phú” – Trung
Quốc đã làm rất tốt việc phát triển thương mại và cả nền sản xuất hàng hóa
thương mại cho toàn thế giới, và nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn ở phạm
vi toàn cầu. Nhưng, “phi công bất hoạt” – khi nền sản xuất công nghiệp vẫn còn
hạn chế về công nghệ, như trong bài này mình đề cập đến công nghệ vật liệu của
Trung Quốc còn thua kém xa nhiều nước khác, thì nền sản xuất đó còn phụ thuộc
và sẽ dễ gặp chao đảo hơn các nền sản xuất chủ động về công nghệ. Những vấn đề
về ô nhiễm môi trường, rồi bong bóng bất động sản trước sau cũng sẽ vỡ (điều
này để các nhà kinh tế nói tốt hơn mình) hay rào cản về nâng cao dân trí… sẽ đến
một ngày bộ lộ rõ ràng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội. Sẽ đến ngày
các nhà đầu tư nước ngoài thay vì kéo vào, lại kéo nhà máy của mình khỏi đất nước
Trung Quốc… và điều đó đang diễn ra trong mấy năm gần đây. Nếu trước đây, nền
kinh tế Liên Xô là nền kinh tế phát triển bất chấp tương lai bằng khai thác tài
nguyên, thì nền kinh tế Trung Quốc cũng lại lặp lại, phát triển bất chấp tương
lai nhưng bằng hủy hoại môi trường và gia tăng khoảng cách giàu – nghèo.
Bài viết từ những cảm nhận cá
nhân, chắc chắn không thể đưa ra một lời giải đáp cho những chao đảo của thị
trường chứng khoán Trung Quốc mấy ngày qua, nhưng hi vọng phần nào mang đến cho
bạn đọc những hình dung sơ lược về một nền sản xuất, “công xưởng của thế giới”
đã phát triển như thế nào và sẽ đối mặt với những khó khăn ra sao…
Tham gia thảo luận trên Facebook
tại đây
No comments:
Post a Comment