Ăn theo bộ phim của đả nữ Ngô
Thanh Vân đang ì xèo ngoài rạp, mình cũng khoái chém về chuyện “Tấm Cám” ai
cũng đã xem hàng tỉ lần từ hồi bé tí. Hồi bé mình có quyển này truyện tranh khổ
to, in bóng loáng với những bức tranh vẽ trên lụa của họa sĩ Mai Long. Nét vẽ mềm
mại, đẹp và rất dân gian chứ nó không đẹp chi tiết như “Tôn Ngộ Không ba lần
đánh Bạch Cốt Tinh” của Trung Quốc.
Vài năm nay nhiều người kêu ca
phàn nàn về độ man rợ của câu chuyện – cái này đúng, chủ yếu là vụ làm mắm quá
ghê rợn ở cuối chuyện.
Mở đầu chuyện bao năm qua,
chúng ta nghe “Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, mẹ Tấm mất sớm nên bố
Tấm lấy vợ hai. Rồi bố tấm chết nốt Tấm ở với dì ghẻ…” nhưng tiếp theo thì “dì
ghẻ là người độc ác nên bắt Tấm làm đủ thứ việc còn Cám thì chẳng phải làm gì,
ăn trắng mặc trơn.” Thực tế nếu chỉ có như vậy, thì bà ta chưa thể gọi là độc
ác gì cho cam, chỉ là không công bằng thôi. Hoàn toàn không thấy có dấu hiệu của
bạo lực gia đình trong trường hợp này, bà ta không dùng củi tạ đánh Tấm, không
trói vào chân giường, không dùng dao rạch vào người hay dí điện… cũng không bắt
Tấm phải ăn cái này cái khác như nhiều bà mẹ ghẻ, mà có khi cả mẹ đẻ hiện nay
đang làm.
Xét từ một góc độ “yêu cho vọt
ghét cho roi” – í lộn, “cho chơi” thì bà dì ghẻ có khi lại yêu Tấm hơn Cám, ít
ra bà rèn cho Tấm là người yêu lao động, còn Cám thì chắc bà ta định hướng cho
theo ngạch thời trang nên cô bé tập trung vào trưng diện chăng?
Nhưng rõ ràng Tấm việc gì cũng
đến tay ngoài việc được rèn luyện, thì Tấm còn là Oshin không công cho hai mẹ
con. Đó đương nhiên là bóc lột rồi.
Bà dì ghẻ chỉ bộc lộ tính độc
ác của mình khi tước đi cơ hội của Tấm không được đi xem hội – trộn thóc và đỗ
đen thì phải (có vơ-dừn là thóc) vào nhau bắt nhặt gạo ra gạo, thóc ra thóc.
Nhìn chung đã ép nhau làm việc phi lý này thì đúng là “đì nhau sát ván” rồi,
“nó” mà cay lên nó vác dao bầu nó đâm cho xòi ruột thì có ngày biết tay “nó.”
Người ta bảo đừng ép nhau đến bước đường cùng. Nhưng Tấm thì thực sự chịu đựng,
cô lại lạm dụng vụ khóc, một lần nữa cô lại khóc nhờ cậy Bụt.
Vì là cổ tích cho trẻ con đọc,
nên các tác giả dân gian giải quyết tình huống khi được đẩy lên cao trào bằng
phép màu thông qua nhân vật ông Bụt (Buddha, hay Phật.) Về lý thuyết thì nhân vật
Bụt này giống một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn hơn là Phật. Cứ hễ nỗi khổ cực uất ức
của Tấm lên đến cao trào và ngồi khóc thì Bụt lại hiện lên “Làm sao con khóc?”
Giải thích theo triết học thì
cái gì rồi cũng qua, kể cả nỗi khổ cùng cực nhất – không có gì kéo dài mãi mãi cả.
Nếu con người biết được điều đó, chấp nhận nỗi khổ như một sự thử thách thì
chuyện khổ cực không thành vấn đề. Do đó kể cả lên đến đỉnh điểm của nỗi khổ,
không nhất thiết phải khóc.
Ở đây tình tiết ba lần khóc của
Tấm và ba lần hiện lên của Bụt, để biểu thị sự từ bi. Dù người ta có hành mình
đến mấy, đều là nhân – quả; không vì thế mà mình cần phải có hành động tiêu cực.
Tất nhiên như bây giờ chúng ta sẽ phải có những hành xử khác: nói thẳng với dì
ghẻ, là dì làm như thế thật không ổn. Căng lên dì tẩn cho trận, thì gọi nhà
báo, thêm hội phụ nữ và ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Phường hoặc xã… các ngành
đồng loạt vào cuộc, có khi vớ vẩn dì ghẻ đi bóc lịch chứ chẳng chơi. Nhìn chung
nhân vật Tấm đủ từ bi, nhưng hơi thiếu trí tuệ. Như cách đây 30 năm học văn sẽ
phân tích, đó là thể hiện sự thối nát của chế độ phong kiến, con người không được
bảo vệ.
Hây dà, bây giờ thì con người
cũng không có được bảo vệ tốt hơn bao nhiêu đâu, tin mình đi các bạn.
Bản thân Phật và Bồ Tát không
làm thay đổi nhân – quả, hay nghiệp của mỗi người mà các Ngài chỉ thị hiện để
chỉ cho con người biết về bản chất cái khổ, về triết lý nhân quả mà thôi; đồng
thời các Ngài cũng chỉ cho con người con đường để thoát khổ, còn thì con người
tự phải đi hết con đường đó.
Đến đây thì chúng ta hiểu tính
triết lý của câu chuyện Tấm Cám: Bụt chỉ có chỉ cho Tấm thấy, rằng trong họa
thì có phúc; Cám lấy hết cua cá thì còn con cá bống, mối nhân duyên rồi sẽ đem
lại cho Tấm niềm vui chốc lát rồi lại chia lìa. Triết lý đó lặp lại lần nữa khi
bạn Bống bị đem rán giòn chấm mắm gừng trên mâm bà dì ghẻ, nhưng Bống lại để lại
cho Tấm hẳn một bộ hài cốt mà sau này nó sẽ biến thành áo thành quần.
Phân tích về hành động “khóc
có tính lạm dụng thành hệ thống” của Tấm, có thể hiểu nó không thực sự là khóc,
đó chỉ là một điểm nút, một bước chuyển trạng thái đến cùng cực sang một trạng
thái khác, kết hợp với hình ảnh hiện lên của Bụt như một sự kết hợp nhân duyên,
chỉ cho Tấm thấy để Tấm ngộ ra, chứ không phải phép màu. Gieo nhân thì có ngày
trổ quả, mò cua bắt ốc thì có tôm có cá, và mất thì không phải mất sạch, gieo
xương thì gặt quần áo…
Tuy nhiên nếu không phân tích
ra như thế, người đọc ào ào, đặc biệt là trẻ con sẽ hiểu là Bụt hiện lên, đem lại
cho chúng ta cái gì đó. Bụt không đem lại cái gì cả, chỉ có chỉ ra cho mà thấy
thôi.
Chuyện Tấm Cám thể hiện rất rõ
về luân hồi: Tấm chết đi hóa chim vàng anh, rồi lại vào gỗ làm khung cửi. Nhìn
chung “nghiệp” của Tấm nặng, nàng chết đi không phải làm kiếp người mà làm
chim, rồi lại thành cây. Vụ thành cây này thì đúng là hóa ra ma, oan hồn chứ chẳng
giỡn, khiếp quá. Còn vụ “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Phơi áo chồng
tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao…” hay “Cót ca cót
két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra…” chẳng qua là cái “tâm ma” trong
lòng Cám nó lên tiếng, ám ảnh bởi việc xấu đã làm là hại chết Tấm để chiếm ngôi
hoàng hậu, chứ nếu có thật thì Tấm đúng là vong hồn chưa siêu thoát.
Chợt nghĩ ra Cám hóa ra cũng
biết lao động: cũng giặt quần áo như ai và lại còn biết dệt vải.
Chuyện người ta phản đối nhiều
nhất là chi tiết ghê rợn, Cám bị đem làm mắm. Cô Tấm đúng là sinh thời hiền
lành quá đáng, như người ta thường nói “hiền quá hóa đần” tự dưng lại quyết liệt
bất thường. Được tái sinh, cô ta quyết định lập mưu lừa em cùng cha khác mẹ ngồi
xuống hố rồi dội nước sôi cho chết (“Chị Tấm ơi chị Tấm, chị dầm mưa dãi nắng,
đi vắng đã lâu, sao giờ chị trắng?” – thích thì chiều, chuyện bé tí, muỗi! Ngồi
xuống hố đi chị “tắm trắng” cho!)
Hạn chế của chuyện là tất cả
chỉ được gói gọi trong một truyện cổ tích, kể từ đầu đến cuối chỉ hết 15 phút đến
nửa giờ, nên nó cần giải quyết mâu thuẫn ngay trong truyện đó. Nhưng mình cũng
thắc mắc, đã có đủ những triết lý về nhân quả, luân hồi như thế rồi, tại sao
các tác giả không giải quyết theo hướng khoa học hơn, kiểu “bị sét đánh chết”
hoặc biến thành bọ hung như Lý Thông? Vụ biến thành bọ hung này hay à nha – rất
triết học. Đó là một sự đày đọa ghê gớm và rất đúng triết lý.
Phiên bản Phương Tây của Tấm
Cám thì hai cô con dì ghẻ của Lọ Lem bị chim mù mổ mắt và sống kiếp mù lòa suốt
đời, nói chung cũng khá hơn vụ làm mắm của ta. Chi tiết bà dì ghẻ ăn đến tận cuối
hũ mắm rồi nhìn thấy cái đầu của Cám trong đó mới thật là gớm chết, đỉnh điểm của
sự độc ác. Đã làm mắm lại còn cố để lại cái đầu cho xuống cuối, để bà ta không
phát hiện ra sớm mà ăn cho bằng hết.
Sự độc ác của dì ghẻ đã được
“nâng tầm” lên không gì bằng ở vụ trả thù này của Tấm. Lập lại công bằng là cần
thiết, nhưng Tấm lấy lại ghế đệ nhất phu nhân và đuổi 2 mẹ con về quê thì cũng
đã là quá ổn rồi, tại sao cần phải trả thù đến thế. Chẳng có một sự tha thứ nào
cả - mà người ta đã nói rằng không có sự trả thù nào xứng đáng hơn hành động
tha thứ.
Mình mà là ông vua, phải đầu ấp
tay gối với cái cô Tấm bất thường đó, lúc thì hiền quá mức cần thiết, lúc thì
hành động tàn bạo cũng quá thể đến thế thì cũng kinh, trước sau chắc cũng phải
đâm đơn ra tòa thôi.
Điểm hại của câu chuyện là
không ai có thể giải thích được cho trẻ con rằng, triết lý nhân quả nó phải được
bắt nguồn từ chính hành động tạo nhân, rồi qua thời gian quả sẽ đến. Có nhân tạo
quả ngay, trực tiếp và không có nhân nào khác tham gia cùng, nhưng cũng có quả
được tạo bởi nhiều nhân… tất cả do nghiệp lực của mỗi người quyết định. Đây
không chỉ trẻ con, mà cả người lớn cũng mong chờ hành động ác độc sẽ bị trừng
trị ngay lập tức, cần phải có người hùng trừ gian, lập lại công bằng ngay trong
truyện hay phim. Hollywood cũng hay có chuyện này, vấn đề là cứ phải xử lý
luôn.
Không phải lúc nào cũng như vậy,
tất cả những câu chuyện chúng ta đọc, phim chúng ta xem cần phải được quán chiếu
dưới tuệ nhãn, hiểu biết. Chuyện ngoài đời cũng vậy: một kẻ thủ ác khi ra tòa,
người ta còn cảm thấy “án đó còn nhẹ quá” và kêu gào, đòi hỏi phải có sự công bằng
trong trừng phạt, có khi còn cho rằng “pháp luật rởm.” Những lý luận đó là có
lý chứ không phải là không, nhưng về nhân quả mà nói, có khi “nhân” của kẻ thủ
ác chưa đủ để tạo ra một cái “quả” tương xứng, vì biết đâu trong kiếp trước anh
ta làm nhiều điều thiện thì sao?
Chúng ta gào thét chỉ tổ sinh
tâm sân hận, hại cho chúng ta mà thôi.
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment