Cách đây 11 năm, mình có làm một
trang web, có thể nói là trang web đầu tiên bằng tiếng Việt về nước Nga. Gần
đây thì có nhiều, nhưng hồi đó không có một trang nào cả. Khi xây dựng xong nó,
mình có nhận được email của một người lạ, gửi về từ Matxcơva.
Anh gửi cho mình những bài
thơ, những truyện ngắn để đăng lên trang web đó, và vì những bài thơ anh ấy viết
hay, xúc động và tình cảm quá, mình không thể từ chối và cứ đăng dần lên, một
hai ngày một bài. Mãi đến một ngày mình đăng lên một truyện ngắn kể về gia đình
một ai đó, rất lạ. Nó viết về cuộc sống của một gia đình trí thức đi học, sinh
sống ở nước Nga, mà trước đó là Liên Xô. Sau đó nó kể đến bi kịch trong quan hệ
vợ chồng mà thực lòng, viết về người vợ rất xấu.
Thật may rồi một người bạn
khác từ Matxcơva thông qua diễn đàn trực tuyến của trang web, kể cho mình rất
nhiều về câu chuyện cuộc đời của nhà văn đã gửi những bài thơ và truyện ngắn
cho mình đó. Mình gặp anh khi anh về Hà Nội.
Đến bây giờ nếu chỉ cần lên mạng,
Google search về câu chuyện nhà văn, nhà thơ H. bị lạc mất con ở Matxcơva, thì
ra ngay, mình cảm thấy không cần phải nói thêm về câu chuyện đó nữa.
Sau này sang Matxcơva, mình gặp
lại anh và đôi lần đi chơi cùng anh, gặp gỡ những người Việt Nam ở Matxcơva.
Không bao giờ mình hỏi gì anh về những câu chuyện cũ, coi đó là một chuyện tế
nhị, và thực ra mình cũng chỉ được nghe kể và đọc trực tiếp những câu chuyện
anh viết về quá trình đi tìm con gái ở nước Nga.
Nhưng có một điều mình canh
cánh suốt từ hồi đó đến giờ, mình cảm thấy có lỗi, và nợ một lời xin lỗi với
người phụ nữ ấy, người phụ nữ mình không quen, được viết trong truyện ngắn của
anh H. Về sau khi ở Matxcơva, mình được biết những truyện ngắn đó, anh viết và
photocopy ra nhiều bản và dán ở nhiều nơi để “họ” – những nhân vật chính của
truyện, có thể đọc được, và cả bạn bè họ cũng có thể đọc được.
Hai nhân vật chính là hai người
đưa con của anh H. đi nghỉ ở Biển Đen và cháu mất tích.
Mình cảm thấy có lỗi với chị,
vì chị là người mình không quen biết, và mình là người ngoài cuộc. Nhưng với
trang web của mình, mình gián tiếp giúp anh H. “phát tán” những truyện ngắn đó
một lần nữa sau mười mấy năm tưởng như đã nguôi ngoai. Mình phải chịu trách nhiệm
về chuyện đó, vì như Đức Phật dạy, “cái gì không biết, không nói” mình phải im
lặng, và không đăng câu chuyện đó. Tiếc rằng mình đã không làm như thế, và ân hận
suốt 9 năm không biết liệu có cơ hội để xin lỗi anh chị ấy không.
Và mình cũng có một linh cảm
mơ hồ, rằng với sự “tấn công” như thế, thì đến 99% khả năng gia đình họ sẽ tan
vỡ. Không có cặp vợ chồng nào đủ tỉnh táo và can đảm để bước qua một biến cố đến
vậy – một bi kịch quá lớn cho cả hai gia đình.
Mãi đến năm 2014, khi những sự
kiện Maidan, rồi Nga sáp nhập Crimea… khi tham gia một vài nhóm trên Facebook,
mình nhận ra một người phụ nữ. Không ngờ người phụ nữ nhẹ nhàng, duyên dáng và
xinh đẹp ấy, chính là người mình muốn được gặp để xin lỗi lâu nay. Nhờ có một
người quen chung mà mình nhận ra chị, và nhiều lần chat chit với nhau trên
Facebook mà mình đã hiểu ra rất nhiều điều.
Mãi mình mới dám kể chuyện từ
trước đó 9 năm, và nói, thực lòng em và chị có với nhau một cái “duyên” quá lớn.
Ngay từ hồi đó em đã muốn tìm thấy chị và xin lỗi chị, tất nhiên xin lỗi cả anh
nhà chị nữa. Dù là anh chị đã chia tay, dù là ai đối xử với ai như thế nào thì
tất cả cũng đã qua rồi, nên vị tha, bỏ lại đằng sau và bước về phía trước.
Chị kể lúc chị đang mang thai, anh H. còn chửi mắng và đánh chị ở nhà một người bạn. Mình nghe, muốn
khóc, thương cho tất cả. Thương con anh H., cháu bé mất tích, thương vợ chồng
chị, đặc biệt là chị bụng mang dạ chửa mà lại bị xử tệ, và thương anh H.
Bây giờ chị có một cuộc sống hạnh
phúc và yên ấm ở Mỹ, với một người rất yêu thương chị. Điều đó chưa quan trọng.
Điều quan trọng hơn, là chị bắt đầu tìm thấy sự an lạc trong cuộc sống của
mình. Chị nhận ra, những người sống quanh chị, những “người Mỹ diều hâu” ấy họ
thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh đến thế nào. Chị cảm ơn số
phận đã cho mình một môi trường để sống tốt, không còn phải nghĩ ngợi gì nhiều
về những cảnh trái ngang, và tập trung làm việc thiện.
Mình nói với chị, chị thấy
không, cuộc đời dài và số phận thì rất công bằng. Chị đã trải qua những gì khó
khăn và đau khổ nhất, và bây giờ chị được đền đáp trở lại. Không chỉ được đền
đáp bằng một cuộc sống hạnh phúc, chị còn được tạo những điều kiện tốt nhất để
sống thánh thiện và xây dựng một thân tâm an lạc.
Mình đã phải rất cố gắng để
nói với chị điều không muốn nói – về anh H. Mãi gần đây, đâu như năm ngoái hoặc
cuối năm kia, vẫn còn đọc trên báo Việt Nam câu chuyện viết về hành trình đi
tìm con gái của anh. Điều mình muốn nói, là đọc nó vẫn vậy, dù vẫn rất xúc động
vì tình cảm cha con… Nhưng anh H. vẫn không có gì thay đổi, vẫn coi đó là câu
chuyện cuộc đời và chưa bước ra được khỏi nó.
Con cái như Đức Phật nói, đến
với chúng ta cũng là một cái “nhân duyên” rất lớn, và chúng nó đến để hoặc báo
ân, hoặc báo oán, hoặc trả nợ, hoặc đòi nợ… Mối quan hệ nào cũng thế, không chỉ
quan hệ cha mẹ con cái, còn là do “duyên” vẫn còn, “duyên” cạn thì quan hệ cũng
không còn nữa.
Là người học Phật, mình phải
dám nghĩ cả đến những tình huống xấu nhất. Lúc ngồi chờ ở hành lang bệnh viện,
còn trong phòng cấp cứu là con trai, không biết nó có thể qua khỏi hay không,
mình đã nghĩ thật đau khổ khi thằng bé xinh xắn và dễ thương đến thế, mình yêu
quý nó đến thế mà phải chia tay nó. Từ đó nghĩ đến những gia đình có con bệnh
hiểm nghèo rồi cha mẹ phải chia tay chúng… đau đớn nào cho bằng.
Chuyện của anh H. do đó còn
đau gấp bội, vì không biết số phận con ra sao, còn sống hay đã chết.
Nhưng nếu mình ở địa vị đó,
mình sẽ hiểu, rằng nếu con còn sống và “duyên” vẫn còn, thì cha con ta sẽ có
ngày gặp lại nhau. Nếu con đã chết, thì coi như “duyên” đã hết, con đã xong nhiệm
vụ ở cõi đời này và được thác sanh vào một phận khác, một cõi khác rồi…
Cần phải bước được ra khỏi “câu
chuyện cuộc đời,” nếu ôm ấp mãi nó, đau khổ và kinh khủng hơn, hận thù và không
tha thứ được cho những người “đã gây ra chuyện” (mình viết ngoặc kép, chắc mọi
người đọc sẽ hiểu là chưa chắc họ đã thực sự gây ra chuyện) thì không biêt đến
bao giờ mới được giải thoát.
Điều mừng nhất là khi hỏi chị,
rằng chị nghĩ về anh H. ra sao… thì chị kể, lúc bị hành hạ thì chị đau khổ và rất
giận, bây giờ thì không giận nữa. Chị thấy không, chúng ta phải thương anh ấy.
Đúng, ở vào hoàn cảnh bi kịch như thế, người bình thường sẽ hành động như anh ấy,
chúng ta có phải là thánh đâu mà vượt qua được. Nhưng nếu mãi không bước được
ra khỏi câu chuyện, thì anh ấy đáng thương gấp bội. Bổn phận của chúng ta là phải
yêu thương chúng sinh, càng lầm lạc, càng cần yêu thương họ. Ngoài việc biết
tha thứ, còn phải biết dành cho họ lòng yêu thương của chúng ta và thành tâm
mong họ thoát khổ, để cùng đi đến giải thoát.
Lại một chuyện liên quan nữa –
cũng thời gian này trên Facebook xuất hiện một nhóm những người chất chứa những
hoài niệm với đất nước Liên Xô. Một vị cây đa cây đề có dịp gặp anh H. về thăm
Hà Nội từ Matxcơva, lên Facebook kể ngay, tất nhiên kể luôn cả câu chuyện người
cha tìm con mấy chục năm trên đất nước Nga băng giá. Câu chuyện gây xúc động mạnh,
vì nhiều người chưa biết chuyện. Sau này mình nói chuyện với chị về chuyện đó,
hai chị em có nói với nhau rằng chia sẻ một câu chuyện thương tâm và xúc động
như thế là tốt, nhưng mấy chục năm vẫn một cái nhìn như vậy, anh H. vẫn tiếp tục
lạc lối và thực ra là có hại.
Mới
thấy đúng, cõi Ta Bà là cõi khổ, và chỉ có con đường thoát khổ của Đức Phật đã
dạy là đúng đắn. Chuyện thực sự không muốn viết lại, nhưng chính chị động viên
là nên viết, đê chia sẻ một cái nhìn khác từ những góc cạnh khác, cũng là việc nên làm.
No comments:
Post a Comment