79,6% là con số số cơ sở
karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn Hà Nội không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa
cháy (PCCC.) Thông tin do bản tin “Chuyển động 24h” Đài truyền hình Việt Nam
trưa 2/11 đưa: trong số 988 cơ sở trên địa bàn Hà Nội có 787 cơ sở không đạt.
Vụ cháy quán karaoke trên đường
Trần Thái Tông ngày 1/11 đã là vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng nhất từ trước
đến nay đặc biệt về số nạn nhân thiệt mạng. Quán karaoke phát cháy đầu tiên còn
chưa được cấp phép và riêng về lĩnh vực đảm bảo an toàn PCCC vừa bị yêu cầu
đình chỉ hoạt động trong tháng 10 do hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu.
Nhiều khả năng với những thông
tin như vậy, chủ cơ sở khó tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội danh
“Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” được quy định tại Điều 313 Bộ luật
hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015. Mạng người thì đã mất rồi,
thật đau xót và kinh hoàng về mức độ tổn thất, chúng ta mới giật mình nghĩ đến
rằng một ngày đẹp trời nào đó, Bà Hỏa có thể thăm viếng bất cứ gia đình nào
trong số chúng ta.
Theo dõi dư luận trên mạng xã
hội, tôi nhận thấy một đặc điểm là rất nhiều ý kiến từ băn khoăn tự hỏi đến khẳng
định rằng, một khi cơ sở đã không đủ điều kiện về PCCC (chưa được nghiệm thu) tại
sao cơ quan chức năng không cấm tiệt cơ sở đó hoạt động? Đây là một vấn đề đã
được bàn qua rồi, nên tôi chỉ nói lại một chút: cơ sở chưa được cấp phép hoạt động,
thì không cần phải cấm họ hoạt động vì họ có được phép hoạt động đâu mà cấm? Hệ
thống PCCC còn chưa được nghiệm thu thì còn chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép
hoạt động.
Từ những ý kiến đó, chúng ta
thấy thực sự có một lỗ hổng lớn trong hiểu biết pháp luật của người Việt Nam,
chẳng hạn trong trường hợp kinh doanh karaoke, bar, vũ trường như thế này thì
pháp luật bắt buộc chủ cơ sở phải biết về tất cả những điều kiện được pháp luật
quy định liên quanh đến ngành nghề kinh doanh của mình, trong đó có điều kiện
an toàn PCCC. Ngay cả “cộng đồng mạng” cũng đang cho rằng tại sao cơ sở không đạt
điều kiện mà cơ quan chức năng không cấm, vẫn để họ hoạt động “ngang nhiên” như
vậy.
Câu chuyện pháp luật không hẳn
là như vậy – như trong trường hợp này thì tự động chủ cơ sở phải hiểu là không
được phép hoạt động chứ không cần phải chờ cơ quan chức năng người ta cấm thì mới
dừng. Chúng ta bắt đầu quen với tư duy tiến bộ “được làm tất cả những gì mà
pháp luật không cấm” nhưng điều đó không có nghĩa là nếu chưa thực hiện đúng những
quy định của pháp luật, dù không bị cấm nhưng “cứ thích là hoạt động.”
Ngay cả người viết bài này khi
tiến hành sửa chữa căn nhà đang ở mà cũng phải “lăn ra” xin cấp giấy phép xây dựng
mất hàng tháng trời, không biết bao nhiêu lần đi đi, lại lại để chỉnh sửa hồ sơ
theo đúng quy định… Trong khi đó, tôi cũng nhận được không thiếu những lời
khuyên là “kệ, sửa có tí, cứ làm, cần gì giấy phép.” Không cần giấy phép, chúng
ta có thể làm cả tòa nhà mà chẳng làm sao cả; nhưng nếu chỉ cần một rủi ro xảy
ra trong quá trình thi công như tai nạn, hoặc sự cố đổ, lún nứt… thậm chí gây hậu
quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến tính mạng của người khác thì chẳng phải ai
khác, chính chúng ta là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Người Việt Nam sợ cơ quan công
quyền nhưng không sợ luật là như thế, thật là một tư duy nguy hiểm. Cả cơ quan
công quyền lẫn các công dân, khi có quan hệ với nhau đều dựa trên một cơ sở duy
nhất là luật pháp. Dù có những ý kiến phàn nàn về tình trạng tiêu cực trong hoạt
động của cơ quan công quyền, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là công dân,
pháp nhân… có dùng “phong bì” thì có thể thay đổi được những gì cơ quan chức
năng sẽ viết trong văn bản.
Nếu tôi xây nhà sai với nội
dung của giấy phép xây dựng, khi cơ quan chức năng kiểm tra tôi có thể “phong
bì” để đạt được cái người ta thường gọi là “phạt cho tồn tại” nghĩa là vi phạm
vẫn được duy trì. Thực tế, văn bản của cơ quan công quyền sẽ vẫn thể hiện là
“yêu cầu khắc phục” song song với biện pháp chế tài (phạt.) Chúng ta hoàn toàn
ung dung với điều vừa đạt được là cái “phạt cho tồn tại” đó nhưng nếu từ vi phạm
xảy ra rủi ro thì chính chúng ta vẫn là người chịu trách nhiệm.
Chưa đủ điều kiện đã hoạt động,
hoặc cắt giảm đầu tư về an toàn, như lĩnh vực PCCC… tất cả đều từ cái “tham.”
Và một ngày, “cháy nhà ra mặt chuột,” quán cháy lòi ra cái “tham.”
Điều tôi muốn nói ở đây, là đã
đến lúc mỗi người trong số chúng ta tự suy ngẫm rằng nhận thức pháp luật và
cách hành xử theo luật của chính mình đang như thế nào đã. Việc nhận ra tình trạng
tiêu cực, yếu kém của hệ thống cơ quan công quyền là cần thiết; nhưng chúng ta
đã có bao giờ đủ can đảm bớt đi một chút lợi nhuận để đảm bảo an toàn tối đa
cho cuộc sống và kinh doanh của chúng ta không?
Hãy bớt kêu ca về những tiêu cực
xã hội đi, bởi chính chúng ta cũng ngày ngày đóng góp thêm vào những tiêu cực
đó bằng chính tư duy “không sợ luật” của mình. Kêu ca chỉ trích chỉ đúng đắn
khi chính mỗi người chúng ta thực sự hành xử tôn trọng pháp luật mà thôi.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment