Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, March 29, 2017

Góp ý, phê bình hay chửi đổng?

Chơi trên mạng, tôi thường bị chỉ trích. Những chỉ trích đó thường là việc tỏ ra yếm thế, ít có những ý kiến về các thói hư tật xấu, mà những chuyện chướng tai gai mắt thì diễn ra thường ngày khắp nơi quanh ta ấy chứ.

Khi họ biết tôi theo học Phật, thì những chỉ trích đó chuyển sang chỉ trích luôn cả… Phật pháp: “Đạo Phật yếm thế…” thậm chí “Dạy con người ta suy nghĩ của nô lệ…” hay của “những con cừu…”

Tôi không có ý và cũng cảm thấy không cần chỉ trích lại những câu đó, thôi thì làm con cừu cũng được, không sao. Hàng ngày lên mạng xã hội chúng ta thấy không hiếm những “cư dân mạng” ngày nào cũng có ít nhất đến vài “xì-tây-tớt” không chửi cái nọ đến chửi cái kia. Thực tế, hầu như cái nào họ phản ánh cũng đều… đúng cả.

Từ chửi việc dẹp vỉa hè đến việc bắt quang gánh của bà hàng rong, chửi con rồng đầu Picachu ở Hải Phòng đến chửi con rùa vàng đang manh nha được dựng ở Bờ Hồ… thôi thì đủ chuyện, chuyện gì cũng có thể chửi được.

Mức độ nhẹ hơn, nhiều “cư dân mạng” khác thì bức xúc với bất cứ điều gì không hay xảy ra cho mình. Tôi nhớ có lần một cô đi tập gym để quên điện thoại iPhone chồng mới mua cho, quay lại phòng thay đồ đã thấy mất, chửi ghê gớm trên mạng xã hội và hàng chục cô khác hùa theo. Họ chửi đào mồ đào mả cái đứa nào tham lấy điện thoại mà không trả cho người bỏ quên. Ơ hay, bỏ quên thì phải là lỗi của mình trước đã chứ, sao chửi người ta? Phải mình nhặt được mình có lùng sục đi tìm người đánh mất mà trả không?

Mạng xã hội phát triển thì buôn bán qua mạng cũng phát triển, và lừa đảo cũng phát triển không kém. Cứ thỉnh thoảng lại có một vụ lừa nhau, ẵm tiền rồi biến mất hoặc bán hàng vớ vẩn, kém chất lượng. Người bị lừa lại được một phen ầm ĩ làng xóm, chửi như chưa hề được chửi. Họ thường quên, bị lừa ngoài trường hợp bị lợi dụng lòng tốt, thì lỗi đầu tiên là ở mình.

Cổ nhân có câu, người lương thiện và không tham lam thì không bao giờ bị lừa. Cái anh đã cố tình có ý gian muốn bán cho người khác thứ vớ vẩn hoặc thậm chí cuỗm tiền, nó phải đưa ra cái “bả” gì thơm thơm. Ta tham rẻ ta bập vào là ta chết, kêu ai?

Tất nhiên tôi nói vậy thôi, cũng không phải điều đó đúng với mọi trường hợp, nhưng phần lớn là như vậy.

Quay lại với những con người hàng ngày đau đáu với những thói hư tật xấu của xã hội, của chính quyền… họ thường có lý do là nếu không nói ra thì làm sao đấu tranh được với những thói hư tật xấu đó. Câu thường gặp mà họ hay “quote” là “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.”

Từ khi theo học Phật, đúng là tôi không có nhu cầu phải nói nhiều nữa, mặc dù những nhận thức về cái gì đúng cái gì sai, về những thói hư tật xấu diễn ra xung quanh mình… trong tôi y như những người khác, đều là người phàm cả với nhau, chẳng có gì hơn người khác và cũng không rõ có kém hơn không.

Nhưng nhu cầu đầu tiên của tôi bây giờ là ngẫm nghĩ xem mình có như thế không, có đã từng làm những hành động như vậy trong quá khứ và nếu nó chưa hay, chưa tốt… thì trong tương lai mình phải làm thế nào để tránh không phạm phải.

Chúng ta đều có ý tốt là muốn cải tạo xã hội, nhưng mỗi người lại có một phương pháp khác nhau. Bác chọn phương án chửi còn tui thì chọn cách nhận xét nhẹ nhàng, như một người trong cuộc, cũng đã từng có những tật xấu đó và thậm chí còn chưa hết, lúc quên vẫn phạm sai lầm. Bác thì coi hạnh phúc là đấu tranh, còn tui thì coi sự tĩnh tâm là quan trọng…

Vì tôi nghĩ, đến nhẹ nhàng từ từ nói người ta còn chưa chắc đã nghe, nữa là chửi vào mặt người ta. Cãi cọ không bao giờ dừng. Nên nếu tôi im lặng, là tôi chưa nói. Tôi muốn suy nghĩ thấu đáo, xem nếu nói thì nói như thế nào là tốt nhất, đạt hiệu quả nhất. Nói mà không có kết quả, thậm chí gây hại thì thà im lặng còn hơn. Còn đã nói, thì hãy nói gì hay ho, dễ nghe… làm sao người khác nghe thấy bình an, và muốn theo. Nói chỉ để gây sự hay nói cho sướng mồm thì không nên nói.

Có lần tôi viết ở đâu đó, blog hay status trên Facebook… rằng tôi nhận ra một điều, dù chính quyền này có nhiều khiếm khuyết, nhưng thực ra bên trong bộ máy của nó vẫn là những con người, họ có thể là bạn, là người thân của ta. Họ vẫn là những con người bình thường như ta, có đủ hỉ nộ ái ố như ta, và quan trọng là họ chẳng xấu hơn ta và ta chưa chắc tốt đẹp hơn họ.

Ngay bản thân khái niệm thế nào là “tốt, xấu, đúng, sai…” cũng không phải lúc nào cũng tuyệt đối đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, mà ở hoàn cảnh này nó có thể thế này, hoàn cảnh khác có thể thế khác, thậm chí có mặt tốt mặt xấu, chứ không phải là hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu.

Vì thế, nên học quán chiếu bản thân và tìm cách tốt nhất để giúp những người khác nhận ra cùng tiến bộ với mình, thì tốt hơn là “đấu tranh trực diện.” Thực chất như tôi đã viết trên đây, như thế là chửi đổng chứ đâu có phải phê bình hay đấu tranh gì đâu. Sự tiến bộ xã hội phải từ sự tiến bộ của nhiều cá nhân, mà muốn đạt được điều này thì phải là sự đồng thuận, chứ không phải từ mâu thuẫn. Không phải lúc nào mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn cũng là động lực của sự phát triển.

Đấu tranh có thể đưa tới phát triển, nhưng cái phát triển cách mạng nhất phải từ sự đấu tranh với chính bản thân mình để đi đến chỗ hoàn thiện bản thân tốt đẹp hơn.

Và quan trọng hơn cả, là nếu lúc nào cũng sôi sùng sục với với những gì diễn ra xung quanh, nhìn đâu cũng thấy họ xấu mình tốt, thì chẳng bao giờ có hạnh phúc, an lạc cả.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment