Dư luận xôn xao vì chuyện vài
chiếc xe sang được biếu, tặng cho cơ quan công quyền như hai chiếc Lexus được tặng
cho Đảng bộ, chính quyền Cà Mau và mới đây nhất là chiếc Avalon được tặng cho Tỉnh
ủy Đà Nẵng.
Cả hai trường hợp người biếu tặng
đều là các doanh nghiệp tư nhân, tức là một trong những hình thức của “xã hội
hóa.” Đây là một khái niệm cũng được ra đời cách đây không quá lâu, ước chừng
khoảng trên dưới một chục năm. Rất nhiều hoạt động hay công trình đầu tư được
ra đời từ “nguồn vốn xã hội hóa,” thực tế cần phải hiểu là được đóng góp từ nhiều
nguồn khác nhau: cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khác trong và
ngoài nước.
“Xã hội hóa” được hiểu là
không sử dụng vốn, nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, tức là không sử dụng
tiền thuế của dân. Tất nhiên cũng sẽ có nhiều công trình được xây dựng có sử dụng
cả hai nguồn, từ ngân sách kết hợp với “xã hội hóa.”
Cần thừa nhận rằng từ khi có sự
tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp vào công cuộc phát triển xã hội đặc biệt
là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công ích… bộ mặt xã hội đã có nhiều
thay đổi tích cực. Không cần đi đâu xa, ngay ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều khu
vui chơi, giải trí, thư giãn dành cho cộng đồng từ nguồn vốn “xã hội hóa” rất tốt
và bổ ích: công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy;) công viên Hồ
Thành Công (quận Ba Đình;) một số điểm vườn hoa nhỏ quanh hồ Tây (quận Tây Hồ…)
Không những thế phong trào động
viên “xã hội hóa” cũng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cho
Chương trình xây dựng nông thôn mới, như kiên cố hóa kênh mương, đường làng ngõ
xóm và cả các công trình nước sạch nông thôn. Nhiều làng quê không chỉ có diện
mạo mới mà còn chuyển mình cho sự phát triển cả về kinh tế - xã hội.
Đóng góp “xã hội hóa” không chỉ
là tiền bạc, mà nhiều khi còn là cả những câu chuyện hiến đất làm trường, làm
đường… cho thấy tính đa dạng của phong trào “xã hội hóa.” Nhiều nơi nhân dân
còn góp cả những ngày công lao động, góp máy móc thi công để xây dựng công
trình công ích.
Khái niệm “xã hội hóa” không dừng
ở góp vốn, mà xã hội hóa còn xuất hiện với hình thức khác cũng đang gây nhiều hệ
lụy: xã hội hóa các dịch vụ trước đây do nhà nước đảm nhiệm, như dịch vụ y tế;
và một số hoạt động xã hội hóa dịch vụ hành chính công.
Từ góc độ chuyên môn xây dựng
bộ máy nhà nước thì các dịch vụ công thuộc trách nhiệm của nhà nước, vốn là bộ
máy sử dụng tiền thuế của nhân dân thì việc thu thêm tiền của dân chỉ nhằm hoàn
thiện chất lượng dịch vụ công, là một thất bại. Chính vì vậy mà mấy năm gần
đây, quá trình thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính theo hướng “giảm cửa, giảm
con dấu, giảm thời gian đi lại của dân” đã được nhà nước chú trọng và bắt đầu
có hiệu quả. Còn lĩnh vực các dịch vụ công khác như dịch vụ y tế khi được “xã hội
hóa” do quản lý chưa chặt chẽ còn nhiều bất cập, quy định không rõ ràng dẫn đến
gây nhầm lẫn cho nhân dân và mập mờ về thu chi tài chính, đem lại nhiều hệ lụy
không nhỏ về mặt xã hội.
Thời gian gần đây có rất nhiều
công trình công ích bị xì xào về chất lượng hay có vấn đề về thẩm mỹ, không
tương xứng với mức vốn đầu tư. Nổi lên câu chuyện “xã hội hóa” một cách vô tình
lại trở thành nạn nhân cho nhiều chuyện gây xì xào. Có thể thống kê một số công
trình, như cổng chào tỉnh Quảng Ninh, “vườn hoa rau muống” ở quảng trường Đông
Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, công trình nhạc nước hồ Tam Bạc ở Hải Phòng và gần
đây nhất là “con rồng đầu Pikachu” cũng ở Hải Phòng.
Không dưới một lần, khi bị dư
luận eo xèo, quan chức có trách nhiệm lên truyền thông lại mau mắn trả lời công
trình đó là “từ nguồn vốn xã hội hóa.” Tôi có cảm giác cái “vốn xã hội hóa” này
như một tấm lá chắn, trước mắt cứ “đỡ đòn” búa rìu dư luận cái đã, rồi mọi thứ…
từ từ tính tiếp.
Sau tết Đinh Dậu, còn có một
hoạt động văn hóa nữa cũng từ “vốn xã hội hóa,” đó là cái bánh chưng 700kg ở
Nghệ An, được đóng góp từ 1000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ai cũng hiểu “nguồn xã hội
hóa” nghĩa là không phải tiền thuế của dân, và lý do đó dường như đem lại một
cái “thở phào” cho tất cả, cả người quản lý lẫn dư luận. Đã là “xã hội hóa” có
nguồn gốc doanh nghiệp tư nhân, họ tự đầu tư, tự điều chỉnh thì thất thoát hay
tham nhũng bị loại trừ một cách tự nhiên. Do đó khi thông báo rằng các công
trình đó từ nguồn vốn “xã hội hóa” cũng như một hành động “dẹp yên dư luận” –
không có tham nhũng hay thất thoát gì ở đây cả.
Thực tế, tham nhũng vẫn có,
nhưng là doanh nghiệp “tham nhũng của chính mình,” khi quá tiết kiệm chi cho
các công trình công ích, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, chỉ thời
gian ngắn đã hỏng và không sử dụng được nữa. Lãng phí không chỉ là số vốn mà
doanh nghiệp đã bỏ ra, mà còn là mặt bằng được bố trí để xây dựng công trình đó
nữa. Đi khắp đất nước thấy không hiếm các công trình công ích như vậy, xây nên
bằng nguồn vốn xã hội hóa rồi hư hỏng, hoang hóa “bỏ thì thương vương thì tội.”
Doanh nghiệp tham gia hoạt động
xã hội, xây dựng công trình công ích chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, không hiếm.
Từ góc độ quản lý nhà nước,
các cơ quan công quyền khi “cầm trịch” cho các hoạt động có sự tham gia của các
thành phần xã hội, có “nguồn xã hội hóa” do đó không thể lơi lỏng quản lý chất
lượng, không phải là không phải tiền thuế của dân mà muốn làm thế nào thì làm.
Nếu vốn còn thiếu thì với vị thế của mình, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể
kêu gọi thêm không quá khó khăn kia mà?
Không chỉ có chức năng quản
lý, cơ quan nhà nước chuyên môn còn có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp và các
thành phần xã hội tham gia đóng góp “xã hội hóa” một cách thiết thực, như những
cái bánh chưng, bánh tét, tô hủ tiếu… khổng lồ, chúng có thể đóng vai trò nhất
định trong một lễ hội hay hoạt động văn hóa, nhưng nhiều khi cái tiếng lành
mang lại không đủ bù cho cái tiếng dữ đi theo cùng dư luận. Không chỉ thiếu thiết
thực, chắc chắn những “kỷ lục” đó còn rất dễ dẫn tới một sự lãng phí. Cơ quan
quản lý nhà nước cần phải hướng dẫn để tổ chức được những hoạt động văn hóa giản
dị, tiết kiệm và thiết thực, số tiền còn thừa khi huy động được có thể dành cho
những nhu cầu khác cần thiết hơn.
Quay trở lại với câu chuyện mấy
chiếc xe sang được tặng cho chính quyền vài địa phương gần đây, từ cái nhìn cá
nhân tôi không thấy việc này có gì là xấu. Trong hoàn cảnh ngân sách gặp nhiều
khó khăn, còn eo hẹp thì việc doanh nghiệp làm ăn có lãi, tặng một vài chiếc xe
trong khi nhu cầu sử dụng là có thật, thì cũng tốt.
Nhưng tại sao cứ nhất thiết phải
là những xe sang trọng như thế, có cần thiết không – và kiểm tra giá thật của
chúng cũng đâu có khó? Nhà nước đã ban hành rất rõ ràng về tiêu chuẩn được sử dụng
xe trong từng phân cấp của hệ thống cơ quan công quyền, thì cũng nên dựa vào đó
mà làm. Doanh nghiệp dù “có lòng” đến đâu thì quyền nhận và hướng dẫn vẫn thuộc
về cơ quan nhà nước là nơi nhận quà kia mà. Nên chăng cần có hướng dẫn để doanh
nghiệp chuẩn bị “quà” đúng mức, đúng quy định… số tiền chênh lệch vẫn có thể được
dùng vào những dịp khác, chỗ khác mà vẫn có ích.
Dư luận thì thích suy đoán nào
là có khuất tất, uẩn khúc… Nếu có khuất tất thì người ta đã không làm cái việc
“ngang nhiên và lộ liễu” đến vậy, không thiếu cách để “ghi điểm” để tìm cơ hội
làm ăn cho doanh nghiệp. Việc nhận quà của doanh nghiệp không xấu và pháp luật
cũng không cấm, nhưng cần rõ ràng và minh bạch. Những doanh nghiệp hoạt động gần
gũi với các công trình đầu tư công, dễ bị cho rằng đã “rút ruột công trình” thì
càng nên thận trọng, khi đã minh bạch được rồi thì muốn biếu tặng thế nào cũng
được, xã hội còn ủng hộ chứ nào có khó khăn gì?
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment