Nói quả đáng tội, mấy hôm nay
ra đường thấy vỉa hè phong quang, đi bộ cũng thích thật. Từ mấy hôm trước đã thấy
các hộ kinh doanh mặt đường được UBND Phường cho người đi nhắc nhở để tự giác dọn
dẹp, chứ không phải chờ đến ngày ra quân mới cuống cuồng làm.
Có lẽ vì thế mà ở Hà Nội, đợt
ra quân lập lại trật tự lòng lề đường không có chuyện rầm rộ, nhưng lại hiệu quả
hơn. Dư luận chú ý đến “chiến dịch” này từ “hiện tượng” quá rầm rộ đến mức có
thể nói là… hùng hổ ở Q.1 thành phố Hồ Chí Minh và nay đương nhiên chú ý đến
các tỉnh thành khác.
Nhất là ở Hà Nội, trong bối cảnh
chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu rất thẳng thắn, rằng ông đã
điều tra có đến 150/180 quán bia ở Hà Nội là có công an đứng sau bảo kê.
Từ những câu chuyện buôn bán lấn
chiếm vỉa hè.
Nhà tôi ở khu phố buôn bán có
thể nói sầm uất nhất của Hà Nội, từ mấy chục năm nay (những năm 1960) vỉa hè
luôn luôn bị lấn chiếm để buôn bán. Đầu tiên là các sạp hàng bày trên vỉa hè –
dần dần ban quản lý chợ quy hoạch nên không còn các sạp đó nữa, chỉ còn các sạp
ở vài tuyến phố dưới lòng đường, còn lại là bán trong các nhà. Dạng lấn chiếm vỉa
hè thứ hai là bày hàng trong nhà nhưng vẫn cố “thò” cái bàn bày hàng ra ngoài,
càng xa càng tốt. Dạng thứ ba là tập kết hàng hóa ở vỉa hè, và dạng thứ tư là
xe máy của nhà của khách, chiếm toàn bộ vỉa hè người đi đường không có lối đi.
Đó là chưa kể đến các loại mái hiên cả cố định lẫn di động, mái đua mái vẩy…
cùng các loại biển hiệu, cái ngang cái dọc, cố mà thò ra đường thật xa.
Có người giải thích do tâm lý
tiểu nông, người Việt thích bon chen, nên ở khu chợ nhà tôi ở người ta cũng bon
chen như thế, bằng chứng là ai cũng cố kê nhô cái bàn ra ngoài hơn nhà bên cạnh,
dù chỉ bằng một hòn gạch; và biên hiệu thì cũng phải thò ra thật xa để không bị
che khuất, và chẳng ai bảo ai cuộc “đua” diễn ra không có hồi kết. Nạn “cả nể”
không mời khách ra khu trông giữ xe tập trung cũng dẫn đến tình trạng lấn chiếm
cả vỉa hè lẫn lòng đường, khiến Công an Phường nhiều phen vất vả mỗi khi Quận,
thành phố có “chiến dịch.”
Nhưng cũng từ câu chuyên thực
tế, ngoài những nhà cố “nhô ra” kia thì vẫn có những hộ kinh doanh làm khác hẳn
đi: họ hợp đồng với bãi xe để khách gửi miễn phí (chủ nhà trả, tất nhiên!) và
cũng không cần phải bày hàng thò thật xa ra đường nữa. Tiếng lành đồn xa, họ cứ
thế hút khách và đúng như dân gian nói: càng xởi lởi thì Trời càng cho, càng
bon chen thì càng cau có và lại càng ế hàng, vắng khách.
Điều này giải thích vì sao các
nhãn hiệu lớn không cần tư duy “buôn thúng bán mẹt” mà vẫn chạy hàng, trong khi
phần nhiều bà con tiểu thương của ta dù bon chen đến mấy vẫn không bằng được
như thế.
Đến “chiến dịch” ra quân của
Hà Nội lần này.
Không phải bây giờ Hà Nội mới
“ra quân,” mà từ lâu trên nhiều tuyến phố đã có vạch kẻ và nếu để xe máy không
đúng vạch, bị phạt luôn. Các tuyến phố vỉa hè nhỏ không đủ cả để xe lẫn dành
cho người đi bộ, thì các cửa hàng kinh doanh phải dành một phần diện tích bên
trong cho khách để xe. Tiếc là tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” hay “đầu voi đuôi
chuột” thường xuyên diễn ra, nghĩa là cứ khi nào thành phố có sự kiện quan trọng,
đến ngày lễ lớn… thì ra quân làm cho một đợt, rồi đâu lại vào đó.
Không thiếu ý kiến xì xào là ở
đâu cũng có “bảo kê” hết, tức là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh
doanh được ngấm ngầm bật đèn xanh từ một ai đó, là người có trách nhiệm hoặc
liên quan đến địa bàn. Tất nhiên việc “bảo kê” như thế có chuyện tư túi hay có
phần nào dành cho tập thể, chuyện đó phức tạp và khó bàn, nhưng rõ ràng đây là
một hiện tượng, một tệ nạn đến mức nhức nhối.
Chỉ ra một cách thẳng thắn điều
này, có thể nói “bác sỹ” Nguyễn Đức Chung đã đọc đúng bệnh, và còn bốc đúng thuốc
khi dám quyết việc “không cần chờ anh Khương (GĐCATP) mà giải quyết theo ngành
dọc…” tức là cách chức về mặt Đảng. Nói ra được điều bấy lâu bị né tránh, không
phải dễ - tôi tin lần này chủ tịch Chung sẽ quyết làm và mong ông có cả kiên
trì để “chiến dịch” không chỉ là chiến dịch, mà biến thành nếp sống chung, bình
thường của toàn thành phố.
Chỉ có giành lại được vỉa hè
cho người đi bộ, thì mới mong hệ thống giao thông công cộng phát huy được tác dụng
– khi mà người ta đi bộ từ nhà đến bến xe không phải là vài kilômét mà gấp ba lần
vì phải vòng vèo qua quá nhiều xe cộ, hàng hóa… Giành lại vỉa hè nhưng cần hài
hòa lợi ích giữa cộng đồng xã hội với mỗi hộ kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của
người dân thì hiệu quả đó mới là lâu dài.
Khi người dân hiểu được rằng
như trong đám tắc đường, mỗi người từ từ nhường đường thì sẽ chóng thông xe, và
nếu càng chen thì sẽ càng tắc; nay vỉa hè lòng đường cũng vậy. Tất cả cùng lùi
vào vì cái chung, thì vỉa hè phong quang còn dễ buôn bán hơn, chứ không hề khó
khăn hơn… Có vẻ cách làm của Hà Nội từ từ nhưng sẽ hiệu quả hơn ở thành phố Hồ
Chí Minh chăng?
Một đề xuất từ cá nhân: đối với
những người bán hàng rong, cần xây dựng cho họ một cơ chế được phép bán hàng,
nhưng với đúng nghĩa là hàng rong chứ không ngồi lấn chiếm một cách cố định. Thực
tế các nước trên thế giới, ở đô thị đều có “hàng rong,” “quán ăn lưu động” và
chúng góp phần làm nên bộ mặt của thành phố, đặc biệt trong quá trình toàn cầu
hóa, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch, hàng rong đóng góp phần không nhỏ.
Làm được như vậy không chỉ hòa
hợp được lợi ích công cộng và cá nhân, mà sẽ đảm bảo được hiệu quả một cách lâu
dài, khi đã thành nếp sống thì chính quyền cũng không cần phải mất quá nhiều
công sức như ở Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh nữa. Xem ra dồn hết sức vào những
bước chạy đầu tiên, chưa chắc đã chạy được đến đích.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment