Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, May 15, 2017

“Thực phẩm bẩn” và “ngôn ngữ bẩn”

Trước khi bài viết này lên báo và lên mạng, mình có viết đôi ý kiến ở vài status trên Facebook, và có một bình luận rất đáng chú ý về cái “phong trào” này: “Nó phô tất tật những cái xấu xa, mất nết của mình. Đời kể thế cũng là hảo hớn. Vả nó chỉ chửi hiện tượng xã hội, chưa bao giờ biên để đả một cá nhân nào.” Điều này làm cho mình liên tưởng đến “trào lưu lõa thể,” thì người ta chỉ trần truồng ra một nhẽ, nhưng ở đây không chỉ bắt cái cơ thể vật lý của mình khỏa thân, “phong trào ngẩu pín” còn khỏa thân cả trong tâm hồn, bằng cách chỉ ra: “Cái của anh bé tí” “Còn anh kia thì cong queo, xấu xí…”

Đó không phải là cách đấu tranh để xã hội tốt đẹp hơn, lại càng không phải là cách tô điểm cho cuộc sống. Muốn cuộc sống tốt hơn, đẹp đẽ hơn không nhất thiết chúng ta phải tô son trát phấn lên trên một cơ thể tàn tạ, nhưng cũng chẳng có nghĩa cứ lôi xềnh xệch cái cơ thể tàn tạ ấy ra vứt ngoài đường.

Cách để hoàn thiện bản thân và giúp những người xung quanh làm điều đó, là trước mắt phải nhìn nhận rõ mình còn có những tật xấu gì, và tự mình sửa chữa – còn những tật xấu của người khác thì như Đức Phật dạy “Không nói lỗi người,” việc phản ánh cũng được nhưng phải tế nhị và phải tùy duyên, tùy hoàn cảnh. Không phải lúc nào cũng sừng sộ lên được, như thế chẳng ai người ta nghe được, chỉ có gây sân hận không cần thiết và “oan oan tương báo” thù ghét không bao giờ dừng.

Cách đây 20 năm, trong một lần cơ quan kéo nhau đi liên hoan ngoài quán thịt bò rừng hay ngựa hoang gì đó, tôi có được thử ăn món “ngẩu pín.” Nôm na, nó là bộ phận sinh dục của con bò (ngựa) đực.

Ngay miếng đầu tiên cắn vào, đã phải nhè ra ngay vì nó… khai quá, dù người đầu bếp có vẻ cũng đã cố gắng làm thật kỹ, và biết bao gia vị hành ngò vào cũng không át được cái mùi của nước tiểu kia.

Những người ăn được thì vẫn gật gù khen ngon, ngoài khen ngon họ còn đưa ra không biết bao nhiêu lời ca ngợi về những tác dụng vô hình, chưa thể kiểm chứng được của cái món đó. “Ăn cái gì thì bổ cái ấy” – họ tấm tắc và cùng với sự kích thích của men rượu, họ yên tâm là tối nay về nhà họ sẽ có thêm chút sức lực phi phàm về chuyện giường chiếu.

Mấy hôm nay cư dân mạng lại sục sôi vì chuyện có anh bạn nào có, mang cái biệt danh y như cái món ăn khai mù kia có một cuốn sách được xuất bản mà anh ta mang chính cái biệt danh của mình lên bìa sách.

Cuốn sách nội dung cụ thể như thế nào thì tôi không biết, nhưng cái đập vào mắt  ngoài cuốn sách còn là những gì mà tác giả của nó thể hiện trên mạng xã hội. Cũng nhờ có chuyện này tôi mới biết, trên mạng xã hội đang tồn tại những nhóm hội, lấy cách chửi bới làm phương pháp phản ánh những điều chưa hay, chưa tốt, tiêu cực của xã hội.

Không phải là chửi bậy đơn thuần, mà họ chửi vô cùng tục tĩu – và cách thể hiện đó được họ đưa lên thành một “cách chơi mạng” (style) đặc biệt, không lẫn với đâu khác. Về độ tục tĩu, nếu như một người có giáo dục thậm chí còn không thể nghe nổi, đọc nổi những gì họ viết và bình luận. Về tần suất, theo như một người bạn cũng đã từng tham gia trong đó cho biết, để “tạo style” họ phải cố gồng lên đến mức gần như câu nào cũng phải chửi.

Cũng chính người bạn đó cho biết, trong nhóm đó có nhiều thành viên có vị trí cao trong xã hội, có thể nói là tinh hoa, những “elite” bác sỹ, kỹ sư đủ cả. Thế mới thú vị.

Theo dòng sự kiện, cũng ngày hôm qua tôi đọc được một bài nhận xét về cái trào lưu này, giải thích rằng đó là một cách phản kháng với một xã hội có nhiều tiêu cực mà những thiết chế để hạn chế chúng, hoặc tiêu diệt chúng còn yếu kém và thiếu hiệu quả. Do đó mà con người phải chửi thề. Khi người ta gặp quá nhiều những tiêu cực thì người ta sẽ… chửi liên tục.

Tôi không định cố lý giải tại sao lại có những hiện tượng như thế, chẳng hạn chúng ta sẽ sa đà vào tìm lý do ở giáo dục, ở kinh tế thị trường… đủ các thứ. Nhưng chúng ta thử hình dung xem bao giờ một ngày, bao ngày một tuần và mấy tuần một tháng, chúng ta trực tiếp gặp những chuyện tiêu cực đó?

Tôi có thể nói là rất ít, không có nhiều đâu. Chẳng phải ngày nào đi ra đường cũng gặp cái thằng nó chạy xe ẩu tạt đầu chúng ta, mà sẽ có những ngày có người cố đuổi theo nhắc chúng ta quên không gạt chân chống. Nhưng chúng ta cái ngon lành sạch sẽ nhiều khi không thích ăn, mà lại thích ăn cái món quái dị, bẩn tí cũng được, miễn là thỏa mãn những ham muốn thuộc về phần “con” chứ không thuộc về phần “người.”

Hàng ngày lên mạng, chúng ta đi tìm những chia sẻ chuyện tiêu cực mà bạn mạng của chúng ta tung lên, chẳng để làm gì mà để… chửi. Chửi cái thằng vừa tạt đầu đó, nhưng chúng ta cũng quên mất có khi vội chính chúng ta cũng chạy như điên ngoài đường và chuyện tạt đầu người khác cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Cái người vừa vất vả đuổi theo chúng ta chỉ để nhắc gạt chân chống, lúc thì ta nhớ v có lúc quên luôn cả cảm ơn và đương nhiên, quên luôn cả việc lên mạng để bạn bè cùng ngẫm nghĩ về những giá trị còn tốt đẹp của cuộc sống. Chúng ta chỉ thích những điều xấu xa, tưởng là kể ra, để hùa nhau vào chửi là hay ho.

Vì khi “theo dòng sự kiện” tôi đọc được một lý do rất… vớt vát, là họ chửi để giải tỏa. Lý do này làm tôi nhớ đến một câu chuyện, là ở nước nào đó người ta cho thuê một cái phòng bịt kín, xung quanh cũng toàn bông với đệm và ở giữa có một thằng người nộm bằng cao su. Ai có bức xúc, mua vé chui vào phòng đó, đấm đá nó thoải mái để giải tỏa. Đây là một cách giải tỏa rất có hại – cứ có bức xúc thì phải xử lý nó bằng một cách rất bạo lực, bằng chân tay hay bằng ngôn từ thì đều là bạo lực cả. Đó là cách giải quyết phần ngọn, chứ không phải từ gốc rễ của vấn đề.

Tiêu cực thì ở đâu cũng có – xã hội phồn vinh tự do đủ thứ, có những tiêu cực của nó và xã hội còn nhiều khó khăn, rắc rối như xã hội ta lại càng nhiều. Và cũng là “ở đâu cũng vậy,” khi con người không hình dung ra và ý thức được rõ cách suy nghĩ, hành động đúng đắn, thì việc có những hành động điên rồ là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này thể hiện ra ở việc, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe tin có kẻ điên rồi nào đó ở tận Mỹ, nhảy vào trường học và xả súng chết bao người. Xả súng, chính là mức độ cao hơn của nhu cầu đấm đá người nộm cao su.

Các xã hội có thể khác nhau về mức sống, về cách cư xử có văn hóa và cảm thụ văn hóa, nhưng những vấn đề mà con người khi phải đối mặt với tiêu cực trong nội tâm mình, là hoàn toàn như nhau. Nhưng nếu hình dung ra được, ý thức được thì vấn đề lại cực kỳ đơn giản. Đơn cử, một xã hội trật tự, ngăn nắp và văn minh như Singapore, cái văn minh đó được đem lại từ nhiều yếu tố, như pháp luật nghiêm minh từ những việc rất nhỏ, đến vấn đề to tát như quy hoạch thành phố. Nhưng có một điểm giản dị thôi, đó là cách hành xử của mỗi con người trong xã hội ấy.

Nếu ai đã sống ở Châu Âu, sẽ hiểu rằng chẳng có ai cười khi có người khác trượt ngã trên lớp băng đóng cứng vỉa hè mùa đông, mà có khi cúi xuống giúp đỡ người bị ngã đứng dậy – vì bên đó chuyện ngã như thế là bình thường. Nhưng ở ta thì khác, dù là một bất lợi của người khác dù vô tình hay hữu ý gặp phải, chúng ta đều có thể cười nhạo được. Cuộc đời thì rất dài, chuyện va vấp của mỗi người, ai cũng có thể gặp vào hôm nay hay ngày mai… nhưng nếu những người xung quanh thông cảm với chúng ta, giúp chúng ta đứng dậy và điềm nhiên đi tiếp, lo việc của mình thì đó là xã hội văn minh. Còn đem ném đá, lầm tưởng đó là “đấu tranh” với cái xấu, thì đó là hành động đấu tranh kiểu man rợ.

Đấu tranh theo một cách văn minh phải là nhìn thấy đó là điều chưa hay, chưa phải, trước mắt tự mình răn mình không làm điều giống như thế, và dần dần giúp người khác vừa nhận ra, vừa tránh được không phạm phải những lỗi như vậy.

Tôi cũng đọc thấy có cách giải thích về “kiểu chơi” hay “xì-tai” chửi bới, như người ta tự gọi nhóm của người ta là “trại thú vật” đó, rằng ở trong đó rất nhiều trí thức, “ê-lít” tinh hoa của xã hội nên tự ý thức được để tự miễn nhiễm. “Xì-tai” sẽ với đúng nghĩa của nó, chỉ là một thứ trang sức hay quần áo thời trang, mặc lên thì mặc, không mặc thì thay bộ đồ khác.

Xin quay lại với cái món ăn trứ danh nhưng lại bốc mùi kia – đặc thù của bộ phận cơ thể đó là thể hang, thể hốc, thể xốp gì đó mà qua mấy chục năm, chất thải trong con bò con ngựa nó đi ra ngoài, nó ngấm qua thành tế bào cũng lấp đầy các hang hốc đó. Nó ăn sâu đến mức người đầu bếp có tài đến mấy, thì ăn vẫn thấy thoang thoảng mùi chất thải. Ngôn từ cũng chính là một bộ phận không thể tách rời khỏi tâm hồn, mỗi ngày ta tiếp xúc với ngôn từ xấu, cũng như nước tiểu đi qua cái “ngẩu pín” của con bò, chắc chắn chẳng bao giờ tâm hồn chúng ta giữ được trong sạch cả. Trí thức hay không trí thức, chẳng có ý nghĩa gì trong chuyện này.

Cũng giống như việc, ai cũng sẽ bình đẳng trước bệnh tật, dù ta là người lao động chân tay hay trí thức. Bây giờ người ta đang cực kỳ lo sợ trước “thực phẩm bẩn” và coi đó là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ ung thư cao ở nước ta. Nhưng còn có một lẽ nữa: ung thư có phải lây nhiễm ở ngoài vào đâu, nó là từ những lỗi của tế bào ngay bên trong chúng ta kia mà? Vậy những “ngôn từ bẩn” chính là những “thực phẩm bẩn” cho tâm hồn của chúng ta, tại sao chúng ta không tránh? “Ăn gì thì bổ đấy” – ăn chửi bới thì bổ chửi bới, vậy thôi.

Dù mùi có khai mù lên, cố ăn, ăn mãi thành quen, rồi thì những thứ bẩn thỉu cũng không thành vấn đề, nhiều người vẫn ăn tốt. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” – chúng ta còn rủ nhau “ăn bẩn tập thể,” tỷ lệ chết vì ung thư cao là đúng rồi, còn kêu gì nữa!


Lên mạng xã hội còn có rất nhiều những “điểm sáng” mà đọc họ viết, thấy bình yên, thấy tình yêu thương, thấy ánh sáng của trí tuệ. Nên tìm những chỗ như thế để chơi, để học hỏi. Còn chuyện tiêu cực, vẫn có, vẫn thấy thì vẫn tham gia, nhưng cần từ bi và nghiêm khắc, không thể thả lỏng cho phần “con” nó lồng lên muốn chém giết đấm đá “cái tiêu cực” đó được…

Bài trên An ninh Thế giới số đầu tháng Năm. Bản online tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment