Ba, mẹ và các cô chú có con bằng
tuổi Nhi Bá, sinh năm 2005 “cầm tinh con gà” hay gọi vui là lũ “gà tồ.” Mà đúng
cái bọn này… tồ thật. Từ hơn một năm nay, Bôn ba Nhi Bá tỏ ra có chiều lo lắng
một chút…
Rình mãi mới có lúc thuận tiện
để gợi chuyện nói với anh chàng. “Phải chăng con dạo này có điều gì lo lắng?” nhưng
ngay cả khi được hỏi rồi, anh thanh niên của nhà tôi vẫn có vẻ không thoải mái,
cởi mở cho lắm, nên ba của anh ta đành phải chủ động tiếp tục câu chuyện.
“Hồi ba bằng tuổi con bây giờ,
tức là 12 tuổi “tròn một giáp” cũng học lớp Bảy, ba cũng gặp những điều tương tự,
giống y hệt của con. Và ba cũng lo lắng, không yên tâm. Một thứ lo lắng mơ hồ, không
rõ ràng nhưng khá ảnh hưởng, nó làm cho ba lúc vui, lúc buồn, lúc thẫn thờ như
người mất hồn…”
Nhi Bá bắt đầu bị câu chuyện “lôi
theo.” Cậu ngọ ngậy đằng sau xe máy, cất giọng khàn khàn của viêm họng và có
chiều hướng ồm ồm của vỡ tiếng sắp dậy thì.
“Ba cũng thế ạ? Thế bao lo lắng
những gì?”
“Để ba nói xem có giống của
con không nhé…”
Đến tuổi của con, thường có những
thay đổi về tâm, sinh lý; nên bản thân chuyện lo lắng, bồn chồn… cũng xảy ra.
Đúng là chúng mơ hồ, lý do không rõ, nhưng lo lắng là có thật, và hầu như bạn
nào cũng bị. Ba lo việc học tập – như luôn cảm thấy kết quả của mình còn chưa vững
chắc, bấp bênh… hình như kiến thức còn chưa chắc chắn. Ở lớp có những bạn đi học
thêm nơi này, nơi kia… và khi đến lớp, các bạn tỏ ra trội hơn đôi chút (chủ yếu
là được học trước rồi.) Nhưng con biết không, đến bây giờ ba mới hiểu thực ra
không cần thiết phải lo lắng về điều này, vì điều các bạn đang thể hiện đó, chẳng
qua được học trước, chứ không phải là sự khác biệt về “chất,” tức là thay đổi
khả năng tư duy. Nhưng cũng có những bạn khả năng tư duy hơn hẳn ba, như chú
Linh, cô Phương bên lớp chuyên toán, những trường hợp như thế lại không làm ba
lo lắng, vì ba thấy các cô chú đó đúng là vượt trội, không chỉ hơn ba mà hơn hầu
hết các bạn cùng lứa khác; với ba họ là một “đẳng cấp” khác, không so sánh được.
Nhưng nếu bây giờ mà ở hoàn cảnh tương tự, ba sẽ nhận ra rằng, mỗi người có một
thế mạnh, thế yếu riêng và không có gì đáng phải lo nghĩ về chuyện đó cả…
Ba cũng bắt đầu thích một hai
bạn gái học cùng lớp, và lo lắng không biết làm cách nào để thu hút sự chú ý của
cô ấy, và tỏ thái độ để cô ấy biết rằng “Tớ thích đằng ấy…” Bước vào “tuổi teen”
là có nhiều rắc rối về “tâm lý tình cảm” lắm, chuyện muốn thể hiện mình, thu
hút bạn khác giới là rất đỗi… bình thường. Tuy nhiên có những chú bạn của ba chọn
cách thu hút rất “thú vị:” quậy phá, nghịch ngợm… và nổi danh theo kiểu khác
khi “được” bêu dương trước toàn trường giờ chào cờ. Con bây giờ hơn ba nhiều, và
cũng có mặt kém ba. Con hơn ba ở chỗ, con chơi thể thao đã bắt đầu có kết quả,
có chút thành tích (tí ti bằng cái móng tay ấy mà!) Nhưng ba hồi đó lại vẽ rất
đẹp, bao nhiêu báo tường, khẩu hiệu của lớp ba vẽ vời hết. Học hành có đôi chút
kết quả hơi trội trội, có chút thể thao, văn nghệ… đều là những cách tốt để có
được cảm tình của các bạn, đặc biệt là bạn khác giới mà mình quan tâm.
Một mối lo lắng nữa là lo lắng
về… tương lai. Thời ba thì không có chuyện này, nhưng bây giờ thời của con,
nghe con kể có bạn này khoe sang năm đi du học nước này, bạn khác khoe trung học
đi du học nước kia, bạn khác lại khoe đại học sẽ bay đến tận đẩu tận đâu ấy… cá
biệt có bạn bây giờ đã đi rồi. Điều đó sẽ làm cho những bạn còn lại, nhà không
có điều kiện bằng, có đôi chút băn khoăn. Ba chưa nói đến việc các con sẽ có một
tí thôi ghen tị, chạnh lòng… nhưng cảm giác đó là tổng hợp của nhiều thứ cảm
xúc đó dù có thể không nhiều, chút chút thôi. Vụ này, chúng ta cần nhìn nhận nó
ở vài khía cạnh, thông qua vài chuyện có thật của người quen ba mẹ…
… Chuyện thứ nhất của một anh,
con của bác làm cùng mẹ con. Du học không thành công thế nào đó, mà phải đi về
nước, thậm chí bây giờ việc của anh ấy còn ảnh hưởng khó khăn đến cả em của anh
ấy, nếu muốn đi du học đến chính nước đó.
… Chuyện thứ hai, của gia đình
hai người quen của ba. Một chú cho cả hai con gái đi du học, nhưng do làm ăn
thua lỗ, vỡ nợ nên cả hai chị đều phải về nước. Một chú khác cũng bán nhà cho
con đi du học, nhưng vì “chịu không được nhiệt” nên cuối cùng bằng lòng với giải
pháp học trong nước của con. Cả hai câu chuyện, các anh các chị đều không đủ xuất
sắc để tự xin được một suất học bổng, nếu không thì gánh nặng tài chính của bố
mẹ đã đỡ đi được rất nhiều. Điều cần rút ra ở đây là, ngay cả điều kiện tài
chính của bố mẹ, nhiều khi không phải là vô hạn, và cuộc đời thì không biết thế
nào, thăng trầm không ai có thể lường trước được.
Ba cần nói với con về vài khía
cạnh của vấn đề này. Các bạn có thể định hướng đi học nước này hay làm một nghề
nào đó, nhưng con ơi, cuộc đời đúng có rất nhiều thay đổi mà không ai có thể lường
trước được, kể cả những nhà hoạch định tài ba nhất. Nếu như ai đó nói rằng tôi
đã hoạch định đời tôi từ tám mươi đời và sau này nó răm rắp như kế hoạch, thì
đó hoặc là “chém gió,” hoặc cũng có thể là một trường hợp mà yếu tố may mắn tác
động vào đường đời của họ khá nhiều. Điều gì cũng có thể xảy ra mà. Bây giờ
chúng ta cứ biết làm tốt nhiệm vụ của chúng ta đã, như con cần tập trung học tập,
rèn luyện thân thể… chứ định làm gì những cái hướng còn lâu mới tới?
Khía cạnh nữa, con nhớ chú
Tùng bạn của ba không? Chú ấy học MBA ở Mỹ, nhưng không phải chú ấy ủng hộ việc
cho các bạn nhà chú ấy sẽ đi du học thật sớm. Một phần, như chú ấy nói là “tiền
thì có, nhưng không có nhiều” nên sẽ không chi theo hướng đó; một phần khác là
chú ấy ủng hộ con đường các bạn ấy sẽ đi học đại học trong nước và xin học bổng
sau đại học ở nước ngoài: vừa nhiều cơ hội hơn, vừa chắc chắn, đảm bảo khả năng
thành công cao hơn.
Ba cũng từng nói, nhà mình
không có điều kiện để trả tiền cho con đi du học, do đó con phải tự lo, nếu kiếm
được học bổng nước ngoài (điều cực khó!) thì đi, không kiếm được thì học trong
nước, mà học được đại học là rất tốt, nhưng nếu không học được thì đi học nghề,
làm thế nào để trở thành một người thợ lành nghề cũng đã tốt lắm rồi.
Và khía cạnh sau cùng ba muốn
nói, là tất cả những con đường các bạn con đang khoe đó, là đường của cha mẹ
các bạn ấy, chứ không phải của các bạn. Con thì khác, luôn được đi con đường
con chọn, như khi vào lớp Sáu phải quyết định chọn trường, ba mẹ để con tự quyết
định sau khi được tìm hiểu thông tin của nhiều trường và giúp con suy nghĩ, cân
nhắc… thì sau này cũng sẽ như thế, việc lựa chọn là quyền của con, thực hiện
cũng là nỗ lực của con, chỉ những gì con chưa thể làm được như chuẩn bị tiền
nong… thì ba mẹ mới giúp đỡ con mà thôi. Con hãy đi con đường của chính mình bằng
chính đôi chân của mình.
Ba còn nói thêm một điều nữa,
con có thấy thỉnh thoảng có bạn học cùng con, rồi chuyển về trường công không?
Ba biết có nhiều bạn, do bố mẹ không kham nổi chi phí, như công việc thay đổi,
nhà có thêm em bé… mà bạn cũng không còn được học với con ở trường này nữa. Trường
tuy chưa phải là đắt đỏ, nhưng so với trường công cũng tốn kém hơn nhiều và
ngay cả nhà mình cũng đã thấy bắt đầu khó khăn rồi. Như thế con sẽ thấy, được
như bây giờ cũng đã tốt quá rồi, mong ước dài hơi nữa làm gì…
Điều ba học được ở chú Tùng
là, chú ấy kiếm được nhiều tiền hơn ba nhiều, và cũng tân tiến, du học nước
ngoài… lại không phải không nhận thấy giáo dục Việt Nam ta có quá nhiều hạn chế.
Nhưng không phải vì thế chú ấy cứ thúc bằng được con chú ấy phải “tị nạn giáo dục.”
Ba nhận ra rằng, một khi đã “có vấn đề” nghĩa là “cá nhân chúng ta có vấn đề.”
Phải biết cách thích nghi hoàn cảnh và vượt lên trên những khiếm khuyết của
hoàn cảnh…
***
Câu chuyện được chia làm hai
khúc, khúc đầu nói trên đường hai ba con chở nhau đến đội bơi nơi Nhi Bá tập,
và khúc sau thì nói lúc ba đón Nhi Bá trở về sau chuyến đi chơi xa cùng lớp.
“Con thấy không, ba vừa nói
chuyện với cô giáo và các cô phụ huynh ở lớp, ai cũng khen trong chuyến đi chơi
con ngoan, gương mẫu, khỏe mạnh, sức chịu đựng tốt, lại sẵn sàng giúp đỡ mọi
người. Con có nhớ năm ngoái lớp con, có những bạn gặp rất nhiều vấn đề nghiêm
trọng không? Là vì các bạn lo lắng những điều y như con, nhưng bố mẹ không để
ý, lại vẫn tăng sức ép thành tích, học hành lên con mình… và các bạn bị khủng
hoảng. Khi bố mẹ nhận ra, thay đổi cách tiếp cận với con mình, và cộng với thời
gian thì các bạn lại thay đổi, tiến bộ hơn. Như con bây giờ, con có ghét ai ở
trường, lớp không?”
“Dạ không ạ.”
“Thế có ai ghét con không?”
“Dạ cũng không ạ.”
“Đó, rõ ràng ba thấy con rất
OK, đặc biệt là trong quan hệ của con với mọi người, mọi người yêu quý con, và
ba biết con rất hồn hậu, vui vẻ, quý mến mọi người. Học tập thì kết quả chỉ là
điểm số, cũng không phải là gì nghiêm trọng lắm, các hoạt động khác của con rất
ổn thỏa, còn tương lai thì xa tít, có gì mà phải lo?”
***
Câu chuyện còn có một “khúc” nữa
– khúc về tình cảm khác phái của “đầu tuổi teen”, mình sẽ viết vào một chuyện
khác.
Chợt nhớ câu chuyện nói với bà
bạn thân, rằng cũng không nên, không cần can thiệp sâu quá vào đường đời của
con cái, bà ta nói: “Thật ra, con cái nó cũng chẳng cần bố mẹ phải hi sinh quá
nhiều cho nó…”
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment