Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, September 11, 2017

Tại sao rất nhiều học sinh Việt Nam đi du học không thành công?

Lác đác chúng ta nghe đây đó có chuyện bạn A, bạn B… được gia đình cho đi du học, rồi “học không được phải về nước.” Vì là những chuyện nghe “truyền mồm sang tai” nên chúng ta không có con số thống kê cụ thể tỷ lệ những trường hợp không thành công đó là bao nhiêu. Nhưng từ góc độ cá nhân, được “ba cùng” (ăn, ở, học cùng) với các lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài rồi, thì tôi nhận thấy tỷ lệ đó là không nhỏ, nếu không muốn nói là tỷ lệ thành công khá kém cỏi.

Chúng ta thường hiểu cái sự “không thành công” này chủ yếu là do “học không được” – nghĩa là vẫn cứ quy về cái “sự học” nhưng trên thực tế câu chuyện cụ thể như thế nào thì không mấy ai biết, và mỗi bạn du học sinh một hoàn cảnh, khó nói được đâu là lý thuyết điển hình. Gạt ra sang một bên “rào cản ngôn ngữ” vì đó là một điều kiện cần, không có thì không học được; thì chương trình học ở nước ngoài hoàn toàn không khó hơn ở Việt Nam, nếu như không nói là dễ hơn vì nó không mang nặng tính lý thuyết mà đòi hỏi sự cọ xát thực tế nhiều hơn.

Câu trả lời đầu tiên là học sinh Việt Nam chưa khắc phục được tính ngại ngần, thụ động trong học tập; trong khi học tập ở nước ngoài đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo và biết cách tự nghiên cứu. Nhiều bậc phụ huynh thừa nhận, chương trình học ở ngay các trường quốc tế tại Việt Nam tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng các bạn học sinh của chúng ta học ở đó không hề nhàn nhã hơn, vì các “công trình nghiên cứu” phải tự tiến hành rất nhiều, bắt buộc phải đọc nhiều, tìm tòi nhiều… và thực sự nghiêm túc khi thực hiện công việc. Ở nước ngoài cũng vậy thôi, nhưng do học sinh nước ngoài được rèn luyện từ nhỏ với việc “học ra học, chơi ra chơi,” biết lúc nào học tập cường độ cao và lúc nào thì chơi thật “xả láng,” sức ép với các bạn đó cũng có, nhưng không căng thẳng như học sinh Việt Nam. Các bạn học sinh Việt Nam đã học trường quốc tế ở nhà thì tiến bộ hơn nhiều do đã quen với cách học đó rồi.

Câu trả lời thứ hai, thực ra nó cũng không hẳn tách biệt với câu trả lời thứ nhất; đó là câu chuyện của rèn luyện kỹ năng. Tôi không vội viết ở đây là kỹ năng gì, vì sẽ trình bày một vài kỹ năng thuộc vài lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Để theo được cách học ở nước ngoài, đòi hỏi học sinh phải được rèn luyện tính kỷ luật, tự giác, chủ động. Những yếu tố này có thể rèn luyện được từ nhỏ, do đó theo cá nhân tôi đó cũng là những kỹ năng, lâu dần trở thành nếp sống, thói quen… Công việc được giao sẽ không có người kiểm soát quá trình thực hiện, nhưng đến hẹn là phải nộp kết quả, đòi hỏi học sinh phải chủ động, sắp xếp khoa học thời gian biểu và thực hiện nghiêm túc một cách có kỷ luật. Do thực hành nhiều lần mà được rèn luyện, dần dần tính khoa học sẽ được nâng cao hơn, công việc được sắp xếp hợp lý hơn và càng ngày tính hiệu quả càng được nâng lên.

Đó mới là chuyện học tập, vì nó là kết quả được thể hiện trực tiếp nên tôi đưa lên đầu tiên, nhưng chuyện ăn chuyện ở cũng quan trọng chẳng kém, dù được xếp phía sau. Tôi được chứng kiến không chỉ lưu học sinh Việt Nam, mà cả Trung Quốc cũng vậy, một thế hệ “gà công nghiệp” được gửi ra nước ngoài. Hầu hết các bạn đi du học là “nhà có điều kiện” nên chỉ biết hóng tiền bố mẹ gửi sang để tiêu pha, do đó việc sinh hoạt của các bạn cũng có rất nhiều vấn đề. Có chú bé, 100% ăn đồ chế biến sẵn trong siêu thị, vừa đắt đỏ, vừa tốn kém vì chú bé hoàn toàn không biết nấu nướng. Cũng vì không biết làm gì, ăn đồ ăn sẵn chỉ cần dùng thìa nhựa xúc thẳng trong gói, bọc rồi vứt luôn cho tiện, nghĩa là cũng không biết cả… rửa bát. Cũng vì cách sinh hoạt đó, cậu ta không bao giờ đủ tiền ăn mặc dù số tiền nhà gửi sang không nhỏ, và chi phí riêng chuyện ăn uống thôi, cũng đã nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba của tôi.

Lại có anh bạn khác, do sang đã khá lâu rồi nên cũng có biết chút nấu nướng. Cậu ta thường thổi một nồi cơm to rồi trút thức ăn vào, trộn lên đút vào tủ lạnh, mỗi bữa xúc ra một bát to ngồi ăn, nói xin lỗi trông như cho lợn ăn vậy… Câu chuyện ăn uống không chỉ dành riêng cho con trai, mà các bạn gái cũng chỉ khá hơn chút ít với khả năng nấu nướng tối thiểu. Chính các bạn này còn sang phòng tôi xin… dưa muối và xa-lát trộn bằng táo xanh hái ở vườn trường…

Hầu hết tất cả các trường hợp các bạn đều sinh hoạt luộm thuộm, bừa bãi… trông phòng ốc cứ như bãi rác, vì đầy vỏ đồ hộp, vỏ bánh kẹo, bát đĩa rếch để lâu không rửa và hơn thế nữa, các bạn trẻ của chúng ta rất thiếu kỷ luật và tự giác trong cuộc sống. Vì xa nhà, không có người nhắc nhở, nên thức khuya online, chơi trò chơi điện tử… sáng dậy muộn, ăn uống thì bạ giờ nào, ăn giờ ấy. Với lối sống như thế, các bạn cũng không có điều kiện rèn luyện sức khỏe, không chơi thể thao và càng ngày càng yếu. Thân thể yếu ớt, đầu óc lúc nào cũng mông lung, tâm trí nặng nề không thoải mái… tất cả những điều đó dẫn đến việc chẳng có hồn vía nào để mà học hành.

Chính bản thân tôi cũng không sống chung được với các bạn trẻ, hoặc ngược lại các bạn trẻ không sống chung được với tôi, quý vị hiểu sao cũng được. Dù sống một mình, nhưng tôi đến bữa là phải dọn cơm ăn, đảm bảo đầy đủ chất gồm cơm, cá hoặc thịt, rau, canh và hoa quả. Đã ăn xong, là phải dọn dẹp sạch sẽ, rửa ráy tinh tươm gọn ghẽ rồi mới có thể học hành được. Ngủ nghê cũng phải điều độ, không thức khuya dậy muộn, dậy sớm tập thể dục thể thao… thì mới có sức khỏe để học tập được. Cứ nghĩ cảnh xa nhà, không giữ sức khỏe lăn ra ốm, không ai chăm sóc mà chữa bệnh thì tốn kém, dù có thể có bảo hiểm đã phải mua ngay từ những ngày đầu tiên đến nơi. Như vậy có thể nói, câu trả lời thứ hai là các bạn trẻ của chúng ta rất thiếu kỹ năng của cuộc sống thông thường, để sinh hoạt như một người “bình thường.”

Câu trả lời cuối cùng, là kỹ năng xã hội. Không chỉ các bạn kém ngoại ngữ, mà cả các bạn giỏi, vẫn ngại giao tiếp, hay co cụm chơi với nhau mà ít các bạn nước ngoài và do đó bị cô lập. Các bạn chỉ chơi với bạn Việt Nam, ở lớp khác, trường khác do đó ngay trong lớp không có được những mối quan hệ thực sự tốt, thân tình… và trở nên lạc lõng.

Tất cả những câu chuyện trên, chung quy lại do học sinh của chúng ta đang được nuông chiều quá nhiều, không được chuẩn bị từ ở nhà. Gần đây tôi thấy rất đáng mừng vì nhiều bậc phụ huynh đã thay đổi tư duy, cho con tập làm việc này việc khác trong nhà… nhưng phần lớn vẫn để cho gia sư, cô giáo dạy thêm và người giúp việc làm hỏng con. Các bạn trẻ không được trang bị kỹ năng lao động chân tay để tự phục vụ bản thân, đồng thời do được nuông chiều nên không biết cách sống tự giác, vô kỷ luật… Tất cả những điều đó không chỉ dẫn tới sự “không thành công” trong quá trình du học ở nước ngoài, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của các bạn sau này…

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment