Nhân đọc bài “Nên đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?” (Vietnamnet) của tác giả Nguyễn
Sóng Hiền và cả bài phản biện “Đưa “Chí Phèo” khỏi sách Ngữ văn: Một góc nhìn hớt
váng!” của giảng viên Hoàng Anh, nhận thấy đôi điều cần bàn nên tôi cũng xin mạo
muội mà tham gia.
Trước hết, xin đặt vấn đề là
tôi cũng sẽ đi theo mạch của tác giả Sóng Hiền là từ góc độ giáo dục, tức là
chúng ta sẽ không đi sâu bàn về giá trị văn học của tác phẩm. Tuy nhiên tôi cảm
thấy cần bày tỏ sự ủng hộ với giảng viên Hoàng Anh về việc nên giữ việc dạy cho
học trò tác phẩm này vì những giá trị rất cao về mặt văn học của nó. Theo như
chúng ta được biết, tác phẩm “Chí Phèo” được xây dựng trên những câu chuyện có
thật ở làng Đại Hoàng, và thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, nó đã lột tả
được cả bộ mặt lẫn bản chất của cuộc sống thời đó – xã hội Việt Nam trước Cách
mạng tháng Tám khi mà người dân phải chịu cảnh “một cổ hai tròng.”
Tôi đồng ý với tác giả Sóng Hiền
là “bi kịch của Chí Phèo là bi kịch của một cá nhân.” Đúng vậy, Chí không thể đại
diện cho tầng lớp nông dân trong xã hội cũ, mặc dù đó là tầng lớp đông đảo nhất
lại dễ bị tổn thương nhất, do đó cũng dễ bị “bần cùng hóa” đến mức bị “lưu manh
hóa” nhất. Nhưng việc bị “bần cùng hóa” có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất
cứ xã hội nào, nhưng trong một xã hội “phong kiến nửa thực dân tiền tư sản” trước
Cách mạng, thì việc đó dễ dàng hơn bao giờ hết.
Bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”
được xây dựng dựa trên “Chí Phèo” “Lão Hạc” và “Sống mòn” đã nói rõ được điều ấy,
khi anh giáo Thứ đã phải cố gắng ghê gớm để không bị “bần cùng hóa” nhưng thực
tế thì Lão Hạc chỉ đã bước chân ngấp nghé trên bờ vực, vì vẫn còn con chó vàng
để mà bán.
Tác giả Sóng Hiền đã đúng khi
chỉ ra rằng, Chí Phèo là một đứa trẻ bỏ rơi không được giáo dục, như rất nhiều
trẻ bị bỏ rơi không được giáo dục trong suốt bề dày lịch sử. Chẳng phải thời
đó, mà bây giờ thì trẻ vẫn bị bỏ rơi hàng ngày trên khắp thế giới. Điều chúng
ta cần nói chính là thái độ của xã hội đối với vấn đề này như thế nào mà thôi.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 100
năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại – quá xa và quá khó để tiếp cận tài liệu
nhưng vẫn có cách để chúng ta thấy, chính quyền Xô-viết đã làm được những kỳ
tích trong chăm sóc trẻ em và đặc biệt quan tâm đến trẻ cơ nhỡ. Nhân vật chính
trong tác phẩm “Thuyền trưởng và Đại úy” của nhà văn V. Cavêrin là một phi công
trưởng thành từ trại trẻ mồ côi như vậy. Chúng ta có thể kể thêm Anh hùng Liên
Xô Cairơgali Xmagulốp (người Kadắcxtan) cũng là một trẻ lang thang bỏ nhà đi,
được nuôi dưỡng trong trại trẻ và sau này đã lập những chiến công xuất sắc
trong chiến dịch chiếm Đất Nhỏ trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân
dân Xô-viết.
Bố tôi kể, thời trước Cách mạng
cũng có những nhà tế bần, nhưng ít và chính sách chăm sóc đương nhiên là không
thể bằng bây giờ được, nên việc trẻ bị bỏ rơi được đưa vào những chỗ đó gần như
là không bao giờ có cơ hội. Chế độ của chúng ta ngày nay có thể còn có nhiều
khiếm khuyết, nhưng chắc chắn so với thời trước Cách mạng phải là một trời một
vực.
Tiếc là phân tích đến chi tiết
“Chí trước khi đi tù là người tốt, được cho công ăn việc làm, nhưng sau khi ra
tù thì bị lưu manh hóa” – tác giả Sóng Hiền hoặc là phân tích chưa kỹ, hoặc là
mâu thuẫn. Tại sao một người tốt, bị đi tù oan và ra tù thì lại để cuộc sống của
mình, nhân cách của mình đổ đốn đến vậy? Đoạn này tác giả chưa phân tích được.
Chính vì thế chúng ta sẽ có căn cứ cho rằng, tác giả tỏ ra mâu thuẫn: một người
tốt mà lại biến thành một con quỷ say rượu, dám đốt quán, dám xin đểu và nếu cần
rạch mặt ăn vạ? Đã là người tốt thì anh ta dù bị chịu tai họa đến như thế nào
chăng nữa, cũng không đánh mất nhân cách của mình, chứ không thể để ra như thế.
Giáo dục ở đây không chỉ là được học chữ, mà còn là việc dạy nhân cách; và
không phải ai mù chữ, ít học cũng đều suy đồi về nhân cách cả. Tác giả viết “trong
xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn
được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái…”
chính là Chí được xã hội giáo dục, ít nhất là được ưu ái bằng một chút (có thể
rất ít, dù gốc rễ vẫn là bóc lột) tình người, chứ không đến nỗi bị “đá đít” biến
thẳng thành lưu manh từ khi bé xíu.
Phải chăng ở đây có vai trò của
nhà tù thực dân, đã có “tác dụng” biến anh chàng nông dân hiền lành chất phác
thành con quỷ? Nếu như vậy thì việc nêu bật cái xấu của xã hội cũ càng cần thiết,
khi mà nhà tù chỉ là nơi trừng trị, là địa ngục trần gian chứ chưa có vai trò
giáo dục con người.
Những ý kiến của tác giả đều
đúng, nhưng kiến giải tiếp theo thì lại có vấn đề. Ví dụ, tác giả viết “Đơn giản,
Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng
hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội
phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.” Điều này hoàn toàn
đúng, tức là số phận của con người hoàn toàn có thể gặp bất cứ chuyện gì dù anh
ta có thể sống ở xã hội nào chăng nữa. Ngay cả thời nay ở xã hội ta, hay ở những
xã hội phồn vinh và có nền giáo dục đáng thèm muốn, cũng đều có cả. Điều này sẽ
giải thích cho việc những xã hội phồn vinh đó vẫn có tệ nạn ma túy, mại dâm hay
những vụ xả súng bắn giết. Nhưng mặt khác, ở một xã hội mà thân phận con người
bị đánh đồng với số của cải mà họ có, cũng như cuộc sống luôn bấp bênh với năng
suất lao động thấp, nông dân không có ruộng lại đối mặt với sưu cao thuế nặng…
lại bị áp bức, bóc lột thì khả năng bị “bần cùng hóa” dẫn đến “lưu manh hóa”
cao hơn nhiều. Đó chính là logic, điều mà tác giả nhấn mạnh ngay từ đầu bài viết.
Thời học chuyên văn ở phổ
thông, tôi cũng đã từng vài lần giành điểm cao nhờ tác phẩm “Chí Phèo” của Nam
Cao, và ngay từ khi chưa được giảng thì đã đặt được câu hỏi “Chí Phèo đáng
thương hay đáng lên án?” Không chỉ một mình Chí, mà tất cả những con người sống
trong xã hội cũ đều cực kỳ đáng thương, và Chí cùng những số phận tương tự, còn
đáng thương hơn nhiều. Tác giả muốn nhìn câu chuyện từ góc độ giáo dục, nhưng lại
nhận thấy cần loại Chí Phèo ra khỏi xã hội vì “tình tiết tăng nặng trong vụ án
giết người” là anh ta say rượu – kiểu như nếu Chí Phèo không chết thì anh ta cần
phải bị tử hình.
Điều này sẽ làm chúng ta nhớ đến
những vụ án gần đây với mức độ tàn ác ghê gớm của những kẻ phạm tội, gây nên
làn sóng căm phẫn trong dư luận. Đến một số luật sư còn phát biểu là cần sửa luật
để tử hình được kẻ phạm tội chưa thành niên nhưng giết nhiều người, thì chúng
ta đủ thấy mức độ giận dữ, hận thù chung trong xã hội đã lên cao như thế nào.
Thật ra, những nghiên cứu về tội
phạm và hình phạt cho thấy, giảm nhẹ hình phạt, thậm chí bỏ án tử hình mới giúp
xã hội giảm tỷ lệ phạm tội nói chung và tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng nói riêng.
Lênin thì viết “Bản chất của hình phạt không phải ở chỗ nó nặng hay nhẹ, mà ở
chỗ không tội phạm nào không bị phát hiện, không tội phạm nào không bị trừng trị”
– đó mới đảm bảo tính nhân văn và giáo dục của pháp luật.
Vì thế, ý tưởng không khoan
nhượng với hành động và con người Chí Phèo, cần loại ra khỏi đời sống xã hội
vĩnh viễn, có thể phù hợp với “cá nhân một con người Chí Phèo” nhưng không phù
hợp với mong muốn của tác giả Sóng Hiền là “nhìn tác phẩm dưới góc độ giáo dục.”
Với tư cách là một tác phẩm có
giá trị cao về mặt văn học, việc dạy “Chí Phèo” của Nam Cao trong trường phổ
thông là cần thiết. Có chăng, điều cần thay đổi là chúng ta cần có cái nhìn sâu
hơn, dẫn đến thay đổi cách tiếp cận tác phẩm để giúp học sinh nhìn ra được nhiều
điều hơn hiện nay đang được học. Đúng, tác phẩm đã lột tả được hiện thực cuộc sống
trước Cách mạng và phê phán nó, nhưng học sinh cũng cần phải được hiểu rằng,
tai họa và những thăng trầm có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất cứ xã hội
nào, sự bần cùng chỉ làm cho người ta dễ bị lưu manh hóa mà thôi. Từ đó, giúp học
sinh hiểu rằng điều quan trọng là giữ được nhân cách, khi đã giữ được thì dù có
khó khăn đến mấy, con người cũng sẽ vượt được qua mà không sa chân vào con đường
tội lỗi.
Bài trên Giáo dục Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment