Mình đã kể chuyện, chỉ đôi
tháng trước anh chàng Bôn Ba Nhi Bá của chúng ta, lo lắng, chán chường đủ chuyện,
và câu chuyện đã được chép vào thành cái đoạn “Con gà tồ lo lắng” ấy. Nhưng
trong câu chuyện ấy, mình đã không kể cả một mảng lớn, vì để dành nó cho chuyện
của ngày hôm nay.
Đó là mảng học tập.
Nhi Bá không chỉ lo lắng, cậu
ta còn chán học nữa. Chán đến mức nếu được cho nghỉ học ở nhà, chắc cậu ta sẽ
nghỉ ngay được đấy. Cậu ta thích làm phi công cũng một phần do, cậu ta đoán
hình như phi công thì cần khỏe mạnh là chính, còn thì học hành cũng có vẻ không
cần nhiều lắm.
Thế là Nhi Bá nghiêm túc, cần
cù tập thể thao để có thể lực tốt, nói quả đáng tội cũng bắt đầu có chút kết quả.
À, chút nữa thì quên, Nhi Bá còn rất sợ bị cận thị, nên răm rắp bật đèn đủ sáng
khi học và học thì cũng rất… hạn chế về thời gian.
“Không học không được đâu con ạ.
Như ở Hoa Kỳ, điều kiện để đi học làm phi công lái máy bay chở khách là phải trải
qua kỳ đại học đại cương. Bây giờ phi công đã tiếp cận với công nghệ hiện đại,
tất cả điều khiển bằng máy vi tính hết chứ có như ba con mình điều khiển cái xe
máy đâu. Đã thế mình là người nước khác so với họ, lại còn phải giỏi cả ngoại
ngữ nữa… Ngay bây giờ con thấy môn toán khó khăn, nhưng không bỏ qua nó được
đâu. Ví dụ nhé, phi công là phải biết về gió cạnh, để mà lường được vất vả lúc
cất hạ cánh và cả lúc bay. Mà về cái món đó thì phải biết cả về toán lẫn vật
lý. Nào, con thấy căng thẳng chưa?” Mình hỏi cậu ta, và cười trong lúc Nhi Bá tròn
xoe mắt ra nghe, thất vọng ra mặt.
Cánh cửa trên con đường làm
phi công của Nhi Bá có vẻ khép lại. Mình buồn cười quá, động viên:
“Thôi con đừng lo, ba sẽ giúp
con.” Thế là mình giúp cậu vài buổi, mỗi buổi khoảng đâu như 10 phút gì đó,
không hơn. Ví dụ như môn hình học, mình dạy cậu ta vẽ hình thật đẹp, thật cẩn
thận, một số mẹo mực trong dựng hình.
“Khi làm bài hình học, con phải
biết xoay hình, vì nhiều khi nhìn thẳng không ra, nhưng xoay ngược lại thì lại
nhìn thấy rất rõ. Môn hình học là môn rất hay, con có thể thấy nó ở khắp mọi
nơi. Con để ý cái chấn song cửa sổ kia không, toàn là các hình trong hình học.
Sau này con làm gì cũng sẽ gặp nó, đặc biệt là… phi công. Bây giờ con sợ nó,
nhưng điểm đầu tiên của môn học là vẽ được một cái hình đẹp. Con cứ vẽ được
hình thật đẹp cái đã, thày cô đã cảm tình với bài của con rồi và con đã được
cho điểm về điều đó rồi. Học vẽ hình đẹp là bước đầu tiên của xây dựng cảm hứng
với môn học.”
Và con gà tồ cặm cụi ngồi tập
vẽ hình. Ngày một ngày hai, cậu ta vẽ hình đẹp ra phết, và đỡ ngại môn học hơn.
“Còn môn đại số thì đúng là hạnh
phúc của toán học, so với thời… số học. Những bài giải bằng số học rất khó, nay
được giải bằng đại số. Con thế là sướng rồi.” Chính ra đại số Nhi Bá không thấy
sợ lắm.
Hồi đầu học kỳ, hắn học vật lý
về gương cầu lồi và gương cầu lõm. Mãi chẳng hình dung được ra sao, học chay
mà. Ba của hắn vận dụng vốn ngoại ngữ ít ỏi, gõ từ khóa nhờ anh Google tìm
video các thí nghiệm vật lý minh họa.
“Con thấy không, vật lý khó ở
chỗ con phải hiểu bài, nếu con hiểu rồi, con chẳng cần học nhiều. Con chỉ cần học
thuộc các đoạn in đậm, là các định luật, kết luận… trong bài vật lý là đủ. Khi
con hiểu bài rồi, sau này giải bài tập vật lý cũng rất dễ.”
Đúng là xem video Tây họ làm
thí nghiệm, dễ hiểu thật.
“Riêng môn văn, ba không giúp
con được nếu như trong đầu của con không có từ vựng, không có ý tứ, không có
cách hành văn, cũng không có hình ảnh… nên một mặt, con phải bỏ thời gian ra đọc
sách. Nhà mình có rất nhiều sách hay, tính văn học cao, ba sẽ chọn cho con đọc.
Khi có bài văn, ba sẽ giúp con, nhưng không nhiều đâu. Ba chỉ đọc, góp ý cho
con thôi, còn con thì phải tự làm lấy.”
Đấy, xuất phát điểm của câu
chuyện là như vậy. Thế nào mà trong học kỳ một năm nay có hai bài kiểm tra một
tiết toán, cậu dính đòn ngay hai điểm không cao lắm: một điểm 6 và một điểm 7.
Hàng tuần Nhi Bá vẫn đến nhà bà trẻ (mình gọi bằng mợ) để bà giúp thêm cho môn
toán, bà trước khi về hưu là giáo viên dạy toán rất giỏi. Cách tiếp cận của bà
là giúp các bạn không có những mục đích cao siêu là trở thành những… Galoa, Lê
Bá Khánh Trình hay Ngô Bảo Châu, chỉ cần học vững chắc môn toán để sẵn sàng
đương đầu với “trận đánh lớn” là kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 để lên lớp 10. Chính
vì thế mà bà chú trọng vá víu những kiến thức lỗ chỗ như cái rây bột của các bạn,
xây dựng lại cho các bạn kỹ năng giải toán, chủ yếu là cẩn thận, trình bày gọn
gàng, dễ đọc, không bị sai sót…
Bà trẻ phê bình Nhi Bá, bài kiểm
tra toàn những bài làm rồi, mà làm chậm quá không đủ thời gian, chứ không phải
Nhi Bá kém cỏi gì.
Thấm thoắt, thế là đã chuẩn bị
hết học kỳ một. Hôm Nhi Bá nhận lịch thi về nhà, mẹ cậu ta lo lắng lắm, tính ra
với điểm số như thế thì Nhi Bá phải thi học kỳ được 10 điểm toán may ra mới đạt
cái gọi là “học sinh giỏi” trước đây và ngày nay hình như đâu như là “hoàn
thành tốt nhiệm vụ” hay gì đó…
“Con thế là tự làm khó mình rồi”
– mẹ Nhi Bá nói – mẹ tính ra con phải được đến 10 điểm thi học kỳ môn toán mới
đủ điểm trung bình là 8.0 để được học sinh giỏi.”
Có vẻ điểm 10 là không tưởng.
Vì thế Nhi Bá rơi vào thất vọng vô chừng. Ba cậu ta nghe, thấy tình hình căng
căng, nói:
“Mẹ nói đúng rồi, nhưng con
nghe ba nói này. Bây giờ những cái qua rồi, không lấy lại được. Điểm kiểm tra
không cao, thì mình phải gỡ. Bây giờ chỉ còn bài thi học kỳ, kể cả con không được
10 điểm chăng nữa, phải cố gắng đạt điểm cao nhất, ví dụ như 9 điểm. Mà điểm 9,
thì như bà trẻ của con nói, tất cả các bài nhỏ trong bài thi, chỉ ở mức trên
trung bình, con làm được. Vấn đề của con là không được để rơi vãi, mất điểm ở
những chỗ vớ vẩn nên phải tập trung làm bài nhanh, cẩn thận, sạch đẹp. Còn cái
bài nâng cao, khó, con có thể không làm được nhưng nó chỉ chiếm 0.5 điểm, con
có nó cũng được, không có nó không sao; nhưng phải cố gắng chắc chắn được 9 điểm
còn lại. Tất cả đều chưa phải là thảm họa con ạ, vì có thể học kỳ này toán con
không đạt 8.0, nhưng con còn cả học kỳ 2 phía trước. Mà điểm trung bình cả năm
sẽ được tính là điểm học kỳ 2 nhân đôi, cộng điểm học kỳ 1 chia 3, ra điểm
trung bình cả năm. Nếu con cố gắng trong học kỳ 2, con sẽ lấy lại được tất cả.”
Nhi Bá yên tâm hơn. Trong thời
gian ôn thi, mình làm đỡ cậu việc nhà là… rửa bát.
“Con cứ bình tĩnh, học dần từ
sớm các môn phụ, và tất nhiên cả những môn chính luôn: ngữ văn, tiếng Anh. Toán
thì đi theo phương pháp của bà trẻ là ổn rồi, cứ học chắc chắn những bài cơ bản
cái đã, luyện cho mình tốc độ, và kỹ năng cẩn thận, không sai sót.”
Nhi Bá đã cố gắng rất tốt. Trước
hôm thi toán, mình còn đề nghị cậu ta đi xem phim, và chơi cho thoải mái đầu óc
hẳn một ngày.
Hôm qua con trai báo anh chàng
được 10 điểm thi tiếng Anh, 9.5 toán và 8 điểm ngữ văn. Thế là những nỗ lực của
con trai đã được đền đáp…
Chiều nay mình sẽ nói với cậu
ta rằng, bây giờ con đã thấy việc học hành hoàn toàn không đáng sợ như các con
vẫn tưởng. Hôm trước ba đến nói chuyện với các bạn ở lớp An Khánh, ba cũng có
nói rằng, điểm kém hoàn toàn chưa phải là thảm họa. Ví dụ nhé, nếu trong 4 năm
học ở trung học cơ sở các con không được học sinh giỏi, à gì nhỉ, “hoàn thành tốt
nhiệm vụ” à – khó nhớ thế thì cũng chẳng sao. 4 năm học sinh giỏi, mới được cộng
2 điểm vào điểm thi tốt nghiệp, mà ngữ văn và toán được nhân đôi, điều đó có
nghĩa là nếu con cố được 0.25 điểm toán, đã nhân đôi lên được bằng một năm học
sinh giỏi của con rồi.
Miễn là, các con không được để
thất vọng cùng cực, đến mức buông xuôi, thì sẽ đến lúc không cứu vãn được nữa. Đúng, điểm kém không bao giờ là thảm họa, nó chỉ
là thảm họa khi chúng ta buông xuôi không khắc phục những hậu quả nó để lại mà
thôi.
No comments:
Post a Comment