Ông nội của Nhi Bá, Nhi Bôn bị
hỏng một chân từ thời còn trẻ, nên không đi bộ được xa. Tuy thế, ông còn đi xe
đạp được rất tốt. Năm nay tròn 80 tuổi, ông yếu nhiều nên chỉ đi xe đạp gần gần,
2 đến 3 cây số đổ lại thôi. Ông thường tự sửa xe đạp lấy ở nhà, không nhờ ai, đặc
biệt là không nhờ thợ sửa. Mà bây giờ thợ sửa xe đạp cũng cực hiếm, không phải
như trước cứ ra đầu đường là có ngay một bác thợ ngồi ngoài vỉa hè rồi.
Một ngày, ông báo cái xe của
ông bị hỏng, nó phải thay một bộ săm lốp mới, loại cho xe mini Nhật ông không
biết mua ở đâu.
Ba của Nhi Bá tức tốc chạy xuống
khu Chợ Hòa Bình (ở Hà Nội hay gọi là Chợ Giời) mua ngay cho ông một bộ săm lốp,
chọn sáng Chủ nhật lóc cóc đạp xe, chở cả bộ lẫn đồ nghề sang để thay cho ông.
Bây giờ ông không còn ngồi ghế con để sửa xe đạp được nữa, tay chân cũng run và
yếu, mắt không nhìn rõ, tất cả đều gây khó khăn…
“Ông ngồi đó chỉ đạo, con làm
cho…” Mình nói. Thế là tháo cái xe đạp ra – không ngờ “cái anh xe đạp mini Nhật
Bản” này nó thiết kế cầu kỳ, tháo khó đến thế. Thật ra nó không khó nếu như còn
mới, nhưng thực tế xe quá cũ, ốc vít han rỉ, đầy rẫy khó khăn. Thôi thì dùng mẹo
mãi cũng không hẳn là tháo ra được, mà chỉ là “lừa lừa” lấy cái săm cũ ra, thay
cái mới vào. Mô tả vài câu thế, mà ở ngoài loay hoay cả tiếng đồng hồ.
Hai mái đầu bạc loay hoay cạnh
cái xe đạp, cuối cùng cũng xong. Ông nội bảo: “Anh bơm ít ít, để tôi nắn chỉnh
cái lốp cho nó tròn, rồi hẵng bơm căng…” Bộ môn này thì ông làm rất giỏi, và vẫn
còn làm tốt, chứ cứ như cái “anh ba Nhi Bá,” mắt loạn thị càng nắn càng méo.
Từ hôm đó ông lại có xe đạp đi
lại, thăm ông anh cả đã gần 90, ra quảng trường ngồi chơi với mấy ông bạn già
hưu trí, đã đến tuổi gần kề quan tài đến nơi.
Chuyện chưa dừng lại ở đó.
Số là cái săm mới mua, nó dùng
van xe máy. Còn cái săm cũ ở bánh trước, dùng van xe đạp. Như thế là cái bơm xe
phải cần hai loại đầu bơm, khá bất tiện. Cái bơm cũ của ông ở nhà, chỉ có một
loại đầu bơm thôi, mà cắt vòi ra thay thì ông không thích…
Ở nhà ông còn có một cái bơm nữa
– nó là bơm cũ của nhà nào đó vứt đi, vì đã hỏng cái tay bơm ở phía trên. Trước
khi vứt, người ta đã tháo mất cái vòi bơm. Ông thấy bơm còn tốt, nhặt về nhưng
chưa biết làm thế nào để cho nó lại có khả năng quay lại phục vụ.
“Ông để con!” – Ba của Nhi Bá,
Nhi Bôn nhận nhiệm vụ, nhằm hôm tiện đường lại qua chợ Hòa Bình, mua một cái
vòi bơm có cả đầu bơm cho đủ loại van, đem về vặn vào. Thế là cái bơm sau khi bảo
dưỡng, lại bơm tốt. Chỉ còn vấn đề tay bơm nữa thôi – ba Nhi Bá xin của bác thợ
mộc gần nhà một thanh gỗ tròn, về khoan ra để lắp vào, được một cái tay bơm rất
chắc chắn. Ông nội dùng nó để bơm xe đạp rất tốt, ông vui lắm…
***
Kể cho Nhi Bá nghe chuyện sửa
xe đạp cho ông, rồi lại sửa cả bơm xe đạp cho ông nữa, mình nói với con…
… Con này, hôm đó bà [1] nhìn
thấy ông ngồi cạnh ba sửa xe đạp, bà bảo “Hai cái đầu sửa xe đạp với nhau, bạc
trắng hết cả rồi.” Hồi bé, ông sửa, ba phụ, ông dạy ba sửa xe đạp luôn. Hồi đó
nhiều người biết sửa xe đạp, thích làm lấy vì muốn tiết kiệm tiền, cuộc sống
khó khăn lắm. Nhờ có ông dạy mà ba biết sửa xe, và cũng không ngại việc nữa.
Sau này tiến lên ba tự học sửa xe máy, và nếu cần thì ba còn dám học cả sửa ô
tô nữa.
Tại sao ba không đi mua cái
bơm xe đạp mới – trong khi cái vòi bơm đã đắt gần bằng cái bơm rẻ nhất? Vì cái
bơm tốt, thì đắt hơn nhiều trong khi cái bơm rẻ nhất, dùng vài lần là hỏng, mua
như thế hóa ra là lãng phí. Ba chọn phương án sửa, vì trong quá trình sửa mình
sẽ khắc phục luôn cả những nhược điểm của nó, nó sẽ không lăn ra hỏng nữa. Cái
bơm sẽ phục vụ được rất lâu nữa đấy, tính tổng chi phí rẻ hơn nhiều.
Tại sao ba không đề nghị ông dắt
xe ra ngoài tiệm, để cho người ta bơm cho? Tiền bơm rất rẻ, mà lại chẳng mệt mỏi
gì… Nhưng nếu ai đã sống qua thời bao cấp khó khăn, thì đều có những suy nghĩ
là cái gì tự làm được, sẽ tự làm, chứ không bao giờ đi thuê hay nhờ người làm.
Bây giờ có nhiều thay đổi, những người chuyên nghiệp làm tốt hơn chúng ta ở hầu
hết các việc, nên thuê hay sử dụng dịch vụ, nhưng khả năng làm lấy vẫn nên có,
không nên để mất đi. Ba đã nói với con về kỹ năng lao động, làm việc chân tay…
không phải là sau này để con sinh sống bằng nghề đó, mà để con gần gũi cuộc sống,
không ngại việc. Con thử tưởng tượng, đêm hôm mà hỏng điện trong nhà, con gọi
ai đến sửa cho con được, nếu không tự làm lấy? Con thử tưởng tượng nếu chiến
tranh loạn lạc, cơm có mà ăn còn khó, thì chuyên gia kinh tế, tài chính, luật sư…
nếu không có các kỹ năng lao động chân tay, chắc chết đói cả.
Làm lấy, như ông là tự bơm xe
đạp, nhu cầu tiết kiệm chỉ là một phần nhỏ, quan trọng là cảm thấy mình vẫn còn
khỏe mạnh, vẫn làm được việc có ích.
Hiện nay có rất nhiều người
không làm gì cả, có thu nhập thụ động như cho thuê nhà, nên cũng không động
chân động tay vào bất cứ việc gì. Con người không lao động sẽ bị thoái hóa, cả
về tâm hồn lẫn thể xác.
Sau mấy chục năm, bây giờ lại
là lúc ba sửa xe cho ông – ba làm, ông phụ. Sự kế tục, kết nối thế hệ là như vậy.
Con biết không, trước ba đã kể cho con nghe về thời gian ba không hòa được với
ông, nhưng nay ba đã thay đổi nhiều rồi. Xe đạp hỏng là cơ hội rất tốt để ba gần
gũi ông. Lúc sửa xe cho ông, hay sửa cái bơm, ba thấy mình yêu quý ông vô cùng,
chỉ tiếc là thời gian ông còn ở với chúng ta không còn nhiều nữa, chắc vài năm
nữa là ông chào chúng ta, đi xa rồi.
Hiện nay ba và con cùng sửa xe
của con, ba hướng dẫn con làm, ba vẫn làm là chính còn con thì phụ cho ba, vài
chục năm nữa con lại sửa cho ba và ba thì ngồi phụ cho con… Ba mong câu chuyện
này, một ngày con lại nhớ lại, khi có thể con là thủ tướng, là bộ trưởng, là tống
giám đốc, là giáo sư… gì cũng được, nhưng vẫn ngồi sửa cho ba cái xe đạp. Cuộc
sống cứ thế lại tiếp diễn, với đầy đủ ý nghĩa và sắc thái tình cảm của nó.
Nhé, xe đạp cứ hỏng tiếp đi
cũng được, xe đạp ơi!
[1] Bà thứ hai, bà nội của Nhi
Bá mất hai mấy năm rồi.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment