Sau bài “Cấm đỗ xe trước cửa nhà tôi” lên khuôn, rồi xuất bản ra công chúng được khoảng dăm bữa nửa tháng gì
đó, đi qua ngôi nhà có 3 cái biển màu đỏ chữ vàng (mà một trong ba cái đó là tấm
biển “Cấm” trứ danh của chúng ta) thì chữ “Cấm” bị dán đè lên một chữ “Không.”
Tròn xoe mắt, tự bụng bảo dạ: “Ái chà, hiệu lực gớm nhỉ! Té ra nhà bà cô ông
chú này cũng đọc An ninh thế giới!”
Nhưng câu chuyện sáng nay bà mẹ
vợ kể, thì hóa ra không phải như vậy. Bà ngoại bọn trẻ sang chơi, nói chuyện với
bà chủ nhà, thế nào mà bà cô kể về chuyện bức xúc lâu nay.
“Chị có chơi mạng xã hội không
ạ? Có hàng xóm chụp ảnh cửa nhà em, rồi đưa lên mạng xã hội. Thế là tất cả cùng
ùa vào chửi, rằng nhà em to thế, thì chỉ có tham nhũng. Chị biết rồi, nhà em cả
nhà làm cho nước ngoài, làm gì có ai làm cho Nhà nước mà tham nhũng được… Con
em thì bảo, mẹ lo buồn làm gì, nhà mình thiếu sót thì rút kinh nghiệm thôi, và
nhà em sửa cái biển. Em đã xin lỗi họ trên mạng xã hội rồi mà họ vẫn không chịu
gỡ bài…” Bà ngoại bọn trẻ kể rằng đã khuyên bà cô hàng xóm rằng có tuổi rồi
không nên chơi mạng xã hội làm gì, lại thêm bức xúc ra.
Tôi cười và giải thích cho nhạc
mẫu: kiểu các cụ lên mạng xã hội chơi như vậy được bọn trẻ chúng nó xách mé là
“già tuổi đời mà non tuổi mạng.” Thật ra mạng xã hội cũng như bất cứ cái gì
khác, đều có hai mặt, mặt tích cực và tiêu cực. Nó cũng như cuộc sống bình thường
ở ngoài vậy thôi, ai như thế nào thì trên mạng họ… vẫn thế. Chỉ có điều, lên mạng
họ bộc lộ hết cả ra, cái xấu cũng như cái tốt...
Ngày càng nhiều các vị có tuổi
(tạm gọi là “các cụ”) tham gia mạng xã hội, phần lớn là mới chơi nên có nhiều bỡ
ngỡ, thậm chí rất… dễ thương. Một dòng trạng thái của một cụ, các cụ khác là bạn
bèn bấm “chia sẻ” và nghĩ rằng đó là sự sẻ chia tình cảm, biểu lộ sự quan tâm,
quý mến đến nhau. Và thế là cái trạng thái của cụ này, được cụ kia “bê” về nhà
một cách tự nhiên, thú vị và thật đáng cảm động, dù với người trẻ thì nhiều người
thấy thật là buồn cười. Các cụ như thế này thường dễ bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều
gì trên mạng, dù một câu bình luận vu vơ, hú họa, vô thưởng vô phạt… cho đến những
chuyện cãi cọ trực tiếp như của bà cô trên đây.
Ấy đừng vội kết luận, mạng xã
hội cũng có đến dăm bẩy loại, gì chứ “các cụ” không thiếu kinh nghiệm, thậm chí
đến mức thượng thừa đâu có thiếu. “Gừng càng già thì càng cay,” với vỏ bọc đẹp
lão, xây dựng khéo léo một hình ảnh thường là đạo mạo, trí thức, đầy kinh nghiệm
sống; nay về hưu ngoài vui vầy cháu con, còn có thêm chút tài hoa cầm kỳ thi họa…
Lời lẽ mượt mà, du dương dụ được khối “con mồi” trẻ trung non tơ, rồi đến ngày
“anh” bộc lộ hẳn ra là… “cụ dê cụ.” Hiện tượng xã hội tuyệt đối không hiếm, nếu
như không muốn nói là rất sẵn.
Vì chúng ta đang sống trong xã
hội con người, của loài người hỉ nộ ái ố, của say mê lạc thú không có điểm dừng.
Thời chưa có mạng xã hội cũng thế, và bây giờ cũng thế, vẫn có những lời suýt
xoa khen ngợi rằng cụ nọ cụ kia, tuổi sắp xuống lỗ đến nơi rồi mà vẫn còn
“sung” lắm, tuần nào các con cũng phải phát tiền cho cụ đi hưởng “hương đồng
gió nội.” Chưa bao giờ thấy có một lời can gián, rằng đến một ngày nào đó sức của
tất cả chúng ta sẽ yếu đi đến mức không thể hoạt động được nữa, thì sẽ đối mặt
với cái sự khổ do không còn đủ sức, như thế nào.
Xem ra so với kiểu “đạo mạo giương
bẫy” này thì sồn sồn, đanh đá, đốp chát… còn tử tế chán. Ít nhất người ta còn
thể hiện rõ ràng rằng, thái độ của tôi là như thế, còn hơn cái tử tế chỉ để che
đậy những âm mưu nào đó bên trong.
Sa đà quá rồi, quay lại với mấy
trường phái của mạng xã hội đi thôi: thực ra trường phái thứ hai, nó phải được
so sánh với một kiểu chung, phổ biến trên mạng xã hội là đáo để, đanh đá, và
chuyện gì cũng có ý kiến, chỉ có mình là duy nhất đúng. Đó chính là kiểu của
cái người hàng xóm nào đó kia, đưa ảnh cái cổng nhà bà cô của chúng ta lên mạng
và cứ thế đai đi đai lại mãi không thôi. Với dạng lên mạng xả bức xúc như vậy,
“nạn nhân” có thể là bất cứ ai, về bất cứ chuyện gì. Chúng ta chắc chắn không
có thể tranh cãi, trao đổi gì với họ được, vì họ là độc quyền chân lý. Đối mặt
với họ là đối mặt với một “cái tôi” cao như núi và nhiều khi, cả một sự nóng nảy,
sân hận hừng hực như đám cháy rừng.
Quay lại với bà cô của chúng
ta: đúng là “tiên trách kỷ hậu trách nhân,” bà cô đã xin lỗi người ta, phục thiện
chân thành đến thế mà người ta vẫn… không chịu gỡ bài xuống, thật là quá đáo để.
Tôi tiếc rằng không có điều kiện, để nói với cô rằng, cô không cần phải xin lỗi
người ta, vì thực ra cô có làm gì người ta đâu. Cái gây xung đột là sự thiếu
khiêm tốn của mình khi đề ra cái biển “Cấm,” nó thổi bùng lên cái tâm lý vốn đã
ghét, đã bức xúc với nhà mình trong lòng người ta. Nhà mình đã thay đổi, thậm
chí hạ mình xin lỗi như thế, từ giờ cái “được” đã chuyển sang mình, còn người
tiếp tục đáo để, chỉ có thể “mất” thêm.
“Chơi” mạng xã hội cần phải vậy
– nếu để mình bị ảnh hưởng theo cảm xúc của người khác thì “có mà ốm!” (như bà
cô của chúng ta đang mất ăn mất ngủ lâu nay.) Tôi có cô bạn nói rất đúng: “Cái
thằng (hoặc cố tình, hoặc vô ý) chọc mình, mình mà tức thì nó thắng, mình không
tức là mình thắng.” Tất nhiên, chúng ta mà không nổi bực tức thì người ta cũng
chẳng biết, chúng ta tự biết được với bản thân cũng đã là tốt lắm rồi.
Mấy hôm nay “cộng đồng mạng” lại
nhộn nhạo chuyện cấm mạng xã hội hay không cấm, đó là chuyện của nhà quản lý. Với
nhiều người trong số chúng ta, trước nay không có mạng xã hội cũng vẫn sống và
nếu trong tương lai không còn nữa, chắc chắn cũng chẳng chết. Đến cái anh thất
tình, “thiếu em thì anh chết” có khi cũng chỉ vật vã vài hôm, rồi lại sống bình
thường chứ mấy anh dám nhảy lầu, nhảy sông đâu; thì chúng ta cũng vậy thôi.
Không có mạng xã hội hụt hẫng vài hôm thì rồi chuyện gì qua, cũng phải qua.
Điều kỳ lạ, mà nay đã trở
thành bình thường là cứ hễ có chuyện gì, bất kể hay dở, là “cộng đồng mạng” lại
lên cơn, như người ta hay gọi là “lên đồng tập thể.” Mạng xã hội có sức lan tỏa
ghê gớm, và cũng có sức quy tụ ghê gớm không kém. Một chuyện được tung lên, nó
nhanh chóng đến với bao người và cũng gần như ngay lập tức, nó quy tụ được cơ
man nào là các công dân cõi mạng, tụ tập lại. Câu “lên đồng tập thể” quả không
oan, khi người đưa thông tin và hàng bao nhiêu người khác, cùng hòa nhau một giọng,
thậm chí có những chốn trên mạng hoàn toàn không dành cho người yếu bóng vía.
Có chỗ thì chỉ thể hiện bức xúc thông thường thôi, nhưng cũng có những chỗ mà
những ngôn ngữ bẩn thỉu, tục tĩu nhất được tung ra, thật không thể kiểm soát được.
Không quá khó để nhận thấy,
cái tốt đẹp lan tỏa trên mạng xã hội không được bao nhiêu, nhưng cái xấu xí thì
lan tỏa khủng khiếp về mọi phương diện: cường độ, tốc độ, và mức độ rộng rãi.
Người ta tìm nhau vì sự tốt đẹp thì khó khăn làm sao, nhưng người ta tìm nhau
vì sự xấu xí thì thật quá dễ dàng.
Đáng sợ hơn nữa, là người ta
không nhận ra đó là xấu xí, thậm chí còn lầm tưởng là tốt đẹp. Một thông tin
đưa lên, chính người đưa cũng đang phẫn nộ với điều tiêu cực trong xã hội và
không nhận thấy trách nhiệm của mình trong chuyện đó cần phải như thế nào, và
cho rằng cần phải rủa xả người và chuyện tiêu cực đó một trận “cho nó nhớ đời.”
Gì chứ chuyện tiêu cực thì kiếm được nhiều người theo dõi, tham gia lắm, thế mới
có chuyện “lan tỏa ghê gớm” nói trên đây. Trách nhiệm của người chia sẻ, ngoài
thông tin, còn phải giữ được cho mình và những người tham gia cùng với mình, sự
bình tĩnh và cái nhìn sáng suốt; để tránh cho cả mình lẫn “bạn mạng” không bị
“lên đồng.”
Muốn nói với bà cô hàng xóm, rằng
lúc cô treo biển “Cấm” thì đó là vấn đề của cô. Khi cô bị “phản ánh” trên mạng
xã hội, thì cô phải giải quyết vấn đề. Nhưng khi đã xử lý đến cỡ đó rồi mà “thằng
cộng đồng mạng” nó vẫn cứ không để cô yên, thì đó là vấn đề của nó rồi chứ chẳng
còn phải là của cô nữa.
Nhà chức trách có cấm mạng xã
hội hay không, chính xác là phụ thuộc vào chính chúng ta – hay nói rõ hơn là
“phụ thuộc vào thái độ và cách chơi mạng của chúng ta,” chứ chẳng phải ai khác…
Bài trên An ninh Thế giới tại đây
No comments:
Post a Comment