Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, August 8, 2018

Còn tôi với Sài Gòn

Sài Gòn, 2001
Đã bao lần tôi định viết một bài thật hoành tráng, kiểu như “Sài Gòn và tôi” nhưng cuối cùng, lại thôi. Khoảng 20 năm trở lại đây, cứ vài năm tôi lại có dịp vào Sài Gòn một lần, đợt thưa đợt mau, có khi chỉ vài tháng lại có mặt, nhưng cũng có lần bẵng đi có đến năm rưỡi hai năm. Có thể nói, tôi đi nước ngoài còn nhiều hơn vào Sài Gòn nhiều.

Tuy thời gian có mặt ở thành phố vừa quen vừa lạ này, không nhiều nhưng những điều người ta nói về nó, tôi cũng dần cảm nhận thấy đúng thật: ngày càng ít dần những cơn mưa ào đến rồi qua mau, như vẫn thường nghe “Sài Gòn mưa rồi chợt nắng.” Tôi đã gặp những ngày Sài Gòn mưa lây nhây mãi không tạnh, chẳng khác tháng mưa Ngâu ngoài Bắc bao nhiêu. Dù có đổi thay, nhưng những tình cảm của tôi dành cho thành phố này vẫn nguyên như thế, rất khó cắt nghĩa nó như thế nào.

Còn nhớ khoảng năm 2000, lần đầu tiên quay lại với Sài Gòn sau 20 năm, tôi đã bỏ phần lớn thời gian rảnh rỗi, lang thang chỉ ngắm cây với những căn biệt thự còn nguyên như cách đây vài chục đến gần trăm năm chúng được trồng, được xây nên. Chúng tập trung ở quận Nhất, quận Ba… là những khu phố cũ của thành phố, nên giống Hà Nội của tôi lắm. Nhiều khi tôi cứ cố hình dung, nếu ngày xưa mà gia đình tôi quyết định xuống chiếc tàu thủy ở Hải Phòng thì mình sẽ là một người “Bắc 54” ngụ cư ở thành phố này. Ơ nếu mà như thế, thì chắc là sẽ không có tôi, mà là một thằng tôi nào đó khác, vì bố mẹ tôi sẽ chẳng gặp nhau được.

Thời ấy, tôi cứ nghĩ tôi quá yêu Hà Nội, nên tìm lại những hình ảnh mà ngay cả Hà Nội bây giờ cũng ngày càng hiếm, nên cứ lang thang ngắm hàng cây sao đen trên đường Điện Biên Phủ mà ngỡ như ở phố Lò Đúc nhà mình. Một ngày tôi bắt gặp tôi lang thang ở đường phố Chennai, Singapore và Kuala Lumpur để làm những việc y hệt như thế, và tôi mới hiểu tôi không phải yêu Hà Nội mà tôi yêu những dấu ấn của “thời kỳ thực dân.” Tình cảm ấy bắt nguồn từ những câu chuyện của bố tôi, của mẹ tôi và nhiều người khác nữa, kể về thời sống trong những thành phố “tạm chiếm.” Đọc sách báo thì cuộc sống “ở vùng địch” ngột ngạt và tăm tối, nhưng những câu chuyện được nghe thì ngược lại, văn minh và có phần êm đềm, nhường nhịn và lịch sự.

Tôi hiểu rằng những gì xung quanh mình hiện nay quá nhiều thứ mới xuất hiện tốt đẹp có, xấu xí có, mà xấu xí thì quá nhiều và đã mất đi quá nhiều điều tốt đẹp, những thứ thuộc về thế giới văn minh.

***
Buổi sáng dậy thật sớm, đi ăn sáng để còn về trả phòng khách sạn cho kịp giờ giảng bài. Lững thững cuốc bộ ra cái chợ con con gần đó, nó ẩm ướt, gồ ghề đầy vũng nước và còn thưa vắng khách. Gặp một hàng cơm tấm, mà bà chủ với mái tóc bạc cắt ngắn, uốn xoăn khá đẹp, nét mặt hiền lành và dễ chịu. “Bác làm ơn cho em xin một đĩa, em chỉ ăn trứng rán và nước tương là được.” Bà chủ nét mặt luôn tươi, động tác nhẹ nhàng lắm, chuẩn bị đĩa cơm đưa cho khách. Ăn xong khách rút ví, lấy tờ 500 nghìn đưa trả…

“Có 15 ngàn tiền cơm, cậu trả như thế tui làm sao thối… Thôi lúc nào trả cũng được…”

“Cảm ơn bác, nhưng chiều em bay về Hà Nội mất rồi…” tôi băn khoăn.

Trả phòng khách sạn, có tiền lẻ, lại quay lại với cặp túi lỉnh kỉnh, gửi trả bác tiền cơm. Bác hàng cơm cười cười: “Không trả tiền không chịu được hả? Để chị mời một bữa cũng được chứ sao, để còn nhớ Sài Gòn, sau nhớ chị có dịp còn quay lại…”

“Chiều em về rồi, nào có biết có dịp quay lại không… Thôi cảm ơn chị, em về nhé!”

Bước đi vẫn nghe thấy mấy chị bán hàng nói chuyện với nhau, “chú này người Bắc mà ăn nói lạ thế…”

Thế nào là lạ nhỉ?

Ở chỗ dạy học có một chị tạp vụ, cũng ân cần như thế, và cũng rất hay chuyện. Chị kể chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con chuyện cái… Cần cái gì chị chạy đi lấy rất nhanh, cứ thoăn thoắt. Kết thúc buổi dạy, tôi tìm chị cảm ơn, chào chị để đi ra sân bay, không quên chúc chị vui vẻ với gia đình của mình, với hai đứa con một đứa hết nghĩa vụ quân sự được ở lại đi học sĩ quan và cô em gái chuẩn bị vào đại học… Chị chào lại và lần nữa, tôi cảm nhận thấy cái ngạc nhiên trong chị: “Chào Thày, chúc Thày về mạnh khỏe. Thày khác với hầu hết người Bắc vào đây làm việc mà em gặp lắm ạ…”

Lạ nhỉ, tôi có gì khác với những người khác đâu. Có mà chúng ta giống nhau ở một điểm, là cùng sống trong một môi trường đã mất đi quá nhiều thứ. Chỉ sợ có những cái chúng ta đã đuổi đi và không bao giờ trở lại, là những cái thuộc về thế giới văn minh.   

Chỉ còn tôi với Sài Gòn, bởi cái tình người đơn giản mà ở Bắc bây giờ hiếm khi có được. Văn minh ở đâu mang đến có thể mai một, nhưng tình người đơn giản ấy, thì chắc mãi còn với Sài Gòn.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment