Thương dân Hà Nội gốc
Thương dân Hà Nội gốc,
Lịch sự đất Tràng An,
Phố cổ, người cũng cổ,
Cổ cả thú tao nhàn.
Lịch sự và nhỏ nhẹ,
Người gốc xứ Hà Thành,
Giờ cảm thấy lạc lõng,
Giữa thành phố của mình.
Họ lặng lẽ nhường chỗ,
Cho các bác nhà quê,
Cùng thói quen thôn dã,
Từ khắp nơi đổ về.
Người tứ xứ sấn sổ,
Nắm hết mọi chức quyền.
Giàu có và hãnh tiến,
Kiểu “nông dân vùng lên.”
Thương dân Hà Nội gốc,
Đã không còn số đông.
Tôi, cũng dân tứ xứ,
Ngẫm, chợt thấy chạnh lòng.
Lại nhớ khi chơi Facebook có
lúc nào đó, một người post lên một bài kể về cuộc sống của một bác “Hà Nội gốc”
nào đó với những thú chơi “thanh nhàn” (như lời thày T.B.Tân) từ cái nghệ thuật
uống trà, rượu hay sưu tầm những thứ đồ vật nào đó. Có ca ngợi thì phải có phản
đối, không thiếu những ý kiến chê bai rằng mấy chục năm vẫn cứ bám vào những
cái hủ lậu, trong khi thế giới người ta tiến đến đâu rồi, những truyền thống đó
có ý nghĩa gì đâu khi không có tiền, sống cứ nghèo túng thế mãi thì bám vào những
thú vui đó có hay ho gì, còn không bằng những người từ quê lên nhưng có ý chí mạnh
mẽ vươn lên… Những ý kiến này cũng rất đúng.
Ngược dòng thời gian 80 – 90 năm,
chính một vế họ hàng gốc tích của tôi cũng là gốc nông dân – kể cả có nhiều nhiều
ruộng đến mức bị coi là địa chủ chăng nữa, vẫn là nông dân đầu tắt mặt tối. Nhà
có ruộng nhưng hoàn toàn không được lười hơn nông dân nghèo, thậm chí còn phải
chăm bẵm nông dân nghèo nhiều hơn để họ giúp làm cho mình. Chỉ khác ở một điều,
các cụ rất quan tâm đến sự nghiệp học hành của con cái và dần dần thì một số
người trong gia đình bước vào con đường hoạn lộ nơi chốn quan trường. Ông ngoại
tôi là một ví dụ, “ra” Hà Nội học trường Tây từ nhỏ, ông trở thành một ông
Phán, đi làm công chức cho chính quyền thực dân rồi dần dần lên đến chức vụ đứng
đầu một tỉnh sát Hà Nội. Tất nhiên vì thế, các anh chị em của mẹ tôi đều sinh
ra, lớn lên ở Hà Nội và được hưởng nền giáo dục của “bọn thực dân.” Nhưng cũng
vì thế, ông tôi cũng không thể thoát được sự gièm pha là một “gã hãnh tiến.”
Đúng vậy – ông tôi tuy không phải “nhà giàu mới nổi” nhưng vẫn là một anh nông
dân mới chân ướt chân ráo bước vào “làng Tây,” không thể so với những nhà quý tộc
lâu đời được.
Câu chuyện đưa tôi về những
tháng năm đi cùng ông nội, ông ngoại đến chơi những người bạn cũ, toàn những
ông quan có cỡ, không chỉ của chính quyền thực dân mà còn cả của triều đình Huế,
đó mới thực sự là những gia đình quý tộc. Đến bây giờ tôi vẫn giữ được quan hệ
với hậu duệ của những gia đình đó, khi gặp họ vẫn thấy phảng phất ở họ những sự
thanh cao, cao quý đúng với ý nghĩa của từ “noble” không chỉ có nghĩa là “quý tộc”
mà còn có nghĩa là “cao quý.” Tất cả họ, theo thời thế không thể theo được với
sự thay đổi quá nhanh, trở nên sa sút nhưng không hề mất đi sự “cao quý.”
Đồng thời bạn bè của ông bà
tôi không thiếu những gia đình cự phú ở Hà Nội, nhờ buôn bán mà giàu có kinh khủng,
nhưng họ không có gốc học hành, nên cũng có những điều rất hay để kể về họ. Có
gia đình cụ H. nhà Hàng Đ., ông bố và các con trai không làm gì, chỉ chia sẻ với
nhau những cách ngâm rượu như thế nào, chơi thể thao như thế nào… để có sức…
chơi gái cho khỏe. Đó là cách sống của trọc phú, không phải của những người cao
quý.
Tôi đã từng viết bài báo “Tản mạn về tinh thần quý tộc thời nay” với những nhận xét: tinh thần quý tộc không
phải là sự khinh mạn với những người có địa vị không bằng mình hay ít tiền của
hơn mình, mà nó nằm ở trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội, ở đức tính khiêm
nhường… Và nay tôi có thể bổ sung, dù sống thu mình tưởng như khép kín, sự “cao
quý” ấy vẫn được thể hiện qua trách nhiệm với xã hội và môi trường mình đang sống:
làm gương cho con cái, cháu chắt về đạo đức, không đánh mất mình, không làm hại
ai dù chỉ bằng một cọng rác. Sống ở thời nhiễu nhương, vô luân vô pháp, không
ai coi pháp luật ra gì thì cái sự làm giàu chân chính có nhưng ít và khó lắm, hầu
hết là giẫm đạp lên nhau để kiếm tiền, sểnh ra cái là lừa đảo nhau… thì giữ được
mình chắc chỉ có mỗi cách chọn lối sống nghèo mà thanh bạch.
Trời nổi can qua, tất cả những
gia đình như thế không thoát khỏi sự chao đảo, xã hội có biết bao nhiêu người đổi
đời thì cũng biết bao gia cảnh rơi vào bi kịch, trong đó có cả gia đình tôi.
Tuy vậy, khi bước ra khỏi tất cả những thử thách đó, ông bà tôi vẫn còn rất nhiều
tiền. Có những người bạn thức thời, khuyên ông tôi rằng bây giờ nhà cửa đất cát
rẻ, nên mua nhà, bù lại những ngôi nhà đã mất, rồi sau này chúng sẽ lên giá, đó
là sự đảm bảo rất tốt cho tương lai của con cháu, nhưng ông tôi không chịu. Ông
cụ cho rằng, truyền thống gia đình đã mua nhiều ruộng để cho nông dân cùng làm
ra lúa gạo, thì bây giờ phải làm ra những gì có ích cho xã hội, làm giàu không
phải là đi buôn đất. Và ông đã lao tâm khổ tứ, đổ bao nhiêu cân vàng vào thử
nghiệm, làm đi làm lại và trở thành một nhà tiên phong của Hà Nội trong lĩnh vực
đánh bóng, mạ kền. Chính sản phẩm của Việt Long (phụ tùng xe đạp) trở nên có uy
tín cũng có phần đóng góp của chất lượng gia công của gia đình tôi. Gia đình
tôi cũng có truyền thống về… cơ khí từ đó, ngay cả tôi bây giờ vẫn mê nghiệp cơ
khí.
Nếu hồi đó ông tôi nghe lời bạn
bè, đầu cơ đất ở cái thời 1970s một chiếc Diamant mua được cái nhà mặt phố Huế
Hà Nội, còn thời 1980s hai chiếc Mifa mua được một cái, thì đến bây giờ chắc hẳn
giàu có lắm. Nhưng hồi đó ông tôi vui với những sản phẩm mình làm được, vì được
giáo dục như thế: chỉ làm những việc có thể đóng góp giá trị cho xã hội.
Thời kỳ những năm 1980s cũng
là thời học sinh của tôi – vẫn còn rơi rớt đâu đó tinh thần hiệp sỹ “cao quý,”
chẳng hạn chúng tôi không bao giờ đánh nhau mà dùng đến cái gì đó như gạch đá,
chỉ dùng tay không, đã gạch đá là to chuyện. Đã phải “giải quyết mâu thuẫn” là
phải hẹn nhau đúng giờ ở đâu đó, nói chuyện phải quấy đánh nhau gần chết xong
thì hầu như là cũng thôi, ít có chuyện trả thù vặt, và tuyệt đối không có chuyện
dao kiếm như các cháu bây giờ.
Hà Nội đã trải qua nhiều làn
sóng đón nhận dân nhập cư, và Hà Nội cần những người công dân mới ấy để xây dựng
nó ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Điều này tôi đã viết trong bài báo “Người Hà Nội kiêu bạc,” khái niệm “người Hà Nội” được tạo bởi những người dân các
vùng quê tứ xứ đến lập nghiệp, đó chính là những người tạo nên hồn túy cốt cách
của Hà Nội. Đương nhiên là Hà Nội sẽ chấp nhận những công dân mới của thập niên
1990s, 2000s và mới đây nữa, Hà Nội chưa bao giờ hẹp hòi cả.
Được giáo dục cẩn thận, nên
cha mẹ tôi cũng hết sức rèn rũa chúng tôi cẩn thận trong cư xử với những người
bạn mới đây vẫn còn sống ở các vùng nông thôn hay ngoại tỉnh, nhưng chính những
điều chúng tôi va vấp là thái độ gay gắt đến bất thường của nhiều bạn trong đó.
Thậm chí có nhiều bạn còn cố nhận ra rằng tôi không phải người Hà Nội gốc – ồ
đúng vậy, tất cả chúng ta có ai là người Hà Nội gốc đâu, mà có là người Hà Nội
gốc thì cũng là những làng quê quanh cái thành tường gạch bé tí có mấy cổng ấy
thôi mà. Bây giờ đã là thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, tôi đã đi quá nửa cuộc đời
của mình và nhận ra nhiều điều, thấy trong các bạn có tôi, thấy có các bạn
trong tôi, chúng ta vẫn tiếp tục “tham sân si…” chứ chưa có thoát. Tôi gặp đôi
người bạn trên Facebook, biết được gia cảnh của họ có phần nào giống tôi, dù có
thể không phải ở Hà Nội lâu bằng gia đình tôi, nhưng đều là những gia đình gia
thế lâu đời ở các tỉnh cả và đều lâu đời được hưởng một nền giáo dục rất văn
minh… Tôi những muốn nhắn họ rằng trước những sóng gió của thời cuộc, thì điều
quan trọng không phải cố tỏ ra rằng mình là “quý tộc,” mà phải giữ gìn, chứng
minh mình có xuất thân từ gia đình gia giáo, cư xử có giáo dục.
Vậy thày Thái Bá Tân, vốn gốc
miền Trung có khinh miệt mấy “bác nhà quê” đến vậy không? Mở lòng đi bạn –
không phải đâu, thày không có ý đó. Điều thày chê trách chính là những “gã hãnh
tiến” trong mỗi chúng ta kia. Nói lại một chút, ngay cả ông ngoại tôi cũng đã
có lúc nhìn người khác bằng con mắt của người có tiền, có địa vị… và khinh khi
người khác. Ngay cả đến khi thời cuộc dạy cho ông những bài học nhớ đời, cũng
chưa chắc ông đã thay đổi được nhiều cách nhìn, cho tận cuối đời…
Thế nên nếu bạn có thành công
về tiền của, địa vị cũng đừng chê trách những thú vui thanh nhàn, họ có cái hạn
chế của họ nhưng nếu dựa vào thành công của những đồng tiền đó, bạn đã lúc nào
nghĩ đến việc chúng đến từ buôn đất, từ kiểu chứng khoán của chủ nghĩa cơ hội
Việt Nam, từ bán hàng online thứ hàng hóa “Tàu giả Nhật giả Châu Âu” mà không tạo
ra bất cứ một giá trị nào cho xã hội chưa? Đã bao giờ bạn toan tính phải chạy
chọt bằng được chỗ này, ghế kia… để hưởng lợi nhưng đóng góp cho xã hội lại rất
khiêm tốn hay chưa?
Vậy, nếu so sánh thì với những
người “quý tộc” gốc rễ đó, có những cái tôi không có được, và các bạn cũng chẳng
bao giờ có được, dù bạn có kiếm nhiều tiền đến đâu chăng nữa. “Tiền thì tôi
cũng có thể có, nhưng quý tộc thì bạn làm sao trở thành được?” – người ta sẽ
nói thế thì các bạn nghĩ sao? Nhưng chắc chắn có một điều tất cả chúng ta đều có
thể có được: một tâm hồn cao quý.
Cái mà tất cả chúng ta còn
đang rất thiếu, là tinh thần hướng tới một cái tâm không phân biệt và cao hơn nữa,
mong muốn mãnh liệt hướng tới sự cao quý trong tâm hồn mình.
No comments:
Post a Comment