Đang bận thấy cụ nội thì nhận
được một đống tin nhắn đề nghị… chém về chuyện kiện Trung Quốc, nhân hình như
có một cô bé con nào đó, đâu như cũng học luật quốc tế, đăng đàn chửi cho một
anh chàng MC cũng nào đó nốt một trận vuốt mặt không kịp. Tất nhiên để Trung Quốc
chiếm đảo chiếm biển, đương nhiên là ai chẳng sốt ruột.
Vậy câu chuyện là – kiện cái
gì? Tôi cũng đã cố gắng tìm trong bài viết của cái cô bé đó không dưới một lần xem
cô ta đề xuất kiện cái gì thì thấy bảo… rất nhiều cái để kiện. Nói như thế
không được.
Cụ thể nhất, cô bé viết: “Nếu
giặc Tàu lại tiếp tục cho tàu bè của họ, Hải Dương địa chất các loại đó, xâm phạm
vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình thì anh cứ thu thập bằng chứng về
các hoạt động trái phép của họ để đệ đơn lên một Toà Trọng tài theo Phụ lục VII
yêu cầu Toà phán quyết là hành động đó đúng hay sai? Và giặc Tàu bảo đó là vùng
tranh chấp như khu vực Bãi Tư Chính chẳng hạn, thì anh có thể đệ đơn lên Toà hỏi
khu vực đó của Việt Nam hay của Tàu Cộng? Và ai có quyền khai thác dầu mỏ, khí
đốt ở đó? Cái đó hoàn toàn nằm trong việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS nên
Toà sẽ có thẩm quyền anh ạ.” Ô-kê rồi, vậy ta cứ cho là cô bé đề nghị kiện về vấn
đề bãi Tư Chính đi nhé – vì viết là “Tòa sẽ có thẩm quyền” mà!
Vậy bãi Tư Chính là cái gì?
Toàn thế giới này, cứ hễ lên mạng tra xem “Vanguard Bank” thì hầu như không có
bất cứ thông tin nào về nó, chỉ có những dòng kiểu “nó là những rạn san hô xa
nhất về phía tây của quần đảo Spratlys” tuyệt nhiên không có một thông tin nào
là nó nằm trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, trừ các báo Việt Nam bằng tiếng
Việt, duy nhất chỉ có một bài tiếng Anh trên Vnexpress nói lên một số điểm rất quan trọng:
Bãi Tư Chính (cùng một số bãi khác) chỉ cách bờ biển Côn Đảo 22 hải lý, nằm
trên thềm lục địa của Việt Nam và không phải là một phần của quần đảo Trường
Sa.
Tôi còn nhớ có lần đội tuyển
Việt Nam đi đá bóng và chẳng hiểu fan hay antifan của bóng đá Việt Nam nữa, còn
vào cả Wikipedia sửa tỉ số trận đấu theo hướng sỉ nhục đối thủ. Vậy tại sao những
lần quan trọng sống còn đến vận mệnh dân tộc như vậy, lực lượng dư luận viên,
AK-47 đâu rồi mà không đi sửa Wikipedia đi? Phải gạch ngay lập tức cái dòng “bãi
Tư Chính là rạn san hô xa nhất cực tây của quần đảo Trường Sa” đi, và viết ngay
lập tức, càng nhanh càng tốt các thông tin về nó, thứ hiện nay hoàn toàn không
có! Chính cái cô bé này bảo là Lỗ Tấn nói đi đi lại lại mãi thì thành đường đi,
vậy sao không làm ngay cái việc đó đi? Không có thông tin lên xin thày Trần
Công Trục!
Vậy tại sao lại có chuyện bãi
Tư Chính ở đây? Vì năm ngoái Trung Quốc kéo tàu khảo sát vào à? Tại cô bé nhắc
đến vào năm nay à? Xin nói rằng, không ai đi kiện về một thứ đương nhiên là của
mình, dù nó đang được công bố là của mình một cách cực kỳ yếu ớt. Chẳng hạn, nhắc
đến thày Trần Công Trục, ta tìm thấy ý kiến của thày về Tư Chính trong hội nghị
bàn tròn BBC năm ngoái liên quan đến hoạt động của Trung Quốc, là độ sâu của
bãi có 17 mét, điều đó hiển nhiên bãi nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Vậy tại
sao Việt Nam đến nay, chưa bao giờ công bố bản đồ địa mạo đáy biển Việt Nam,
hay không có? Tại sao Trung Quốc họ dám làm điều đó?
Câu hỏi là vậy 45 năm qua
chúng ta đã làm được gì cho biển của đất nước, từ khi Nam Bắc sum họp một nhà?
Gần như dân chúng, đặc biệt là học sinh không biết gì cả nếu nói về khảo sát địa
chất đại dương. Nếu ai đó đọc bài này có quan hệ với Viện Địa chất và địa vật
lý biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, thì làm ơn hỏi hộ
xem Việt Nam có được bao nhiêu tàu chuyên dụng để nghiên cứu địa chất đại dương
và Trung Quốc có bao nhiêu tàu? Tại sao bây giờ Việt Nam vẫn phải nhờ cái tàu ọc
ạch của Nga là “Viện sỹ Lavrentyev” để đi nghiên cứu?
Tôi tạm dẫn ra đây một số đề
tài nghiên cứu rất quan trọng của cái Viện trứ danh vừa đề cập:
- Năm 2010-2012, đề tài nghiên cứu các đới cấu trúc yếu
phục vụ bảo vệ bờ kè khu vực Quần đảo Trường Sa, thuộc Chương trình cấp nhà
nước về Biển Đông - Hải đảo
- Năm 2012-2014, đề tài Nghiên cứu cấu trúc địa chất và
tiến hóa biển đông phục vụ xác lập đường chủ quyền lãnh hải Việt Nam và dự
báo tài nguyên năng lượng và khoáng sản (KC.09.02/11-15).
- Đề tài: “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNRedsat-1 (và tương
đương) trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường
khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh”
(2015-2017). Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về
công nghệ vũ trụ.
- Đề tài: “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNRedsat-1 (và tương
đương) trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường
khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh”
(2017-2020). Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về
công nghệ vũ trụ. giai đoạn 2016 – 2020
- Đề tài: “Ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu xu thế biến
động điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học định hướng
phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng biển, đảo Tây Nam Việt
Nam”. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công
nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020
- Đề tài:“Ứng dụng đo cao vệ tinh nghiên cứu cấu trúc Địa
chất và các đặc trưng Hải dương học khu vực quần đảo Hoàng Sa và lân cận”. Đề
tài thuộc Chương trình khoa học và
công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.
- Đề tài: “Nghiên cứu các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm
khoáng sản liên quan vỏ mangan và kết hạch sắt - mangan khu vực Tây Nam trũng
sâu Biển Đông”. Đề tài thuộc chương trình CK09.33/16-20.
|
Tiếc là những thông tin quan
trọng đến cỡ như thế này lại chỉ được đăng trên một blog không rõ tên tuổi lắm:
“Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về dầu khí đã góp phần quan trọng làm
rõ diện mạo của cấu trúc kiến tạo và lịch sử tiến hóa các bể trầm tích trên phạm
vi thềm lục địa và sườn lục địa Việt Nam. Viện Dầu khí Việt Nam đã chủ trì thực
hiện nhiều nhiệm vụ đánh giá tiềm năng dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, góp
phần định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò trong những năm 2011- 2015, đồng thời là cơ sở dữ liệu khoa học trong
việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước thông qua các chương trình trọng điểm
của đất nước như: KC.09: “ Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu
khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây”. Chương trình này đã giúp xác
định được ranh giới, đặc điểm cấu trúc của từng bể, bồn trầm tích ở vùng nước
sâu, xa bờ cũng như tiềm năng dầu khí.”
Tất cả đều là những công trình
rất quan trọng với vấn đề biển đảo - ấy thế mà toàn dân không ai biết, anh Nhạ
không đem cái này vào chương trình dạy cho trẻ con đi còn chờ đến bao giờ? Và
chúng ta sẽ hỏi nhau, rằng tại sao đến giờ này khoa địa chất vẫn không thu hút
được sinh viên tài năng, chỉ nhăm nhe đi học toàn luật với kinh tế - rồi ra
toàn phường giá áo túi cơm, chửi thì tài, làm thì như mèo mửa. Tôi cũng là mộ
trong số đó. Vậy sinh viên “tinh hoa” vừa hồng vừa chuyên, í lộn, vừa giỏi tiếng
Anh như gió vừa giỏi chuyên môn vào địa chất được mấy cháu, làm địa chất đại
dương được mấy cháu?
Chúng ta cần hình dung là muốn
kiện cáo cái gì cũng phải có… sổ đỏ, như trong Nam gọi là sổ hồng. Đừng bao giờ
nghĩ cái đương nhiên là không cần xin cấp sổ đỏ, đến lúc có tranh chấp thì trong
bộ hồ sơ khiếu nại, khởi kiện bao giờ chẳng phải có… sổ đỏ. Vậy sổ đỏ của chúng
ta đâu?
Lật lại luật nhé:
“Theo Điều 76 UNCLOS, thềm lục địa của quốc gia ven biển
có chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở; nếu rìa lục địa thực
tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có quyền xác lập phạm vi thềm lục
địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng
sâu 2.500m.
Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý thì quốc
gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc
báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của
vùng đó; sau đó, Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến
nghị. Trong vùng thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền
về thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (Điều 77.1).”
|
Ồ, Tư Chính thì đương nhiên
quá đi chứ, cần gì phải xin cấp sổ đỏ nữa – nhưng điều đó không có nghĩa Luật cấm
chúng ta công bố, và nộp luôn cả lên Ủy ban Thềm lục địa của UN bản đồ địa mạo
đáy biển Việt Nam, và toàn bộ những tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền đối với
vùng biển, các đảo và quần đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này dù
là sai sự thật hoàn toàn, nhưng tôi ở Trung Quốc tôi biết, họ làm tốt hơn chúng
ta vạn lần: trên bình diện toàn xã hội từ trẻ con đít xanh chúng cũng vanh vách
kể cả các tiêu chí xác định chủ quyền biển đảo của Trung Quốc – dù bịa đặt.
Trong khi đó, chúng ta ai biết rõ được cái gì, hay như bò đội nón cả?
Quay lại với chuyện cháu gái
hình như học luật và bãi Tư Chính, tôi cũng không rõ cô bé đề nghị kiện về việc
này, hay nói đúng ý tôi định nói đây: “Với bãi Tư Chính, không phải kiện. Thằng
nào nhảy vào cái hàng rào rõ ràng của mình, thì không phải đi kiện với chính
quyền là nó phá rau nhà em, mà phải bằng hành động cụ thể, thể hiện sức mạnh.
Chuyện bảo vệ chủ quyền giữa các quốc gia không phải là đi gọi chính quyền nhờ
ai đó bảo vệ quyền đương nhiên của mình – mà phải tự mình bảo vệ quyền của
mình.”
Vậy kiện cái gì? Chuyện bãi Tư
Chính rất giống chuyện bãi Scarborough Shoal (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) của
Philippines, tất nhiên từ bờ biển đảo Luzon ra bãi này xa đến 220 hải lý và
cũng tất nhiên trong tất cả các câu chuyện, nếu tính khoảng cách, Trung Quốc đều
không có cửa nói chuyện. Ngược dòng lịch sử, thì năm 1965 Philippines đã ra bãi
này và xây dựng trên đó một hải đăng bằng sắt, nhưng cả Trung Quốc lẫn
Philippines (cùng một số quốc gia khác đều tuyên bố chủ quyền với nó) không ai
chiếm cứ thực tế. Chuyện chỉ thực sự xảy ra vào năm 2012, khi Trung Quốc và
Philippines xung đột và Trung Quốc chiếm được bãi. Thêm yếu tố so sánh nữa: dù
bãi xa bờ, nhưng Philippines đã chiếm cứ thực tế trong lịch sử, và Trung Quốc
đang chiếm cứ thực tế trong hiện tại.
Vậy tại sao Philippines không
kiện đòi Trung Quốc bãi Scarborough Shoal? Đòi nó hợp lý quá đi chứ! Bởi vì có
một nguyên tắc mà các quốc gia liên quan quanh khu vực đang khốn nạn với ông
Trung Quốc quái ác này đang cùng tuân theo, là không biến tranh chấp trong khu
vực thành vấn đề tranh chấp song phương với Trung Quốc. Đây là một nguyên tắc rất
quan trọng, dù không thành văn nhưng nếu vi phạm, thì người thiệt chỉ có bên
tranh chấp với Trung Quốc. Nếu Philippines kiện Trung Quốc về bãi Scarborough
Shoal, thì có thể sẽ đối mặt ngay lập tức với việc kiện ngược, chẳng hạn Trung
Quốc dùng kỹ thuật như thế này: ngay lập tức tuyên bố “chúng tôi sẽ tôn trọng
phán quyết của Tòa, ngừng mọi hoạt động, rút mọi nhân sự và thiết bị khỏi bãi,
nhưng đồng thời nộp đơn yêu cầu luôn tất cả các bên liên quan, phải rút khỏi tất
cả những vị trí, những bãi, những đảo được coi là đang có tranh chấp để Tòa giải
quyết!” – chúng ta đang chơi với thằng cùn và có sức mạnh, không đùa được với
nó. Một trong những võ của Trung Quốc trong câu chuyện biển Đông này, là tạo ra
tranh chấp, đây là điều họ rất thích, thậm chí họ còn thích bị kiện trong rất
nhiều trường hợp.
Tại sao lại có chuyện như vậy?
Vấn đề ở đây liên quan đến chứng cứ lịch sử. Ai có nhiều chứng cứ lịch sử, bên
đó có thế mạnh trước tòa. Từ cách đây 25 năm, chúng ta cũng đã có những kế hoạch
tìm ra nhiều sử liệu, thậm chí ra Trường Sa để tìm các di chỉ di vật gì đó, để
chứng minh rằng người Việt Nam đã sinh sống ở đó từ 80 đời. Vậy bây giờ ai mạnh,
ai hung hăng, ai có nhiều chứng cứ, chúng ta đã có thể đoán được.
Vì thế Philippines không kiện
đòi bãi, mà kiện yêu cầu Tòa Trọng tài trường trực Hague tuyên bố đường 9 đoạn
là vô giá trị - quả kiện này là kiện cho cả ASEAN và toàn thế giới, những ai
quan tâm đến quyền tự do hàng hải, đều có ý nghĩa cả. Tất cả những ngóc ngách của
chuyện này, cô bé được cho là học luật kia viết đúng cả, nhưng bé không viết ra
được tại sao Philippines lại chọn “cửu đoạn tuyến” để kiện, mà không kiện một
bãi, một đá cụ thể. Phán quyết của Tòa Hague lần này người có lợi nhất là
Malaysia vì đường 9 đoạn đi sát bờ biển nước họ, gần nhất so với các nước khác
liên quan.
Ngoài nguyên nhân là tránh bị
song phương hóa tranh chấp, giữ nó ở thế đa phương, nghĩa là Trung Quốc luôn
luôn ở vị trí kẻ phá bĩnh ổn định khu vực; thì còn một lý do nữa là sự chồng lấn
quản lý và lợi ích trong khu vực, ví dụ Trường Sa. Với quần đảo nảy, các bên
liên quan đều có những chiếm cứ thực tế trong đó Việt Nam chiếm nhiều nhất, với
6 đảo và nhiều đá, bãi… tương đương khoảng 60%. Các quốc gia liên quan như
Philippines, Malaysia, Brunei… đều ít nhiều tuyên bố chủ quyền của mình với quần
đảo, như Philippines đã từng có tuyên bố chủ quyền gần hết quần đảo, còn hai nước
kia thì có khiêm tốn hơn một chút. Chỉ có Việt Nam là mạnh dạn nhất, luôn trước
sau như một kiên định là cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa – máu thịt Việt Nam. Nhưng tuyên
bố là một chuyện, nhưng hãy xem hành động của Philippines, dù có Mỹ sau lưng
nhưng lại thường nhũn nhặn hơn để tránh xung đột lợi ích với các quốc gia trong
khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Mã-lai cũng có thái độ tương tự, thỉnh thoảng có
dở hơi lên một tí nhưng lại ngoan ngay. Giữa Việt Nam và Mã-lai đã có một cái
thỏa thuận gì đó về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế từ 2009, tôi không
nhớ rõ, mà cũng không quan trọng với bài viết này.
Với tình thế như vậy bất cứ
hành vi pháp lý nào như kiện cáo đòi hỏi bất cứ một đá bãi, đảo lúc nổi lúc
chìm… trong khu vực đều gây khó cho Tòa án, vì nó là câu chuyện của chiếm cứ thực
tế, mỗi nước chiếm mấy miếng, chồng lấn cực phức tạp, nếu các bên không nói
chuyện được với nhau thì bố ông Tòa cũng không giải quyết được. Hành động kiện
cáo trong khu vực ngay lập tức biến các nước ASEAN liên quan thành đối thủ của
nhau, và Trung Quốc cũng chỉ mong có thế. Vì vậy nếu các nước này nộp đơn kiện
Trung Quốc thì lập tức Trung Quốc sẽ tìm cách biến vụ kiện thành chuyện các anh
kiện lẫn nhau ngay.
Nói như vậy, không có nghĩa là
chúng ta ngồi xem Trung Quốc gặm dần từng miếng ở Trường Sa, ba miếng đau năm
1988 (Gạc Ma…) đã là quá đủ. Hiện nay ngoài gặm dần, Trung Quốc còn đang từ từ
xây thêm sân bay, biến đảo lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo bê tông hóa… vậy
ai đang ngăn chuyện đó đây? Tàu ngầm đâu, Sukhôi mua của Putin đâu, sao không
đem ra nện cho nó quả, mà cứ “kịch liệt phản đối” như vậy? Tôi không cổ vũ cho
xung đột vũ trang, nhưng rõ ràng “mình cũng phải như thế nào nó mới thế chứ!”
Năm 2016, Philippines thắng kiện
Trung Quốc, nhưng ngay lập tức các chuyên gia toàn thế giới khẳng định, Trung
Quốc sẽ không bao giờ tuân thủ phán quyết của Tòa. Chẳng hạn bà Bonnie Glaser,
chuyên gia về Trung Quốc và Châu Á – Thái Bình Dương ở Trung tâm nghiên cứu các
vấn đề quốc tế và chiến lược ở D.C nói, và bà cho rằng mọi đàm phán song phương
và đa phương, đều không có hi vọng. Derek Grossman, từng là chuyên gia tình báo
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình
Dương tại Lầu năm góc, cũng đồng ý kiến. Cả hai cùng cho rằng việc Hoa Kỳ tăng
cường hiện diện quân sự ở khu vực là điều kiện thiết yếu đảm bảo an ninh và
ngăn chặn các hành động liều lĩnh có tính chất leo thang của Trung Quốc.
Tuy nhiên cả hai cho rằng, với
thái độ ỡm ờ của chính quyền Việt Nam hiện nay, quan hệ giữa hai nước chỉ dừng
lại ở những chuyến viếng thăm bằng tàu chiến, không có tác dụng gì cả. Nhà cầm
quyền Việt Nam chắc chắn không có những động thái nhích lại gần Hoa Kỳ hơn nữa
trong vài năm sắp tới, nên điều này không có hy vọng.
Do đó nếu đặt câu hỏi, “kiện
cái gì?” thì tôi phải rất lấy làm buồn mà nói rằng, tôi chẳng biết là phải kiện
về vấn đề gì. Đường 9 đoạn, Philippines kiện hộ rồi, xong rồi. Kiện đòi Hoàng
Sa à? Dở hơi – nguyên tắc của Luật quốc tế là một lãnh thổ bị chiếm đóng bằng
vũ lực (như Crimea bị Nga chiếm năm 2014 rồi biến thành trò trưng cầu dân ý giả
hiệu) không đem lại quyền hợp pháp cho bên chiếm đóng – điều đó đồng nghĩa với
việc bây giờ muốn đòi lại chỉ có đi tẩn nhau mà đòi thôi.
Vậy thì tại sao tôi lo ngại về
việc đi kiện mà thua? Xin thưa, đó là câu chuyện Công hàm 1958 ạ. Dù ta có giải
thích thế nào chăng nữa, thì chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: (1) Không
thể phủ nhận ý nghĩa của nó về pháp lý, hồi đó ta có quy định nào về thẩm quyền
ban hành văn bản đâu, đó là văn bản cao nhất của Nhà nước rồi và nếu bảo là nó
không có hiệu lực gì cả thì khác gì mình vả vào mồm mình. (2) Chúng ta không thể
chối bỏ được tính nước đôi, mập mờ trong nội dung của nó mà đây là tối kỵ trong
làm văn bản luật, chưa nói đến việc nó đề cập đến vấn đề quá quan trọng và
thiêng liêng là lãnh thổ và (3) Chúng ta cần giảm dần và dừng ngay việc phủ nhận
vai trò quản lý lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việc hai miền giải
quyết xong cuộc chiến tranh năm 1975 không phải là việc bên này giải phóng đất
đai, chiếm đất của bên kia, không phải là đuổi bên kia đi… mà là việc thay thế
tư tưởng quản lý đất nước bằng một tư tưởng khác, còn mọi thứ, đặc biệt là về
con người được tôn trọng tối đa. Nhắc lại: “Ngày 3 tháng 2 năm 1971, đại sứ
quán Malaysia tại Sài Gòn gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa để hỏi
rằng nước này có sở hữu hay yêu sách các “đảo” nằm trong khoảng giữa vĩ tuyến
9° Bắc và kinh tuyến 112° Đông “thuộc” lãnh thổ nước Cộng hòa
Morac-Songhrati-Meads không. Ngày 20 tháng 4, Sài Gòn đáp lại rằng quần đảo Trường
Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa” Như vậy là những tuyên bố của chính
quyền Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, có khi còn rõ ràng và mạnh dạn hơn Việt Nam dân chủ cộng hòa nhiều.
Do tính nước đôi của Công hàm
1958, lại không đảm bảo nguyên tắc ngăn chặn (tuyên bố trắng trơn là việc Trung
Quốc khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa là không giá trị - nhưng
không có) do đó mọi hành vi kiện cáo, nếu bị Trung Quốc dẫn Công hàm này ra, đều
dẫn tới khả năng thua 100%, mà đã kiện thua thì mất trắng.
Thế nên chuyện cô bé con nào
đó, giống như trong nhà có ông bố minh mẫn ơi là minh mẫn, già rồi mà mãi không
chết, với lũ con người thì ủng hộ bố bằng lý luận “mọi việc để bố lo” người thì
thấy bố minh mẫn nhưng xung đột quan điểm, chỉ mong bố chết. Đột nhiên con bé
con con ông anh cả nó tốc váy chửi ông chú nó là ngu bỏ mẹ, “mọi việc để cho cụ
lo là thế nào?” – sao không kiện bỏ cha nó đi? Số là nó vừa học luật về nên chỉ
nhăm nhăm định đem sinh mạng của thân chủ ra đánh bạc. Biết đâu là ông nội nó
còn đang kẹt lung tung…
Bài trên Fanpage tại đây
No comments:
Post a Comment