Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, December 16, 2021

CAND phỏng vấn tác giả Phúc Lai: “Giáo dục là tạo ra con người hạnh phúc!”


Tác giả Phúc Lai là một luật sư. Gần đây, anh được nhiều bậc phụ huynh biết đến là một người nghiên cứu giáo dục với nhiều bài học trực quan, sinh động từ chính con mình và những ghi chép, quan sát, tổng hợp qua thời gian. 4 cuốn sách về giáo dục trẻ em của Phúc Lai ra mắt trong 7 năm vừa qua đã giúp nhiều phụ huynh được "gỡ rối" và làm bạn tốt hơn với con mình.

Báo Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với luật sư - tác giả Phúc Lai.

1. Thưa tác giả Phúc Lai, anh có thể chia sẻ lý do tại sao lại quyết định nghỉ việc tại cơ quan nhà nước để ở nhà đồng hành cùng các con?

Thật ra không cao cả đến thế. Thời điểm đó tôi đang rất ham với một số dự án lớn nhưng sau khi gặp một tai nạn bị thương rất nặng, tôi buộc phải nằm một chỗ đến nửa năm. Đó là quãng thời gian rất cần thiết cho tôi ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc sống.Tất nhiên để từ bỏ những hoài bão “to lớn[1]” của mình trong đó ngoài lợi ích cá nhân còn ý nghĩa cộng đồng, cũng không phải không có những suy nghĩ và trăn trở. Nếu bây giờ mà từ bỏ thì có rất nhiều việc sẽ không tiếp tục được nữa vì vai trò của bản thân trong các dự án đó là quan trọng. Thú thực lúc đó cũng là bế tắc – nếu nghỉ tôi chưa đủ số năm công tác, nên lương hưu trí sẽ không được nhiều, và cũng sẽ phải tìm một việc gì đó khác để làm. Cái phao đầu tiên tôi nghĩ đến không phải là viết sách hay đồng hành cùng con, mà là quay lại với nghề giảng dạy. Mọi việc không dễ dàng như vậy – lúc đó không có ai thuê mướn gì cả, nên tôi xác định ông bà các con đã có tuổi, mẹ các cháu lại bận rộn, nên trong quá trình phục hồi dần dần tôi bắt đầu với những việc nhẹ nhàng: đưa đón con đi học, sau đó là chở chúng đi chơi, và cùng chơi với chúng những trò chơi ngoài trời và hướng dẫn con chơi thể thao, ngoài ra tôi cũng hướng dẫn chúng học tập và cùng các con đọc sách, xem phim… Đó là những việc rất cụ thể chứ không có “đồng hành” gì đâu (cười).


2. Trong quá trình đồng hành cùng các con, anh cảm nhận cái được, cái lãi lớn nhất là gì?

Xuất phát điểm của tôi là “chưa có vợ đã có con” vì từng có đến 17 năm nuôi dạy em trai do mẹ tôi mất sớm. Đó là thời gian rất kinh khủng của hai anh em và chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn mà nhiều lúc tưởng chừng không thể leo qua, thậm chí đã có lúc tôi tưởng mất em vào “vòng tay” của các tệ nạn xã hội. Đó với tôi là trường học lớn, vì vậy dù nóng tính nhưng khi “đồng hành” với con tôi cũng không đánh con bao giờ… thú thực lúc cáu quá cũng cốc đầu chúng vài cái. Vì những khó khăn đầu tiên là từ bản thân mình: nóng tính, hay cáu, hay sốt ruột muốn đạt kết quả ngay… mà tôi buộc phải ngẫm nghĩ và dần dần nhận ra mình không biết gì nhiều về lý thuyết và kỹ thuật giáo dục. Từ đó tôi tìm tòi đọc rất nhiều sách về giáo dục và đặc biệt tìm thấy nhiều điều tâm đắc trong những sách của các học giả lớn, ví dụ như cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn. Như vậy có thể nói hai cái “lãi” lớn nhất của tôi là sự thay đổi của chính bản thân mình theo hướng tốt đẹp hơn và những hiểu biết về triết lý và kỹ thuật giáo dục. 


3. Thật tiếc về việc 2 mùa hè gần đây do dịch bệnh mà các nhóm lớp “Cảm thụ văn học” do anh giảng dạy miễn phí không tổ chức được. Anh có thể chia sẻ  điều mà anh hướng tới, muốn truyền cảm hứng cho các em nhỏ qua lớp “Cảm thụ văn học” này?

“Văn là người” – đầu tiên phải nói tôi không dạy các cháu gì cả, mà chỉ là những buổi gặp nhau và chia sẻ cách nhìn nhận về một truyện ngắn, một đoạn văn hay, với mục tiêu đầu tiên là nói chuyện về những câu chuyện làm người. Do đó tôi chọn mấy truyện ngắn của Pautovsky và của Alphonse Daudet. Trong quá trình bác cháu giao lưu với nhau, tôi cố gắng cùng các bạn nhỏ hướng đến những suy nghĩ trong sáng, cao đẹp, thứ mà hiện nay cùng với kinh tế thị trường và nhiều sự suy vi về tiêu chuẩn đạo đức, không còn giữ được nhiều nữa. Cách tiếp cận của tôi sử dụng nhiều những thành tựu đa phương tiện như phim, ảnh, âm nhạc… nên các bạn nhỏ rất thích. Sau đó, mới đến các kỹ thuật viết văn, và làm như thế nào có thể học tốt được văn theo cả hai hướng: hướng có thể cảm thụ được cái đẹp thực sự của văn học và hướng có thể xoay xở và học tốt được cả yêu cầu “văn mẫu” của nền giáo dục hiện nay. Một số cháu đã thực hiện rất tốt cả hai hướng và đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, và điều đáng nói là các cháu không hề mất nhiều thời gian để học như chỉ chú trọng vào hướng thứ hai. Cũng xin nói thêm, sau các buổi “cảm thụ” bao giờ tôi cũng cố gắng cho các bạn nhỏ nhận ra được “tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ của chúng ta) đẹp như thế nào!” và hướng các bạn đến tình yêu Tổ Quốc, thứ mà bây giờ cũng dần mai một khi mà người ta ước mong đi định cư nước ngoài ngày càng nhiều. Sau này các bạn trẻ có thể đi khắp thế giới nhưng vẫn biết cách cống hiến cho Tổ Quốc một cách trí tuệ nhất, như giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn, là một ví dụ rất rõ ràng.


4. Từ lúc nào anh nảy ra ý định sẽ viết những câu chuyện trong quá trình đồng hành với con mình thành sách?

Khi nằm trên giường phục hồi, ngoài “cựa quậy” với những bài tập, tôi treo máy tính lên trước mặt và… online. Đầu tiên là viết blog, sau đó tham gia các diễn đàn trực tuyến và tình cờ sa chân vào diễn đàn của các bố mẹ quan tâm đến dạy con. Tôi viết dần những tâm sự của mình với con – vì đã có những thời điểm cận kề cái chết, tôi cảm thấy suy nghĩ của mình đã chạm tới những chiều sâu mà khi quay lại với cuộc sống, tôi thấy những giây phút bên người thân quý giá đến như thế nào. Thêm một lần tình cờ nữa, có người quen gửi những bài viết trên blog của tôi cho một Biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, và cuốn sách đầu tiên của tôi ra đời từ những ghi chép, dưới dạng những câu chuyện nhỏ. Khi đi ra ngoài được, tôi dành nhiều thời gian cùng con trai quan sát thế giới xung quanh và trò chuyện với cậu ta để tìm ra cái nhìn sáng suốt nhất về những hiện tượng xã hội đó. Đó là những câu chuyện có thật.


5. Trong một thời gian ngắn, anh đã xuất bản 4 cuốn sách về cùng một chủ đề: “Chuyện con chuyện cha,” “Dạy con dạy cha,” “Chuyện cha con - Chúng ta là đồng bọn” và “Bố bỉm sữa dạy con thành “công dân toàn cầu”.” Anh có nghĩ mình đã trở thành một diễn giả chuyên nghiệp về đề tài này?

Diễn giả chuyên nghiệp – có thể lắm chứ, nếu như có ai mời, nhưng thực tế thì không có mấy đâu, vì hai lý do. Thứ nhất là tôi không có bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này, mà người Việt Nam ta thì trọng mác “chuyên gia.” Thứ hai, là về cách tiếp cận. Ba cuốn sách đầu là những ghi chép quan sát xã hội, từ đó rút ra những bài học cho bản thân, chỉ có cuốn sau cùng là những kinh nghiệm cá nhân, từ những bài học xương máu trong quá khứ, đến những lý thuyết học được trong sách vở của các học giả, cuối cùng là hệ thống những “tư tưởng” khá phức tạp và có thể nói là lộn xộn của một số phụ huynh “hot” hiện nay. Cách tiếp cận thứ hai này của tôi là phải xác định con mình là một thực thể có những năng lực bình thường, không phải là siêu sao hay thần đồng, và nó có những vấn đề của nó. Các bậc phụ huynh “hot” đó nhiều người trở thành diễn giả chuyên nghiệp, vì họ biết dùng thành công của con để đánh bóng danh tiếng của mình, điều đó rất tốt, nhưng với số đông thì hầu hết không thực hiện được. Tôi làm khác: mình và con mình mãi mãi là những con người bình thường, và làm như thế nào có thể trở thành một con người bình thường với đúng nghĩa là con người, vậy thôi. Vì tôi không có ý định đem những thành tựu của con mình ra để đánh bóng danh tiếng (thực tế cũng không có gì, theo nghĩa của xã hội hiện nay đang nhìn nhận) nên tôi cũng không nổi tiếng đến mức để trở thành diễn gia chuyên nghiệp. Nói vậy cũng không có nghĩa là phải phủ nhận những thành quả cha con tôi đã đạt được, nếu nhìn vào xuất phát điểm của cha và con, và những gì đang có hiện nay, cũng như cả quá trình có nhiều khó khăn, chông gai, mồ hôi và nước mắt thì đã có những nỗ lực đáng nể.


6. Có thể thấy, trong các cuốn sách của mình anh đang viết để cho những người làm bố làm mẹ đọc để hiểu con mình hơn, để có thể làm bạn được với con mình. Theo anh đâu là nguyên nhân chính khiến những ông bố bà mẹ “mất kết nối,” không thể làm bạn của con?

Như trong cuốn “Bố bỉm sữa dạy con thành “công dân toàn cầu”” tôi đã viết về những nhầm lẫn của cha mẹ, thì một trong những nhầm lẫn là về phương và chiều của giáo dục. “Sinh con thì mới sinh cha” khi có con mới bắt đầu quá trình học làm cha mẹ, tiếc là người Việt Nam nói riêng và tất nhiên nhiều vị cha mẹ khắp nơi trên thế giới, không hình dung ra được điều đó. Giáo dục con cái – không hẳn thế, mà là quá trình tương tác và chính bố mẹ cũng hoàn thiện mình, tốt đẹp lên hàng ngày. Đến đây chúng ta mới thực sự nói đến khái niệm “đồng hành” cùng con cái là vậy.


7. Anh có thể chia sẻ quan điểm của anh về tầm quan trọng của giáo dục gia đình? Anh cảm thấy như thế nào khi ngày nay nhiều bậc cha mẹ đang đặt gánh nặng ước mơ, hoài bão của chính mình lên đôi vai con trẻ?

Khi viết cuốn thứ tư, xuất phát điểm và tư tưởng xuyên suốt của tôi là quá trình giáo dục một đứa trẻ như xây một ngôi nhà nhiều tầng, mà nền móng là thể chất, khung nhà là đạo đức, kiến thức là tường nhà và đồ đạc, còn cầu thang được ví với các kỹ năng. Như vậy thì nhà trường sẽ dạy chữ cho các con và việc hoàn thiện nhân cách cho con là có, thông qua giao tiếp xã hội với bạn bè, thày cô nhưng với số lượng học sinh đông đảo như thế, uốn nắn về đạo đức cũng hạn chế thôi. Đồng thời do nhãn quan giáo dục toàn xã hội, và đặc biệt của ngành giáo dục không dành cho rèn luyện thể chất của thế hệ trẻ một sự quan tâm đúng mức… những điều này đặt lên vai cha mẹ lượng “đầu việc” thực sự nhiều: tạo điều kiện cho con chơi thể thao hàng ngày, đều đặn, uốn nắn những thói xấu, tạo thói quen tốt, cùng con nhìn nhận đúng đắn các hiện tượng xã hội… Đó là chưa kể đến việc… đi học thêm thuộc “học chữ”, cũng đổ lên đầu cha mẹ cả.


8. Theo anh, đâu là quan điểm sai lầm nhất của cha mẹ Việt đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách của trẻ hiện nay?

Là hiểu sai mục đích của giáo dục. Cũng trong cuốn sách vừa dẫn, mà như một vị giáo sư giáo dục học người nước ngoài nhận xét: một cách tình cờ mà cuốn sách viết về điều mà người Việt Nam còn thiếu: triết lý giáo dục cá nhân, tức là hiểu đúng mục đích của giáo dục. Giáo dục là phải tạo ra những con người hạnh phúc, nhưng thế nào là hạnh phúc thì không phải ai cũng có nhãn quan đúng đắn. Khi chúng ta đồng nhất hạnh phúc với nhà cao cửa rộng, thu nhập dồi dào… thì những cái khác tự động có là không phải. Hạnh phúc phải dựa trên sự cân bằng giữa cơ thể khỏe mạnh, tâm lý sáng suốt và an bình (biết nhìn nhận các việc tự nhiên xã hội theo đúng các quy luật của chúng, không cực đoan thiên lệch), một nghề nghiệp ổn định thu nhập vững chắc. Khi cha mẹ đặt mục tiêu duy nhất của từng giai đoạn là: học giỏi, đỗ đạt, việc làm tốt, nhiều tiền… mà quên đi những cái khác, thì sẽ sa vào sai lầm.


9. Ở Việt Nam, người viết sách, sáng tác văn học chuyên nghiệp và có thể sống được bằng nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Anh có thể chia sẻ về động lực cũng như kế hoạch của các cuốn sách tiếp theo của mình?

Giáo dục là một mảng chiếm chi phí lớn trong ngân sách các gia đình, nhưng khi hiểu rõ một số vấn đề thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc cân bằng lại chúng. Ví dụ như các con tôi chi phí cho học thêm là rất ít, do đó ngoài tiền thì còn tiết kiệm cả thời gian và công sức đưa đón. Tôi là thuộc loại lười, chứ một số tác giả biết cách và chăm tiếp cận độc giả, khả năng chuyển một cuốn sách từ bình thường sang “best-seller” rất cao. Cùng với sự tiết chế các nhu cầu chi tiêu cá nhân, thì với một tác giả có sức viết tốt, tính hấp dẫn cao… hoàn toàn có thể sống được, chứ không thể nói là “chết đói.” Hiện nay tôi đang bận rộn với một bộ tiểu thuyết lịch sử nhưng được viết dưới mong muốn và có mục đích giáo dục thế hệ trẻ, dẫn dắt các độc giả trẻ ham thích một số ngành nghề vận dụng tính cần cù, khéo léo và sáng trí của dân tộc.

Bài báo trên Công an Nhân dân tại đây

Bài trên Facebook tại đây

Bài trên Fanpage tại đây



[1] Chúng tôi thực hiện dự án trồng cây dược liệu đặc hiệu để chiết xuất Paclitaxol là biệt dược chữa ung thư hàng đầu thế giới hiện nay. Nếu dự án thành công sẽ đưa giá thuốc xuống rất thấp để người bệnh nghèo có thể tiếp cận được. Hiện dự án vẫn dừng ở mức bảo tồn được cây giống và lên được quy trình trồng đại trà ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.


No comments:

Post a Comment