Điều này tôi cũng đã viết từ thời vụ án Lê Văn Luyện, khi luật sư của bên bị hại thấy việc Luyện giết đến mấy người mà không thể tử hình được vì cậu ta chưa thành niên ở thời điểm phạm tội đã phát biểu “cần sửa luật để tử hình Luyện.” Nếu sửa luật để tử hình Luyện, thì đó là một bước lùi của khoa học luật hình sự. Pháp luật nó là như vậy, luôn có những cái mà nếu tư duy thuần túy cảm tính, để tình cảm chi phối nhiều khi chúng ta cảm thấy “không thể chịu nổi.” Tôi viết đoạn này để bình luận cho một vài bài báo dẫn ý kiến của chuyên gia luật rằng hành vi của người mẹ kế làm chết cháu bé 8 tuổi có thể bị khép vào tội “hành hạ người khác” và nếu vậy có thể chỉ phải chịu 3 năm tù.
Ở đây chúng ta không có ai đọc hồ sơ, không phải cán bộ dự thẩm, nên nếu người sôi lên sùng sục thì cũng chỉ có những người không phải chuyên về luật. Người hiểu luật sẽ từ từ cho đến khi được tiếp cận nhiều thông tin hơn mới dám phát biểu.
Có một khía cạnh khác quanh những phản ứng của dư luận là thấy dấy lên một phong trào lập lại công bằng cho cháu bé. Nhìn chung những tâm tư tình cảm này là chính đáng, nhưng những hô hào lại quá gợn. Tôi đọc thấy trong một lời hiệu triệu có câu “im lặng là vô cảm và hèn nhát.” Nó giống như hồi trận lụt lịch sử năm 2008 ở Hà Nội, kho công ty tôi bị ngập và một số bạn đang ở văn phòng đã được huy động đi cứu hàng kê lên cao, sau sự việc kế toán trưởng kiêm em gái Tổng giám đốc đã viết một bài “Không thờ ơ vô cảm trước cái chung” ca ngợi những người tham gia cứu hàng. Việc ca ngợi là đúng đắn và cần làm, nhưng cách tiếp cận như thế nào lại là một câu chuyện. Viết như vậy thì sẽ có rất nhiều người do không thể đến được văn phòng công ty, cảm thấy mình thờ ơ và vô cảm.
Chẳng hạn như tôi có nghề nghiệp chuyên ngành là luật, không thể chạy theo một phong trào đòi “tử hình bằng được” được. Tôi có biết tình tiết vụ án như thế nào đâu mà vội hô hoán lên như thế được? Tôi tin không phải chỉ mình tôi, mà rất rất nhiều người khác người ta im lặng, có thể người ta chưa lên tiếng, hoặc người ta có chính kiến khác và quan trọng hơn cả, có rất nhiều người đang thầm lặng hành động những việc cụ thể và thiết thực cho trẻ em chẳng hạn, người ta cảm thấy không nhất thiết phải làm điều đó.
Thậm chí có cả một “nhà văn kiêm doanh nhân” ở Ba Lan cũng viết status khinh bỉ bác của cháu bé, khi người ta lập bàn thờ hay thắp nến như thế nào đó. Chẳng ai có quyền khinh bỉ người khác, ngay cả khi có đầy đủ chứng cứ mà mình được tận mắt mục sở thị người ta hành động đáng lên án… Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án. Nhà văn nên đặt mình vào vị trí của người bác sĩ trong dịch Covid khi không đủ máy thở và phải quyết định rút ống của ai để cho người khác thở, lúc phải quyết định cho ai được sống và ai sẽ phải chết. Ngồi mà nói, phê phán thì rất dễ.
Hô hoán gì thì cũng không thể đem mạng người trở lại được. Cá nhân tôi phản đối kịch liệt cách đấu tranh bằng lan tỏa năng lượng xấu, kể cả việc đòi tử hình người ta bằng được, đó là việc lấy một cái xấu để sửa chữa một cái xấu khác. Chúng ta thử ngẫm, cuộc đời có biết bao nhiêu việc như vậy, không phải bây giờ mới là lần đầu vậy tại sao cứ thỉnh thoảng lại có sự việc hành hạ trẻ em trồi lên mặt báo? Đã từ lâu rồi khi tham gia diễn đàn Webtretho trước thái độ “ào ào như sôi” của mấy bà mẹ “có lương tâm” đòi băm vằm, treo cổ, tùng xẻo “bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non” tôi bao giờ cũng hỏi: chị sôi lên như vậy thì được cái gì? Nhưng mà em tức lắm! Vậy với tâm trạng như vậy chị dạy con như thế nào? Câu hỏi tôi để ngỏ ở đó cho họ cùng suy nghĩ.
Hôm qua sau khi viết bài, vì tôi có thái độ kiên quyết trước những ham muốn hô hào bạo lực, nên có một số bác bạn Facebook cũng tỏ ra ôn hòa khi comment, nhưng ra chỗ khác vẫn hết sức to tiếng. Tôi rất muốn hỏi họ: vậy cụ thể chúng ta phải làm gì sau khi tri hô lên như thế?
Vậy ở đây có hai câu hỏi: “Phải làm gì” và “dạy con như thế nào” để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, ngày ngày xã hội càng giảm những chuyện đau lòng như vậy, giảm một cách thực sự, chứ không phải cứ hết chuyện này đến chuyện khác. Bây giờ tôi lại đặt câu hỏi tiếp, cháu bé không hạnh phúc thì đã phải rồi, nhưng bố cháu ở thời điểm hiện tại khi mà người ta tróc đến cả chỗ làm chỗ học, bố mẹ của anh ta như thế nào, có hạnh phúc không? Không, chắc chắn không. Cô vợ tiếp theo của anh ta, cái cô mẹ kế ấy, bây giờ đang là một đối tượng trong sự việc, có hạnh phúc không? Đương nhiên không. Ngược dòng thời gian, ngay cả trước đây khi cô ta sống trong tình cảnh suốt ngày nổi điên lên với con chồng muốn hành hạ cháu, trừ phi bị bệnh lý thần kinh, còn thì chắc chắn cái ngọn lửa uất ức nóng giận bên trong đó nó hành hạ, cũng chẳng sung sướng gì.
Hôm qua có bạn Facebook của tôi viết: cần làm lại về vấn đề giáo dục bố mẹ. Tôi tâm đắc với điều này và còn muốn lần ngược sâu xa hơn: làm lại giáo dục hạnh phúc đối với thế hệ trẻ. Chính những đứa trẻ hôm nay là những người làm bố mẹ trong tương lai, chúng phải được giáo dục hạnh phúc một cách đúng đắn. Trong cuốn “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” tôi có viết về những nhầm lẫn của cha mẹ, trong đó có nhầm lẫn về:
Một, mục đích của giáo dục. Tôi nhớ cách đây chục năm tôi còn tranh cãi với một chuyên gia giáo dục về chuyện này khi cô ấy viết “mục đích của giáo dục là kiến thức.” Trong cuốn sách tôi viết tôi chỉ ra mục đích tối thượng của giáo dục phải “cho ra được những con người hạnh phúc.”
Hai, khái niệm hạnh phúc. Nhiều người đồng nhất khái niệm hạnh phúc với lúc nhỏ con đi học là học giỏi mang về nhiều điểm tốt, rồi học bổng nọ kia… lúc lớn là thành đạt kiếm nhiều tiền. Ngay ông thày chủ nhiệm thời trung học của tôi gặp lại học sinh cũng hỏi “Em có thành đạt không?” Bản thân ông tài giỏi cả đời phấn đấu nhưng về già vẫn có những mất mát về tiền của đầy tiếc nuối, và vẫn không hạnh phúc. Trong khi đó người Thày dạy tiểu học của tôi khi gặp lại học sinh sau 37 năm, thì hỏi: “Các con có hạnh phúc không?”
Hạnh phúc tôi muốn nói tới là cái hạnh phúc an lạc nội tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đang thành công viên mãn hay mất mát thua thiệt. Để làm được việc đó, cha mẹ cần hình dung được những gì cần làm cho con. Trang bị cho con một nhãn quan sống đàng hoàng và đúng đắn, như trung thực, quân tử không hèn hạ (có đức thì không có sức mà ăn), lấy yêu thương đồng bào, nhân loại làm gốc, không nóng nảy vội vàng quy kết trước bất cứ sự việc nào, không đố kỵ, kèn cựa, không hãnh tiến muốn vượt lên hàng đầu, nói không với mọi hư danh… Trong cuộc sống thì điều kiện tài chính là quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Cần có một nghề nghiệp vững vàng ổn định đủ lo cuộc sống bản thân và gia đình, nhưng không nhất thiết phải làm giàu bằng mọi giá đến mức đánh mất bản thân và làm những việc vô đạo đức.
Ngoài ra tôi còn có thể dẫn ra những nhầm lẫn khác nữa của cha mẹ Việt Nam, như cho rằng cứ có yếu tố ngoại lai là giáo dục đó tiên tiến, dẫn đến việc sổ toẹt cứ “học ở Việt Nam thì vứt đi” và “nhất quyết con phải được đi du học.” Bố cháu bé là một ví dụ, phong thanh đâu đó anh ta du học ở Australia về, nhưng anh ta chỉ sang đó học kiến thức, còn giáo dục hạnh phúc, cái phải được dạy trong gia đình, rõ ràng anh ta chưa được dạy.
Ngoài trong cuốn vừa dẫn, trong cuốn “Cha, con gái và những bức thư gửi tương lai” sắp xuất bản tôi có viết về ảnh hưởng của tình trạng hôn nhân của cha mẹ đối với kết quả giáo dục con cái. Con cái sẽ được giáo dục tốt nhất trong một gia đình cha mẹ đồng thuận và hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa là các cháu sống trong “gia đình khuyết thiếu” một trong hai cha mẹ do chia tay và các gia đình tập hai, tập ba, nhiều tập thì không thể được giáo dục tốt. Tôi có những người bạn đơn thân, chia tay… nhưng do thái độ sống đúng đắn của người cha hoặc mẹ, con cái họ vẫn rất ổn. Những người nhẹ thì cố lên gân cho rằng ta đây vẫn ổn, nặng hơn thì hằn học với người cũ… đều là những thái độ không ổn. Tôi có phân tích về một tình trạng của xã hội hiện nay, là tình trạng li hôn, chia tay ngày càng nhiều và ở độ tuổi ngày càng trẻ hơn, và hầu hết những bạn trẻ sau chia tay đều có chung một lý do là “đã đến lúc sống cho bản thân mình, không chịu đựng được con người ấy nữa” – nghĩa là không có ai nhận lỗi về mình. Tất nhiên hoàn cảnh vớ phải anh / chị tệ bạc không ra gì không phải không có, nhưng thực tế đa số là cuộc hôn nhân đó không hợp nhau từ cả hai bên mà rất rất nhiều bạn trẻ không được dạy dỗ từ trong gia đình mình cách để có được sự hòa hợp với người bạn đời. Bây giờ trong gia đình người ta dạy chủ yếu là đề cao cái tôi, con cái được chiều chuộng thái quá… chính là tiền đề cho những con người không viên mãn trong hôn nhân trong tương lai.
Với hai con tôi, tôi chỉ dạy một điều: khi tham gia quan hệ hôn nhân với một người khác, sẽ có câu hỏi con yêu người đó như thế nào, thì câu trả lời phải là: “Đã không yêu thì thôi, đã yêu người bạn đời của mình thì tình yêu đó phải là vô điều kiện.” Tham gia quan hệ hôn nhân, là nguyện từ lúc đó đến hết đời làm những việc để người kia được hạnh phúc. Còn nếu không làm được như vậy, chỉ đòi hỏi người ta yêu mình vô điều kiện và “mình được hạnh phúc” thì vứt đi, đừng lấy vợ lấy chồng làm gì. Nếu lúc này chúng hỏi tôi đã sống được như thế chưa, tôi có thể nói là tôi đã làm được rất nhiều nhưng vẫn thấy chưa đủ với mẹ của chúng, và từ khi có chúng, hai đứa con cũng là hạnh phúc của mẹ chúng, thì việc tôi hết lòng với chúng ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời cũng chính là xây đắp cho hạnh phúc của gia đình mình. Khi thấy người khác hạnh phúc, thì đó là hạnh phúc của chính mình.
Vì thế, tôi là người thực dụng chứ không mơ hồ. Đầu tiên, tôi quan tâm đến hạnh phúc của chính mình và gia đình mình và xây đắp những gì đảm bảo cho con cái trong tương lai cũng có được hạnh phúc. Ngoài một thể chất mạnh khỏe, cường tráng và kiến thức vững chắc đảm bảo đạt tiêu chuẩn làm việc được ở nhiều mức đòi hỏi, thì quan niệm sống của các con với chúng tôi còn quan trọng hơn nhiều. Từ những điều đã làm cho gia đình, hôm nay tôi có cơ hội đem những quan niệm của mình đến cho độc giả, là đã bước đầu đóng góp cho xã hội.
Đến đây bạn đọc có thể nhận thấy nhãn quan của tôi trước những sự việc đáng tiếc là trước mắt không được phép xa rời cái tâm yêu thương chúng ta xây dựng cho bản thân, gia đình và con cái. Điều này yêu cầu chúng ta còn phải dành cả tâm yêu thương cả cho những người đang lầm lỗi (như mẹ kế và cái anh chồng/ông bố kia), còn việc trừng trị họ như thế nào, thì (1) Dành cho hành động của hệ thống pháp luật và (2) Nếu có oan sai hay sai lệch vụ án… thì điều kiện hoàn cảnh cho phép đến đâu, tham gia đến đó, nhưng phải là sự tham gia thực sự, nghiêm túc, đàng hoàng, công bằng, minh bạch, kiên quyết không sa vào thù hận.
Một lần nữa tôi khẳng định, điều quan trọng nhất là thế hệ tương lai của chúng ta, những đứa con của chúng ta lúc này đang đi học, trong tương lai chúng phải được hạnh phúc. Đã có lúc nào đó tôi đã kể: nói chuyện với con việc phân biệt đúng sai đã quan trọng, nhưng suy nghĩ và hành xử như thế nào còn quan trọng hơn rất nhiều. Như trong sự việc này, “mẹ kế hành hạ làm chết con chồng” ai chẳng biết thế nào là đúng thế nào là sai; nhưng hành động sau đó như thế nào, thì còn nhiều điều phải nói. Hô hoán thì ba con mình sẽ không làm vì điều đó chẳng bao giờ làm hết bạo lực cả. Vậy chúng ta phải làm gì? Người ta đang phê phán chúng ta là xây dựng tâm yêu thương cả với người mà người ta gọi là quỷ dữ, là sự bịt mắt bịt tai, thậm chí hèn nhát và vô cảm. Nhưng chúng ta thì lại hiểu, yêu thương được với những người lầm lỡ không phải là hèn nhát mà dũng khí vô song. Sửa được mình cũng là dũng khí vô song. Còn hành động như thế nào, hãy tin vào những gì chúng ta đang làm chứ đừng quan tâm đến những gì thiên hạ nói.
Chỉ thấy một điều là càng ngày trong cuộc sống xung quanh chúng ta, con người càng ít đi sự từ bi và yêu thương. Mà đã nếu như thế, bạo lực sẽ không thể bị diệt trừ...
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment