Mình vốn “xấu bụng”. Chưa chơi
xấu ai bao giờ, nhưng luôn luôn dự trữ Becberin trong nhà. Đi đâu cũng kè kè lọ
thuốc đau bụng, vớ vẩn là xử lý "đồng chí Tào Mạnh Đức" ngay.
Nhớ có lần về quê ăn cỗ cưới,
gặp thằng cháu rể, tức nó là anh rể của thằng chú rể. Thằng cha này chỉ kém
mình có một tuổi thôi, nhưng già gấp mấy lần, chắc cầy cuốc vất vả quá. Nó lè
nhè thơm mùi rượu: “Ông ngồi đây, xơi với cháu một bát tiết hồng!”. Không biết “tiết
hồng” là cái gì, tò mò ngồi xem cha nội chế biến. Một cái phích nước sôi không
biết đun từ khi nào bên tay trái, tay phải là bát tiết lợn mới, bát hành, muối
gia vị… hắn chế vào nhau trong một cái bát, chính xác là cái chậu nhựa. Ra một
thứ nước trong trong, hồng hồng, lều phều hành. Thấy chúng nó ngồi húp xoàn xoạt,
nhắm rượu mà mình đau bụng luôn, chưa cần húp.
Nhìn chung thì vụ “xấu bụng”
cũng chỉ một phần thôi, chứ mình thuộc loại ăn uống khá lờ phờ - “ăn để sống”
chứ không phải “sống để ăn”. Đại khái là đầy bụng, không bị đói là được, không
có ý thức “hưởng thụ” một trong mấy cái món sung sướng đó của nhân loại. Vì khá
khảnh ăn, không “xông pha” nên nhiều khi đi chơi xa, công tác toàn sinh sống bằng…
lương khô. Cái gì mất cân bằng kiểu như thế - đều không tốt – như bị rối loạn
tiền đình ấy mà. Nhiều chị tiền đình không tốt, đi tàu xe bị say – có khi mai
đi ô tô hôm nay đã say rồi. Ấy là mất cân bằng – không phải ai cũng chữa được.
Vụ ăn uống “cảnh vẻ”, mình cũng chẳng chữa được – cũng mệt mỏi lắm đấy.
Nhớ ngày xưa nhà ở khu buôn
bán, thấy hai ông bán hàng rủ nhau nhắm rượu với đậu phụ chần nước sôi chấm mắm
tôm. Mỗi ông một bìa trên hai cái đĩa nhựa, dúm kinh giới để lên trên miếng đậu
phụ chần qua, hai đôi đũa gác ngang, bát mắm tôm tím nâu sủi bọt đỏ đỏ mấy miếng
ớt. Chai rượu đục lờ với hai cái chén hoàn thiện bữa nhắm. Vỉa hè mù mịt bụi, nắng
chầy chầy, nhưng gốc bàng vẫn râm mát, chỉ từ 3 mét trở lên là nhung nhúc sâu
róm. Mỗi lần dùng đũa xắn miếng đậu, chấm mắm tôm cho vào miệng và chiêu thêm
ngụm rượu… miếng đậu chỉ khoảng 1, 2 “xăng-ti-mét khối” thôi, nghĩa là miếng đậu
phải xắn làm vài chục lần mới hết. Hai bộ mặt đê mê, thỏa mãn cùng những câu
chuyện hàng họ, chợ búa, thời cuộc… hai
lão “mút mát” (chọn từ chuẩn luôn đấy) hai miếng đậu đến cả giờ đồng hồ. Đúng
là cái sự “sướng” của con người, nó thật là đa dạng.
Ông thầy giáo kể, hồi tao sang
Lào dạy, dân bên đó toàn là các “bộ tộc Lào”, nên ăn uống cũng “tầm cỡ” lắm. Hạ
thủ con lợn, cả bộ lòng – từ đoạn thức ăn tiêu hóa sơ bộ đến đoạn “chât thải”
còn nóng hổi họ thái ra bóp với cả cây chuối. Cứ thế chén luôn với rượu – bà con
Việt cộng ta nhìn ngất trên cành quất luôn. Rồi còn món ếch ôm măng nữa chứ.
Kể về cái sự rùng rợn của ăn uống,
toàn thế giới đâu cũng có cả. Hôm trước tìm thông tin trên mạng về pho-mát, thấy
bên đảo gì đó của Italia có món pho-mát – người ta để lên men bằng một loại “ruồi
pho-mát”, để đến mức sinh giòi trong đó. Một trong những món ăn kinh dị nhất của
loài người.
Trên báo hôm trước có bài “Người
Việt Nam đang ăn để chết” – cái khỉ gì cũng lôi ra chén được, như món chân gà của
Trung Quốc là một ví dụ. Bẩn thỉu độc hại kinh hoàng, vẫn ngồi mút mát với rượu
bia được. Mà ngồi ngầy ngập cả vỉa hè lúc chiều tối.
Nhìn chung, tất cả những gì
thuộc về ống tiêu hóa của con vật, là nguy hiểm và không vệ sinh. Nhất là hạng “thần
kinh yếu” như mình, càng không nên đọc những cái biển hiệu như thế này ở ngoài
đường: “Lẩu lòng bò”. Lòng đã nguy hiểm, mà lại ăn lẩu, là cái kiểu ăn không thể
chín thức ăn được, càng nguy hiểm. Vì thế nên những trường hợp giun sán chui
vào chỗ nọ, chỗ kia trên cơ thể người Việt Nam ta, không hiếm. Ông cụ nhà mình
kể, ngày xưa có chú làm cùng cơ quan, cứ thỉnh thoảng tối sầm một bên mắt như bị
mù. Tìm mãi mới ra nguyên nhân: có con sán bơi trong mắt. Đến Viện xử lý đến khổ,
vì bác sỹ chỉ cần “bắn trượt” con sán, là mù dứt điểm luôn. Ông chú này nghiện
cháo lòng tiết canh, sau đó bỏ hẳn. Hú vía.
Cô giáo mình ở Mátxcơva kể, ở
bển có cô bạn người Nhật làm nghiên cứu sinh về Đông phương học. Thiết tha được
đến dự một buổi tiệc tất niên với một gia đình người Việt Nam. Cô Việt Nam mời cô
Nhật Bản đến một gia đình người Việt buôn bán bên Mátxcơva. Gia đình dọn ra một
mâm tiết canh đỏ tươi, giới thiệu đây là món “Xa-lát Việt Nam” (вьетнамский
салат). Cô Nhật không biết chén ngon lành, khen nức nở. Hôm sau gặp nhau ở trường,
hỏi kỹ xem món đó làm như thế nào – sau khi được biết “know-how” của món “xa-lát”
khiếp quá, ọe ra không được, cũng lăn ra ngất luôn.
Tuần trước tình cờ đọc trên báo “Phụ nữ thủ đô” (số
15 (1160) ngày 10.4.2013, trang 11) có bài viết của tác giả Đỗ Phấn “Ăn ở nhà,
ăn ngoài phố” – thấy ông tác giả viết có đoạn “dùng cồn sát trùng cổ con ngan
trước khi cắt tiết” mà chết cười. Đã ăn tiết canh, là chấp nhận “bửn” (ý là mất
vệ sinh), chứ sát trùng cổ nó bằng cồn, thì ăn thua mẹ gì… ông Đỗ Phấn này chắc
cũng đệ tử của becberin mà vẫn không bỏ được "khoái khẩu" chăng? Cũng lại một ông “rối loạn tiền đình”!
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment