Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, November 22, 2011

Chat với đại úy Minh

Gần đây trên báo QĐND xuất hiện mấy bài báo của đại úy Nguyễn Văn Minh phê phán một số nhà văn, nhạc sỹ mà tôi nhớ được cụ thể là nhạc sỹ Tô Hải, người bỗng dưng lại nổi tiếng với “Hồi ký của một thằng hèn”. Mấy bài báo của đại úy Minh làm dấy lên một làn sóng những ý kiến, chủ yếu là phản đối cách nhìn nhận, cách viết của Đại úy. Những sự kiện đó làm cho tôi nhớ đến một lần chat với anh đại úy này.

Trước khi những bài báo đó được đăng trên QĐND, tôi đã đọc được những ý kiến của Đại úy trên trang cá nhân – blog từ khá lâu, khoảng nửa năm. Đại úy viết đến ba bốn bài, tập trung chỉ trích nhạc sỹ Tô Hải (mặc dù không được chỉ rõ, chỉ viết tắt là nhạc sỹ T.H. nhưng khi chat với nhau, Minh đã chỉ rõ người bị chỉ trích là Ông).

Tôi chỉ quen Đại úy sơ sơ, gặp nhau một lần ở hàng nước chè vỉa hè trước cửa tòa soạn báo nơi anh ấy làm việc, vì ít tuổi hơn nên anh ấy gọi tôi bằng anh. Và vì cùng yêu văn học, nên tôi và anh ấy có duyên gặp nhau, trò chuyện với nhau đôi lần và mấy lần chat với nhau khi gặp nhau ở trên mạng. Theo như anh kể, hình như anh ấy học ở Học viện chính trị quân sự ra trường về làm ở Báo quân đội, khoảng sinh năm 1976 gì đó. Đại úy để lại cho tôi cảm tưởng về một thanh niên điển hình của vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, nhiệt thành, chân thực, tin tưởng tuyệt đối vào những gì mình đã trót tin. Hôm Đại úy qua Yahoo messenger gửi cho tôi đường link đến blog của anh, những bài về Nhạc sỹ T.H., và ngay sau đó tôi và Đại úy đã phải chat với nhau để bày tỏ quan điểm của mình. Câu đâu tiên tôi hỏi Đại úy, là anh có biết về những tác phẩm của Nhạc sỹ T.H. hay không? Đã từng nghe chưa? – Tôi không biết và không cần biết! Tiếp theo là câu hỏi, Đại úy có biết gì về từ “phản bội” mà anh đang dùng để gọi Nhạc sỹ không? – Ông ấy đúng là kẻ phản bội, ông ấy quay lưng lại với lý tưởng trước đây ông ấy đã tin và ca ngợi!

Đáng tiếc, qua chat Đại úy không nghe được tiếng thở dài của tôi. Tôi kể cho anh là, từ khi 3 tuổi tôi đã yêu bài thơ “Xe cứu hỏa” của nhà thơ Phạm Hổ như thế nào, rồi đến tuổi thiếu niên, tôi đã yêu bài thơ “Trái đất này là của chúng mình” của nhà thơ Định Hải như thế nào. Tuổi thanh niên, tôi đã từng hết sức xúc động với “Nụ cười sơn cước” của nhạc sỹ Tô Hải. Những tác phẩm ấy đầu tiên làm người ta xúc động và cảm nhận được trước hết một điều là những người sáng tác ra chúng có những tâm hồn hết sức trong sáng và thiết tha yêu tuổi trẻ. Tôi đã yêu các tác phẩm ấy và yêu cả những người sáng tác ra chúng như thế. Hơn ai hết, tuổi trẻ sẽ dành những tình cảm chân thành của mình cho những nghệ sỹ đã yêu mình đến thế.

Lại đáng tiếc, Đại úy đã quá giận và không thèm nghe câu chuyện bé thơ của tôi. Tôi cố nói với anh ấy rằng, người nhạc sỹ đã sáng tác được những tác phẩm như thế, không thể là người xấu và nếu như bây giờ bác ấy có những sự thay đổi trong suy nghĩ, hành động, để viết ra những câu chuyện kiểu như “Hồi ký của một thằng hèn” như vậy, phải chăng chúng ta nên nghiêm túc cùng ngẫm nghĩ, tại sao người ta lại có thể thay đổi như vậy. Đọc “Hồi ký…” tôi thực sự thấy thông cảm với sự thất vọng lớn lao, khi mà những điều tốt đẹp người ta đã từng tin, đang ngày ngày chứng tỏ nó không còn tốt đẹp như thế nữa.

Đành rằng Đại úy có quyền viết blog để nói lên quan điểm của mình về sự “tráo trở” của Nhạc sỹ. Nhưng tôi đã không kịp nói với anh ấy rằng, người cầm bút, vội vàng nhận định viết những điều không tốt về một người khác, chưa nói đến người khác ấy lại là một nhạc sỹ cao tuổi, một cựu chiến binh đã từng có nhiều tác phẩm hay ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Chủ nghĩa xã hội… thật là không phải.

Đại úy không biết bài thơ “Xe cứu hỏa” của nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi Phạm Hổ:

Mình đỏ như lửa
Bụng chứa nước đầy
Tôi chạy như bay
Hét vang đường phố

Nhà nào có lửa
Tôi dập tắt ngay
Ai gọi cứu hỏa
Có ngay, có ngay…

Đại úy càng không hiểu, tôi đang tưởng tượng anh như chiếc xe cứu hỏa, phóng như bay, hét vang đường phố. Anh cũng không hiểu rằng những đám cháy hiện nay cũng chỉ đang âm ỉ, những người nhiệt thành như anh vẫn còn có thể dập được, nhưng khi nó bùng lên như một ngọn núi lửa thì không có xe cứu hỏa nào còn có thể cứu vãn được nữa.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Cập nhật thêm: Anh Minh hiện nay đã là Thiếu tá được hai năm rồi. Người ta nhìn ảnh anh chụp hồi đại úy, nên tưởng là như thế.

    ReplyDelete