Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 23, 2011

Lễ khai giảng của ai?

Cù Thị Thanh Huyền

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi dự 
lễ khai giảng năm học mới 
tại một trường THPT ở Hà Nội
Tôi mơ ước có ai đó sẽ rời hàng ghế đại biểu, rời cái bục phát biểu cao ngạo nghễ, cầm micro đi về phía các em, nắm tay những đứa trẻ hồn nhiên  và trong sáng đang háo hức trong ngày quan trọng nhất của một năm học …

Như bao nhiêu người bình thường khác, tôi đã có 16 năm đi học. Nghề nghiệp cũng cho tôi nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường học đường, dự nhiều lễ khai giảng ở nhiều địa phương. Vài năm gần đây, tôi bắt đầu được đưa chính các con đến trường trong ngày đầu năm học. Vì thế, hầu như năm nào tôi cũng được tham dự lễ khai giảng, không với tư cách là người trong cuộc thì cũng với tư cách là người “quan sát”.

30 mùa khai giảng tôi đã trải qua để lại trong tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng có một cảm giác rất chung đó là vẫn còn một cái gì đó không trọn vẹn, không ổn.

Cứ mỗi mùa khai giảng tới, tôi lại tự hỏi tại sao bao nhiêu năm nay, trong tất cả những ngày lễ của môi trường học đường, thầy cô và quan khách luôn ngồi cách biệt với các em, trên những dãy bàn ghế chải khăn trang trọng, trong bóng mát, có nước tinh khiết để ngay trước mặt.

Trong khi đó...

Con gái tôi và các bạn của nó, là những học sinh lớp 2, háo hức đến trường từ 7h sáng. 8h lễ mới bắt đầu. Nhiều cháu xin cô: “Cô ơi con khát nước, cho con đi uống nước” Cô giáo nghiêm mặt: “Không nước niếc gì cả”. Tôi là phụ huynh “danh dự” được mời đến dự lễ, ngồi ngay phía dưới, lòng thương những đứa bé mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mà đành phải làm thinh.

Chương trình lễ bao nhiêu năm vẫn thế: Này thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, của cấp lãnh đạo tỉnh, rồi diễn văn của hiệu trưởng, phát biểu của lãnh đạo địa phương, đến học sinh đọc lời hứa, đại diện hội phụ huynh gủi gắm tâm tư, và đôi khi có cả giáo viên đọc diễn văn thể hiện tinh thần quyết tâm hòan thành nhiệm vụ.

Trên diễn đàn cứ diễn thuyết, học sinh ngồi duới cứ ngọ nguậy, túm năm tụm ba. Trường nào nghiêm thì giáo viên chủ nhiệm khoanh tay đi lên đi xuống dọc theo hàng học sinh lớp mình với vẻ mặt phát đi tín hiệu cảnh báo!

Tại sao những dãy bàn dành cho đại biểu không được kê cuối hội trường, cuối sân trường, để giáo viên và quan khách suốt buổi lễ có thể quan sát được thái độ, cảm xúc, mức độ tiếp nhận của học sinh và quan trọng hơn là thể hiện rõ thái độ trân trọng đối với những nhân vật trung tâm của quá trình giáo dục?

Tại sao các thầy cô giáo, các vị quan chức hầu như không bao giờ có động thái giao lưu, hỏi han các học sinh, lắng nghe tâm tư của các em trong ngày khai giảng? Hầu như tất cả đều đến với các em bằng những diễn văn được viết sẵn, với phần lớn là những ngôn từ mòn cũ, sáo rỗng, những khẩu hiệu khô khan, mà có lẽ những người đọc thừa biết là các em sẽ không để lọt vào tai một chữ nào!

Tại sao chương trình lễ không được thiết kế trong giới hạn thời gian phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các em (mà bản thân các nhà giáo dục đã biết khá rõ: 35 phút với tiểu học, 45 phút với phổ thông và khoảng 90 phút với đại học – cao đẳng.)

Tôi cũng mơ ước có những “diễn giả”, trong ngày khai giảng, bắt nhịp cho các em hát chung một bài, kể cho các em nghe một câu chuyện vui thật ý nghĩa, “phỏng vấn” các em về những mong ước, những nguyện vọng của các em. Tôi mơ ước có ai đó sẽ rời hàng ghế đại biểu, rời cái bục phát biểu cao ngạo nghễ, cầm micro đi về phía các em, nắm tay những đứa trẻ hồn nhiên  và trong sáng đang háo hức trong ngày quan trọng nhất của một năm học …

Liệu rằng những ước mơ ấy của tôi có quá xa vời?

Giờ học đầu tiên – chụp tại một trường ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc

Lời bình: 
Gần đây, những lễ Khai giảng ở một đất nước gần gũi nhất với chúng ta về chính trị là Trung Quốc cũng có nhiều cải tiến. Dần dần người ta đi vào thực chất hơn, không rùm beng, trống giong, cờ mở. Lễ khai giảng ở Nga, thì cả trường tập trung vào phòng khánh tiết của trường, thày hiệu trưởng lên chúc các trò học tập tốt, các cháu lên đọc đôi, ba bài thơ… thế thôi, hết khoảng một giờ đồng hồ đổ lại.

Với họ, quan trọng là Giờ học đầu tiên chứ không phải là Lễ hội khai giảng. Giờ học đầu tiên của ngày đầu tiên đến trường, đó là một cái gì đó thiêng liêng, nó đánh dấu sự bắt đầu của một chặng đường dài, của Nhà trường, của gia đình và nhất là của cô bé, chú bé đó. Chặng đường học tập gian khổ, vui buồn nhiều ít, của ai cũng bắt đầu từ giờ học đầu tiên này đây.

Nhớ chú bé Vichia Malêép trong “Vichia Malêép ở nhà và ở trường” đi khai giảng, lễ khai giảng cũng đơn giản thế này thôi:

Chúng tôi xếp hàng. Tất cả các lớp khác cũng xếp hàng. Thầy hiệu trưởng Igor Alexandrovich xuất hiện trên bậc thềm. Thầy chúc mừng tất cả chúng tôi khi năm học mới bắt đầu và chúc tất cả học sinh trong năm học mới đạt được nhiều thành tích. Rồi giáo viên chủ nhiệm từng lớp dẫn học sinh của mình vào các phòng học. Các em bé học sinh lớp một đi đầu tiên, sau đó là lớp hai, rồi đến lớp ba, sau lớp ba thì đến lượt chúng tôi và cuối cùng là các lớp lớn hơn.


Hồi học lớp Bốn, tôi có một thày chủ nhiệm tên là thày Khiêm, rất hiền hậu. Hồi đó, cấp tiểu học chỉ có một thày hoặc cô dạy tất cả các môn, nhưng tôi được học “chuyên” (trường của Quận(*) ) nên hưởng “chế độ” nhiều thày cô. Lễ khai giảng xong, các lớp khác được về, nhưng Thày Khiêm bảo chúng tôi ở lại, vào lớp ngồi. Thày đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong “Những tấm lòng cao cả” của De Amicis:

Các con ơi! Hãy nghe ta! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng lời", nên ta có lời cảm ơn các con.  

Chúng tôi nghe thày đọc đoạn văn, dù mới chỉ 9, 10 tuổi nhưng đã rất xúc động. Thày Khiêm nói về sự khó khăn của một năm học 9 tháng trời trước mắt, kể về những học trò năm trước của thày, năm nay đã lên cấp hai… và chúng tôi hình dung được tình yêu của thày dành cho học sinh như thế nào.

Lễ khai giảng của ta đến nay vẫn lãng phí quá: tiền bạc để chuẩn bị cũng nhiều hơn, nào là băng-rôn, khẩu hiệu, cờ xí, nước nôi quan khách, quay phim chụp ảnh… và nhất là lãng phí thời gian của tất cả: các cháu, các thày cô, quan khách. Mà đến là kỳ lạ, trường nào cũng phải cố mời bằng được một quan khách nào đó. “Anh con trai cả” nhà tôi (năm nay học lớp Một) học ở một trường dân lập thuộc Quận Tây Hồ, có vẻ không được Phòng Giáo dục Quận chú ý cho lắm. Lễ Khai giảng năm nay, năm học 2011 – 2012 trường cũng cố mời cho được một quan khách “trên Quận xuống” – bà giám đốc hay phó giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên gì đó của Quận. Cũng căng thẳng ngồi trên ghế đại biểu. Cũng lên đọc diễn văn chào mừng. Trường của cháu cũng thuộc loại tiến bộ nên buổi Lễ khá nhanh gọn, các cháu bêu nắng tầm hai tiếng đồng hồ là xong. Khổ thân ông con, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Lễ khai giảng kiểu ta, không gắn được cái buổi lễ hoành tráng ấy với trách nhiệm của từng cá nhân học sinh với nhiệm vụ học tập, chưa gắn kết được buổi lễ với giờ học đầu tiên. Với thày Khiêm của tôi, thày đã truyền đạt được hết những điều cần thiết: nghĩa vụ của thày, của nhà trường với học trò chúng tôi, nghĩa vụ của học trò với Tổ quốc, với xã hội, với gia đình và bạn bè… thế là quá đủ.

(*) Trường Ngô Thì Nhậm, trường chuyên của Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thày Khiêm hồi đó nhà ở phố Trương Định, như hầu hết tất cả những gia đình không nằm trong giới lái xe, mậu dịch – nhà thày nghèo và thanh bạch. Thày nhỏ nhắn, da trắng, nhẹ nhàng như một ông đồ, và môn văn thày dạy rất hay. Con trai thày, anh Hải Đăng hồi đó cũng học chuyên văn nhưng hơn chúng tôi một lớp. Đã lâu tôi mất liên lạc với thày, không biết bây giờ thày ở đâu nữa.

No comments:

Post a Comment