Cô đơn - Ảnh PhuongNN |
Công việc tồi quá... mấy lần xuống Vô Tích rồi mà vẫn không được việc. Chuyến tàu Vô Tích về Thượng Hải hôm nay vắng, mỗi toa chỉ chừng một chục người. Tiếng bánh xe đập nhẹ nhẹ, tàu này không phải tốc hành nên chỉ chạy khoảng trên 100 ki-lô-mét/giờ. Trời đã gần về chiều nhưng tối khá nhanh, hai bên đường những ngôi nhà vùng nông thôn hai bên dán câu đối đỏ đã dần dần lùi vào trong chiều nhập nhoạng. Mùa đông năm nay Trung Quốc ít tuyết. Thấy bảo trên Bắc Kinh tuyết rơi cũng không nhiều lắm.
Đang ngồi nhìn ra cửa sổ ngồi nghĩ miên man, bỗng tôi vẳng nghe từ toa bên một câu nhạc quen quen, tiếng ắccoócđêông, bài “Chiều Mát-xcơ-va”... Toa bên cạnh, một người đàn ông, chính xác là một ông già có mái tóc bạc, đang chơi bản nhạc nổi tiếng ấy. Thấy tôi đứng lặng người nghe, ông dừng lại, rồi từ từ cất đàn. Trong ánh mắt ông, tôi hiểu ông chưa dừng lại ở đó, ánh mắt như đang bảo tôi, hãy chờ một chút. Ông lấy ra từ trong hộp một chiếc viôlông, và lại chơi lại bài “Chiều Mát-xcơ-va”. Tiếng viôlông cứ da diết, như mê hoặc người nghe. Cả toa lặng đi nghe ông chơi. Hết bài, ông mời tôi ngồi xuống đối diện. Khi được biết tôi tới từ Hà Nội, ông lại lấy đàn ra và thật bất ngờ, ông chơi bài “Chiều đông Mát-xcơ-va” của Phú Quang.
Từng bông tuyết nhẹ rơi
Buổi chiều đông giá trắng trong lòng tôi
Niềm cô đơn lẻ loi khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi…
Thầy Lý là một trong những học sinh Trung Quốc đầu tiên đến học ở nước Nga vào những năm 1950. Thầy học tại Nhạc viện Traicốpxki, môn lý luận sáng tác. Thầy chơi tốt cả pianô, ắccoócđêông, viôlông... Chàng sinh viên trẻ còn có một mối tình lãng mạn ở Mát-xcơ-va. Đến nay, thầy Lý vẫn rất yêu thành phố Mát-xcơ-va, thầy sưu tầm tất cả những bản nhạc về Thành phố, trong đó có “Chiều đông Mát-xcơ-va” của Phú Quang và “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” của Trần Hoàn. Được một người bạn dịch hộ lời bài “Chiều đông Mát-xcơ-va”, hiểu lời nên thày đặc biệt thích, vì nó gợi nhớ đến những tình cảm xưa cũ. Hiện nay, thày đang sống ở thành phố Vô Tích, còn con gái thì sống ở Thượng Hải. Hàng tuần thày đi tàu hoả lên thăm con cháu và dạy đàn cho một cô, một cậu bé. Thày còn truyền cho chúng cả những tình cảm của mình với những bản nhạc về Mát-xcơ-va, về Thành phố mà thày đã yêu quý suốt cả thời thanh niên cho đến tận bây giờ, nơi thày đã để lại mối tình sinh viên lãng mạn với một nàng Natasa nào đó...
Xin em xin em xin em,
Thêm một lần nữa
Dù vẫn biết, mai là giã từ...
Năm nào cứ đến mùa đông thày lại nhớ đến mùa đông Mát-xcơ-va - “Về đâu hỡi người ơi, để hàng bạch dương xót xa chờ mong...”. Tôi hiểu, thày rất muốn quay lại Mát-xcơ-va, để tìm lại những kỷ niệm cách đây hàng nửa thế kỷ. Thày nhớ Tuyết Mát-xcơ-va.
Chiều đông MGU - Ảnh: PhuongNN |
Lang thang trong vườn trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va MGU, với bài “Chiều đông Mát-xcơ-va” phát trong chiếc máy nghe nhạc MP3, tôi chợt nhớ cuộc gặp tình cờ trên chuyến tàu Vô Tích - Thượng Hải cách đây sáu năm. Như văng vẳng lời thày, nếu đang cùng với mùa đông Mát-xcơ-va, thì thế nào ít nhất một lần cũng sẽ cảm thấy cô đơn cùng với nó. Có lẽ, ta cảm nhận thấy sự chia tay tất yếu sẽ xảy ra chăng, mà thấy cô đơn ngay từ bây giờ? Lạ nhỉ, nghe Phú Quang lại nhớ ông thày dạy nhạc người Trung Quốc. Sao trong giờ phút này, chính mình cũng thấy ngấm cái cảm giác cô đơn, da diết. Sẽ còn có nhiều dịp quay lại Mát-xcơ-va, nhưng sao vẫn thấy sự chia tay đã gần kề. Thành phố to lớn này chưa gắn bó với mình nhiều, nhưng sao cái linh cảm chia tay với nó đã mạnh đến thế.
Mai đây khi trong xa xôi,
Xin người hãy nhớ
Dẫu tình yêu là những cơn mơ...
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment