Mình không phải là người mê
tín, dị đoan. Từ bé, mình chưa bao giờ sợ ma sợ mãnh, người cứng cỏi, đi đêm đi
hôm không bao giờ sợ tối. Hồi năm tuổi, nhà ở khu tập thể giáo viên bên bìa
làng, cách một cánh đồng là khu nông trường bộ của một nông trường, ở đó có
ti-vi. Cánh đồng quê, chính là bãi tha ma. Tối nào mình cũng đi bộ qua cái khoảng
cách 500 mét đó để đi xem ti-vi, không thiếu những tối đi một mình. Bãi tha ma
vắng lặng, lửa ma trơi lập lòe… chẳng hề hấn gì, có khi còn thấy thú vị.
Mình do đó, không thấy những
chuyện, phim… ma mãnh có gì hấp dẫn – vì có thấy sợ đâu mà thích. Ông em trai
thích xem phim ma, than thở: “Người đâu có người lạ thế, không sợ tí nào…” Xem
phim ma lần đầu chỉ bị giật mình vì sự bất ngờ của hiệu ứng hình ảnh âm thanh,
còn chưa bao giờ sợ.
Mình do đó, không tin những
chuyện dị đoan. Nhưng rõ ràng, mình luôn luôn cảm thấy bản thân có một gì đó rất
lạ. Gọi là “giác quan thứ sáu” thì oai quá, thôi cứ cho là linh cảm vậy.
Câu chuyện “cảm ứng” thứ nhất.
Trường mẹ mình dạy ở Hà Nội
trong các cô, bác giáo viên nữ với nhau hay đùa gán ghép “làm thông gia,” có một
bác trùng tên với mẹ mình nhà hai cô con gái, chị đầu hơn mình vài tuổi, em gái
sau kém mình một tuổi. Mẹ về kể, “cái V” trắng trẻo, xinh gái… các cô bác đùa
nhau hay ghép cho thằng Phúc Lai nhỉ… chị em mình thông gia với nhau. Mình chưa
bao giờ gặp V. cả.
Cách đây bốn năm, hè 2011 vào
Sài Gòn có qua nhà bác mẹ V. chơi, bác đã chuyển Sài Gòn sống được mười mấy
năm. Tự dưng nhìn lên bàn thờ, thấy ảnh V., đúng xinh gái thật, mặt tròn tròn,
trắng trẻo. “Chưa bao giờ gặp mặt, lần đầu tiên gặp là gặp ảnh trên bàn thờ…” ý
nghĩ thoáng qua. V. vừa ra trường Đại học thì bị ngã xe máy, mất còn rất trẻ.
Khoảng một tháng sau, một ngày
từ sáng sớm cứ nghĩ đến V. với một cảm giác mơ hồ, kỳ lạ. Lúc sau lên Facebook
gặp chị của V., thường thì truyền thống con cái của giáo viên trường coi nhau
như người nhà, mình chat với chị cứ nói chuyện V. “Này, hôm nay mày làm sao thế?”
– bà chị chắc lấy làm lạ, hỏi. “Em không biết, nhưng cứ nghĩ đến V., nhà chị từ
sáng.” “Hôm nay là giỗ cô ấy đây!”
Đúng là thật kỳ lạ - đúng hôm
giỗ V. thì mình cứ băn khoăn về cô ấy… cứ thế cảm giác không yên tâm, xáo trộn
và giao động.
Câu chuyện “cảm ứng” thứ hai.
Đầu năm 2007, mình sang Trung
Quốc học thêm tiếng Hoa và tìm tài liệu cho luận án nghiên cứu sinh, có gặp một
Thày Tì kheo kém mình 9 tuổi, pháp danh là Thích Đ.L.. Thày xuất gia từ nhỏ, được
đi học Đại học khoa tiếng Trung và sang Trung Quốc thực tập theo chương trình
trao đổi sinh viên. Mình là Phật tử, nên gặp Thầy rất mừng. Thường pha trà uống,
đàm đạo với nhau hàng tối. Thày mở mắt cho mình nhìn thấy nhiều thứ. Kết thúc học
kỳ thày về nước, qua Hà Nội có nghỉ lại nhà mình vài ngày. Thày không phải nhà
tu hành đầu tiên đến chơi nhà, nhưng là người đầu tiên nghỉ lại nhà, lại còn
lên phòng thờ hàng ngày đọc kinh làm “thời khóa” cùng bà ngoại bọn trẻ con nhà
mình. Bây giờ giọng đọc kinh của Thày vang như chuông, vẫn văng vẳng trong đầu.
Ngược lại quá khứ, mình học chụp
ảnh từ thời cấp 2, nhưng chỉ khi ra trường Đại học đi làm, mới có điều kiện chụp
nhiều hơn. Đơn giản, chỉ là ghi lại những hình ảnh, mà trước đó hai cái
"máy ảnh mắt" đã chụp lại được. Đầu thập niên 2000 là thời gian bắt đầu
đọc sách Phật và càng ngày càng bị những lý lẽ triết học rất khoa học và logic
vô cùng của Phật pháp cuốn hút. Chùa Thày, Chùa Tây Phương là hai chùa mình hay
đến, chụp vài tấm ảnh và ngồi hàng giờ trong sân chùa, để ngẫm nghĩ những điều
đã đọc được trong sách.
Ni Sư Thích Đàm Thanh là người
mình gặp nhiều nhất, mỗi năm gặp vài lần, nhưng không phải lần nào mình cũng chụp
ảnh Cụ - chỉ hai lần, 2001 và 2005. Đến lần cuối cùng gặp Cụ là hè 2007 đó,
mình cùng ông bà ngoại bọn trẻ đưa Thày Thích Đ.L. lên Chùa chơi. Lần này đoàn ở
lại thọ trai cùng Cụ Đàm Thanh. Sau đó mình đi xa, mấy năm sau về, thì được biết
Cụ đã viên tịch được một thời gian rồi.
Sáng qua, ngày Rằm Tháng Bảy,
Vu Lan… cứ loay hoay nghĩ đến những người đã khuất, rồi không hiểu sao cứ nghĩ
đến Cụ Đàm Lan, nhưng ít thôi, nghĩ nhiều đến lần cuối cùng, bữa thọ trai cùng
Cụ có Thày Đ.L.. Nhớ Thày du học nước ngoài đã từ lâu không tin tức. Cứ lẩm cẩm
tìm lại ảnh cũ thì toàn ảnh phim chụp Cụ Đàm Lan mà không thấy ảnh chụp cả Cụ lẫn
Thày Đ.L. đâu. Viết vài dòng status, post ảnh lên Facebook với mấy câu thêm: “Những
ảnh chụp Thày Đ.L. và Cụ Đàm Thanh, dùng máy ảnh số nên không đưa vào đây.” Tag
một cô em học chung cùng mình và Thày Đ.L., cùng một Thày nữa nay đang du học ở
Hoa Kỳ thì cô em lên mạng mà comment: “Anh nhớ thày H. (tên thế tục của Thày Đ.L.)
không? Thày mất ở chùa mấy tháng trước rồi…”
Chat với một chú em “đạo hữu”
trong Vũng Tàu, chú em đặt câu hỏi, Thày Đ.L. vì đột quỵ mà mất, phải chăng
không được an lành, nhân Vu Lan mà “cảm ứng” cầu cứu anh làm cho Thày một việc
gì đó? Cũng có thể…
Hiệu lực cầu nguyện.
Nói chuyện với ông bà ngoại bọn
trẻ - ông bà sững sờ. Thày Đ.L. là người được ông bà rất quý, có lẽ là quý nhất
trong số các Thày có quan hệ với gia đình. Ông bà nhớ lại lần Thày về phép cũng
cách đây khoảng 5 năm, qua Hà Nội đến ngay nhà chơi, Thày được biết ông bà cùng
theo Pháp môn Tịnh Độ với Thày, nên về Nha Trang Thày gửi biếu sách Phật ngay
cho ông bà.
“Hay là suốt nửa tháng nay, từ
đầu tháng Bảy Âm lịch bà đã ròng rã đọc Kinh Lương Hoàng Sám và mấy hôm nay là
Kinh Vu Lan, mà Thày Đ.L. muốn thông qua con nhờ bà hồi hướng cho Thày được an
lành hơn nhỉ…” Mình băn khoăn. Bà ngoại bọn trẻ con trả lời, ngoài việc hồi hướng
cho tất cả chúng sinh, như tất cả các Thày và các Phật tử vẫn thường thường cầu
nguyện trong Tháng Vu Lan, bà có thêm một nguyện hồi hướng cho tất cả các Thày
vẫn làm đúng theo giáo pháp của Phật.
À, rất hy vọng là cầu nguyện của
bà có hiệu lực, và Thày không phải nhờ “người đưa tin” là mình để cầu cứu, mà
là để cảm ơn bà. Và nếu như vậy, thì có lẽ, Phật lực của bà cũng đã ở một đẳng
cấp nào đó rồi. Người tốt vô cùng, xuất phát đã có Tâm Bồ Tát, lại chăm chỉ
tinh tấn tu học mười mấy năm nay, chắc chắn phải có được một thành quả nào đó.
“Cảm ứng” của Thày không chỉ với mình, mà là chính với bà, người dành cho Thày
nhiều tình cảm nhất với tư cách là Phật tử dành cho nhà tu hành chân chính. “Cảm
ứng” này là một thể thống nhất, là một cái gì đó to tát hơn cái “linh cảm” thuần
túy của một cá nhân.
Xin nói thêm rằng, “linh cảm”
hầu như ai cũng có, chúng ta có để ý đến nó hay không mà thôi. Về chuyện cầu
nguyện có hiệu lực, nó có cơ sở khoa học của nó, chứ không hề mê tín, dị đoan,
nhưng mình sẽ viết vào một bài khác, khi suy nghĩ về điều đó thật chín muồi.
A-di-đà Phật!
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment