Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, February 3, 2016

“Kỵ sỹ” Putin có thúc được con ngựa kinh tế Nga phóng nước đại?

Tổng thống LB Nga Vladimir Putin
 đọc Thông điệp Liên bang năm 2015. Ảnh: Sputnik
Tháng đầu tiên của năm 2016 đến với nước Nga của V.Putin với chiếc bập bênh rất thiếu cân bằng với một bên là giá đôla lên đến gần 80 rub và bên kia là giá dầu chuẩn bị chạm ngưỡng 25 đôla một thùng. Rõ ràng với người đứng đầu đất nước Nga, đó là những tin không thể tồi hơn được nữa.

Lịch sử, người Nga đã từng nhiều lần bị dồn đến chân tường nhưng họ đều thoát ra ngoạn mục: năm 1918 khi các nước Đế quốc bao vây và “chống lưng” cho Bạch vệ trong nội chiến; năm 1941 tưởng như họ đã không thể ngăn được bước chân của quân đội Hítle đang tiến đến tường Kremli… Liệu lần này người Nga có lặp lại được những kỳ tích đó?

Giá dầu khó tăng, đồng rub trượt giá

Người ta nhắc nhiều đến tác động tiêu cực cho tất cả những nước xuất khẩu dầu trên thế giới chứ không riêng gì cho nước Nga, vì dầu mỏ chỉ chiếm có 70% tỷ trọng xuất khẩu trong khi có nhiều nước còn cao hơn nhiều có thể đạt mức 90% - có thể kể đến các nước như Iraq, Libya, Venezuela, Algeria hay Kuwait. Người ta cũng đã nói nhiều đến “tác động kép” của giá dầu thấp cùng lệnh trừng phạt của phương Tây áp dụng lên kinh tế Nga, nhưng người ta cũng chứng minh lệnh trừng phạt này có tác động chỉ chiếm khoảng 10% cho những khó khăn của kinh tế Nga. Thậm chí những lệnh trừng phạt này còn có tác động tích cực khi các doanh nghiệp Nga bị hạn chế tốc độ vay nợ.

Vậy những khó khăn đến với kinh tế Nga là do đâu? Có thể kể ra rất nhiều lý do, như các định chế tài chính của Nga không đủ hiệu lực để giảm tác động của giá dầu giảm thấp lên kinh tế so với của các nước xuất khẩu dầu khác, hay giá thành khai thác dầu thô của Nga cao hơn, đồng thời chất lượng dầu thấp hơn nên không được giá bằng…

Ngay trong tháng đầu năm 2016 này, giá dầu đã sụt đến 15%, đến hạ tuần thì có nhích trở lại do những điều chỉnh kích thích kinh tế của Liên minh Châu Âu, nhưng rất không đáng kể. Đà xuống của giá dầu trong suốt năm 2015 đã làm cho đồng rub là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi: so với đôla Mỹ nó đã mất 7% trong năm. Giá dầu chưa hề có hứa hẹn được cải thiện do sự tham gia vào thị trường của Iran… Khi những đánh giá cho rằng công nghiệp dầu đá phiến của Hoa Kỳ có thể bị phá sản hàng loạt các công ty vì thua lỗ, người ta cũng không dám tin chắc rằng nếu khu vực này đình đốn, thậm chí ngừng hoạt động thì giá dầu có tăng trở lại hay không. Hiện nay tốc độ khai thác của OPEC đã là quá lớn so với cung, thì nước Mỹ hoàn toàn có thể lại chuyển hướng sang đẩy mạnh nhập khẩu dầu với giá rẻ, đến khi giá dầu tăng trở lại họ lại tái khởi động dầu đá phiến…

Rõ ràng luật chơi của thị trường dầu thế giới không nằm trong tay những ông chủ điện Kremli, trước nay họ vẫn có tiếng là “cường quốc năng lượng của thế giới.” Liệu có hy vọng gì vào sự tăng lên của giá dầu? Giá dầu thấp làm ngay cả những nước OPEC cũng rất mệt mỏi – ông Abdalla El-Badri tổng thư ký OPEC đã kêu gọi một sự nỗ lực cả trong lẫn ngoài nhóm để vực lại giá dầu. Cho đến nay Nga và Saudi Arabia là hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nên nếu hai “ông lớn” này bắt tay được với nhau để thỏa thuận được việc khống chế lượng khai thác, thì hoàn toàn có thể ít nhiều tác động được giá dầu. Nhưng trước các nhà báo, ngày 27/1/2016 ông D.Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin cho biết mặc dù hoạt động tham vấn giữa các nước xuất khẩu dầu vẫn được duy trì thường xuyên, nhưng vẫn chưa có được một thỏa thuận nào về khống chế sản lượng đầu ra. Lời giải vẫn nằm ở “giải pháp chính trị cho Syria” – khi mà Riyadh cương quyết “Bashar Al-Assad phải ra đi” còn Moscow thì vẫn bảo vệ người bạn đồng minh này bằng bất kỳ giá nào. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết vào thứ Ba (26/1) tại Moscow rằng Nga sẽ có thể tiếp tục duy trì sản xuất thậm chí ở mức giá hiện tại. Dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ phục hồi trong năm nay là chưa có.

Không còn nghi ngờ về mối quan hệ chặt chẽ giữa giá dầu mỏ với tỷ giá đồng Rub Nga, người ta sẽ đổ dồn mọi cặp mắt vào nhất cử nhất động của Ngân hàng trung ương Nga. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina cho biết mặc dù từ cuối năm 2014 đến nay các Ngân hàng Nga đã không được bán ngoại tệ và đồng Rub được thả nổi, nhưng Ngân hàng trung ương Nga luôn luôn sẵn sàng can thiệp vào tình hình. Nước Nga bước sang năm 2016 với thông báo cắt giảm chi tiêu ngân sách càng cho thấy một chính sách “thắt lưng buộc bụng” đến mức khắc khổ với hầu bao ngoại tệ của đất nước. Điều này cho thấy phải chăng đang có một sự lo sợ cho dự trữ ngoại tệ của nước Nga khi mà trước mắt những người lãnh đạo đất nước chưa thấy được một khả năng chắc chắn để thoát khỏi khủng hoảng. Năm 2015, tổng sản phẩm trong nước đã giảm 3,7% (tăng trưởng 0,6% trong năm 2014;) người tiêu dùng Nga đang thiệt thòi nặng nề, trong tháng 12/2015 doanh số bán lẻ giảm 15,3% so với một năm trước đó; tiền lương được điều chỉnh bù lạm phát đến 10% cùng những tác động tiêu cực từ lệnh cấm vận áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ (do vụ nước này bắn rơi máy bay SU-24 cuối năm ngoái…) tất cả đang gây áp lực có thể dẫn đến làn sóng lạm phát mới bất cứ lúc nào.

Có cắt được “cơn nghiện dầu”?

Tại Diễn đàn quốc tế Gaidar năm nay, ông D.Medvedev đã khẳng định những khó khăn của kinh tế Nga và cho rằng nước này cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, tuy nhiên ông vẫn cho rằng cùng với giá dầu thấp và đồng rub trượt giá, đó lại là những cơ hội cho nền kinh tế Nga. Chỉ cần những kiến thức kinh tế sơ đẳng cũng có thể biết rằng việc duy trì một đồng tiền nội tệ yếu là biện pháp kích thích xuất khẩu, nhất là mới đây Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất đồng đôla, điều đó càng có lợi cho nước Nga – miễn là họ có thể chuyển đổi thành công cơ cấu sản xuất – xuất khẩu của mình.

Trong Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng 01-2016, Tổng thống V. Putin cho biết mặc dù tổng kim ngạch giảm, nhưng xuất khẩu vẫn vượt nhập khẩu 126,3 tỷ đôla Mỹ - đây là minh chứng rõ nhất cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế là lựa chọn đúng đắn. Ông Putin mặc dù thận trọng, nhưng cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về kinh tế Nga, vì nếu tính chi li ra thì liên tục trong hai quý 2 và quý 3 năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội giảm 4,1 và 4,6%; nhưng riêng trong quý 4 chỉ giảm có 3,8% - theo báo cáo của Bộ trưởng kinh tế Nga Alexei Ulyukayev trong một cuộc họp với V.Putin vào hôm 26/1/2016. Nền kinh tế Nga đã bắt đầu thích nghi được với giá dầu thấp và biến động tỷ giá.


Giá dầu thấp – làm cho những người lãnh đạo đất nước hiểu rõ rằng nền kinh tế cần được “cắt cơn nghiện dầu,” giảm phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng càng nhiều càng tốt. Lệnh trừng phạt – khó vay vốn nhưng lại giúp cho doanh nghiệp trong nước buộc phải xoay xở trong khó khăn mà giảm thiểu được việc bị cuốn vào cơn lốc vay mượn không ngừng nghỉ trước đây, hơn thế nó hạn chế tác động tiêu cực của mối tương quan đồng Rub trượt giá và sự phụ thuộc hàng hóa nhập khẩu. Đồng Rub yếu dẫn đến lạm phát, nhưng lại giúp cho các nhà xuất khẩu trong nước có lợi hơn khi thu ngoại tệ về… Vấn đề là liệu nền kinh tế Nga có “chuyển hướng” được hay không – để hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của những ngành kinh tế tiềm năng khác như nông nghiệp và máy công cụ… Chúng ta cần nhớ rằng nền kinh tế Nga đã nhanh chóng trở nên “nghiện dầu” – năm 2001 khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, dầu chiếm 30% thu ngân sách Liên bang, thì đến năm 2015 con số này là 44%. Nền kinh tế nước này chắc sẽ còn suy giảm thêm một năm 2016 này nữa, rồi có thể sẽ có những thay đổi nhiều khả năng là theo hướng tích cực.

Song song với những biện pháp về kinh tế, chắc chắn nước Nga của Putin sẽ phải tiếp tục tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng Ukraine để từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ phương Tây. Một giải pháp chính trị Syria và giá dầu, những nỗ lực ở Ukraine và lệnh trừng phạt, đều trong tầm tay Putin. Do đó trong thời gian sắp tới, ông Putin có thể sẽ có những bước đi tác động lên tình hình Syria cũng như Ukraine.

Ngạn ngữ Nga có câu “Người Nga đóng ngựa thì lâu nhưng phi ngựa thì rất nhanh.” Liệu những người đang lèo lái nền kinh tế Nga đã có hẳn gần 2 năm để “đóng ngựa” có thúc được con ngựa kinh tế Nga phóng nước đại hay không, câu trả lời còn đang ở phía trước.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment