Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, February 2, 2016

Chàng ngốc, ông linh mục và bà cụ non

Chuyện chàng ngốc

Cô bạn của mình tổ chức một hội các con có cha mẹ đi kèm, trèo lên hai cái xe ô tô to đùng đi thăm giáo xứ Bùi Chu. Em bé Nhi Bôn phải ở nhà để theo mẹ đến trường họp phụ huynh cho cả hai anh em nhân kết thúc học kỳ một, còn anh Nhi Bá thì được đi với ba. Cũng vì mẹ không muốn em đi quá xa như thế, em bi say xe, còn anh thì đi chơi quen rồi, chẳng sao cả.

Chương trình có thăm Cô Nhi Viện Thánh An ngay cạnh nhà thờ Bùi Chu, do đó ở nhà bà ngoại mua cho Nhi Bá một gói kẹo mang theo, ba thì gợi ý Nhi Bá xin lại mẹ tiền mừng tuổi nhờ mẹ giữ từ năm trước, 100 nghìn đồng để đi đóng góp cho các em.

Tối hôm trước phải đi ngủ thật sớm, để hôm sau dậy từ 4 giờ. Đang mắc màn thì Nhi Bá bỗng hỏi: “Có nhất thiết phải đi từ thiện không hả ba?” “Con không nhất thiết phải đi đâu cả. Nếu con cảm thấy đi chơi mà không thoải mái thì con có thể ở nhà, mai ba cho em Nhi Bôn đi cùng với ba.” Nhi Bá ngồi thừ người ra. Lúc sau bạn ấy ra đánh răng thì gặp bà ngoại và mẹ, cứ thấy xì xào gì đó ở ngoài, hóa ra cậu buồn quá, khóc lóc kể lể với mẹ và bà, đến là thương.

Lúc sau lại quay vào, mình vẫn nghiêm nghị. “Ba đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện để cho con cùng tham gia, đi lên tận miền núi mang đồ dùng học tập, rồi cả đồ chơi to như đu quay, bập bênh… lên cho các em. Làm như thế để con thấy cuộc sống có ý nghĩa, con còn thấy nhiều hoàn cảnh vất vả hơn của mình, để học tập. Lần này cô Bình bạn ba cũng mất rất nhiều công để tổ chức chuyến đi cho các con, mà con lại hỏi “có nhất thiết hay không nhất thiết” ba không rõ con muốn hỏi ý gì… còn nếu hiểu đúng câu đó thì là rất vô ơn đấy.” Nhi Bá sụt sịt – “Con chỉ hỏi thôi ạ…” “Đây là một bài học cho con, con có thể không suy nghĩ kỹ đã hỏi, lần sau con nhớ, trước khi nói bất cứ câu nào, hỏi cái gì, cũng phải suy nghĩ thật kỹ trước đó, con nhớ chưa?” “Vâng con nhớ rồi ạ.” “Bây giờ con ngủ đi, mai còn dậy sớm.”

Rõ ràng anh cu này còn rất ngốc nghếch, nó chỉ được cái tốt bụng, hồ hởi… nhưng còn nhiều ngờ nghệch lắm.

Ông linh mục

Chuyến đi thú vị cho cả người lớn – như mình bây giờ mới biết Bùi Chu và Phát Diệm là hai xứ đạo Thiên Chúa riêng biệt, chứ không phải là một. Thế mà trước đây đọc trong sách, thì cứ nghĩ hai chỗ này là một chứ. Thăm nhà thờ Bùi Chu, rất cổ kính, bằng gỗ. Bên cạnh có Đại Chủng Viện, đại khái như học viện dạy giáo lý cho các vị linh mục. Cô Bình cùng một cô nữa là giáo dân, dẫn đoàn cả trẻ con người lớn đi vòng quanh xem, tò mò nghiêng ngó, cái gì cũng hay, cũng thích. Lại có nhiều điều bổ ích, khi mình nhắc nhỏ cô Bình là đề nghị mọi người trong đoàn bỏ mũ khi vào nhà thờ – điều này các bé không biết, mà có cả một số bố mẹ trong đoàn cũng chưa để tâm.

“Để làm gì hả ba?” “Mình dù không theo Công Giáo mà theo Phật, nhưng đã vào Thánh đường, nhà thờ, vào đình chùa… đều phải bỏ mũ. Đó là thể hiện sự tôn trọng đối với tín ngưỡng, và chính là lòng tự trọng của mình con ạ.”

Các bạn nhỏ rất ấn tượng khi thăm Cô Nhi Viện, khi chứng kiến quá nhiều em nhỏ xíu đã không được ở với bố mẹ, mà ở “tập thể.”

Một lễ sinh nhật đang được tổ chức, các bạn trong đoàn vui vẻ tham gia hát bài “Chúc mừng sinh nhật.” Ai cũng có quyền đầy đủ một khi được sinh ra hít thở khí trời, và ai cũng có quyền được chăm sóc, được học hành. Không phải ai cũng được sinh ra với điều kiện đầy đủ, nhất là một gia đình êm ấm. Và chúng ta có nghĩa vụ bù đắp lại cho họ những thiệt thòi đó, ít cũng được, còn hơn không. Chú Tùng cho bạn Pi đi cùng Nhi Bá, nói với Pi, như nói với tất cả các bạn: “Đến thăm các em, các con sẽ thấy mình sướng như thế nào.”

Một lễ tang cũng đang được tổ chức trong nhà thờ, chú Tùng theo Công giáo giải thích đó là làm “phép xác.” Bà cụ tật nguyền, vô gia cư, hầu như không có họ hàng đã sống trong Cô Nhi Viện từ rất lâu – từ khi cụ còn khỏe còn giúp việc được cho đến khi phải được chăm sóc, mất chiều qua. Ông linh mục cùng tất cả, tổ chức cho bà cụ một lễ tang chu đáo. Nhìn ông ân cần, hiền hậu đứng đón linh cữu bà cụ đưa ra, thật cảm động. Cái duyên của con người không cần máu mủ, khi đã đưa đến với nhau thì tình thương yêu đã xóa nhòa mọi khoảng cách.

Một sự đến, một sự ra đi, cuộc sống luôn luôn là như vậy, là dòng chảy không ngừng, bất tận. Tình thương là điều cần thiết được rải đều khắp dòng chảy của cuộc sống, làm cho nó thành dòng nước ấm áp, hiền hòa. Thiếu tình thương, dòng chảy đó sẽ là dòng thác lũ có thể cuốn phăng bất kỳ ai.

Bạn Bôn Ba Nhi Bá băn khoăn lắm. Bạn ấy có tiền mang theo, định đóng cho cô Bình nhưng cô dặn để lại, mang vào Cô Nhi Viện để đóng góp. Bạn ấy đã cho tiền vào một cái phong bì, dán lại rồi mượn bút của ba, hì hục viết ra ngoài “Của anh em Bôn Ba Nhi Bá dấu cộng Bá Ba Nhi Bôn gửi các em Cô Nhi Viện” bằng một nét chữ nguềnh ngoàng, đúng con gà bới.

“Làm sao bây giờ hả ba? Con đưa cho ai được?” “Tùy con, con có thể bỏ vào các thùng quyên góp bằng kính có cái khe ở trên, treo ngoài hành lang Cô Nhi Viện kia. Hoặc nếu con thích gặp ông linh mục, thì con chờ ông làm lễ xong rồi gặp, lúc đó con đưa một thể cũng được.” Thế là Nhi Bá kiên nhẫn chờ… mãi đến gần trưa, thấy ông ra mình nhắc – anh chàng ngay lập tức ba chân bốn cẳng chạy lại, nói gì đó và hai tay đưa cái phong bì. Ông linh mục phúc hậu, hồng hào, tóc bạc trắng trong cái áo lễ màu tím, hai tay áo trắng thật đẹp, bắt tay Nhi Bá. Ông nở nụ cười tươi, và hai ông cháu nói gì với nhau, rồi nhìn về phía mình đang giương máy ảnh…

… ông dẫn Nhi Bá đi lại phía mình. “Con trai của ông phải không ạ?” “Vâng, con trai của con Cha ạ.” “Cháu ngoan và bạo dạn lắm. Xin cảm ơn hai bố con ông!” Một cái bắt tay, bàn tay ông dày, khô và ấm, đem lại sự tin cậy từ một người có 50 năm làm linh mục…

“Lúc gặp ông linh mục, con thấy thế nào?” “Con thấy vui ba ạ.” “Đúng rồi, con ngoan, làm được việc tốt thì ông linh mục vui và chào đón con, từ đó con sẽ cảm nhận được tình cảm đó của ông, như người ta thường nói có cái phước hay phúc của người khác truyền cho mình, mình có thể thấy cảm động, vui mừng. Xuất phát từ một việc làm tốt, đó là con đóng góp chút tiền bé tí của con cho các em, nhưng với ông linh mục và tất cả những người tốt khác, chuyện nhiều ít không quan trọng. Người ta sẽ thấy, đấy, đến một chú bé như con còn làm được như vậy, thì những người lớn còn phải làm được nhiều hơn chứ. Từ đó con sẽ thấy ý nghĩa việc làm của mình, và thấy hạnh phúc. Con thấy không, hạnh phúc được đem lại từ sự cho đi, chứ không phải vơ vào thật nhiều cho mình. Chú Mark Zuckerberg là chủ mạng Facebook đã cho đi 99% tài sản khi vợ sinh con gái, chú ấy muốn giành cho con mình một niềm vui lớn nhất của cuộc đời, là sự cho đi. Nhiều người sẽ thấy thế là điên, hay dại dột, nhưng thực ra không hẳn như thế. Chú ấy đã giành cho con gái mình hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời, đó là cái phúc của sẽ được trở lại cho chú ấy và cô bé con từ cuộc đời.”

“Lạ nhỉ, tại sao cho tất cả đi như thế lại là hạnh phúc…” trong cuộc đời, có những điều rất cần thiết: một việc làm, một gia đình, một mái nhà… và như thế là đủ. Có nhiều hơn mức cần thiết cái gì, thì thêm phiền lòng cái đó. Nhưng mấy ai đã có đủ dũng khí từ chối khi cơ hội đem thêm đến cho mình nhiều hơn cái mình cần. Lại sẽ có nhiều suy nghĩ, rằng tôi cứ vơ thêm vào đi đã, phải có nhiều rồi thì mới cho đi được chứ, nhưng rốt cuộc thì cuộc đời cứ chờ mãi, mà chẳng thấy lúc nào họ thực hiện cả. Chết đi, chắc chắn chúng ta chẳng vác được theo những thứ thừa thãi đó. Và ai cũng có thể chết bất cứ lúc nào, do đó hãy biết hơi thở này, những bước đi này, những dòng tâm sự này… đem lại niềm vui, ích lợi, suy nghĩ đúng đắn cho cuộc đời. Làm ngay đi bạn!

Bà cụ non

Hôm sau trong bữa cơm chiều, tự dưng cô bé Bá Ba Nhi Bôn nói với ba: “Con dặn ba này. Lần sau ba đừng mắng anh Nhi Bá nhé, ba chỉ cần nhắc nhở thôi. Ba mắng sẽ mất nhiều thời gian, còn nhắc thì mất ít thời gian hơn, ba đồng ý không?” Mình thừ người, rồi nói “Ba đồng ý với con.” Anh Nhi Bá thì tròn mắt nghe, không kịp phản ứng, còn mẹ của “bà cụ non” thì đứng sau lưng “bà ta,” cười cười, lè lưỡi với mình.

“Bà cụ non” biết thóp, là mình chỉ dọa anh trai cô ta một tí thôi, rồi thì chắc chắn anh bạn đó vẫn phải đi ngủ sớm để mà lên đường chứ. Và “hắn” còn nhắc mình, là mình đã quá nghiêm với anh của “hắn.” Phải chăng mình đã “nâng cao quan điểm” quá rồi?

Hôm sau. “Nhi Bá này, có thể con không có ý gì khi hỏi ba câu hôm trước, vì thế ba cũng chỉ muốn nhắc con là cân nhắc kỹ trước khi nói thôi, chứ không có gì cả con nhé!” “Vâng ạ.”

Thế đấy, đi quá nửa cuộc đời rồi còn đầy bài học, và lần này được cái “bà cụ non” kia nó dạy…


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment