Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, February 12, 2016

Nhà văn bất đắc dĩ


Anh bạn Bôn Ba Nhi Bá lâu nay thích làm nhà sử học, say mê nghiên cứu các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử, nhớ vanh vách ngày sinh tháng mất, các sự kiện… Thế nào bẵng đi một dạo, chuyển sang thích sau này sẽ làm nhà văn. Học bài cũng chỉ nhăm nhăm học cho nhanh rồi còn ôm quyển sách.

Một ngày mình bắt gặp câu chuyện trên báo mạng, và cả trên mạng xã hội người ta nói cũng nhiều…

“Nhi Bá này, nếu như giao cho con một đề văn, con sẽ kể lại câu chuyện. Ở thành phố Sài Gòn hiện nay có một số nơi chia sẻ bánh mì từ thiện với tấm bảng “Bánh mì từ thiện, mỗi người một ổ” nhưng lại có một số người lấy nhiều hơn một ổ. Đấy, con kể đi.”

Nhi Bá tròn xoe mắt. “Tại sao lại lấy nhiều hơn nhỉ… như thế là tham lam phải không ba?” “Có thể đúng, nhưng cũng có thể không đúng. Con nghĩ kỹ thử xem…”

Nghe chừng có vẻ nghĩ không ra, Nhi Bá đề nghị: “Ba kể thử cho con nghe xem nào…”

Lần ấy đi công tác trong Sài Gòn, nhỡ độ đường, ví để quên ở khách sạn nên trong người không còn đủ tiền mua bữa cơm trưa. Chợt nhìn thấy bên vỉa hè một tủ kính sạch sẽ, để đầy bánh mì còn nóng hổi, có kẹp cả nhân thịt với tấm bảng “Bánh mì từ thiện, mỗi người một ổ” vừa muốn lấy ăn, vừa ngại ngần. Mình hoàn toàn không nghèo khó đến mức phải đi nhận đồ từ thiện, đồ đó nên dành cho những người nghèo khó thực sự thì tốt hơn. Nhưng thật là đói quá rồi, để quá bữa cơn đau dạ dày nó hành, thì về nhà mua thuốc uống cũng tốn kém bằng mấy. Đành lấy một ổ ăn vậy, lúc đói ổ bánh mình nho nhỏ, không to, sao mà nó ngon thế. Lại chợt bắt gặp một số ánh mắt thiếu thiện cảm nhìn vào một người phụ nữ ăn mặc lam lũ, chừng như người bán hàng rong hay nhặt đồ đồng nát gì đó, lấy một ổ; rồi ngần ngừ, rụt rè, thò tay lấy thêm ổ nữa. Chị ta vội vàng đi, vẫn mang theo những ánh mắt như đốt cháy sau lưng…

Lặng lẽ đi theo chị phụ nữ, chị đi nhanh như chạy, đến góc đường, chị quẹo phải rồi tiếp tục đi nhanh đến một vườn hoa. Ngồi thụp xuống băng ghế đá dưới gốc cây, chị nở nụ cười héo hắt với một chú bé vóc người rất nhỏ, gầy gò, ăn mặc tuy xoàng xĩnh nhưng khá sạch sẽ. Một chút bé có khuôn mặt khôi ngô, nhưng lại cụt hai chân với chiếc xe lăn cũ kỹ như của ai đó thải cho. Ôm trước bụng cái khay vé số, chú bé đang ngồi nghỉ, chắc hẳn chờ mẹ đi mua bữa trưa về.

“Ăn đi con, bánh mì mới đấy. Người ta phát từ thiện, má sợ đưa con quay lại lấy không kịp, không còn bánh nữa, nên má lấy luôn cho con…”

Nhìn hai mẹ con ngồi ăn bữa trưa, nước mắt tôi trào ra…

“Đấy, nếu viết lại câu chuyện, ba sẽ viết như thế con ạ. Không phải bất cứ điều gì ta nhìn thấy, cũng ngay lập tức gắn cho nó một cái nhãn hiệu xấu xí – không nên quy kết mà chưa biết rõ ngọn ngành. Khi quan sát, ngẫm nghĩ kỹ, nhất là với cái nhìn thông cảm, chúng ta sẽ thấy cuộc sống nó muôn màu và đáng yêu như thế nào.”

Nhi Bá nghĩ ngợi, rồi nói: “Đúng nhỉ ba nhỉ. Nếu cô ấy đi đón con mà quay lại, thì chắc không còn bánh đâu. Có thể viết truyện thành con lấy hai bánh, một cho mình, một cho mẹ…”


“Ừ cũng được, như nhau cả thôi. Điều ba muốn nói thêm là, ba đọc trên mạng xã hội bạn của ba nói, những người tổ chức phát bánh mì từ thiện đó, còn cố gắng đứng canh để ngăn không cho người khác lấy nhiều hơn một ổ. Thực ra người có chút lòng tham, không phải không có, làm như thế để đảm bảo công bằng, chẳng nhẽ bê luôn cả thùng mang về nhà à? Đó là điều vừa cần thiết, nhưng ba đã chứng kiến ở một số nơi, cả nước mình lẫn nước ngoài, người ta tổ chức các hoạt động từ thiện kiểu này còn khuyến khích người khác lấy thật nhiều.”

“Tại sao lạ thế hả ba?”

“Không có gì lạ cả. Họ quan niệm là người ta lấy nhiều như giúp đỡ những người tổ chức đưa đồ ăn đến cho những người không đi được một cách dễ dàng hơn. Thậm chí họ còn không quan tâm đến việc người ta lấy đi mà sử dụng chúng như thế nào… vì đã nhận những thứ đó không nhẽ đem vứt đi? Họ còn vui khi những đồ từ thiện được người nhận về đem bán lại – đó cũng là một cách giúp đỡ những người khó khăn, không sử dụng hiệu quả bán lại và đem tiền đó đi mua cái khác, cũng tốt. Đã làm từ thiện, đã cho đi là không quan tâm đến tư cách của người khác nữa, mà chỉ cố gắng làm thế nào cho hiệu quả của nó lan tỏa rộng nhất. Thế bây giờ con có định viết lại câu chuyện không?”

“Dạ thôi ba ạ, con không định làm nhà văn nữa, con lại muốn làm nhà sử học…”

Hừ cái anh cu này, rõ là chán!

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây   

No comments:

Post a Comment