Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, March 21, 2016

Thi bơi hay chạy trường?

Từ câu chuyện ở bể bơi

Tôi tự dạy bơi cho con, vừa kết hợp kinh nghiệm lẫn học hỏi thêm trên internet, đặc biệt là tham khảo một số giáo trình bằng tiếng Anh. Có thể nói để nâng cao thành tích như một động viên thi đấu thì ngoài tầm, nhưng để uốn nắn đúng kỹ thuật bơi thể thao thì cũng có thể nói là tàm tạm. Mùa lạnh này vẫn đều đặn đưa con ra bể bơi tuần ba buổi.

Khi đã quen quen với những gương mặt ông bố bà mẹ cũng thường xuyên đưa con đi bơi, thì cũng là lúc nảy ra những câu chuyện bất ngờ. Hầu hết các gia đình có con bơi thuộc hàng khá, thì tập với tần suất cao hơn con nhà tôi nhiều, từ 6 đến 7 buổi một tuần, và mỗi buổi có cháu cá biệt tập đến 3 giờ. Một lần, có bà mẹ trẻ ra hỏi tôi có phải huấn luyện viên chuyên nghiệp không… khi hỏi lại có việc gì, thì cô ta ngập ngừng rồi thú thật, là đang tìm “cửa chạy” giải bơi cấp thành phố cho con đang học lớp 5 (bằng đúng con tôi.)

Nhiều người cũng tưởng tôi kèm con riết như vậy thì chắc chuẩn bị cho đi thi đấu. Đúng cuối tháng này (3/2016) có giải bơi các nhóm tuổi dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở thật. Dịp đầu năm đến tháng 5 hàng năm cũng là thời gian các Hội khỏe Phù Đổng từ cấp quận huyện cho đến cấp thành phố được tổ chức, mở ra một cuộc chạy đua cho các gia đình để đưa con đi “kiếm giải.”

Đến cuộc chạy đua kiếm giải

Năm kia khi gặp một cô bạn, thấy cô ta khoe “hai cháu nhà em ô-kê rồi, ngon rồi, yên tâm rồi. Cả hai cháu đều có giải cờ vua của thành phố…” Tôi khen cô nuôi được con tài giỏi thế, cô ta cười có vẻ bí hiểm. Sau này có người bạn chung cho biết, cô ấy tìm được cửa “mua chứng chỉ.” Hóa ra từ lâu đã hình thành một “thị trường trường” ngầm không kém phần sôi động so với các giải thi đấu. Từ khi chủ trương bỏ thi vào lớp Sáu ra đời, các trường buộc phải xét hồ sơ thay vào đó, mọi tiêu chí gần như không rõ ràng như thời tổ chức kỳ thi tuyển, nên cái tiêu chuẩn được xét tuyển thẳng nếu như có giải thành phố các môn thể thao hoặc văn nghệ, được các gia đình quan tâm hẳn lên.

Tôi không mấy quan tâm đến những giải thi đấu đó, ví dụ như giải bơi – một giải có khoảng vài chục nội dung cho các kiểu bơi và các cự ly khác nhau, có thể đến cả nghìn cháu tham gia mà chỉ có ba vị trí nhất nhì ba cho mỗi nội dung, như vậy chỉ có vài chục giải. Nếu cho con đi thi đấu cho vui, cọ xát thì được, chứ mong được giải thì ít hy vọng.

Khi trao đổi với bác T. chủ tịch hội bơi người cao tuổi thành phố, bác ấy kể từ khi giải bơi học sinh được chuyển từ Sở này sang Sở khác tổ chức, tình hình có được cải thiện. Tuy thế chính bác cũng là người “bị” tiếp cận nhiều để “đặt vấn đề” kiếm chứng chỉ cho con. Nếu tìm hiểu, thì chỉ cần lên mạng internet có không biết bao ý kiến phàn nàn về những tiêu cực trong các giải thi đấu, đặc biệt là giải bơi học sinh trong một số năm gần đây – nào là có cháu không đi thi đấu cũng có giải; cháu thì về nhất chẳng có giải nào, thậm chí không có tên trong danh sách thi đấu chỉ đến khi bố mẹ cháu đem video quay có cháu thi đấu đàng hoàng thì ban tổ chức mới té ngửa… thậm chí có cháu vô địch nhưng vẫn… chưa biết bơi.

Liệu những giải khác như múa, hát, cờ vua… có tình trạng đó không?

Và cuộc chạy đua vào lớp đầu cấp

Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật – là nhu cầu “loại” bớt hồ sơ nhập học đầu cấp của các trường cấp trung học cơ sở là có thật. Với các trường trung học phổ thông, nếu có giải thi đấu, các cháu cũng được cộng điểm – do đó chắc chắn “thị trường ngầm” cũng cực kỳ sôi động. Bỏ thi tuyển vào lớp Sáu, đương nhiên các trường vẫn phải xét tuyển hồ sơ và “cái khó ló cái khôn,” các gia đình tìm được một con đường “chắc ăn” là kiếm giải.

Trên thực tế thì giáo dục của chúng ta đang nằm trên một cái nền không quá chênh lệch vì bây giờ trường nào chẳng phấn đấu đạt chuẩn nọ chuẩn kia – có nhóm trường ngoài công lập với mức học phí cao hẳn lên thì lại nhằm vào nhóm đối tượng khách hàng ở mức thu nhập khác, chứ không hẳn khác nhau về chất lượng dạy học. Điều đó cũng có nghĩa là quá trình chạy đua vào các trường, hầu hết xuất phát từ “tin đồn” – thời trước thì miệng truyền miệng và thời nay thì từ các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội. Không hề có một thước đo nào cho sự hơn, kém nhau của trường này so với trường khác trong cùng một thành phố, cuối cùng thì hóa ra trường nào cũng “tốt” cả, chẳng qua là các ông bố bà mẹ thấy thích trường này hơn trường khác mà thôi.


Rất ít ông bố bà mẹ đủ dũng cảm cùng con chọn một “trường làng” gần nhà, mà vẫn cứ phải gồng lên để “chạy” vào một trường nào đó có khi xa tít tận đầu kia thành phố, chỉ vì “bố hoặc mẹ nghe họ nói trường đó tốt.” Chúng ta cứ thử tự vấn bản thân xem nếu con chúng ta chúng nó thừa biết nó không biết bơi, hoặc bơi ở một tầm “xóa mù” nhưng lại có giải thi đấu, được tuyển thẳng vào lớp Sáu, thì liệu cháu có lớn lên thẳng thắn như một cái cây lành mạnh, chứ không cong queo? Liệu sau này cháu trưởng thành nhìn lại, có còn tán thành cách “vạch con đường” cho mình của bố mẹ mình như thế?

Con tôi bơi rất giỏi, chắc chắn nếu đi thi đấu cũng có thể chơi ngang ngửa một cách sòng phẳng và thượng võ với bất kỳ cháu nào – nhưng đi thi để kiếm giải đã là một cái gợn; đi thi để vấp vào những tiêu cực không vui, chỗ này chỗ khác, chỗ nhiều chỗ ít… đều có thể có; thì đó không phải lựa chọn của gia đình tôi.

Đường đời của con cái chúng ta là một con đường dài, rất dài và cũng rất nhiều trở ngại – và không phải trở ngại nào cũng có thể dùng láu cá để vượt qua.    

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment