Bà Triệu cưỡi voi đi đánh giặc Ngô |
Đánh giặc Ngô [1] thì đã có Bà Triệu
cưỡi cá kình, đạp làn sóng dữ… Câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”
không khéo ra đời từ thời Bà Triệu không biết chừng. Câu tục ngữ nói về cái sự “khủng
khiếp” của quan hệ chị dâu – em gái chồng, khi ông chồng có một cô em (hay bà
chị) chưa lập gia đình, suốt ngày ne nét, soi mói…
Kể cũng phải thôi, đang coi
ông anh, ông em là của riêng trong gia đình, bây giờ tự dưng lại chia sẻ tình cảm
với một “con mụ cha căng chú kiết” nào đó, mà có khi “nó” kém mình đủ mọi
phương diện, từ tuổi tác, học hành, địa vị… Đã thế “nó” còn về ở nhà mình, bắt
nạt anh mình phải hầu “nó” từng li từng tí...
Mẹ mình có một cô bạn thân, cô
ấy không lập gia đình, sống với bố mẹ đến khi mẹ cô mất, cô tiếp tục chăm sóc bố
cho đến khi cụ ra đi ở tuổi gần 100. Các cháu đến với ngôi nhà của cô, cũng là “về
nhà ông,” cũng được chăm sóc cực kỳ chu đáo và yêu thương. Mình chứng kiến từ
khi các gia đình nhỏ trong đại gia đình nhà cô còn sống chung, cho đến khi ra ở
riêng hết, tất cả đều rất yêu thương lẫn nhau. Đặc biệt bọn cháu cô chỉ gọi cô
là mẹ – “mẹ Huyền” rất trìu mến. Là cô giáo, ngoài chăm sóc thông thường miếng cơm
manh áo, cô còn là gia sư cho tất cả chúng nó. Câu “Giặc bên Ngô” sai bét với
trường hợp này.
Bây giờ thì mình đã gặp nhiều “bà
cô bên chồng” phúc hậu như “mẹ Huyền” ấy rồi.
Bôn Ba Nhi Bá ngày càng lớn, từ
đầu năm đến giờ cậu cao hẳn lên, các vấn đề của cậu ta cũng khác, lớn hơn trước
nhiều. Buổi tối khi cả nhà đang ăn cơm, thì điện thoại của ba đổ chuông. Một giọng
là lạ, trẻ con nhưng không rõ con trai hay con gái gọi đến: “Bác cho cháu gặp bạn
Nhi Bá…” “Cháu tên là gì?” “Cháu tên là Thùy Linh ạ!”
Nhi Bá cầm điện thoại ra ngoài
phòng khách tối om, ngồi một mình nói chuyện thì thào. Bạn Bá Ba Nhi Bôn thấy vậy,
leo tót từ trên ghế xuống, te tái chạy ra, chắc là để nghe lỏm chuyện của anh.
Ông ngoại cười mà rằng: “Cái vụ “bà cô” này là phức tạp lắm đây!”
Thấy Nhi Bôn lấp ló cái mông
cong ở cửa phòng khách, ba gọi vào. “Con ngồi lên ghế ăn cơm tiếp đi nào, và
nghe ba nói này. Thứ nhất, đang ăn cơm không bỏ dở chạy đi chỗ khác như thế,
anh Nhi Bá vì có điện thoại nên mới thế, chứ con có việc gì đâu. Thứ hai, là điện
thoại bạn anh gọi đến, anh nói chuyện riêng của anh, con phải tế nhị để anh nói
chứ, sao lại ra đứng nghe chuyện làm anh mất tự nhiên như thế!” Cô bé cười híp
cặp mắt một mí, mồm loe ra xấu tệ :p
Cuộc đời thật không biết thế
nào – họ hàng bạn bè nhiều khi cứ sôi lên là “Cái thằng / cái con bé đẹp đẽ giỏi
giang là thế, mà lại đi rước cái “của nợ” ăn tàn phá hại, đã thế lại còn xấu ma
chê quỷ hờn ấy về…” Tất cả đều là nhân quả, duyên nợ từ bao giờ rồi. Nếu biết
yêu thương, quý trọng nhau thì tất cả đều tốt đẹp cả. Tuổi trẻ có hạn, sức lực
có hạn, cuộc đời cũng rất hữu hạn… không ai công đâu suốt ngày đập đi xây lại.
Con gái của ba, ba mẹ chỉ mong
các con sau này tiếp tục yêu thương nhau vào yêu thương cả người bạn đời của
nhau, mãi mãi là anh em một nhà. Dù gì chăng nữa, cũng đừng bao giờ làm “giặc
bên Ngô” con nhé!
[1] Nhà Đông Ngô của Tôn Quyền
thời Tam Quốc, đô hộ nước ta khoảng năm 200 sau Công nguyên. Bà Triệu (Triệu Thị
Trinh) sinh năm 226 ở Thanh Hóa, lãnh đạo khởi nghĩa nổi dậy chống quân đô hộ. Sau
này “quân Ngô” còn được dùng để chỉ bọn nô dịch phương Bắc, cũng như “giặc Hán”
để chỉ chung các triều đại Phong kiến Trung Quốc muốn xâm lược và đô hộ Việt
Nam. Vì thế mới có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment