Đã lâu không còn thấy bản thân
có vấn đề gì với thời tiết nữa: nắng, mưa… tất cả đều bình thường, như không
khí thở hàng ngày. Nắng, thì đi lại thuận lợi. Mưa, thì mát. Nồm ẩm, dễ ốm lắm,
phải mất công một chút, chú ý một chút, đặc biệt hay phải nhắc trẻ con thấy
nóng cởi áo, mặc vừa đủ…
Để ý thời và tiết như một thú
vui. Mình viết thời và tiết tách biệt nhau, là vì muốn nhấn mạnh khía cạnh thời
gian và các tiết trời trong năm.
Ngày xưa trên tờ lịch block in
xấu xấu cũng đã có các thời – tiết, hay cuốn lịch bỏ túi bé xíu, mà đi tàu hỏa
vào Nam ra Bắc rất cần vì có danh sách các ga trên đường tàu Thống Nhất. Tết nhất
rồi lập xuân, tiết “kinh trập” nghĩa là “sâu nở.” Nồm ẩm, điều kiện nảy nở đủ
các thứ vi trùng vi khuẩn chứ không chỉ cây cối đâm chồi nảy lộc. Hết “kinh trập”
là đến “xuân phân,” đã là giữa mùa xuân rồi đấy.
Bây giờ chơi trên mạng theo
dõi bạn bè, nhiều bạn khá sốt ruột mong qua cái mùa mưa phùn “khủng khiếp” này.
Quần áo phơi không có khô, nên phải áp dụng đủ biện pháp nào là cho vào nhà bật
điều hòa, hút ẩm. Bây giờ có cái tủ sấy khá tiện và mỗi năm có một đến hai
tháng kiêm thêm “nghề” sấy quần áo. Các bà mẹ sốt ruột vì con ốm lâu không khỏi.
Các nhiếp ảnh gia sốt ruột vì trời này chỉ có mà chụp đen – trắng…
Xem lịch thì hôm kia sẽ bắt đầu
tiết “thanh minh” – tuần này cũng là hết tháng đây, mai là sang tháng Ba rồi. Nhờ
cụ Nguyễn Du mà mọi người nhớ được cứ tiết “thanh minh” là tháng Ba âm lịch, “thanh
minh” nghĩa là trong sáng, sáng sủa… vì trong ngày có những lúc bừng nắng lên
như hè đến nơi, rồi vẫn… nồm tiếp. Nhưng mà đỡ lắm rồi.
Đúng cứ như đài, hôm trước vào
tiết “thanh minh” thì tối hôm sau, trời đổ cơn mưa rào có cả sấm. Những tiếng sấm
đầu mùa.
Nhớ ông thày dạy văn thời phổ
thông giảng về câu ca dao: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ
mà lên…” hỏi cả lũ học trò: “Tại sao nghe tiếng sấm mà lúa lại mọc lên nhanh được
ví như phất cờ?” Chẳng đứa nào nghĩ ra. “Là
tiếng sấm, tức là tia lửa điện của sét, tạo ra phản ứng hóa học, sinh ra nitơ
gì đó, theo mưa rơi xuống cánh đồng, lúa hút được thêm dinh dưỡng thì phát triển
mạnh…” mà các học sinh giỏi hóa, lý đều xấu hổ quá, ai lại để thày dạy văn giải
thích về một vấn đề rất cơ bản như thế. Ông thày có mái tóc lòa xòa nghệ sỹ,
hôm nào có nửa lít rượu trong bụng thì giảng hay như lên đồng… thày đã “xanh cỏ”
được chục năm rồi. A-di-đà Phật!
Bây giờ thì bà con chẳng cần
chờ sấm chớp, cứ “hóa học nhân tạo” phang thật lực, giống ngắn ngày mọc nhanh
như điên, và càng nhân tạo nhiều, cuộc sống của con người càng ngắn lại.
Hôm qua nghe sấm đầu mùa mà mừng
cho mọi vật chuẩn bị bước sang một “thời” mới đầy sức sống.
Nhớ hai, ba năm trước có chú
Pháp người Mác-xây đầy nắng, vừa sang Việt Nam gặp ngay mùa xuân trứ danh nồm
cho hẳn hai tháng – than lên: “Où est mon soleil?” “Mặt trời của tôi đâu rồi?” –
Chú cứ yên tâm, chỉ nửa tháng nữa mặt trời sẽ cho chú biết tay!
Ba tháng sau thè lưỡi, há mồm:
“Nồm rất ô-kê, nóng quá!” Đấy chú thấy chưa, thời nào tiết nào cũng có cái ô-kê
của nó, hì hì…
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment