Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, June 11, 2016

Con trai và Aiden Webb

Suốt mấy ngày theo dõi tin tìm kiếm anh thanh niên người Anh Aiden Webb bị nạn ở Phăng-xi-păng, người nắm tin tức nhanh nhất hóa ra lại là bạn Bôn Ba Nhi Bá. Lúc tìm được anh ấy, chính Nhi Bá nghe tin trên ti vi và kể lại cho ba…

Hi vọng của cả nhà là anh thanh niên sẽ thoát nạn.

Nhớ lần công trình thủy điện nào đó bị sập hầm, theo dõi tin cứu hộ để bới hơn chục người ra từng giờ, từng phút… và khi nghe tin giải cứu thành công thì ai cũng mừng. Chứng kiến những người bán hàng ở chợ quây vào cái ti vi, rồi reo òa lên, có người khóc, mình tin tình máu mủ đồng bào của người dân ta sâu sắc lắm.

Mình có điều gì đó rất lạ, lần này anh bạn Aiden gặp nạn, mình còn mong anh bạn trẻ thoát nạn nhiều hơn, vì dù sao chàng thanh niên cũng là người nước ngoài. Chúng ta là chủ nhà, chúng ta không bao giờ mong khách lại gặp nạn trong nhà của mình cả. Và người Việt Nam chúng ta đã làm tất cả những gì có thể, chỉ tiếc là đã quá muộn…

“Ti vi báo là đã tìm thấy thi thể của anh Aiden rồi ba ạ.” “Thế à…” Thật buồn quá. Không biết trong những giờ cuối cùng, anh bạn nghĩ gì, và trải qua như thế nào. Mong anh bạn được siêu thoát, thanh thản.

“Lần này ba mong anh ấy sống còn vì lý do mình là chủ nhà…” Nhi Bá tiếp lời: “Còn anh ấy là khách, mình phải bảo vệ khách ba nhỉ?” “Đúng rồi con. Họ có hoạn nạn, khó khăn thì mình giúp. Ai mình cũng giúp, nhưng người ở xa đến thì khó khăn hơn nhiều so với người ở gần.”  

“Trên báo ba đọc thấy anh Aiden bị kiệt sức, do bị thương nặng, lại ở trong điều kiện rừng núi cao rất khắc nghiệt. Không chờ được những người đến cứu, anh ấy đã chết trước khi họ đến. Tiếc là anh ấy đã không đồng ý cho bạn gái gọi cứu hộ, nên việc giải cứu đã không được tiến hành sớm hơn.” “Sao anh ấy làm việc nguy hiểm thế ba nhỉ?” “Nhiều người thích chơi những môn thể thao mạo hiểm chứ con. Ba con mình không thích, nhưng họ thích. Có điều là anh Aiden có thể đã tự tin quá, thậm chí có thể nói là quá tự trọng đến mức sĩ diện hão. Không ai có thể đủ sức làm tất cả mọi việc, nên nếu lâm vào tình thế khó khăn, cần tỉnh táo để xác định rõ việc gọi người giúp đỡ. Tính mạng của bản thân rất quý, không nên “đánh đu với số phận” như vậy. Ai cũng biết là ta dũng cảm rồi con ạ, nhưng cũng cần hiểu biết và tỉnh táo nữa.”

Nghỉ lấy hơi một tí. Hôm nay rất oi, ngồi trong phòng bật quạt vù vù mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm.

“Ba nhớ cách đây mấy năm có chuyện một chú dẫn hai con gái bé tí, đâu có 5, 6 tuổi leo đỉnh Phăng-xi-păng gây tranh cãi ầm ĩ trên mạng xã hội, ba đã kể cho con một lần và hỏi, con có thích leo núi như thế không?” “Con không nhớ. Thế hồi đó con trả lời như thế nào hả ba?” “Con nói là con không thích đi. Thật ra là con đã được ba đưa đi rừng núi rất nhiều lần, theo ba đi công tác. Con được vào ăn, ngủ ở nhà các bác người dân tộc Tày, Nùng… trên chỗ dự án của ba, con đi leo núi suốt rồi còn gì. Mỗi lần đi, là có đầy đủ các bác thợ rừng, có khi có cả các chú cán bộ kiểm lâm hay cán bộ Vườn quốc gia, khu bảo tồn… đi cùng nữa. Đồng thời đi rừng, con không nhớ nhưng ba bao giờ cũng cùng con chuẩn bị và tuân thủ quy định như quần áo, mũ bảo hiểm, dây, ba-lô, nước uống, lương khô…”


“Thế hai cái bạn gái leo núi như thế nào hả ba?” “Khóc lóc lúc mệt mỏi ghê gớm, rất khổ sở. Trải qua cả đêm giữa rừng núi, xin bố cho xuống bố không cho, bắt đi tiếp.” “Chú ấy làm thế có tốt không hả ba?” “Con nghe rồi đấy, mỗi khi cho con đi, ba phải cho con cảm thấy con đi như một niềm vui, như đi chơi… chứ con mới 5 tuổi, cho đi trải nghiệm cũng tốt nhưng chắc gì đã thực sự tốt – bà con dân tộc thì cũng nói tiếng như chúng ta, nhà sàn thì đâu chẳng có… Nếu nguy hiểm quá thì không nên cho con đi theo con ạ. Những chuyến con đi là những chuyến nhẹ nhàng, con đi không quá vất vả, và đặc biệt là không nên quá nguy hiểm. Ba cũng không muốn bắt ép con phải theo sở thích ham đi thám hiểm của ba, mà cho con đi mong dần dần có thể gieo cho con cái niềm vui đi thăm thú thiên nhiên đó. Vậy thôi. Còn về việc làm thế nào cho con dũng cảm, dám đương đầu khó khăn… thì thiếu gì cách. Điều đáng ngại là cái chú ấy, dám đem mạng sống của cả ba bố con ra để liều. Nếu chú ấy bị nạn trên núi, không phải là chết cả ba bố con như chơi ấy à? Con có nhớ hướng dẫn đeo mặt nạ dưỡng khí trên máy bay không?”

“Đeo cho ai trước ấy ba nhỉ, con nghe rồi không nhớ?” “Bố mẹ đeo cho mình trước, đeo cho con sau. Nếu cố đeo cho con trước quýnh quáng, có khi không đeo được cho ai cả chết cả mẹ lẫn con.”

Trưa nay ti vi đưa tin chuẩn bị trả thi thể Aiden về cho gia đình.

Vậy nhỉ con trai, ta dũng cảm, ta mạnh mẽ… ai chưa biết, thì rồi sẽ biết. Nhưng muốn làm người dũng cảm, mạnh mẽ, làm anh hùng không có nghĩa là nó đi kèm với sự liều lĩnh và sĩ diện hão. Đó là hệ quả của một sự nuôi dưỡng cái “tôi” quá lớn, không chấp nhận được việc chìa tay nhận sự giúp đỡ, tự coi đó là một sự hèn kém…


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment