Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, June 10, 2016

Vay tiền mua ô tô

Lại chuyện cái ô tô, ái chà, sao mà chuyện này nó dai dắng thế. Cả lớp bạn Bôn Ba Nhi Bá (mà cả lớp bạn Bá Ba Nhi Bôn nữa) gia đình không có ô tô như nhà mình là rất, rất thiểu số. Gần như cái thứ đó bây giờ đã là tiện nghi tối thiểu, không có không được…

… cứ hễ lớp có sự kiện gì, là dập dìu xe cộ đón đưa, các bạn đến các bạn đi, một bước lên xe. Chẳng gì nhìn vào đó, con mình cũng có suy nghĩ, vì đã chuẩn bị lên lớp Sáu rồi.

“Thật sự là nhà mình có đủ tiền mua ô tô không hả ba?” – một ngày đưa con ra bến xe bus của trường đón, Nhi Bá nhìn thấy một em lớp dưới được bố đưa đến bằng chiếc Toyota Camry đen bóng, rồi chú ấy đi làm luôn; mà hỏi như thế.

“Đủ thì cũng có thể nói là đủ con ạ. Con biết không, liên quan đến việc mua ô tô cũng có nhiều việc rất thú vị. Chẳng hạn như, 10 người mua ô tô lái đi ở trên đường, thì có đến 5, 6 người, thậm chí hơn một chút; là không đủ tiền mua cái ô tô đó.” Nhi Bá vốn có cặp mắt tròn, lại càng tròn ra, đen láy nhìn ba cậu ta.

“Thế họ mua như thế nào hả ba?” “Họ vay con ạ.” “Vay của ai ạ?” “Phổ biến nhất là vay của ngân hàng. Sau đó là vay của người quen và thậm chí mua chịu, trả chậm một phần tiền chẳng hạn.” “Thế vay như thế là tốt hay xấu?” “Không nói tốt hay xấu con ạ, không có gì là tốt hay xấu trong chuyện này cả. Chỉ có phù hợp hay không phù hợp, lợi hay không lợi thôi. Ba ví dụ cho con nghe này: nếu chiếc xe ô tô trị giá một tỷ đồng, vay của ngân hàng mua, tức là chúng ta sẽ phải nợ ngân hàng và từ từ trả nợ đó trong một thời gian, khi nào trả hết tổng số tiền chúng ta đã trả cho ngân hàng khoảng 1 tỉ 1 trăm triệu đồng, ví dụ vậy.” “Tại sao lại thế?” “Vì ngân hàng cho vay thì họ phải tính lãi, đó là kinh doanh của họ. Nếu một người cần xe ô tô cho công việc, mà vay tiền mua xe, anh ta sẽ tính ra là sau khi trả xong, nhờ có xe ô tô, anh ta kiếm ra được 1 tỉ 500 triệu đồng. Như vậy anh ta đã lợi bao nhiêu tiền?”

Bôn Ba Nhi Bá lẩm nhẩm. “Bốn trăm triệu ba ạ.” “Đúng rồi con, là bốn trăm triệu. Như vậy là vay tiền mua xe có lợi, nên làm. Như ở nước Mỹ, mua cái gì người ta cũng đi vay cả, để mua nhà, mua xe… rất bình thường.”

“Thế khi nào đi vay để mua không lợi ạ?” “Vay để mua xe, mà không biết làm gì để ra được cái số 1 tỉ 500 triệu đồng đó, thì là không lợi. Nhân tiện ba nói luôn cho con nghe, là nhà mình mẹ con thì không thích lái ô tô vì nó rắc rối quá, ở thành phố của chúng ta nó đòi hỏi đủ các thứ, khó khăn nhất là chỗ đỗ xe… Ba thì hồi thường xuyên đi công tác xa, được công ty trang bị xe. Bây giờ ba làm việc nghiên cứu ở nhà là chính, nên không có nhu cầu đi lại bằng xe. Do đó nhà mình không mua, vì không cần đến nó. Cái gì không cần, thì không mua con ạ. Cuối tuần nhà mình đi chơi, ba mẹ có tiền để thuê xe, gọi taxi để đi là tốt rồi, đi như thế tiện lợi và rất thích, vì không phải lo nghĩ gì. Quan trọng là ba mẹ giành được thời gian đưa các con đi chơi, chứ không phải đi bằng gì. Nếu có xe, mà lúc nào cũng bận rộn làm ăn, thậm chí chẳng làm chẳng ăn nhưng vui vầy bù khú bạn bè, rượu chè nhậu nhẹt… không có thời gian cho các con thì có xe, có nhiều tiền cũng không ý nghĩa gì. Bản thân cái xe tự nó không đưa các con đi chơi được, mà quan trọng là ba mẹ có muốn đưa hay không, có đặt việc đó là ưu tiên hơn so với các việc khác hay không. Đã muốn, thì thiếu gì xe? Gọi đâu chẳng có, con nhỉ?”


“Vâng đúng rồi ba ạ. Ơ thế có người nào vay tiền mua ô tô rồi không làm ra được tiền không hả ba?” “Ôi nhiều chứ. Làm ăn buôn bán không may mắn này, thậm chí có những người không biết làm gì cũng cứ mua xe luôn ấy.” “Để làm gì ạ?” “Để chưng diện, để chứng minh rằng nhà mình có của có nả… nhiều lý do. Ba biết nhiều chú nhiều bác, không có việc gì làm thì lại mua xe về, vừa có xe đi lại, kiêm luôn cả nghề chạy xe thuê. Như bây giờ có các dịch vụ Grab taxi hay Uber gì đó. Ai có xe cũng có thể chở khách được…” “Hay nhỉ ba nhỉ?” “Hay chứ con. Nhưng cũng còn tùy. Không hiếm người mua xe về xong rồi, không dùng vào việc gì. Thời gian đầu, tuần nào cũng đi chơi dã ngoại, vì có xe không đi không được. Đi mãi chán, mệt mỏi, rồi thì bỏ xó. Đi lại đông đúc chật chội, chi phí tốn kém, lại đi xe máy cho tiện. Xe ô tô để mãi lo nó hỏng… cuối cùng bán đi, thiệt hại một đống tiền. Cái xe mua mới 1 tỉ thì lúc bán có khi chỉ 700 triệu thôi… Cũng có người làm ăn không được, trả nợ ngân hàng không xong thì bị ngân hàng thu hồi… Nhìn chung là nhiều.”

Câu chuyện về “ô tô chỉ là phương tiện” chưa làm ông con yên tâm. “Thế nhà mình bây giờ có bao nhiêu tiền hả ba?” “Chắc khoảng vài trăm triệu, ba không nhớ rõ lắm.” “Ơ thế thì đủ mua ô tô, và mua xong thì chết đói hả ba?”

Mình bật cười. “Không đến nỗi chết đói, nhưng trong nhà không có tiền dự trữ cũng nguy hiểm, phòng lúc có người ốm đau chẳng hạn.”

Xứ Việt Nam ta rất hay. Cứ thỉnh thoảng nhà nước tăng thuế với cái ô tô, là lũ lượt người ta đi mua xe, bất chấp đủ thứ khó khăn – để rẻ được vài chục triệu đồng tiền thuế, bà con sẵn sàng mua về một thứ mà chưa hề nghĩ kỹ mình có cần dùng đến nó thực sự hiệu quả hay không. Nếu chúng ta mua cái xe về mà chỉ một tuần mới đi một lần, thì đó là nuôi cả một con bò chỉ để một tuần uống vài cốc sữa. Còn nếu dùng để đi lại hàng ngày thì nên mua quá đi chứ!

Đừng nên để “không có tình thế thì không sao, có tình thế tự dưng lại bị phát sinh nhu cầu.”


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment