Mức sống ngày một nâng lên, đồng
nghĩa với việc chúng ta có nhiều tiện nghi hơn – với nhiều gia đình thì máy điều
hòa nhiệt độ bây giờ là không thể thiếu, có thể nói là dùng quanh năm cả mùa
nóng lẫn mùa lạnh.
Một trong những băn khoăn đầu
tiên là dùng điều hòa như thế nào cho tiết kiệm nhất và đạt hiệu quả cao nhất,
bởi điều hòa nhiệt độ cùng bình nước nóng chính là hai thứ ngốn nhiều điện nhất.
Lời khuyên thường gặp nhất để
dùng máy điều hòa tiết kiệm là chuyển sang dùng máy inverter, nhưng với những
gia đình không có điều kiện đổi ngay, hoặc máy mới lắp được vài năm vẫn dùng tốt…
thì không áp dụng được biện pháp này. Do đó chúng ta vẫn phải tìm cách “chung sống
với lũ” thôi.
Nguyên lý của máy điều hòa nhiệt
độ là làm việc trên cơ chế trao đổi nhiệt, làm mát trong phòng thì phải tỏa nhiệt
ra ngoài trời. Trong phòng, máy điều hòa hút không khí của phòng qua một cửa
cho đi qua “giàn lạnh” rồi lại thổi vào trong phòng qua một cửa khác. Như vậy
chúng ta cần hiểu, máy điều hòa nhiệt độ không làm thoáng khí trong phòng. Đồng
thời do hoạt động của mình, để làm lạnh giàn lạnh trong phòng thì giàn nóng của
máy phải tỏa nhiệt rất mạnh. Chúng ta sẽ nhận thấy điều này rất rõ khi đi qua
bên cạnh giàn nóng của máy ở ngoài trời, hoặc đỗ xe máy cạnh khe đẩy gió điều
hòa ra ngoài của ô tô.
Để máy điều hòa hoạt động được
hiệu quả, việc đầu tiên cần quan tâm là máy phải được vệ sinh thường xuyên. Với
bộ phận trong phòng, chi tiết cần được vệ sinh nhiều nhất là lưới lọc, và đây
cũng là chi tiết dễ vệ sinh nhất. Chỉ cần dỡ nắp máy là có thể rút được hai tấm
lưới nhựa, đem rửa sạch bằng vòi xịt, vảy ráo nước là có thể lắp lại được. Vì
việc đơn giản ai cũng có thể làm được, nên không cần phải gọi thợ chuyên môn.
Phía trong của lưới lọc là
giàn lạnh, là bộ phận có nhiều lá kim loại xếp dọc. Những lá này rất mềm, dễ biến
dạng, nên phải chú ý cẩn thận khi làm vệ sinh. Đây cũng là một việc có thể tự
làm được, không quá khó. Bình thường tôi dùng một cái áo mưa cũ, lấy băng dính
dán xuống mặt dưới của máy để hứng không cho nước rơi ra nhà ướt các vật dụng
là có thể làm được. Dùng bình xịt nước (như bình đựng nước rửa kính, hoặc bình
tưới cây) vừa xịt vào giàn lạnh, vừa dùng bàn chải đánh răng cũ nhẹ nhàng chải
dọc theo các lá, xịt đến đâu chải đến đó. Chúng ta cứ thấy giàn lạnh trắng ra
là sạch, dùng nước xịt đều lại một lần là được.
Với bộ phận quạt hình trống
bên trong giàn lạnh, thì khó làm sạch hơn, thời gian cần phải làm sạch cũng lâu
hơn nên chúng ta có thể gọi thợ chuyên nghiệp, khoảng 1, 2 năm làm sạch một lần
cũng được. Bộ phận giàn nóng bên ngoài thì rất bụi, nên cũng cần phải làm vệ
sinh, nhưng nếu không khó tiếp cận (để trên trần nhà) thì rất dễ làm sạch, chỉ
cần một xô nước và bàn chải là có thể làm sạch nó được rồi.
Trên thực tế, Việt Nam là nước
trong vùng nhiệt đới gió mùa, nên khá ẩm – các bộ phận của điều hòa rất dễ bẩn
mà lại khó làm sạch. Nếu chịu khó làm sạch thường xuyên thì sẽ đỡ mất công hơn
nhiều so với để lâu mới làm.
Máy dùng một thời gian khoảng
vài năm, có thể thấy độ lạnh kém đi mặc dù vẫn được vệ sinh thường xuyên, có thể
do thất thoát ga – lúc đó thì phải gọi thợ chuyên nghiệp đến kiểm tra và nạp
thêm ga. Nạp thêm ga cần được làm vào ngày nóng. Nếu nạp thêm ga vào ngày mát
chênh lệch nhiệt độ không cao có xu hướng nạp ga vào máy nén nhiều hơn tiêu chuẩn,
khi đó đến ngày nóng máy nén bị quá áp sẽ không hoạt động được tốt, thậm chí mất
khả năng làm lạnh.
Nhà của người Việt Nam phần lớn
để tủ quần áo trong phòng ngủ, nếu chạy máy điều hòa thường xuyên làm không khí
trong phòng rất khô, sẽ làm bông vải ở quần áo tách ra khỏi sợi và bay lơ lửng
trong không khí. Chỉ cần ngó lên nóc tủ, là đủ thấy lớp bông vải này đọng một lớp
dày – thì đủ hiểu chúng ta đang hít một bầu không khí nhiều bụi bông như thế
nào (Các nhà máy dệt may thường phải có hệ thống phun hơi ẩm giảm bụi bông vải.)
Chính bông vải này bám vào hệ thống bên trong nhà của máy điều hòa, làm tắc và
rất khó làm sạch. Giải pháp tốt nhất là cố gắng làm kín tủ, thường xuyên đóng
chặt, hoặc đựng quần áo vào các túi ni lông kín cũng là một cách tốt.
Để sử dụng máy điều hòa hiệu
quả, đầu tiên là chúng ta phải có một căn nhà mát mẻ đã. Các cụ nói “nhà sạch
thì mát,” trước khi bật máy điều hòa, quét tước, lau chùi nhà cửa… cũng đã làm
mát căn phòng được một phần rồi.
Bây giờ nhà hầu hết bị bê tông
hóa, cửa thì không còn mô hình “trong kính ngoài chớp” như người Pháp mang sang
cho kiến trúc thuộc địa vùng nhiệt đới, mà thay bằng “nhôm kính” nên thường rất
nóng. Bê tông hóa kết hợp với hiệu ứng nhà kính làm cho không khí đã nóng bức lại
càng nóng bức ngột ngạt. Do đó chúng ta không nên quên những biện pháp chống
nóng truyền thống, như mành, rèm. Theo kinh nghiệm cá nhân, mành mành tre,
trúc… là cách chống nóng rất hữu hiệu, chúng ta có thể áp dụng. Vào những lúc
không dùng máy điều hòa, nên mở cửa kính để chống hiệu ứng nhà kính làm nóng
nhà, (bức xạ nhiệt không thoát ra được) những cửa về hướng mặt trời nên buông
mành mành hoặc rèm chống ánh nắng trực tiếp.
Sau khi đi làm cả ngày về nhà,
thường thấy căn phòng của chúng ta rất nóng, vì bị hun bởi mặt trời. Bật máy điều
hòa lên nhiều khi chúng ta than vãn “mãi không thấy mát.” Trường hợp này không
nên bật máy điều hòa ngay, vì nó sẽ phải làm mát cả bầu không khí nóng của cả
ngày ở trong phòng – mà nên bật quạt trần, hoặc có quạt thông gió hút hết không
khí nóng đó ra thì rất tốt. Khi căn phòng đã hạ nhiệt tương đối rồi, lúc đó mới
bật điều hòa sẽ hiệu quả hơn (có thể kết hợp lau nhà thì sẽ rất mát.) Điều này
cũng đúng với ô tô khi đỗ lâu dưới trời nắng, lên xe không nên bật điều hòa
ngay mà nên hạ hết kính cửa xe, đi một quãng khoảng 100 mét thì đóng cửa, bật
điều hòa. Không khí nóng bị đuổi ra hết, được thay bằng không khí mát hơn, vừa
thoáng vừa dễ làm mát, xe cũng đỡ tốn xăng hơn.
Lại một thói quen nữa của
chúng ta hay mắc, là muốn trong phòng lạnh nhanh, ta hạ thật thấp nhiệt độ trên
điều khiển từ xa xuống (cũng thường gặp ở các lái xe ô tô.) Chúng ta cần hiểu
là máy điều hòa được “ra lệnh” làm việc trên nguyên tắc chênh lệch nhiệt độ,
khi nhiệt độ trong không gian cần làm mát đang cao, thì máy nén sẽ làm việc hết
sức mình. Do đó việc hạ nhiệt độ thật thấp trên điều khiển là không cần thiết.
Muốn lạnh nhanh, nên tăng tốc độ của quạt gió lên, tăng tốc độ trao đổi nhiệt
thì phòng sẽ mát nhanh hơn.
Những ngày trời quá nóng, thì
gần như tình trạng chung là dùng điều hòa không mát, hoặc mát rất ít. Điều này
gây ra chủ yếu bởi cùng vào giờ đi ngủ, nhà nào cũng bật điều hòa, làm cho hệ
thống điện quá tải, gây sụt điện áp, máy điều hòa hoạt động hiệu suất rất thấp
và rất tốn điện. Để đối phó với tình trạng này (mà năm nào cũng gặp ít nhất đôi
tuần) chúng ta cần chủ động, như vệ sinh máy móc, bổ sung ga đầy đủ vào đầu
mùa… Buổi tối nên lau nhà sạch sẽ làm giảm nhiệt độ nền nhà và các vật dụng
trong phòng. Nếu nhà có trần chịu nắng trực tiếp cũng có thể tưới nước để giảm
nhiệt độ của trần nhà. Trường hợp lúc đi ngủ bị sụt áp, dù có giảm nhiệt độ
trên điều khiển của máy điều hòa thấp đến mấy cũng không có tác dụng gì cả, mà
chỉ làm máy ngốn thêm điện. Tốt nhất là nếu nhiệt độ ngoài trời buổi tối vẫn
còn 32, 33 độ; thì máy điều hòa để 28 độ thôi, nó sẽ hoạt động ở mức độ vừa phải.
Thay vào đó, ta tăng tốc độ quạt gió của máy lên thì hiệu quả hơn. Những ngày
như vậy phải dùng thêm quạt, nhất là những loại quạt hơi nước thì rất tốt. Nếu
có quạt hơi nước, thì chuyển máy điều hòa sang chế độ hút ẩm (“dry” hoặc
“dehumidfying”) thì máy chạy tốn rất ít điện mà trong phòng lại rất dễ chịu. Ở
miền Bắc thì có mùa nồm rất nên dùng điều hòa ở chế độ hút ẩm, lợi cho sức khỏe.
Có một “chiêu” nữa là cứ vài
giờ tưới nước vào giàn nóng một lần, nhưng cách này không phải ai cũng làm được.
Còn phương án mua ổn áp (LiOA chẳng hạn) không khả thi, vì chính cái ổn áp đó
cũng là một thiết bị tiêu tốn điện.
Chúc bà con mát mẻ trong những
ngày hè và không choáng váng trước hóa đơn tiền điện.
Bài trên Vietnam.net tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment