“Đạo” là đường, nhưng nó không
chỉ là một con đường, mà có thể là cả một hệ thống mạng lưới đường giao thông
và bản thân “Đạo” bao hàm cả các quy luật chi phối sự vận động và phát triển của
vạn vật trong vũ trụ.
Từ ngàn đời, các nhà triết học
đã tìm cách giải thích và nắm bắt quy luật vận động đó: từ Phục Hy, Văn Vương,
Chu Công, Khổng Tử, Pithagòre, Aristote, Democris đến Hegel và Marx, Engels,
Lenin… Họ đều trăn trở tìm tòi câu trả lời cho những thắc mắc, vũ trụ là gì, từ
đâu ra, con người ở đâu ra và mối quan hệ của con người và vũ trụ như thế nào.
Chúng ta bây giờ cũng thế
thôi, vẫn là những con người nhỏ bé và yếu đuối trước những quy luật vĩ đại của
cuộc sống, một cuộc sống vô tận, vừa hết sức vĩ đại lại vừa hết sức tế vi.
Dòng chảy của cuộc sống, cái
quy luật của nó, hay “Đạo” của nó, vận hành từ vũ trụ đến từng tế bào bên trong
chúng ta.
Tuần trước, cả xã hội Việt Nam
chúng ta hướng về một sự kiện là những gì đang diễn ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, tỉnh
Chùa Hương. Từ lúc nó manh nha đến khi nó kết thúc, cộng đồng mạng cãi cọ nhau,
các chiều ý kiến va chạm nhau chan chát.
Tất cả đều nằm trong một quy
luật vận hành – “Thành trụ hoại không” và không có gì nằm ngoài nhân quả. Nếu
chính quyền mấy chục năm nay duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, với hệ
thống văn bản pháp luật lằng nhằng và rối rắm (chính cái chế độ toàn dân kia là
mẹ đẻ của rối rắm luôn) và mong muốn làm chủ đất đai “muốn thu hồi lúc nào thì
thu hồi” đã đẻ ra sự hỗn loạn. Đó là gieo “nhân.” Và ngày hôm nay những xung đột
về đất đai nổ ra khắp nơi, chỗ bé, chỗ to… là “quả.” Gieo nhân ắt đến ngày trổ
quả, vậy thôi.
Có anh bạn luật sư trong Sài
Gòn viết ở đây là sự thao túng của cái gọi là “nhóm lợi ích,” thủ lợi trong việc
biến các loại đất khác thành bất động sản… Điều này đúng, chẳng cần phải bàn
cãi gì nữa. Nhưng nếu xét về “Đạo Trời Đất” thì câu chuyện cần phải được ngẫm
nghĩ ở một cái lẽ sâu xa hơn.
Thế cái thằng “nhóm lợi ích”
đó, hắn xây nhà xong thì bán cho ai? Ai trong số chúng ta cũng chỉ cần chục mét
vuông để ở và cuối cùng thì hai mét vuông để chôn thôi mà? Nó, thằng “nhóm lợi
ích” đó, nó toan tính bán nhà cho chính chúng ta, chẳng phải ai khác. Vì chúng
ta ngoài chục mét vuông để ở và hai mét vuông để chôn, chúng ta còn thèm to
hơn, chỗ chúng ta ở với người khác là đâu đài nhưng chúng ta vẫn canh cánh,
nghĩ rằng nó chỉ là cái chuồng lợn.
Chẳng phải ai khác, chính
chúng ta, nam phụ lão ấu, từ quan đến thứ dân, không có cơ hội thì thôi, đã có
cơ hội là nhảy vào vòng xoáy ngay lập tức.
Tất cả những cái lý lẽ của “Đạo,”
hàng ngày nó vẫn hiện diện quanh chúng ta, nhưng cái “tham” làm chúng ta mờ mắt.
Đọc báo thấy bác nào đó phát biểu, “Việt Nam không sản xuất nổi con ốc con vít”
chúng ta hi hí cười, “đấy, điều hành thế đấy, bây giờ rõ là vô tích sự chưa…” Ồ,
sâu xa hơn đi: nếu cả nền kinh tế không sản xuất được con ốc con vít, thì nếu
chúng ta xông vào đầu cơ những bất, những chứng… thì chúng ta kiếm tiền của ai?
Của người khác chứ của ai – sự giàu có của chúng ta cũng chính là nguyên nhân sự
nghèo đói của người khác. Những sự giàu có trung thực trong xã hội ta, ít lắm,
vì chính cái méo mó của xã hội nó tạo ra như thế. Sự méo mó đó được tạo ra do
chính chúng ta, mỗi con người, mỗi tế bào của xã hội.
Nhiều bạn của mình sốt ruột vì
cái sự đè nén lên xã hội, mãi nó chẳng được giải thoát. Thường thì họ chọn
phương án lên Facebook “mỗi ngày một bài chửi” thậm chí mức độ nặng hơn – ngày vài
bài.
Mình đã viết ở đâu đó, từ năm
ngoái năm kia lận – xét về “chiến lược chiến thuật” mà nói thì cái thiết chế điều
chỉnh xã hội ta đến nay, cũng đã chuẩn bị đi đến sự cùng tận, vì cả “thiên thời,
địa lợi, nhân hòa” đều đã cạn. Đến nay thì nhận định đó vẫn tỏ ra là đúng. Chuyện
gì phải đến, nó sẽ đến, còn băn khoăn bao giờ nó đến, chẳng qua là chúng ta quá
sốt ruột mà thôi. “Từ từ thì khoai sẽ nhừ.”
Điều đáng sợ là, ngay những
người lãnh đạo ở cấp cao nhất của chúng ta, thì lại không nắm được “Đạo Trời Đất.”
Chủ nghĩa Mác – Lênin nó thô sơ ở chỗ dựa vào duy vật, thủ tiêu tất cả tư tưởng
về những hiện tượng siêu nhiên ngoài khả năng nhận biết của giác quan con người,
do đó nếu dựa vào chủ nghĩa này cũng bất lực trong khả năng điều hành đất nước
xã hội một cách phù hợp quy luật Đạo Trời Đất.
Hiểu điều này, chúng ta sẽ hiểu
tại sao có những tài năng và nhân cách lớn như Phan Chu Trinh lại không thành
công trong việc giành độc lập cho đất nước, mà những người đi sau ông lại thành
công. Đơn giản là “nhân duyên” nó chưa đến – như chính Chủ nghĩa Mác đã cố giải
thích bằng những quy luật, bằng những cặp phạm trù… nhưng các yếu tố như “cộng
nghiệp” của dân tộc, của cộng đồng dân cư… thì Mác chẳng thể nào hiểu được. Cái
thành công này, tiềm tàng chứa đựng một cái thất bại khác, trong phúc có họa,
trong họa lại có phúc… Không có cái gì sống mãi, đặc biệt là khi nó chỉ sống
trong một sự nghiệp nào đó.
Không hiểu Đạo Trời Đất, càng
cưỡng lại nó, thì cộng nghiệp của dân tộc nặng càng thêm nặng, hỗn loạn khó
tránh khỏi, đó là điều chúng ta đáng phải lo nhất.
Mình đã từng có một người bạn –
anh ta rất ghét những người theo con đường “dân chủ,” chửi không tiếc lời. Làm
trong ngành báo chí, anh rất giỏi sử dụng từ ngữ, chọn lọc thông tin, đưa cái nọ,
giấu cái kia… Đó là người đáng thương. Anh ta cũng như những người mà anh ta
ghét, chỉ trích… đều có quyền yêu và bảo vệ cái mình yêu quý. Nhưng “ai thắng
ai giữa hai con đường” nó nhiều khi không phụ thuộc vào ý chí và tình cảm của
chúng ta, mà nó vận hành theo quy luật của Đạo Trời Đất. Chúng ta có thể tác động
vào đó được, nhưng bằng nỗ lực phi thường, mình sẽ nói điều này vào cuối bài.
Quay lại với chuyện Đồng Tâm Mỹ
Đức, quan sát những cãi cọ xung quanh nó trên mạng xã hội, đập vào mắt mình một
dạng ý kiến: nhiều cá nhân chửi bới anh CSCĐ chắp tay cảm tạ, chào từ biệt những
người dân vừa giam giữ mình. Mình sẽ không nói về chuyện này nữa, đúng sai cứ để
thời gian và lịch sử sẽ có câu trả lời. Điều đáng nói là một dòng cư xử đáng
thương nữa: dòng chửi bậy, mà trên mạng người ta tự gọi là “bựa.” Họ quần tụ với
nhau thành một phong trào muốn sử dụng “bạo lực ngôn từ” để, như họ gọi là “thông
não” cho đại đa số dân chúng.
Đây lại là một xu hướng đáng
thương khác: con người có một cái khổ sở mà không biết, là anh ta khi cứ có một
chút chữ nghĩa vào đầu, anh ta tưởng anh ta là nhất quả đất, và những người
không có học hành bằng anh ta “chân đất mắt toét” là hạ đẳng cả.
Chẳng phải – người hiểu được Đạo
lý của Trời và Đất, mới là người thực sự trí tuệ, chứ không phải ba cái chữ
nghĩa hời hợt và cạn kợt. Chính vì vậy, mình không nghi ngờ năng lực có thể có
của những “nhà siêu nhiên” như một võ sư, giáo sư, viện sỹ cũng vừa có những
tuyên bố rất “tâm linh” liên quan đến thôn Hoành. Đúng sai thực tế sẽ trả lời,
không cần bàn cãi; nhưng vì là người học Phật, mục đích của học Phật không phải
là thần thông biến hóa, hô phong hoán vũ… nên không cần nghi ngờ năng lực nhưng
cũng chẳng cần ủng hộ điều đó.
Nhưng điều cần nó ở đây vẫn là
“không gì ngoài nhân quả.” Khi chúng ta chửi bậy “bạo lực ngôn từ” với những ai
chúng ta cho rằng cần “thông não,” chúng ta đã tạo khẩu nghiệp, và gieo nhân
nào sẽ gặp quả đó. Quả trổ ngay lập tức, chúng ta gây sân hận cho những người bị
chúng ta “bạo hành” và chúng ta bị chửi lại – thậm chí chúng ta tưởng là “được”
chửi lại đó là hay ho, sức ảnh hưởng càng lớn, sai lầm! Đúng, sức ảnh hưởng
càng lớn thì tác hại càng nghiêm trọng. Mới chỉ là cái “quả” bị chửi lại, chẳng
là gì cả. Những cái “quả” sâu xa khác, chưa đến lúc nó trổ đâu.
Mình cũng không nghi ngờ tấm
lòng Bồ Tát của một cô nhà báo xinh đẹp đang khóc thương cho các em bé côi cút
bên Syria – tấm lòng, sự thương cảm đó là chính đáng. Nhưng “từ bi” phải đi kèm
với “trí tuệ” – chúng ta nói lên được cái xấu xa của việc gây xung đột, gây chiến
tranh… nhưng không phải bằng cách chỉ trích bên này và khăng khăng một mực bênh
vực bên kia. Xin lưu ý rằng đã là “nhân quả, nghiệp báo” thì không có chính
nghĩa hay phi nghĩa. Tất cả đều bình đẳng khi phải chịu trách nhiệm về những gì
mình đã làm theo luật “nhân quả.” Sa vào luận chính nghĩa phi nghĩa, tức là
chính trị hóa cái nhẽ ra nó phải vận hành theo Đạo Trơi Đất, là cưỡng lại Đạo,
chắc chắn sẽ dẫn tới tai họa.
Tất cả những điều chúng ta nói
không nằm trong Đạo, lại nhằm thỏa mãn cái tôi, cái ngạo mạn bên trong chúng
ta, xỉ nhục người khác, là “ma” nói. Bỏ được những lời đó, những hành động đó…
chúng ta lại trở lại là Người, với con người của chúng ta. Không ai cấm chúng
ta đi trên con đường sáng, chỉ có tự chúng ta nhảy vào con đường tối và mê mờ.
Hôm qua nói chuyện với một người
bạn về những gì người ta đang than phiền: xã hội hôm nay con người mê tín nhiều
quá: sa vào cúng bái, cầu xin… những thế lực siêu nhiên giúp mình có tiền của,
thế lực, tránh được tai họa. Thực ra điều đó chẳng có gì là xấu, thậm chí là tốt
– chẳng phải chính cái thằng đang ngồi gõ những dòng này đây cũng xuất phát từ
mê tín: xem bói Dịch, tướng số tử vi… đó à. Tất cả những lý thuyết nhằm giải
thích sự vận động và phát triển của vũ trụ và đời người đó, chẳng có gì sai lầm,
nhưng chỉ là một góc hết sức thô sơ và nhỏ bé của vũ trụ mà thôi.
Để hiểu được Đạo Trời Đất,
không có gì là khó. Cần “từ bi” và “trí tuệ,” vậy thôi. Trí tuệ thì có thể phải
từ từ mới có, nhưng từ bi thì có thể có ngay được. Đừng nói rằng tôi không có,
tôi không làm được. Chúng ta đã yêu được bố mẹ, vợ chông, con cái, anh chị em
chúng ta… thì chúng ta cũng yêu được những người chúng ta tưởng là đáng ghét
kia, vì kiếp trước, kiếp sau đến hàng triệu kiếp… họ có thể là cha mẹ của ta.
Có từ bi, tự khắc trí tuệ sẽ đến, vì chúng ta được sử dụng trí tuệ của cả nhân
loại, của cả vũ trụ.
Chúng ta hiểu Đạo Trời Đất.
Không chỉ hiểu, chúng ta thấy Đạo Trời Đất và Đạo của Người, hòa vào làm một. Khi hiểu Đạo và thực sự muốn thay đổi chính mình, làm mình tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ cải tạo, tác động được vào định mệnh của chính mình và cả cộng đồng.
Và đừng khinh thường những người
“chân đất mắt toét” – họ còn hiểu Đạo hơn chúng ta nhiều.
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông
ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm
lòng…
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment