Những ngày này 12 năm trước,
mình hì hục chuẩn bị nội dung, làm một trang web về nước Nga, chuyện này mình
nói ở đâu đó rồi – mà mù tịt về Nga chứ, nào có biết cái gì.
Yêu nước Nga vì tất cả những
gì người ta nói về nó: văn học, phim ảnh. Cả một thời gian dài đất nước không
được tiếp xúc với cái gì khác ngoài văn học Xô-viết, điện ảnh Xô-viết và một số
nền văn hóa “đi theo” là các nước XHCN Đông Âu anh em.
Người Việt Nam cho đến tận bây
giờ, vẫn tiếp tục yêu – ghét có định hướng như thế. Cái gì cứ được ca ngợi mãi,
thì đương nhiên nó là tốt đẹp; và cái gì đối lập với nó là xấu xa. Cái gì mình
yêu, là tốt đẹp, còn cái gì mình ghét, là xấu xa.
Tất cả những khái niệm đó,
chúng ta bị áp đặt từ đâu đó vào trong đầu, để hình thành nên hai bên giới tuyến
bên trong mỗi con người chúng ta. Ta, địch, nước ta, nước khác, dân tộc ta, dân
tộc khác, yêu thương, thù ghét…
Chưa bao giờ chúng ta đặt câu
hỏi rằng, ta là ai đã, trước khi có cái thế giới này. Có thể bạn không tin về
chuyện trước khi rơi vào thế giới này bạn ở đâu đó, và cũng không tin sau khi rời
thế giới này, chúng ta sẽ đi đâu đó, bằng cách sống một cuộc sống khác.
Mà nếu không tin điều đó, có
nghĩa kiếp sống này là duy nhất và hữu hạn, nhẽ ra chúng ta phải sống thực sự tốt
đẹp và có ý nghĩa, thực sự hiểu biết, nhưng chúng ta không làm vậy.
Cứ mỗi năm, tháng Tư là thời
gian sẽ làm nhiều người gặp nhiều cảm xúc trái chiều. Với người Việt, thì phần
lớn là đau khổ.
Càng ca ngợi Chiến thắng 30/4
bao nhiêu, thì bên kia chiến tuyến những người đã có thể và đã không thể bỏ đất
nước ra đi, đau khổ bấy nhiêu. Chúng ta khổ vì một cái ý thức hệ ở đâu đó được
nhồi vào đầu chúng ta. Nếu không có cái đó, chúng ta chẳng khổ thế.
Yêu một đất nước, chúng ta
cũng đã từng ca ngợi “dân tộc ấy thế này thế khác, cao đẹp và nhân hậu, không
có gì khuất phục được…” Đó là những câu mê sảng. Vì yêu cái đất nước, dân tộc ấy
như thế, chúng ta sẽ ghét dân tộc khác. Và ở địa vị người Việt Nam, chúng ta
ghét trước hết là… dân tộc Hán hay người Trung Quốc.
Đó lại là một sự mê sảng nữa. Yêu
ghét mà mù quáng, là ngu ngốc. Chúng ta cứ điên đảo mãi như thế, không thoát ra
được. Kể cả những tuyên truyền nhai nhải hàng ngày, cũng xuất phát từ một sự
điên đảo. Vì cái tham, sân si của cá nhân, mà làm, và biến thành cái điên đảo của
một số đông, rất nhiều người.
Thế giới thật là tươi đẹp,
mình yêu những vệt màu trên mặt người tu sĩ Bà La Môn ngồi bên vệ đường lầm bụi
ở Ấn Độ mình đã gặp, yêu mấy bà lão ngồi đánh mạt chược ở công viên gần ký túc
xá mình học bên Trung Quốc, và yêu tuyết lạnh nước Nga. Không có dân tộc nào ở
đây cả, chỉ có những con người bằng xương bằng thịt.
Trả lời câu hỏi ta là ai, ta
chỉ nằm trong bụng mẹ chín tháng mười ngày, rồi vũ trụ nuôi ta sống bằng nắng,
bằng gió, bằng thức ăn… ai cũng vậy cả. Trong tôi có bạn và trong bạn có tôi.
Hiểu điều đó, chúng ta sẽ hiểu
ai cũng như ta, và ta cũng như ai. Chẳng phân biệt. Và chúng ta học yêu thương
những người khác cũng như tất cả sự sống quanh ta như thế.
Chánh tà, tốt xấu… chẳng qua
là thành kiến của người ta nhồi cho chúng ta mà thôi. Có cái tốt và cái xấu,
nhưng luận giải điều đó phải xuất phát từ lòng yêu thương – cái gì tốt cho con người,
phục vụ con người, không làm hại con người thì là tốt. Cái gì làm hại con người
thì là xấu. Còn thành kiến, thiên lệch, yêu cái này ghét cái kia, còn có người
bị làm hại, ít nhất là trong tâm tưởng chúng ta, thì là xấu.
Mà trước hết, cái xấu đó làm hại
chính chúng ta đã.
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment