Không còn nghi ngờ gì nữa – xe
máy hay gọi chung là phương tiện cá nhân đang là nguyên nhân chính gây tắc đường
ở các đô thị lớn Việt Nam. Hệ lụy mà nó mang lại có lẽ không cần phải kể ra: thủ
phạm chính gây ô nhiễm môi trường và là phương tiện nguy hiểm nhất, có tỷ lệ
cao nhất trong số vụ tai nạn giao thông.
Có lần làm việc với cán bộ
phòng CSGT thành phố Hà Nội, tôi hỏi một câu ngoài lề: “Chắc vi phạm nhiều lắm
phải không?” – Anh cán bộ tham mưu trẻ trả lời: “Vâng, xe đông quá, vi phạm cực
nhiều và chúng em cũng chẳng xử lý nổi được.” Tăng dân số cơ học là quá trình tất
yếu của một đất nước, một nền kinh tế phát triển không đồng đều vùng miền và địa
phương, một khi không cưỡng lại được thì phải có phương pháp quản lý thích ứng
với nó.
Tuy nhiên, những giải pháp
giao thông tĩnh là mở rộng đường không phải là giải pháp lâu dài vì đất đai là
có hạn. “Vấn nạn” tắc đường đến hôm nay đã là khủng khiếp và cũng đến lúc phải
nghĩ đến việc phải hạn chế phương tiện cá nhân, điều không thể tránh khỏi.
Xin kể về cách làm của nước
láng giềng gần gũi: Trung Quốc. Thời tôi ở bên đó, là thời thành phố Nam Ninh bắt
đầu cấm xe máy – khoảng 15 năm về trước. Để chuẩn bị cho chuyện này, thành phố
đã có một lộ trình rõ ràng. Họ thông báo trước về thời điểm cấm xe máy khoảng 8
năm, để người dân từ từ bỏ xe cũ đang đi và không mua thêm xe mới. Thành phố
cũng ban hành một chính sách rõ ràng về việc hỗ trợ cho các chủ xe khi bỏ xe
máy của mình – bỏ càng xa lệnh cấm, càng được hỗ trợ nhiều; xe càng mới, hỗ trợ
càng cao. Các doanh nghiệp sản xuất xe máy cũng được hỗ trợ để chuyển sang các
mặt hàng khác, hoặc sản xuất các phương tiện khác thân thiện với môi trường,
như xe đạp… Một số xe máy bị cấm ngay lập tức – là những xe có tuổi đời trên 8
năm sẽ phải bỏ. Những xe chưa đủ 8 năm được đi tiếp, chỉ những xe vừa mới mua
trước thông báo một thời gian ngắn là được đi đến gần hết thời gian đó, sát lệnh
cấm mới phải bỏ. Với chính sách đó, ngay lập tức một phần lớn số xe máy bị “loại
khỏi vòng chiến” đã làm thành phố thông thoáng rất nhiều, tạo điều kiện cho
phát triển giao thông công cộng.
Điều này sẽ giải thích cho băn
khoăn, là cấm xe máy xong đi xe bus, có nhanh được hơn không. Thực tế ở Trung
Quốc đã cho thấy, một mũi tên có thể trúng nhiều đích – tức là cấm một phần lớn
xe máy cũ, thì lượng xe máy đã giảm đi rất nhiều; ngay lập tức xe bus có đường
đi và tốc độ di chuyển của xe bus cũng nhanh hơn rất nhiều.
Đồng thời, thành phố ngừng
đăng ký những xe máy mới mua, không cấm mua bán nhưng chỉ để mang về nông thôn
đi, hoặc những thành phố chưa bị cấm. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc
nhập khẩu xe máy sẽ phải tính toán để có một kế hoạch phù hợp mà chuyển đổi
sang mặt hàng khác.
Trong thời gian đó, thành phố
có những chính sách rất cụ thể và thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải
công cộng: bù giá vé, doanh nghiệp được hưởng tín dụng ưu đãi đầu tư xe. Thành
phố Nam Ninh cách đây 10 năm (2007) chưa có tàu điện ngầm, và mạng lưới xe bus
cũng chưa hoàn thiện, nhiều xe cũ và nhiều khu vực chưa được “phủ sóng xe bus,”
nhưng nếu có phải đi bộ cũng không đến nỗi xa, khoảng 2km là xa nhất. Cũng có
nhiều loại xe bus không có cửa kính kín để không phải chạy điều hòa, giảm chi
phí. Mọi hình thức quảng cáo trên xe được tận dụng, từ poster lớn dán trên thành
xe đến màn hình lắp bên trong… đều góp phần giảm giá vé.
Chứng kiến những điều đó, tôi
cũng ủng hộ việc cấm xe máy, trước mắt ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà
Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng cần phải có lộ trình hợp lý như Trung
Quốc họ đã làm chẳng hạn.
Về phía nhà nước
Để làm được việc đó, khi mà
chúng ta nghĩ đến ở thời điểm khá muộn thì cái giá phải trả cũng rất lớn, hơn của
nước láng giềng nhiều, nhưng không làm thì không được, vì sẽ không có chỗ mà đi
nữa.
Thứ nhất, để thực hiện được
đòi hỏi phải có một ngân sách lớn của chính quyền thành phố. Ở địa vị của tôi
không bàn được về việc này, nhưng cũng có thể nghĩ rằng, ngân sách cho giao
thông năm nào cũng có, nếu đã muốn làm thì không đến nỗi không cân đối được giữa
ưu tiên cái nào, giảm bớt cái nào. Thay vì mở rộng đường, nay giảm bớt việc đó,
vì đường cứ mở rộng đến đâu, phương tiện cá nhân sẽ tràn vào đến đó.
Thứ hai, thực hiện cấm xe máy
đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu khổng lồ từ tiền…
xăng. Bù lại, môi trường trong một thời gian ngắn trở nên trong sạch hơn rất
nhiều và lợi ích về lâu về dài không biết bao nhiêu mà kể. Môi trường trong sạch
hơn còn giúp thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch… cái phát triển đó mới là lâu bền.
Thứ ba, một khoản thu bị mất
đi nữa, là… tiền phạt từ những vi phạm pháp luật giao thông. Nói nghe rất buồn
cười, nhưng cách nhìn nhận vấn đề ở nước ta khá nghịch lý: thay vì coi tiền phạt
vi phạm như là một khoản “không nên có” để người dân tự giác tránh, thì ta coi là
một nguồn thu và vô hình trung, khuyến khích người dân vi phạm. Cứ luẩn quẩn
mãi như vậy thì xã hội không thể khá lên được. Cùng với lộ trình cấm xe, tương ứng
là một lộ trình giảm biên chế của ngành CSGT và thanh tra giao thông, vì sẽ
không cần một lượng lớn cán bộ như thế nữa, càng có điều kiện giảm gánh nặng
cho ngân sách nhà nước.
Về phía người dân thì sao?
Thứ nhất, người dân sẽ phải chịu
thiệt thòi về… chính cái xe vừa mới mua. Dần dần, người dân đã không coi xe máy
là một tài sản để giữ tiền nữa rồi, nghĩa là nó cũng chỉ là phương tiện.
Thứ hai, mỗi cá nhân phải từ bỏ
thói quen bấy lâu nay vẫn muốn một cuộc sống tiện lợi: đi xe máy là tạt ngang tạt
ngửa, nghé chỗ nọ, ngó chỗ kia… nay ít có điều kiện như vậy nữa. Làm được như vậy,
tưởng là thiệt thòi nhưng thực tế, ích lợi là quá lớn.
Chúng ta phải ý thức rõ được rằng,
việc bỏ phương tiện cá nhân thì cái được đầu tiên là một môi trường trong sạch,
tức là chúng ta “được” về sức khỏe. Thứ hai, chúng ta sẽ “được” về chất lượng
cuộc sống: giảm thời gian đi lại, chúng ta có thêm được thời gian làm việc, học
tập, nghỉ ngơi, giải trí.
Tôi đã chú ý từ lâu về chính
sách “đồng giá” của thương mại Trung Quốc, khi mà mua hàng trong siêu thị ở Bắc
Kinh, Thượng Hải giá hoàn toàn không khác so với siêu thị nơi “khỉ ho cò gáy”
như Bằng Tường, Đông Hưng, Hà Khẩu. Việt Nam cũng cần phải làm được như thế,
trong việc khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ, phát triển mạng lưới cửa hàng
tiện ích đến từng khu dân cư, đảm bảo chất lượng hàng hóa và giá cả thống nhất.
Người dân cũng dần dần mạnh dạn
bỏ đi được suy nghĩ, “trường này tốt, trường kia không tốt” để giảm dần nhu cầu
đưa trẻ con đi học đầu này thành phố, rồi lại tất bật chạy về đầu kia thành phố
để đi làm. Suy cho cùng cũng đều là các thành kiến của phụ huynh áp đặt vào suy
nghĩ của nhau thôi, chứ với trẻ con thì nhiều khi… không phải như thế. Giảm được
cái suy nghĩ đó đi, thì bản thân các thày cô trong ngành giáo dục cũng… bình
tĩnh trở lại. Khi mà “cầu” đỡ “hot” thì cung cũng không cần quá quan trọng nữa.
Còn nếu với những nhà “có điều kiện” thì cũng đã có xe bus trường đưa đón…
Chúng ta không cần quá xa xỉ
hay quá tiện lợi, mà cần một sự công bằng. Hãy nhìn sang Singapore, để sở hữu
và sử dụng một chiếc ô tô bên đó, đắt hơn Việt Nam ta nhiều lần – mà sao người
ta không phàn nàn là các khoản “nuôi” nó quá đắt. Đơn giản vì họ hành xử công bằng,
còn ta thì chưa được như vậy. Tất cả mối quan tâm của xã hội là dành cho cộng đồng,
ngay trong lĩnh vực giao thông công cộng, tạo ra một sự công bằng chung không
phân biệt. Khi mà giao thông công cộng tiện lợi như thế so sánh với chi phí quá
cao cho ô tô riêng, thì ngay cả ô tô riêng cũng không còn là lựa chọn ưu tiên của
người dân nữa.
Về phía các doanh nghiệp sản
xuất kinh doanh xe máy.
Tôi không tin là lãnh đạo các
doanh nghiệp này họ không lường trước được “việc gì đến phải đến” – có chăng là
họ không ngờ những ngày hạnh phúc của họ lại được kéo dài lâu đến thế, tận ngày
hôm nay, năm 2017 mà vẫn chưa chấm dứt. Cần mạnh dạn làm, vì hạnh phúc của hàng
triệu người. Vài người chủ, vài nghìn công nhân sẽ khó khăn, nhưng trước mắt vẫn
còn thị trường vùng sâu vùng xa để phục vụ trong vài năm tới, trước khi chuyển
đổi sang sản xuất cái khác kia mà.
Doanh nghiệp xe máy khó khăn,
nhưng các doanh nghiệp sản xuất… ô và giày đi bộ lại có cơ hội. Xã hội là như vậy,
nó công bằng với tất cả, không lấy đi tất cả những gì của bất kỳ ai bao giờ.
Khi lệnh cấm có hiệu lực,
chúng ta có thể tưởng tượng những núi xe khổng lồ mà nhà nước phải xử lý, tất cả
biến thành sắt vụn hết. Có thể hiểu, để đạt được kết quả đó, ai cũng phải “chấp
nhận đau thương” hi sinh đi một phần cái riêng của mình. Đã là muộn, nhưng chưa
phải là quá muộn cho một quyết định chắc chắn phải làm.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment