Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, April 14, 2017

Nắng chiều

Nhạc sỹ
Lê Trọng Nguyễn
Hà Nội những năm 1990. Rạp chiếu phim chết ngắc. Muốn xem phim chỉ đi thuê băng video. Phim mới chỉ có phim quay trộm, đang xem còn thấy có chú cầm túi bỏng đi ngang qua màn hình.

Thuê được băng Hi-Fi bản đẹp, tiếng “xít-te” (stereo) hệ NTSC, về xem bằng mấy cái đầu nội địa “bãi rác” Nhật Bản thật “phê.” Loa đập ầm ầm, xem xong nằm vật ra vừa vì nóng, vừa vì nhức đầu.

Một ngày thấy có một tựa phim “Nắng chiều” trên kệ, chưa xem chỉ nghe đã thấy lãng mạn thế. Người cho thuê thì thào, “Chú quên không cất đi, phim Sài Gòn trước năm 75 đấy…” “Cho cháu thuê!” “Thôi được, cháu quen thì chú đưa, giữ cẩn thận cho chú, nhớ trả sớm.”

Về nhà xem, hóa ra phim về mấy anh lính Việt Nam cộng hòa, cũng “quân với dân như cá với nước,” cứ y như thật. Nghệ sĩ Hùng Cường đóng vai chính.

Quan trọng là gặp lại một bài hát quá hay mà mình đã thích từ trước, bài “Nắng chiều.” Về sau mới được biết lai lịch của nó bởi internet và cũng được biết, nó chính là cảm hứng để đạo diễn làm bộ phim này.

Với mình, có lẽ chưa có một ca khúc nào lại lãng mạn đến thế, những hình ảnh nó mang lại vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài hát, mà như một cuốn phim, một bức tranh, một câu chuyện.

Lối kể chuyện của Lê Trọng Nguyễn dẫn từ con đò bến nước, đến mái tranh vương khói lam chiều, đến đôi vai gầy và ánh mắt long lanh của người con gái… Anh nhớ bước em, khi nắng vương thềm… những hình ảnh chẳng thể nào diễn tả được bằng phim ảnh, bằng hội họa nhưng lại được khắc họa tuyệt vời, hoàn hảo bằng trong một bài hát. Bây giờ mới biết bài “Nắng chiều” được sáng tác khi tác giả đi tản cư ở một vùng quê bên sông Thu Bồn, cái ao ước bấy lâu lại càng mãnh liệt: được đến sống ở một làng quê Quảng Nam, bên sông Thu Bồn, dù chỉ một ngày thôi. Mà nếu ai đó cho ở hẳn một tuần thì thật là yêu quá đi.

Rồi chiến tranh đưa đến sự chia lìa, tác giả lại vẽ cho những bức tranh khác, từ nương dâu úa đến nắng vương đồi. Nỗi buồn man mác cứ thế ăn sâu, ăn sâu mãi vào tâm khảm người nghe.

Sông Thu Bồn, bình dị như thế này đây
Chắc hẳn, chẳng cần phải là người đang yêu mà ai trong số chúng ta, những người đã từng đi qua ít nhất một cuộc tình, khi nghe ca khúc sẽ muốn nhìn thấy hình ảnh của mình, của người yêu hoặc chỉ là người tình trong mộng…

“Bạn biết tôi yêu bài hát nhất vào lúc nào không? Là lúc tôi còn trẻ, còn chưa biết gì về yêu cả, tôi thích bất cứ cô gái nào gầy gầy, mảnh dẻ, có cái nhìn dịu dàng, tôi tưởng tượng ra tóc em dài. Và tôi tưởng tượng ra, tôi sẽ yêu nhất cái thời điểm “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” – gợn buồn nhìn anh, em nói em mến anh!”

Thời học ở Trung Quốc, mình lại nghe bài này, do các bạn Trung Quốc nghe suốt, mà các bạn còn chẳng biết đó là bài hát của Việt Nam. Bây giờ mình thích nghe bài này do Kim Anh hát. Nhưng mỗi lần nghe phiên bản tiếng Trung, thì lại nhớ cả thời học ở Trung Quốc nữa.

Trong “cơn bão cấm đoán” có khi nó cũng bị cấm không chừng – mà nếu như thế thì thật là tiếc. Hi vọng là không, vì nó là nhạc còn… trước cả năm 1954 nữa kia.

Có lẽ với mình, “Nắng chiều” là bài hát Việt Nam lãng mạn nhất. Cũng không hiểu tại sao bài hát được viết theo điệu Rumba, vốn dĩ nó không được êm đềm cho lắm, mà lại lãng mạn đến vậy.

 Bài “Nắng chiều” do Kim Anh và Thái Doanh Doanh hát, 
có một đoạn hát tiếng Trung

Bài “Nắng chiều” tiếng Nhật 

 Bài “Nắng chiều” tiếng Trung Quốc, bản Karaoke


No comments:

Post a Comment