Tuần trước đại gia đình về quê
bên ngoại, tận nam Trung bộ. Ngồi ăn sáng trong nhà ăn khách sạn, mình có viết
một câu cảm thán: “Đi đâu cũng gặp người Bắc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.”
Có bác trên Facebook viết chắc
càng ra gần… Trung Quốc, thì tính cách người ta càng giống nhau. Om xòm, ầm ĩ…
Chuyện này chúng ta sẽ bàn sau, nhưng rõ ràng đến nay, sau hai mấy gần 30 năm
đi làm ăn, lang thang khắp nơi, gặp người ở khắp các vùng của Tổ Quốc, mình
cũng nhận ra rằng người Bắc từ khi đất nước giàu lên, họ giàu lên nhanh hơn người
Nam nhiều. Và cũng từ đó, quanh họ cũng có nhiều chuyện để nói.
Kỳ lạ nhỉ, mình “Bắc kỳ” 100%,
không nhẽ lại sinh ra phân biệt vùng miền với chính những người cùng nơi sinh
ra như vậy? Mình từ khi học đại học, ai cũng có thể chơi được miễn là thấy hợp
và ai cũng có thể không chơi, cũng chỉ vì không hợp, không thích nhau.
Điểm phân biệt vùng miền của
mình không phải là người ở đâu, mà thường e ngại, thậm chí “ghét từ xa” những
anh chàng ngông nghênh. Dạng những anh chàng này không nhiều, nhưng tập trung
vào Hải Phòng, Nam Định; thành ra hai tỉnh thành này dễ biến sang thành kiến rằng
người Phòng người Nam ngông nghênh. Sau mới thấy thật vớ vẩn, chẳng địa phương
nào có đặc quyền chuyện đó cả.
Nhưng ông bác họ trong Nam ra
chơi nói một câu mà mình nhớ mãi: “người Bắc dữ thật.” Điều này quá đúng, và
mình cứ ngẫm mãi, tại sao lại hình thành nét nhân cách khác hẳn như vậy?
Mọi người cứ thử tưởng tượng mấy
chục năm sống trong một xã hội “ra ngõ gặp anh hùng,” người ta tuyên truyền và ủng
hộ cho lối sống, nếp nghĩ, cách hành xử bạo lực chứ không phải đến nay mới có.
Nó cũng xuất phát từ quan điểm đấu tranh giai cấp, thậm chí chuyên chính, nếu cần
thì xử lý ngay không cần xét xử - nghĩa là chẳng coi pháp luật ra cái gì.
Gia đình mình cả hai bên đều
sinh sống ở Hà Nội cũ từ đầu thế kỷ 20, nghĩa là đến nay cũng đã là hơn 100
năm. Cả hai bên đều rất sốc khi năm 1954, một sự thay đổi lớn nó đến, đặc biệt
trong tâm trí con người phải là “long trời lở đất.” Rất nhiều người Hà Nội thời
đó ra đi, và cũng có rất nhiều người Hà Nội mới kéo đến. Mọi thứ thay đổi, từ lời
ăn tiếng nói, đến cách hành xử với nhau.
Bố mình kể một chuyện, rằng từ
phong trào “Bình dân học vụ” người dạy có khi bé tuổi hơn người học, và người
ta còn cho rằng gọi “thày” xưng “con” quá phong kiến, nên thay đổi gọi “thày”
xưng “em” cho có vẻ bình đẳng hơn. Riêng cách xưng hô này trong nhà trường cùng
với nhiều tư tưởng khác, dần dần làm môi trường nhà trường không còn đường như
trước nữa, thày không còn ra thày mà trò cũng chẳng còn ra trò. Đó, sau vài chục
năm thì nay trò đã đánh thày ngay trên bục giảng rồi.
Mình đã từng kể chuyện ông nội
mình tát một anh chàng cán bộ vào nhà, mở lồng bàn xem gia đình ăn món gì, có
quá sang trọng xa xỉ, “tư sản bóc lột” không. Mọi người thử tưởng tượng xem với
một gia đình được giáo dục kỹ lưỡng từ lời ăn tiếng nói đến dáng đi như nhà
mình, mà gặp một hành vi kỳ lạ, thiếu văn hóa và giáo dục đến thế thì sốc đến cỡ
nào.
Quan điểm giai cấp được đặt
lên trên tất cả, trên cả các giá trị gia đình, thế mới có chuyện con đấu tố cha
mẹ, con dâu vu oan bị bố chồng cưỡng hiếp… Vết thương trong lòng xã hội đến nay
vẫn chưa lành.
Với hành trang đó, người miền
Bắc bước vào cuộc cải tổ, đổi mới, “bung ra” làm ăn. Lại mấy chục năm nữa qua
đi – nền kinh tế không sản xuất ra được một con ốc con vít và miền Bắc thì thiếu
đất, đất cát đắt đỏ, nhà cửa luôn là yếu tố được người Bắc vơ vét hàng đầu, quá
nhiều người giàu lên bằng con đường đó. Còn nhiều con đường khác nữa, buôn lậu
biên giới Trung Quốc hay khoáng sản thổ phỉ… Những con đường làm giàu phi chính
tắc và nhanh chóng, trong khi chân vẫn chới với không đạp lên được một cái nền
giáo dục và văn hóa, làm cho hành động của con người ngày một xấu đi.
Và xuất thân nơi nào thiếu thốn
văn hóa, giáo dục, các giá trị đạo đức nền tảng, thì con người nơi đó hành vi xấu,
vậy thôi.
Mấy chục năm ở miền Bắc XHCN,
thương nghiệp XHCN kiểu độc quyền, người Bắc không quen buôn bán chính tắc, mà
quen luồn lọt, đút lót và cũng quen hơn với cửa quyền hống hách. Bây giờ chơi
khắp miền, tất cả là anh em thì mình cũng thấy có những phàn nàn cả người Nam
bây giờ cũng có người như vậy.
Rõ ràng vùng miền địa phương
không còn là nguồn gốc nữa rồi, đã là một môi trường xã hội chung cho tất cả.
Mấy chục năm ông ngoại mình
trách bà ngoại là tiếc cái nhà to mới xây giữa Hà Nội, đã xuống Hải Phòng mua
vé lên tàu thủy đi Nam rồi, mà còn về giữ nhà để bao hệ lụy đến với gia đình.
Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, chắc chỉ có thêm một gia đình “Bắc 54” nữa mà không
có mình, vì bố mẹ mình chưa chắc đã có cơ hội gặp nhau. Tất cả đều là nhân
duyên, nghiệp báo hết…
Nhưng nhiều khi mình cũng
nghĩ, nếu mình vào Nam sinh sống, liệu mình có tự bỏ đi cái giọng nói của mình
bây giờ không? Chẳng hiểu sao khi nghe giọng của những người Bắc mới vào Nam được
vài năm đã bắt đầu pha lơ lớ, lơ lớ… mình thấy thế nào, sao sao ấy.
Hôm trước nghe một giọng Bắc cũng
lơ lớ như thế, xa xả chửi một anh công an ngoài đường, mà chỉ vì anh ta gõ cửa
xe nhắc mình đi đúng, chẳng hiểu sao thấy đau lòng thế. Đọc trên tường một bạn
Facebook câu bình luận của ai đó “bọn đàng ngoài” như cứa vào tim.
No comments:
Post a Comment