“Истребители” Là bộ phim truyền
hình gồm hai phần, phần 1 năm 2013 và phần 2 năm 2015. Phần đầu lấy bối cảnh mặt
trận Xô - Đức sau chiến thắng Stalingrad và chuẩn bị bước vào trận đánh vòng
cung Kursk. Phần sau là thời điểm Hồng quân tiến sang đất Ba Lan.
Xoay quanh cuộc sống chiến đấu
của những người phi công tiêm kích của một trung đoàn “đóng đô” sát mặt
trận, đặc biệt là đơn vị có cả những nữ phi công, bộ phim đã xây dựng một cái
nhìn khác với thời Xô-viết trước đây. Chúng ta cần biết, tuổi thọ trung bình của
phi công chiến đấu Xô-viết ở mặt trận là 40 ngày, nên họ cũng có nhu cầu yêu
đương, thậm chí có thể nói là “sống gấp” trong sự cấm đoán của các sĩ
quan chính trị và sĩ quan Bộ dân ủy nội vụ (NKVD) được cử vào các đơn vị chiến
đấu.
Nhân vật chính được xây dựng
xuyên suốt cả 2 phần là thiếu tá Ilya Bestuzhev (Дмитрий Дюжев - Dmitriy
Dyuzhev, 1978) cựu chiến binh tham gia nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) một cựu
bá tước, thừa hưởng tước vị quý tộc từ thời Sa hoàng của gia đình và là nạn
nhân của sự đàn áp thời Stalin. Khi tới trung đoàn anh bị tước quân hàm, toàn bộ
huân chương và bay chiến đấu với cấp bậc thượng sỹ. Phần hai anh được phục hồi
và trở thành trung đoàn trưởng một đơn vị mới được thành lập sau khi trung đoàn
cũ bị xóa sổ. Vừa chiến đấu với Đức, họ vừa phải chống cự với những nhân viên nội
vụ NKVD soi mói, hành hạ.
Như trên đã nói, bộ phim đã
đưa ra những cái nhìn mới về cuộc chiến tranh, như cách đối xử của quân Đức khi
bắt được binh lính Xô-viết làm tù binh, rất văn minh và khá nhân đạo: họ cho
lính Xô-viết thời hạn 7 ngày được sinh hoạt bình thường như lính Đức, nếu đồng
ý giúp đỡ quân Đức sẽ được chính thức vào đơn vị tù binh nhưng các điều kiện ăn
uống không khác lính Đức, thậm chí có cả tiền lương. Đây là điều không thể chấp
nhận được từ cái nhìn thời Xô-viết, những thông tin kiểu như vậy bị coi là
tuyên truyền cho Phát-xít.
Đặc biệt bộ phim không nhắc một
lần nào đến yếu tố cộng sản, duy nhất chỉ một lần phi công Leonid “Bordeaux” đề
nghị Bestuzhev giúp được... rửa tội, Bestuzhev nói đây là việc khó vì Leonid là
Đảng viên, Anh hùng Liên Xô. Đây là điểm rất đáng chú ý: trong suốt bộ phim, kể
cả một số sĩ quan cao cấp (chắc chắn là Đảng viên cộng sản) vẫn thường xuyên
làm dấu thánh chúc phúc cho người khác và cả cho mình. Điều này cho thấy nước
Nga sau 70 năm Xô-viết, suýt nữa đánh mất đi Đức tin của mình, nay được phục hồi
mạnh mẽ.
Một đất nước có thể bị đánh bại,
nhưng không thể tiêu diệt được toàn bộ nhân dân của nó, đặc biệt là khi không
thể tiêu diệt được Đức tin của dân chúng.
No comments:
Post a Comment