Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, July 15, 2017

Nhi Bá đi học võ

Thế là đúng như đã hẹn, ba của bạn Nhi Bá tìm được cho bạn ấy một thày để học Thái Cực Quyền. Trước mắt là học trong thời gian nghỉ hè, cứ buổi chiều là hai ba con chở nhau đi tập, còn vào năm học sẽ từ từ tính để xem quỹ thời gian của Nhi Bá như thế nào đã…

Hai ba con tập với mục đích khác nhau – là do thày tự đặt ra: ba thì tập theo kiểu dưỡng sinh, y như các cụ già vẫn tập ngoài công viên. Còn con, thày có hướng dẫn thêm về mục đích, công dụng của các động tác Thái Cực quyền, đâu là thế đỡ, đâu là tránh đòn, đâu là dùng lực đối phương để đánh đòn của mình…

Rất bất ngờ là Nhi Bá tập rất kiên trì, mặc dù nhiều hôm đi bơi về rất mệt nhưng vẫn quyết đi tập, chứ không bỏ buổi nào. Ba của bạn ấy nắm rõ điều đó vì thấy hôm nào trời mưa không tập được mặt mũi Nhi Bá phởn phơ hẳn lên, hì hì hì…

Hai bác cháu, hai thày trò cứ rủ rỉ rù rì nói chuyện với nhau suốt về các đòn thế của Thái Cực. Có lần nghe lỏm thấy bác nói với cháu một điều rất hay:

“Bác cháu mình tập võ không phải để đánh đấm, vì thực ra đánh đấm được ai đâu, đánh được người này thì có người khác đánh mình. Cháu tập là để quen với môi trường đối kháng, dần dần sẽ có cảm giác đã những chỗ nào, những người nào có nhiều sát khí để mà tránh đi từ đầu.”

Đó cũng là những bài học mà ba Nhi Bá phải dạy cho hai bạn. “Sau này các con phải biết, đi chơi với bạn gái, bạn trai… nên tránh luôn từ đầu những chỗ vắng vẻ, tối tắm… đó thường là chỗ những người hay làm việc xấu lui tới. Con đi cùng bạn gái, gặp mấy tay du thủ du thực làm sao bảo vệ được cả mình lẫn bạn. Con đi cùng bạn trai, đồng ý để bạn đưa đi những chỗ vắng vẻ, thân gái khó tự bảo vệ trước những chuyện không hay, kể cả việc bị tấn công…”

Mấy hôm nay Nhi Bá cũng lên mạng và quan tâm đến mấy võ sư thách đấu nhau, tỉ thí với nhau thế nào đó, và cũng hỏi đôi câu…

“Thật ra mọi câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu nó chỉ diễn ra trong vòng bí mật – nhưng thời của mạng xã hội làm cho nhiều thứ trở nên thay đổi ghê gớm. Có bao giờ một tay “đánh bả gà” như mình đây còn “bị” chúc mừng nhân… Ngày báo chí y như một nhà báo vậy, chà chà, gớm mình thì nhà báo cái gì chứ, chỉ “chém gió” thôi mà. Cũng như vậy, phải thừa nhận nhờ có mạng xã hội mà nhiều người được nhiều người khác biết đến. Cái gì cũng có hai mặt của nó, tiền của nhiều thì họa cũng nhiều. Và điều này, tiếc thay cũng đúng với danh tiếng. Danh tiếng càng to thì thị phi cũng càng lắm, đó là điều không tránh được.

Chúng ta có thể nói rằng cây ngay thì sợ gì chết đứng, ai nói gì thì nói kệ người ta – điều này đúng, rất đúng. Nhưng nếu chúng ta một cách dù cố tình hay vô ý hoặc chạy theo, hoặc để bị cuốn theo cái danh tiếng ấy, thì chẳng phải cũng sẽ bình an hơn hay sao?”

Ba con nhà Nhi Bá đều ngại va chạm, nên thích chơi những môn thể thao không đối kháng, như hiện nay mấy ba con vẫn tập bơi đều, vẫn học thêm các kỹ thuật mới với tư cách là chơi một môn thể thao nghiêm túc.

“Nếu con để ý, ngay từ những ngày đầu tiên hướng dẫn con bơi, ba đã cho con bơi những quãng dài luôn, như bơi hết cả một lượt bể tiêu chuẩn 50 mét. Ba thường động viên, thúc giục con bơi đến đích, và mặc dù rất mệt con bao giờ cũng làm được. Bây giờ đến lượt em gái Bá Ba Nhi Bôn của con cũng vậy, em rất cố gắng nỗ lực để bơi về đích. Đã bắt đầu một chuyện, là phải kết thúc được, đã đi là phải cố gắng mà đến được đích. Bơi do đó là một môn dù không đối kháng, nhưng nó thực ra là đối kháng rất mạnh – mà đối thủ là chính bản thân mình. Ngoài khắc phục được cái mệt của cơ thể, tức là huy động sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác thì còn phải học bình tĩnh, tính toán khoa học, để tiết kiệm sức, nếu không thì có thể bị đuối nước ngay khi biết bơi rồi. Ba nghĩ rằng thời gian tập bơi của con đã có kết quả về tinh thần, bằng chứng là bây giờ nhiều hôm rất mệt, muốn nghỉ nhưng con vẫn quyết đi tập Thái Cực quyền, đó là một nỗ lực đáng khen ngợi.”

“Thế tập võ mà không thách đấu, không đấu với ai thì sao hả ba?” Nhi Bá vẫn quan tâm đến “tỉ thí,” thắc mắc.

“Chuyện thách đấu hay không chẳng quan trọng. Như ba nói, quan trọng là chiến thắng bản thân mình, chứ không phải là chiến thắng người khác. Đánh được người này, lại có người khác đánh được mình. Đánh được lúc này, lúc khác người ta lại đánh được mình. Cuộc sống là như vậy, là một dòng chảy vô tận và không có gì tồn tại mãi mãi. Cơ thể chúng ta phải già, ốm rồi chết, tất cả những điều đó là bình thường.”

“Vậy thì có thể thắng hoặc thua chứ ạ? Nếu thua thì sao?”

“Thua cũng là bình thường, ba lại nhắc lại thắng thua không quan trọng. Tuy nhiên một câu chuyện sẽ thế này, nếu nó được đặt vào hoàn cảnh này, và sẽ thế khác nếu nó được đặt vào hoàn cảnh khác. Ba con mình vô danh, chẳng ai biết là ai, thì có thỉ thí với nhau vài trận, thắng thua cười xòa cái là hết. Nhưng với người đã có chút danh, thì chuyện thắng thua bảo là không quan trọng, nhưng hóa ra không đơn giản thế. Người đời thì thích thị phi, cứ xông vào mà đàm mà tiếu, làm cho câu chuyện không kết thúc được. Nếu câu chuyện diễn ra trong vòng bí mật, thì nó sẽ dễ trôi qua, và chuyện thắng thua của trận tỉ thí, sẽ là đúng nghĩa với việc giao lưu học hỏi. Nhưng một khi đã trót trèo lên cái lưng của con hổ danh tiếng rồi, thì phải biết cách trèo xuống an toàn. Vậy thôi.”

***

Cái gì cũng có hai mặt của nó – ngay cả việc muốn đối mặt, nhìn thẳng vào cái tôi của mình và tìm cách chế ngự nó. Khi chúng ta muốn sống nhu hòa, hạ cái tôi của mình xuống, chúng ta phải chấp nhận việc mình bị chìm đi, lẫn vào vạn vật xung quanh và ít người biết đến. Ngược lại đã “được” nhiều người biết đến, cũng có nghĩa là việc phải đối mặt với khả năng “được ca ngợi” và “bị chỉ trích,” đều dễ xảy ra như nhau.

Nhưng dù là thế nào, cách sống và cư xử nhu hòa vẫn là quan trọng, vì những bậc Đại sư danh tiếng lẫy lừng, nhưng họ vẫn sống được với cái danh tiếng đó mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thị phi của người đời. Cái tôi là hư ảo, cái danh lại càng hư ảo. Võ nghệ nay không võ nghệ, quan trọng của cuộc sống làm thế nào tâm được an lạc, thư thái, thanh thản… Nếu đã có an lạc trong tâm hồn, thì dù có phải gặp đối thủ nào ta cũng coi là bạn được để mà học hỏi.

Và cái “thằng” hiện nay đang khó trị nhất là “thằng” dư luận thị phi. Biến nó thành kẻ thù là do ta, thua nó là do ta mà thắng được nó, cũng là do ta hết…

Cái triết lý “sống phải để lại ở đời chút danh” cũng đã hại chúng ta rất nhiều, chẳng kém gì lẽ sống chạy theo vật chất kim tiền.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment