Cứ đủ 18 tuổi, rất nhiều người
thanh niên trẻ măng từ khắp mọi miền của Tổ Quốc, lại bước chân vào quân ngũ. Họ
sẽ có một năm rưỡi phục vụ trong quân đội, được huấn luyện để sẵn sàng là những
người đầu tiên cầm súng bảo vệ đất nước khi có giặc.
Bao thế hệ trẻ con trên khắp
thế giới đều say mê những anh lính trẻ, mặc dù họ khác nhau: cao thấp, béo gầy…
đủ cả, nhưng một khi đã khoác lên mình bộ quân phục, đeo lên vai những chiếc
quân hàm và quân hiệu trên mũ, đó là biểu tượng của Tổ Quốc – thì họ là những
người đáng trân trọng. Đó, những người lính trẻ, là những người sẽ bảo vệ sự sống
cho chúng ta khi đất nước lâm nguy, và chỉ mãi sau này, khi đã nguy ngập lắm
thì may ra mới đến lượt chúng ta lại lên đường.
Tất cả những người lính như thế
đều mang cùng một vẻ đẹp khó có thể nói được tại sao, chắc là do tất cả các yếu
tố cộng lại: tác phong mạnh mẽ, dứt khoát; thái độ hồn hậu và thân thiện nhưng
đầy sức mạnh và cuối cùng, là vẻ đẹp của tuổi trẻ, cái vẻ đẹp mà ai đi qua rồi
cũng đã từng có. Đến khi có tuổi, chúng ta nhìn lại đám thanh niên, thấy mình
trong đó, và chúng ta yêu họ.
Mình cũng gặp nhiều người lính
từ vài nước khác nhau như thế, nhưng tất cả họ đều đem lại cho mình cùng một cảm
giác như nhau, là sự thân thiện, gần gũi, đáng tin cậy, chân thành và dũng cảm.
Quân đội, đúng như điều người ta mong muốn ở nó, là chỗ dựa vững chắc của quốc
gia và từng người lính trong đó cũng sẽ phải như vậy.
Trong chuyến bay từ Bangkok
sang Paris, mình gặp một anh chàng người Pháp mới rời quân ngũ, vừa làm một
chuyến du lịch và quyết định quay về nước học đại học. Tác phong người lính vẫn
còn nguyên trong anh bạn trẻ, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai anh ta gặp và cởi mở bắt
chuyện với một người nước ngoài lạ mặt. Pháp là nước thi hành chế độ nghĩa vụ
quân sự không bắt buộc, như anh bạn trẻ này là người tình nguyện vào quân ngũ.
Anh bạn kể quân đội đã rèn luyện anh như thế nào, về những khó khăn và những
cái mà anh đã có được sau trường học đó…
Lần khác, mình gặp 2 người
lính người bang Punjab của Ấn Độ. Rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên gặp một người
Đông Á là mình ở thành phố bé tí họ đang đóng quân, họ vui vẻ nhận lời mời ngồi
cùng uống với nhau mấy chai Coca Cola bên bãi biển, nơi họ đang “tiêu” mấy giờ
phép ngoài doanh trại. Được chụp cho mấy tấm ảnh kỷ niệm, họ vui như hai đứa trẻ.
Ở biên giới giữa Việt Nam và
Trung Quốc, là nơi lực lượng “Bộ đội cảnh sát” Trung Quốc (như công an vũ trang
của ta trước đây) làm nhiệm vụ. Có hồi, mình qua lại biên giới nhiều đến mức mà
mấy cậu thanh niên trẻ măng làm nhiệm vụ gác barie ở cửa khẩu còn quen mặt, và
lần nào cũng mỉm cười thân thiện. Có lần mấy cái vali quá nặng và nhiều, làm
mình vất vả thì mấy cậu không phải gác, còn chạy ra giúp đỡ, kéo hộ ra tận bãi
xe ô tô khách… Còn khi đứng gác, họ nghiêm như tượng, bất cứ khách nước ngoài
nào đi qua, họ cũng giơ tay chào. Việc nhận ra khách nước ngoài (Việt Nam là
chính!) không khó, vì người Trung Quốc thì vốn ồn ào, nhìn là nhận ra ngay. Có
lần nói chuyện với một người sĩ quan của lực lượng họ, trong cuộc gặp mặt tại
thành phố Nam Ninh, thì anh ta giải thích: “Người lính gác ở cửa khẩu là người
lính gác nơi tiền tiêu Tổ Quốc, trong thời bình, họ là người đầu tiên thể hiện
bộ mặt của đất nước. Do đó họ được rèn rất kỹ về tác phong. Khi họ đứng nghiêm,
giơ tay chào anh, không phải là cá nhân người lính đó chào anh, mà là Nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa chào đón anh lúc anh tới, và chào tạm biệt anh lúc anh
ra đi.”
Cũng cái chào của những người
lính – mình đã nhìn thấy năm người lính trẻ được nghỉ phép ra ngoài vào ngày Lễ
Chiến thắng 9/5 ở Mátxcơva. Họ đứng nghiêm chào một cựu chiến binh Chiến tranh
Vệ quốc rất già, lụ khụ và run rẩy. Họ đứng nghiêm chào, thấy mắt họ nước mắt
long lanh và sau khi chào xong, họ vây lấy cụ và nói liên tục câu “Cảm ơn, cảm
ơn…” Họ cảm ơn những người đã hi sinh xương máu bảo vệ Tổ Quốc, và nay chính họ
sẵn sàng tiếp bước để làm nhiệm vụ. Nhìn những giọt nước mắt, mình cũng muốn
khóc cùng họ, và hiểu chính những người biết khóc này, sẽ lại là những người
can đảm nhất khi cần.
Nhìn họ, chúng ta yêu họ. Và
cũng vì một phần, đã có một thời dù ngắn ngủi mình cũng từng là lính…
***
Ở bể bơi Học viện quân sự nơi
mình vẫn đưa hai bạn nhỏ Bôn Ba Nhi Bá và Bá Ba Nhi Bôn đến bơi, cũng có những
anh lính trẻ như thế. Họ từ những miền quê gần, xa; và đến đây họ cũng chỉ làm
nhiệm vụ gác cổng thôi. Ngày nào cũng vậy, hai bạn nhà mình đều vui vẻ chào hỏi:
“Em chào anh!” và các anh thì rõ là quý hai cái đứa hóm hỉnh, nhiều chuyện ấy.
“Nhi Bá, Nhi Bôn mấy hôm đi
đâu không thấy đến bơi, các anh nhớ quá!” Một anh nói, rất thật lòng.
“Bọn em đi nghỉ mát đấy…” và
câu chuyện tràng giang đại hải bắt đầu, kể từ cửa ra máy bay lúc đi đến cửa sân
bay lúc về…
Một ngày tự dưng cô bé Nhi Bôn
buồn xỉu đi, hỏi gì cũng không nói. Một lúc sau, Nhi Bá thì thào nói với ba:
“Em buồn đấy ba ạ.”
“Buồn chuyện gì con?”
“Em sợ không gặp anh Hưng nữa,
vì sắp hết hè, lại phải đi học rồi, không biết có được đi bơi nữa không.”
“Được đi bơi nữa chứ, hết giờ
học ba lại đón hai anh em ra đi bơi. Còn anh Hưng thì năm nay anh ấy mới đi bộ
đội, có nghĩa là hè sang năm, các con sẽ lại còn gặp anh ấy nữa, rồi sau đó anh
ấy mới xuất ngũ.” Mình trả lời cho cả hai anh em, sau khi hỏi cô bé Nhi Bôn về
lý do tại sao bé buồn. “Bây giờ ai cũng có điện thoại, Facebook cả. Ba sẽ lấy số
điện thoại của anh Hưng và hẹn, sau khi ra quân anh ấy tiện sẽ qua nhà mình
chơi với các con.”
Thế là hai bạn nhỏ yên tâm.
Hưng người Phú Thọ, là đàn ông
nên mình cũng không để ý lắm xem cậu ta có đẹp trai hay không nữa – nhưng đến
khi nhìn kỹ thì thấy rõ ràng cậu ta rất có duyên, ngoài hay chuyện, vui vẻ,
thích trẻ con, cậu ta hay cười để lộ cái răng khểnh. Lần nào gặp, cậu ta cũng
chào hỏi, rất lễ phép. Bọn trẻ con nhà mình, đặc biệt là cô bé Nhi Bôn rõ tinh,
nó chọn ra được cái anh dễ mến nhất để mà quý. Đó là cái mùa hè hết lớp Một, cô
bé lên 7 tuổi.
***
Hè năm nay, ba ba con lại chở
nhau ra bể bơi, nhưng không gặp Hưng. Mình gọi thử cho cậu ta, nhưng không được,
chắc là đã đổi số điện thoại. Hỏi thăm thì mới biết Hưng đã chuyển sang gác ở một
cổng khác của Học viện, và may quá đúng lúc đó là ca gác của Hưng.
Đi vòng đi vèo, mãi mới tìm thấy
cái cổng đó thì trời đã xẩm tối. Mình hỏi thăm hai anh lính trẻ khác, được một
trong hai chú chỉ: “Kia, Hưng nó gác ở cổng trong kia kìa chú. Để cháu gọi điện
cho Hưng ra nhé…”
Nhìn xa xa, thấy cái bóng anh
lính nói gì với một anh lính khác, chắc báo cáo cấp trên, rồi chạy rõ nhanh ra
cổng. Hưng reo lên, chào mình, rồi bắt tay hai bạn nhỏ, cả ba ríu rít như trẻ
con.
“Tháng sau anh lại gác ở chỗ cổng
bể bơi rồi, thế là anh em mình lại gặp nhau nhé!”
Bây giờ đến lượt hai bạn nhỏ
nhà mình reo lên. Và đúng là Hưng đã đổi số điện thoại thật...
… Sau khoảng một tuần, bạn Nhi
Bá lại léo nhéo hỏi ba: “Ba ơi, mình có ra chỗ anh Hưng gác nữa không hả ba?”
“Không con ạ, vì anh còn phải
làm nhiệm vụ chứ, mình không nên quấy rầy anh ấy. Tháng sau anh ấy ra gác cổng
đằng này thì tha hồ mà gặp.”
“Ba nói cho hai con nghe luôn
nhé, sau này mình có quý ai, thích ai chăng nữa, thì cũng nên giữ một khoảng
cách, không nên quấy rầy người ta nhiều quá, người ta sẽ ngại, và mãi thì người
ta chán mình.” Mình nói với cả hai bạn.
Ai chẳng cần có một thế giới
riêng, một không gian riêng cho bản thân – ngay cả người thân yêu nhất, “người
bạn đời” cũng nên được giành một khoảng riêng đó để sống với chính mình. Biết
tôn trọng điều đó, không những người ta không xa mình, mà còn thấy gần gũi và
thương yêu mình hơn.
“Ba bảo Nhi Bá này, đặc biệt
là các quân nhân, họ còn có điều gì mà không phải lúc nào cũng có thể làm được
những gì mong muốn cho bản thân và gia đình nhỉ?”
“Dạ, nhiệm vụ ba ạ.” Nhi Bá đã nắm được mạch câu chuyện, trả lời
ngay.
“Đúng rồi, các quân nhân có
nhiệm vụ nhiều khi khẩn cấp, bất kể ngày đêm. Do đó nhiều khi chính những điều
họ mong muốn làm cho bản thân và gia đình, cũng không thực hiện được. Đó là sự
hi sinh. Xã hội cần họ, đó là những người trong quân đội, làm cảnh sát bảo vệ
trị an cho mọi người, những người lính chữa cháy, các bác sỹ trực cấp cứu… Và một
khi đã là thành viên gia đình của họ, chúng ta cũng phải hiểu sự hi sinh đó, đồng
thời cũng biết cách chấp nhận thiệt thòi của bản thân như một sự hi sinh.”
***
Con gái ạ, bây giờ con còn bé
xíu, nhưng chắc chắn đã bắt đầu có cảm tình với bạn này, bạn khác, người này,
người khác… Trong số đó những anh lính trẻ và đẹp, chắc chắn sẽ thu hút được
các con, như các anh ấy chiếm được cảm tình của bao người khác, trong đó có cả
ba của con nữa.
Để con vui, ba sẵn sàng chở
con đi mò mẫm và tìm gặp bằng được anh lính con quý ấy, cũng như sau này nếu
con có thích ai, thì cứ nói, ba cũng sẽ không từ chối giúp đỡ con đâu… Là ba mẹ,
ai cũng chỉ mong con mình hạnh phúc, và sẵn sàng làm tất cả vì điều đó.
No comments:
Post a Comment