Câu chuyện “Chủ trang web dạy
làm giàu” chuẩn bị ra tòa kéo theo một loạt nạn nhân cùng nhiều hệ lụy đi kèm.
“Coi như đã có hơn 2.500 người đã “đầu tư” tức là bị lừa gần 3.000 tỷ đồng,” chỉ
bởi một “chuyên gia dạy làm giàu,” chắc cũng chung một khát vọng đổi đời thật
nhanh chóng. Đúng vậy, nhắc đến những từ “giàu” và “làm giàu” trong thời kỳ
này, không thể không nhắc đến từ “khát vọng.”
Người chuẩn bị bước chân ra
tòa kia, điều đầu tiên anh ta lôi kéo được người người theo mình, là từ vị thế
của một người “dạy làm giàu” – như hàng loạt buổi thuyết trình và cả trang web
“dạy làm giàu” nữa. Thu hút được như thế, thì những người bị dẫn dắt, nếu không
phải là có “khát vọng” thì chẳng phải là cái gì khác.
Hơn ba mươi năm đất nước đổi mới,
chuyển mình từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, sang kinh tế thị trường, sức
sản xuất được giải phóng, cũng như xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ để hàng
hóa được lưu thông tự do hơn, đã làm thay đổi bộ mặt đất nước đến mức “kỳ diệu.”
Có một chuyên gia kinh tế cũng đã từng định “phân kỳ” các giai đoạn suốt quá
trình đổi mới của đất nước đến nay, ông nói giai đoạn đầu còn manh nha, tính quốc
tế hóa trong một thế giới chưa phẳng lắm chưa cao, các nguồn lực còn chưa được
huy động… nên tốc độ làm giàu của người Việt chậm hơn. Tuy nhiên ở giai đoạn
sau ngoài các yếu tố trên được cải thiện, thì lợi dụng kẽ hở của luật pháp chưa
hoàn chỉnh, hoặc chưa được thi hành nghiêm, cũng như tình trạng “buôn chính
sách” và sau này còn là “nhóm lợi ích,” càng ngày tốc độ làm giàu của người Việt
Nam càng tăng lên đến mức chóng mặt. Và tốc độ đó, đương nhiên nằm ngoài mọi
quy luật kinh tế mà thế giới cũng đã từng nghiên cứu.
Tốc độ làm giàu nhanh như thế
không chỉ làm mê chính những người đang cưỡi trên chiếc “xe đua kiếm tiền” mà cả
những khán giả xung quanh cũng trở nên mê không kém. Tất cả các chuẩn mực được
xây dựng lại mới, phù hợp với “tình hình thực tiễn” – khi mà cả việc bùng nổ
truyền thông cũng góp phần xây dựng những hình ảnh mới đẹp đẽ của giới doanh
nhân và lấy sự thành công về tài chính (nói thẳng ra là số tiền anh ta có được)
làm thước đo. “Chuẩn mực gốc” bằng số tiền đó nó lấn át tất cả những chuẩn mực
khác, như cách anh đối xử với những người xung quanh, với xã hội và gia đình ra
sao; hay anh có thực sự hạnh phúc hay không… Người ta không cần đánh giá những
tiêu chí đó, coi đó là những điều đương nhiên có không cần phải để ý.
Nhưng thực tế không phải như vậy.
Có một người bạn của tôi làm
trong ngành xuất bản sách, nhận xét rằng “những cuốn sách dạy nhân văn, làm người
thì trầy trật may ra bán được một, hai nghìn bản, trong khi sách dạy làm giàu
thì bán chạy như tôm tươi.” Nếu chúng ta vào nhà sách sẽ thấy cơ man đầu sách
“dạy làm giàu,” mà như giới chuyên môn về xuất bản nhận xét, nếu như vài đầu
sách trong số chúng có ế, chẳng qua là do chất lượng xuất bản quá tệ mà thôi,
chứ loại sách đó là không ế đâu… Và cũng chính vì dòng sách này “hút hàng” như
thế nên lại xuất hiện rất nhiều sách kém chất lượng, đặc biệt ở khâu dịch thuật.
Tôi cứ nhớ chuyện những bạn
thanh niên đọc nghiến ngấu và biến thành “sách gối đầu giường” cuốn kể về cuộc
đời của một người đã đi vào lịch sử cùng một loại điện thoại di động thời thượng.
Ngoài những yếu tố như sức sáng tạo, khả năng tiên đoán cũng như dám nghĩ, dám
làm, dám đi tiên phong… thì yếu tố thành công về tài chính trong câu chuyện “gối
đầu giường” biến thành thần tượng này, hoàn toàn không nhỏ.
Tại sao tôi lại đi từ khía cạnh
“tốc độ làm giàu” sang “mê học làm giàu?” Vì cả hai khía cạnh này có một mẫu số
chung mà trên đây tôi đã đề cập, “khát vọng làm giàu.” Thực ra điều này không xấu,
thậm chí là tốt, vì tôi dám chắc chẳng có ai mơ làm giàu để có nhiều tiền đi sản
xuất… bom hạt nhân cả; ngược lại thì chỉ có những toan tính sử dụng những
phương pháp làm giàu rất phi tiêu chuẩn, hay phi pháp và tâm niệm rằng “khi nào
có nhiều tiền rồi mình sẽ tốt.”
Chính vì thế nên chúng ta mới
bị lừa – một khoản đầu tư với lợi nhuận rất lớn trong một thời gian ngắn, chính
là “phi tiêu chuẩn” nhưng chúng ta hoàn toàn không nhận ra, mà lao vào như
thiêu thân. Chúng ta đang cho rằng “không làm điều gì xấu” nhưng thực ra, đã cố
kiếm tiền bằng cách “phi tiêu chuẩn” như vậy đã là một điều không tốt rồi, mà
như thế đương nhiên xác suất rủi ro chẳng cao hơn; thậm chí có người nói, với
cái “mồi” thơm như thế thì chắc chắn là lừa đảo chứ làm gì có làm ăn chân
chính!
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề
cũng đã được mổ xẻ nhiều, như cái “tham” của con người ai cũng có, và người
không biết chế ngự nó, sẽ có ngày bị nó hại (“Tham thì thâm.”) Hoặc cũng có giải
thích rằng chúng ta mở cửa để mọi thành phần kinh tế làm giàu quá nhanh, trong
khi khía cạnh đạo đức xã hội suy đồi, đặc biệt là khía cạnh đạo đức kinh doanh
hoàn toàn không có…
Trong tất cả những ý kiến về vấn
đề này, tôi thấy có nhận xét của một người bạn nước ngoài rất thấm thía – sau
hai mươi năm làm việc ở Việt Nam, anh thấy rằng “người Việt Nam ngày càng lười
hơn.” Người lao động trực tiếp, người quản lý, thậm chí cả ông chủ… tất cả đều
“lười theo cách riêng của mình.” Ngại việc, lười học hỏi, nghiên cứu, và cả lười
vận động, lao động chân tay… Như Ăng-ghen đã nhận ra, con người tiến hóa và trưởng
thành nhờ lao động. Trong trường hợp này, người Việt Nam nếu càng ngày càng lười
hơn, xa rời lao động hơn, cũng đồng nghĩa với càng ngày sẽ càng thoái hóa.
Tôi thấy anh bạn nước ngoài có
lý – ham làm giàu nhanh chóng là mục đích bất chấp mọi phương tiện, chính là biểu
hiện của sự lười lao động, xa rời lao động chân chính. Ngay ở thời bùng nổ mạng
xã hội bây giờ thôi, chúng ta có thể thấy được rất rất nhiều thành viên “cõi mạng”
mà một ngày “sản xuất” ra được dăm bảy, mười mấy cái “status,” mà để có được
“năng suất lao động” lớn như thế, ngoài quỹ thời gian thì anh ta phải bỏ một lượng
chất xám không nhỏ. Lười lao động chân chính, nhiều công dân cộng đồng mạng đã
hướng sức lao động và chất xám của mình sang những việc vô bổ.
Quay lại với “chuyên gia dạy
làm giàu” – chúng ta thấy ở đây có một logic luẩn quẩn đáng chú ý: “Tại sao anh
ta phải đi lừa đảo bằng cách huy động tiền, trong khi chỉ cần đi dạy không
thôi, anh ta đã quá giàu, vì mỗi buổi giảng có thể thu được hàng trăm triệu đồng?”
Đơn giản thôi, đã dạy làm giàu là phải giàu, không thì nói chẳng ai nghe; ngược
lại giàu chỉ bằng giảng bài thôi chưa đủ, con quỷ “tham” nó còn lôi kéo “chuyên
gia” vào khát vọng làm giàu nhiều hơn nữa…
Các “chuyên gia” như thế này
bây giờ thì rất sẵn, tất nhiên hầu hết họ đều là các doanh nhân thành đạt cả,
ít nhất trên tiêu chí “số tiền có được.” Thậm chí có doanh nhân (có kèm theo
mác tiến sĩ) còn tìm cách giải thích con đường làm giàu theo tinh thần của Đạo
Phật theo kiểu “Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu?” Thực ra thì, Đức Phật dạy
trước hết con người phải có một công ăn việc làm tốt, lương thiện để nuôi sống
bản thân và gia đình; Ngài dạy cách lựa chọn công việc để không phương hại cho
xã hội, việc làm giàu, cống hiến cho xã hội được khuyến khích; đồng thời Ngài dạy
cho những người làm nghề buôn bán cách tránh các phương tiện làm giàu gây tổn
phước và làm hại xã hội. Đến thời của chúng ta, trong xã hội Việt Nam ở thế kỷ
21 thì thậm chí những lời Phật dạy còn bị làm cho méo mó đi mong biện hộ cho những
“khát vọng” đầy tham lam.
Câu chuyện “bị lừa” tương tự
trong thời gian gần đây, là vụ “kinh doanh đa cấp.” Câu cổ nhân nói cần phải được
nhắc lại nhiều lần, rằng “sẽ không thể bị lừa nếu anh là người lương thiện,”
làm gì có ai lừa và ai bị lừa ở đây, là cái tham nó làm hại chúng ta thôi. Nảy
sinh ra một “vấn đề của thời đại” là tôn sùng người giàu, và cứ giàu thì hễ
phát ngôn, là được tung hô, thán phục, ngưỡng mộ, đúng là “miêng kẻ sang có
gang có thép.” Tôi xin nhắc lại, làm giàu và người giàu, rất tốt – nhưng thái độ
tung hô như thánh sống, thì lại không tốt vì chính nó thể hiện lối sống coi trọng
kim tiền của chúng ta.
Đã đến lúc mỗi chúng ta phải
bình tĩnh, nhìn nhận lại tất cả các tiêu chuẩn của cuộc sống.
Bài trên An ninh Thế giới tại đây
No comments:
Post a Comment